Xác định việc bình chọn và công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu là hoạt động nhằm ghi nhận và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, tạo động lực cho các cơ sở công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh,…
Qua đó, cũng khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn không ngừng tìm tòi, sáng tạo để phát triển ngày càng nhiều sản phẩm có giá trị ứng dụng cao vào đời sống. Đồng thời, thông các hoạt động này các cơ sở CNNT có điều kiện nâng cao uy tín, thuận lợi trong quảng bá, tiếp thị sản phẩm, mở rộng thị trường, thúc đẩy CNNT tỉnh nhà phát triển, ngày càng có nhiều sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu của nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tham gia vào thị trường…
Công tác bình chọn Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh được tổ chức theo quy định 02 năm một lần. Đến 28/7/2023 các huyện, thành phố có tham gia bình chọn đã hoàn thành công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và gửi thủ tục, hồ sơ bình chọn lên Hội đồng bình chọn cấp tỉnh thông qua Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công Thương.
Qua bình chọn đã tổng hợp được 179 hồ sơ sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của 102 cơ sở công nghiệp nông thôn. Trong đó, có 72/179 sản phẩm tham gia lần đầu và sản phẩm mới. Các sản phẩm tham gia gồm 04 nhóm sản phẩm: Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ 24 sản phẩm; Nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm 140 sản phẩm. Nhóm sản phẩm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí 04 sản phẩm và nhóm các sản phẩm khác 11 sản phẩm.
Các sản phẩm có cùng tính năng, công dụng được sản suất cùng một loại nguyên liệu, vật liệu giống nhau được gom thành bộ sản phẩm, qua đó, Hội đồng đã chọn ra 77 sản phẩm và 46 bộ sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh lần thứ VII năm 2023.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh cho rằng, việc bình chọn và công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là hoạt động nhằm ghi nhận và tôn vinh sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Đây cũng là động lực cho các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn không ngừng tìm tòi, sáng tạo để phát triển sản phẩm có giá trị sử dụng cao.
Đồng thời, thông qua hoạt động này nhằm lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu nhất để tham gia bình chọn ở cấp cao hơn, quảng bá, tiếp thị sản phẩm, mở rộng thị trường, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.
Để sản phẩm CNNT tiêu biểu trong thời gian tới đạt chất lượng, hiệu quả hơn, ngành Công Thương Kiên Giang xác định, phối hợp chặt chẻ của các cơ quan chuyên môn, nhất là Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp với địa phương, thì các cấp, các cơ quan chuyên môn liên quan của cấp huyện cần quan tâm hơn nữa, có nhiều biện pháp trong việc động viên, khuyến khích, tạo điều kiện phát huy sự sáng tạo của những cá nhân, tổ chức để tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm công nghiệp ở nông thôn có chất lượng, hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, cũng như góp phần vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Trong quá trình sáng tạo, các cơ sở công nghiệp nông thôn cần chú trọng đến việc xây dựng, phát triển thương hiệu thông qua nâng cao hơn nữa sự đam mê sáng tạo, nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, cùng với uy tín của thương hiệu và việc tham gia quảng bá của các cơ quan chuyên môn sẽ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng thị trường, đưa sản phẩm công nghiệp từ nông thôn của Kiên Giang phát triển lên một tầm cao mới, góp phần thiết thực để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Để thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, thời gian qua, Kiên Giang hỗ trợ hàng chục cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị đưa thiết bị tiên tiến vào sản xuất; đầu tư phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm… với kinh phí lên đến hàng tỉ đồng. Chính hoạt động hỗ trợ này của tỉnh góp phần thúc đẩy hiệu quả cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.