Theo chia sẻ mới đây của ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG - sàn HNX), hiện tại lượng đơn hàng đã lấp kín công suất các nhà máy cho đến hết nửa đầu năm nay.
Đơn hàng của Dệt may TNG dồi dào trở lại trong bối cảnh nhiều đối tác lớn tại Mỹ của công ty như Columbia, The Children’s Place, Sportmaster, Costco… đã bán hết hàng tồn kho nên cần bổ sung hàng trở lại.
Đặc biệt, hãng Decathlon đang tăng cường đặt hàng nhằm phục vụ Thế vận hội Olympic Mùa Hè diễn ra trong tháng 6/2024 tại Pháp. Dệt may TNG hiện là nhà sản xuất lớn nhất cho ngành hàng quần áo dệt thoi trên toàn cầu của Decathlon, với doanh thu hàng năm đạt trên 100 triệu EUR.
Do đó, trong năm nay, Dệt may TNG dự kiến sẽ nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân, bắt đầu từ tháng 3/2024.
Bên cạnh đó, Dệt may TNG sẽ dịch chuyển hai nhà máy may Việt Đức và Việt Thái vào trong Khu công nghiệp Sơn Cẩm nhằm tăng tính liên kết với các nhà máy phụ trợ, qua đó cải thiện hiệu suất tổng thể.
“Hai khu vực hiện tại của nhà máy Việt Đức và Việt Thái sẽ được tận dùng làm nhà xưởng, nhà kho cho thuê, chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất công nghiệp sang đất ở do vị trí trung tâm của hai nhà máy trên ở TP.Thái Nguyên”, ban lãnh đạo Dệt may TNG cho biết thêm.
Với triển vọng đơn hàng hiện tại, nhiều tổ chức tài chính nhận định kết quả kinh doanh năm nay của Dệt may TNG có thể lập đỉnh kỷ lục mới. Trong năm 2023, bất chấp tình trạng thiếu hụt đơn hàng nghiêm trọng của toàn ngành dệt may, doanh thu của Dệt may TNG đã đạt mức cao nhất lịch sử 45 năm hoạt động, đạt 7.096 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 104% kế hoạch năm.
Ban lãnh đạo Dệt may TNG hiện đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm nay ở mức 13%.
Trong trung hạn, Dệt may TNG được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn nhờ việc chú trọng đáp ứng các yếu tố phát triển bền vững (ESG) trong ngành dệt may từ năm 2016 đến nay. ESG hiện đang dần trở thành một yếu tố tiên quyết trong lựa chọn đơn vị gia công của các nhãn hàng thời trang trên thế giới do hầu hết các nhãn hàng lớn như Adidas, Nike… đều đã và đang đặt ra những lộ trình, cam kết về ESG trong giai đoạn từ 3 đến 5 năm tới.
Trong quý 3/2023, Dệt may TNG đã vượt qua bài kiểm định của loạt nhãn hàng lớn như Walmart, H&M, và LIDL về chất lượng, công suất cũng như đáp ứng các yêu cầu về ESG. Qua đó, công ty có thể sẽ có thêm các đơn hàng mới về sản xuất các mặt hàng áo khoác, áo nỉ, áo bơi, quần legging,...
Tính đến thời điểm hiện tại, Dệt may TNG đã đáp ứng bộ 17 tiêu chí của Liên Hợp Quốc về ESG và là doanh nghiệp dệt may Việt Nam duy nhất hiện công bố thông tin ESG đầy đủ theo tiêu chuẩn GRI (Global Reporting Initiative).
Ban lãnh đạo Dệt may TNG cho biết, trong năm nay, công ty tiếp tục triển khai lộ trình 100% không phát thải cacbon và tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo, khi lên kế hoạch xây dựng lắp đặt hệ thống điện mặt trời gác mái và hệ thống BioMass với ước tính giá trị đầu tư vào khoảng 800 tỷ đồng. Nguồn tài trợ cho dự án trên sẽ đến từ các nguồn tín dụng xanh với lãi suất thấp, do vậy khoản vay này sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến kết quả kinh doanh của công ty.