Kinh tế số - xu hướng phát triển tại Việt Nam và hàm ý chính sách cho các tỉnh duyên hải Trung Bộ

PHẠM VIỆT BÌNH (Giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý - Trường Đại học Điện lực)

TÓM TẮT

Bài viết phân tích về kinh tế số, xu hướng đang được thúc đẩy phát triển tại Việt Nam và hàm ý chính sách cho các tỉnh duyên hải Trung Bộ, nơi có rất nhiều dư địa để ứng dụng các thành tựu này. Theo đó, nên có những chính sách và cách tiếp cận rõ ràng hơn để xây dựng các tỉnh duyên hải Trung Bộ trở thành một nền kinh tế hiện đại, đáp ứng với bối cảnh phát triển trong thời đại mới.

Từ khoá: kinh tế số, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành cấp tỉnh, các tỉnh duyên hải Trung Bộ.

1. Bối cảnh chung về phát triển kinh tế số trên thế giới

Các cường quốc trên thế giới đang có những bước chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế căn bản trước ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của kinh tế số. Cụ thể, Dương Hoàng Linh (2019) chỉ ra rằng giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010, kinh tế Mỹ đã tập trung chuyển dịch tỷ trọng ngành dịch vụ như ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin bên cạnh việc giảm hàm lượng các ngành công nghiệp như sản xuất chế tạo và khai mỏ. Giai đoạn sau đó từ năm 2011 đến năm 2016, cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động tích cực và rõ rệt lên định hướng này của nền kinh tế Mỹ, cụ thể, ngành công nghệ thông tin tăng tỷ trọng từ 5% lên 5,5%; ngành giáo dục, y tế, dịch vụ tăng từ 1,7% lên 2,1%. Một cường quốc mới nổi khác cũng đang xác lập cho mình định hướng tái cơ cấu các ngành dựa trên kinh tế số là Trung Quốc. Wübbeke và cộng sự (2016) đã mô tả nền công nghiệp Trung Quốc thông qua thuật ngữ “Made in China”; giai đoạn 1980 - 2000, Trung Quốc đã phát triển từ một nước lạc hậu trở thành một nước công nghiệp có sản lượng dồi dào nhất thế giới, đến năm 2006, các ngành công nghiệp chiếm đến 42% tỷ trọng GDP của quốc gia này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, đi cùng xu thế của thế giới, ngành công nghiệp vẫn được chú trọng nhưng đi theo hướng hiện đại hơn, áp dụng các công nghệ cao nhằm tăng hiệu suất cũng như giảm lượng lao động trong các nhà máy, công xưởng, tỷ trọng ngành công nghiệp cùng dần giảm xuống chỉ còn khoảng 34,3% vào năm 2015. Đi kèm đó, lao động dần chuyển sang ngành có môi trường làm việc thân thiện hơn đó là dịch vụ. Kinh nghiệm của Trung Quốc từ báo cáo của McKinsey&Companny (2017) cho thấy rằng, việc từ chối cung cấp dịch vụ cho các ông lớn như Facebook hay Google đã tạo môi trường để các doanh nghiệp trong nước phát triển và đáp ứng về nhu cầu của nền kinh tế số của đất nước, nổi bật là Baidu, Alibaba hay Tencent.Mặt khác, những nước công nghiệp có nền tảng truyền thống như Đức lại tiếp cận rất sớm với các công nghệ liên quan, từ đó xây dựng cho nước họ một hệ thống áp dụng các tiêu chuẩn liên quan và duy trì tỷ trọng cơ cấu ngành công nghiệp một cách vững vàng. Dữ liệu của Tổng cục Thống kê Đức - FSO Federal Statistical Office Germany FSO (2020) cho thấy, tỷ trọng của ngành công nghiệp tăng lên, do sự đóng góp tích cực của các ngành chế tạo tăng lên từ 21,2% năm 2007 lên 24,3% năm 2020. Bên cạnh đó, tỷ trọng các ngành dịch vụ lại có xu hướng giảm xuống, chỉ có bộ phận ngành giáo dục không thay đổi tỷ trọng của mình.

Nhìn chung, một xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế mới đang dần phát huy vị thế nhờ có sự xuất hiện và tác động của các thành phần trong nền kinh tế số. Đó là:

Thứ nhất, phương thức sản xuất dần thay đổi dẫn đến các mô hình sản xuất thay đổi và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động.

