Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/6/2023-2/7/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Sự sụt giảm sâu trong dự trữ dầu thô của Mỹ, sự gia tăng lo ngại về các đợt tăng lãi suất tiếp theo của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, Saudi Arabia cắt giảm sản lượng tự nguyện từ 10 triệu thùng/ngày xuống còn 9 triệu thùng/ngày, việc lo ngại tình hình chính trị ở Nga sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ…, các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu có biến động tăng, giảm nhẹ đan xen.
Trong nước, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới và các quy định hiện hành, kỳ điều hành hôm nay (3/7) Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định dừng trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) và tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Sau khi điều chỉnh, giá xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Giá xăng E5RON92 giảm 408 đồng/lít, ở mức không cao hơn 20.470 đồng/lít;
Giá xăng RON95-III giảm 587 đồng/lít, ở mức không cao hơn 21.428 đồng/lít;
Giá dầu diesel 0.05S giảm 5 đồng/lít, ở mức không cao hơn 18.169 đồng/lít;
Giá dầu hỏa giảm 30 đồng/lít, ở mức không cao hơn 17.926 đồng/lít;
Giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 36 đồng/kg, ở mức không cao hơn 14.623 đồng/kg.
Mới nhất, trong phiên giao dịch sáng nay, giá xăng dầu thế giới chịu áp lực giảm trở lại khi thị trường lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới. Cụ thể, vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 75,43 USD/thùng; và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 70,67 USD/thùng.
Khảo sát mới nhất của hãng tin Reuters cho thấy các nhà kinh tế học và chuyên gia phân tích đã điều chỉnh giảm dự báo giá dầu thô Brent trong năm nay, xuống còn trung bình 83,03 USD/thùng. Đồng thời, khảo sát cho thấy tổng sản lượng khai thác của các nước thành viên khối OPEC đã giảm nhẹ trong tháng 6 vừa qua mặc dù sản lượng khai thác của Iraq và Nigeria đã tăng lên.