Thứ hai, các ngành công nghiệp và dịch vụ và kể cả nông nghiệp nhờ áp dụng công nghệ số hiện đại sẽ mang đến năng suất sản xuất cao hơn, từ đó xu hướng chuyển dịch của các nước có thể khác nhau. Đơn cử một ví dụ sau, một nước tập trung vào nông nghiệp chất lượng cao và áp dụng các công nghệ mới thì tỷ trọng ngành nông nghiệp của nước đó có thể tăng lên nếu so sánh với 2 ngành thường được coi là có năng suất cao hơn như công nghiệp và dịch vụ.

Thứ ba, các nước thường tập trung vào thế mạnh của mình để gia tăng hàm lượng công nghệ, kỹ thuật, do vậy các nước đang có nền công nghiệp hoặc dịch vụ mạnh thì thường đi trước và càng gia tăng sức ảnh hưởng trên thị trường, từ đó tỷ trọng của các ngành thế mạnh càng ngày tăng lên, như ví dụ của Đức ở phần trên vừa diễn giải.

2. Hiện trạng phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Qua hơn 10 năm thúc đẩy chuyển đổi số trong rất nhiều các lĩnh vực như thương mại, tài chính ngân hàng hay giáo dục và y tế, Việt Nam đã có những thành tựu đáng chú ý, được đánh giá là một trong các quốc gia có khả năng và thực hiện chuyển đổi số hiệu quả trong khu vực các nước Đông Nam Á. Theo Sách trắng về Thương mại điện tử Việt Nam do Cục Thương mại và Kinh tế số (2020) phát hành, có đến 66% người dân Việt Nam sử dụng internet - được công bố vào ngày Internet Việt Nam 2019. Ngoài ra, cũng theo tài liệu này, hơn một nửa trong số đó sử dụng Internet để đọc báo, nghiên cứu, học tập, làm việc hay các hoạt động giải trí hàng ngày; bên cạnh đó có khoảng 45% người dân sử dụng internet để tìm kiếm thông tin mua hàng trực tuyến. Và theo báo cáo về kinh tế số tại các nước khu vực Đông Nam Á của Google, Temasek and Bain & Company (2020), giá trị của nền kinh tế số Việt Nam được định giá vào khoảng 14 tỷ USD. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh do Covid-19 gây ra, nhưng tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế số của Việt Nam vẫn đạt 16% so với năm 2019, đóng góp không nhỏ vào việc duy trì con số dương trong tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam và được đánh giá sẽ đạt giá trị 52 tỷ USD trong năm 2025.

Chính phủ Việt Nam gần đây đã có những động thái rất tích cực để hoàn chỉnh thể chế, chính sách, nhằm tập trung phát triển nền kinh tế số của Quốc gia, cụ thể tại Quyết định số 749/QĐ/TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã cho thấy khát vọng về một nền kinh tế số vào năm 2025 chiếm khoảng 20% bên cạnh việc tham gia vào nhóm các nước dẫn đầu về chuyển đổi số và có bộ máy Chính phủ điện tử hoạt động hiệu quả. Cũng theo báo cáo của Google, Temasek and Bain & Company (2020), lượng vốn đầu tư vào nền tảng trực tuyến tại Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu khu vực, chỉ xếp sau Singapore và Indonesia, với giá trị được thống kê trong năm 2019 là 935 triệu USD. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay dựa nhiều vào nền tảng kinh tế số, các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu đến từ nước ngoài, tập trung vào các thị trường lớn, trung tâm thương mại, dịch vụ của cả nước như các tỉnh nằm trong khu vực phát triển trọng điểm đồng bằng sông Hồng hay vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ.

Do đó, việc thúc đẩy các nhà đầu tư trong nước hay các doanh nghiệp khởi nghiệp bản địa là cần thiết. Để cụ thể hóa được ý tưởng này, các chính sách hấp dẫn, thực sự tạo động lực để khuyến khích nhóm doanh nghiệp và nhà đầu tư lĩnh vực này phát triển thị trường nói chung hay tại các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung, nơi chưa chịu ảnh hưởng quá lớn của các thương hiệu lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hay các vệ tinh xung quanh nói riêng. Mặt khác, cũng cần chú trọng cách thức mà các nhóm địa phương đi trước đã thực hiện để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin hay chuyển đổi số, trong đó các địa phương khu vực duyên hải miền Trung cần chú trọng vào nền tảng này để có thể đi trước và khai thác hiệu quả nền tảng này.

3. Bối cảnh phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh Duyên hải Trung Bộ - góc nhìn từ chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

Tiềm năng với khu vực Duyên hải miền Trung là bờ biển dài cùng các lợi thế về kết cấu hạ tầng khi có đầy đủ sân bay, cảng biển để phục vụ công nghiệp lẫn dịch vụ. Tuy nhiên, con số về cơ cấu các ngành kinh tế vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1114/QĐ - TTg ngày 9 tháng 7 năm 2013 về “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Duy chỉ có ngành dịch vụ đang dần cho thấy vai trò khi tiến đến gần mốc khoảng 40% tỷ trọng trong cơ cấu GDP của kinh tế địa phương. Đề cập đến quy mô nền kinh tế, một số các địa phương trong khu vực còn bị đánh giá là có quy mô quá nhỏ dẫn đến năng lực cạnh tranh hay thu hút đầu tư yếu, ví dụ như tỉnh Quảng Trị, tỉnh Phú Yên và tỉnh Ninh Thuận. Từ bối cảnh đó, các địa phương này cần kết nối các địa phương láng giềng nhằm tạo ra những cú hích nhất định trong phát triển các ngành kinh tế mục tiêu, bên cạnh đó tạo ra một nền tảng cơ bản về cơ sở hạ tầng cũng như nền tảng công nghệ thông tin tạo ra sức hấp dẫn các nguồn lực đến để góp phần thay đổi diện mạo nền kinh tế. Các xu hướng phát triển mới cũng đòi hỏi các địa phương phải có tầm nhìn để nắm bắt, từ đó giúp cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch nhanh, vững chắc hơn. Điển hình, một số hình thức thương mại điện tử thông qua các giao dịch trực tuyến đang dần trở nên phổ biến. Việc các nhà đầu tư ngoại quốc hay Việt Nam từ các vùng miền khác có thể đầu tư vào địa phương hay sử dụng sản phẩm của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng bằng một thao tác đơn giản trên internet đang diễn ra phổ biến và chính sự thuận tiện này cũng đã mang tới những giá trị thặng dư lớn cho nền kinh tế địa phương.

Liên quan đến thương mại điện tử, một cơ sở sản xuất - kinh doanh hoặc nông trường tại Nghệ An, ví dụ với sản phẩm cam đặc trưng nổi tiếng sẽ tiếp cận dễ dàng với các nhà đầu tư trên toàn quốc, và  trên thế giới để bán sản phẩm của mình với giá tốt nhất. Bên cạnh đó, tham gia giao dịch trên cộng đồng mạng cũng cần phải có được kiến thức và những kỹ năng phòng vệ nhất định để tránh những ảnh hưởng tiêu cực của hình thức kinh doanh mới này. Do đó, các nhà quản lý nên nắm bắt và thấu hiểu được sự phát triển của các hình thái kinh doanh mới nhằm tạo ra môi trường, phổ biến thông tin cũng như cơ sở pháp lý cho hình thái này phát triển lành mạnh, góp phần vào cái nhìn về "nhà quản lý thông minh - người sản xuất thông thái - người tiêu dùng khôn ngoan".

Tác giả sử dụng chỉ số chuyển dịch cơ cấu để đánh giá tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tại các tỉnh trên địa bàn các tỉnh Duyên hải Trung Bộ. Với chỉ số chuyển dịch cơ cấu, chỉ số này càng cao miêu tả cho sự thay đổi hay chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành kinh tế lại càng sôi động, mạnh mẽ. (Xem Hình)

 

Các địa phương có sự thay đổi cơ cấu mạnh nhất vào thời điểm năm 2010 dưới đánh giá của chỉ số chuyển dịch cơ cấu, lớn nhất là tỉnh Quảng Ngãi khi chỉ số này đạt đến giá trị 25,89. Và đến năm 2017, cũng chứng kiến bước chuyển dịch lớn tiếp theo khi giá trị này đạt đến hơn 20, lý giải cho điều này đó là sự tăng vọt trong tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh khi có sự tham gia của khu công nghiệp Dung Quất. Ngoài ra, các tỉnh như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cũng đánh dấu năm 2010 là năm bản lề trong chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế với giá trị trong khoảng tiệm cận từ 10 đến 15. Định hướng chuyển đổi ngành kinh tế là khác nhau nên các địa phương đã xác định tương đối rõ ràng các ngành trọng điểm để phát triển, dựa trên các đặc điểm cũng như lợi thế so sánh về tài nguyên thiên nhiên, cũng như vị trí địa lý của mình. Những năm khác, trong khoảng thời gian đánh giá, không cho thấy sự chuyển dịch quá mạnh mẽ của các địa phương khi giá trị duy trì với khoảng dưới 5.

Nhìn chung, các địa phương còn đang tồn tại những điểm yếu cần giải quyết, nếu xét đến cá thể từng địa phương. Đó là: (i) nền kinh tế của phần lớn các địa phương trong vùng có xuất phát điểm thấp, tích lũy đầu tư hạn chế và hiệu quả đầu tư chưa cao hay nguồn vốn đầu tư chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu phát triển và thiếu các cơ chế, chính sách hiệu quả cho việc huy động vốn, liên kết kinh tế; (ii) sự trùng lắp về cơ cấu ngành, lĩnh vực đầu tư giữa các tỉnh, thành phố trong vùng dẫn đến sự cạnh tranh giữa bản thân các địa phương, từ đó dẫn đến các sản phẩm thiếu bản sắc, môi trường đầu tư thiếu sức hấp dẫn; (iii) quy mô thị trường nhỏ, chủ yếu là các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, phần lớn các doanh nghiệp mới tham gia vào một số công đoạn của mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, chưa có các sản phẩm mang thương hiệu và đạt đến tầm cỡ quốc gia hay quốc tế.

4. Hàm ý chính sách

Việc nhìn nhận và có các cơ chế chính sách tiên phong để hỗ trợ cho kinh tế số phát triển sẽ giúp các địa phương trong khu vực Duyên hải Trung Bộ có được những bước chuyển dịch nhanh và đột phá hơn trong thời gian tới. Trước hết, chính quyền địa phương cần có những chính sách hỗ trợ, đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao nền tảng khoa học công nghệ mới đối với các doanh nghiệp. Việc áp dụng các đề tài nghiên cứu vào thực tiễn cần nguồn vốn trực tiếp từ vốn đầu tư công hoặc liên kết với các doanh nghiệp để áp dụng, thực hiện trên thực tế. Ngoài ra, các dây chuyền hiện đại cũng cần có cơ chế ưu đãi về thuế để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận những sản phẩm này. Tiếp theo là, chú trọng đề xuất chính sách đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất về công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, nhằm giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận sớm với nền tảng khoa học, các công cụ cần thiết của nền tảng này.

Ngoài ra, có chính sách truyền thông cụ thể về các điều kiện chính sách của địa phương thông qua các kênh truyền thông chính thức, ví dụ như tạo ra các kênh liên lạc không đơn thuần chỉ qua điện thoại của cơ quan mà còn các công cụ khác trên mạng xã hội cũng như trang thông tin chính thức của đơn vị. Bên cạnh đó, tuyên truyền, giáo dục cho các công dân hiểu được cách thức, mô hình đầu tư trong thời đại mới. Cuối cùng, cần tạo ra cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và môi trường hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thủ tục thành lập doanh nghiệp nhanh gọn, cắt giảm các điều kiện ràng buộc cho các hình thức kinh doanh dựa trên nền tảng kinh tế số bên cạnh ưu đãi về thuế, tạo ra cơ chế phản hồi, hỗ trợ tích cực là một vài phương án mà các địa phương cần quan tâm, để các doanh nghiệp có thể dễ dàng thâm nhập và đóng góp vào kinh tế của tỉnh/thành phố cũng như liên kết trong khu vực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (2020), Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam, Bộ Công Thương.
  2. Dương Hoàng Linh (2019), Nghiên cứu xu hướng chuyển cơ cấu kinh tế ở các nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tài liệu tham khảo online trên https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/xu-huong-chuyen-dich-co-cau-kinh-te-tai-mot-so-nuoc-305114.html.
  3. Federal Statistical Office Germany FSO (2020), Thống kê kinh tế thường niên, Tài liệu tham khảo online trên https://www.destatis.de/EN/Home/.
  4. Google, Temasek and Bain & Company (2020), e-Conomy SEA 2020, Tài liệu tham khảo online trên https://economysea.withgoogle.com/.
  5. McKinsey & Companny. (2017). China's Digital Economy - A leading global force McKinsey & Companny. McKinsey Global Institute.
  6. Tapscott Don. (1996). The digital economy: Promise and peril in the age of networked intelligence. New York: Publish McGraw - Hill.
  7. Wübbeke Jost, Mirjam Meissner, Max J Zenglein, Jaqueline Ives and Björn Conrad (2016). Made in China 2025: The making of a high - tech superpower and consequences for industrial countries. Mercator Institute for China Studies, 17, 2017 - 2009.

Digital Economy - An economic development trend in Vietnam and some policy implications for the Central Coast region

 Ph.D Pham Viet Binh

Lecturer, Faculty of Economics and Management, Electric Power University

ABSTRACT:

This paper analyzes the digital economy which is promoted to apply in Vietnam. The paper also proposes some policy implications for provinces of the Central Coast region, Vietnam to apply the the digital economy. There should be clearer policies and approaches to transform the Central Coast region’s economy into a modern economy in the context of the country’s new development era.

Keyword: digital economy, sectoral economic restructuring at the provincial level, the Central Coast region.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]