Đây là nhận định chung của các đại biểu tham dự Hội thảo “Logistic Hà Lan-Việt Nam: Xác định cơ hội và kết nối đối tác” diễn ra chiều 28/10 theo hình thức trực tuyến. Hội thảo do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan tổ chức nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong cả hai lĩnh vực dịch vụ logistics và đào tạo về logistics.
Phát triển nhưng còn nhiều hạn chế
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào năm 2007, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng đáng kể và từng bước trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới.
Năm 2019, kim ngạch thương mại hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD và liên tục tăng cho đến nay. Trong 9 tháng năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đạt 483 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đạt trên 32%, quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 11,5 tỷ USD.
Không chỉ vậy, hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó có các Hiệp định thế hệ mới với mức độ cam kết cao của các bên tham gia như EVFTA, CPTPP, RCEP hứa hẹn tác động tích cực đến tăng trưởng của ngành sản xuất công nghiệp và thương mại quốc tế do để thâm nhập thị trường xuất khẩu lớn hơn.
"Đi cùng với những hiệp định thương mại ấy là sự luân chuyển hàng hóa đến và đi từ Việt Nam, đòi hỏi sự phát triển hơn nữa trong lĩnh vực logistics. Việt Nam không chỉ có vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á mà còn được coi là sự lựa chọn của nhiều nhà sản xuất quốc tế hiện nay, vì vậy việc phát triển dịch vụ logistics để đáp ứng nhu cầu vận chuyển và lưu kho hàng hóa là rất cần thiết”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Khẳng định tầm quan trọng của việc ưu tiên phát triển logistics tại thị trường Việt Nam hiện nay, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa khẳng định, logistics là ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dịch vụ logistics hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh chiếm lĩnh và mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí, tăng cường sức cạnh tranh. Dịch vụ logistics phát triển tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đặc biệt khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, ngành logistics đã phát huy được năng lực trong bảo đảm hoạt động giao nhận, kho bãi, lưu thông hàng hóa thông suốt. Điều này thể hiện rõ trong việc cung ứng hàng hóa, thực phẩm và thiết bị y tế trong điều kiện giãn cách xã hội, cũng như trong hoạt động thương mại điện tử.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thẳng thắn cho rằng, ngành logistics của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Chi phí không chính thức chiếm tỉ trọng lớn trong chi phí vận tải, các cơ sở hạ tầng giao thông không đồng bộ, kết nối giữa biển, đường sắt và đường bộ vẫn còn bị hạn chế.
Hiện nay, Việt Nam không đủ các trung tâm logistics nội địa lẫn quốc tế tại các khu vực kinh tế trọng điểm để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hoá cũng như vận tải đa phương thức chưa được phát triển tại Việt Nam…
“Thực tế, Việt Nam đang ưu tiên phát triển logistics, nhiều địa phương đẩy mạnh xây mới hoặc nâng cấp các cảng, sân bay, đào tạo nhân lực... nhưng còn gặp nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm, công nghệ, trình độ kỹ thuật”, ông Lê Quang Trung chia sẻ.
Liên kết, hợp tác đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Chỉ số Hiệu quả Hoạt động Logistics (LPI), công bố vào tháng 7/2018 cho biết, Việt Nam xếp thứ 39/160 nước, tăng 25 bậc so với năm 2016 và đứng thứ 3 trong số các nước ASEAN. Việt Nam cũng đứng đầu trong các thị trường mới nổi.
Trong những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, từ 14-16%. Số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics hiện nay khoảng 30.000 doanh nghiệp, bao gồm dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận tải…
Trong chiến lược phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam đến năm 2025, Chính phủ đã xác định 6 nhóm nhiệm vụ, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển nguồn nhân lực… Do vậy, để hiện thực hóa mục tiêu này, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải cho rằng, các cơ quan, địa phương cùng doanh nghiệp logistics Việt Nam cần liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hà Lan để học hỏi kinh nghiệm trong vấn đề quy hoạch, quản lý logistics và đào tạo nhân lực logistics, từ đó, thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển xứng tầm với khu vực, thế giới.
Giới thiệu về thị trường Hà Lan, ông Phạm Việt Anh - Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, Hà Lan là nền kinh tế hàng đầu thế giới và đóng vai trò cửa ngõ trung chuyển của châu Âu. Hệ thống giao thông phát triển là một trong những điều kiện tiên quyết giúp Hà Lan trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực logistics.
Ông Phạm Việt Anh chia sẻ, Hà Lan hiện sở hữu cảng Rotterdam - cảng tổng hợp lớn nhất Châu Âu. Rotterdam cũng là điểm kết nối với các trung tâm công nghiệp lớn của toàn châu Âu như các khu công nghiệp luyện kim, hóa dầu, chế tạo thiết bị công nghệ cao... thông qua các hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy xuyên suốt toàn khu vực châu Âu.
Lượng hàng hóa đi vào châu Âu thông qua các cảng biển ở Hà Lan hiện đã lên tới 45%. Bên cạnh đó, Hà Lan cũng kiểm soát tới 90% lượng giao thông đường thủy trên sông Rhine - tuyến đường vận chuyển hàng hóa đường thủy lớn nhất châu Âu.
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Hà Lan quan tâm đến thị trường Việt Nam, mong muốn tìm cơ hội hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có logistics. Và Hà Lan cũng là đối tác tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi, khai thác kinh nghiệm quản lý, quy hoạch hạ tầng logistics”, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan nhấn mạnh.
Là một nhà đầu tư dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ trị giá 19.200 tỉ đồng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Nick Reijmers - Giám đốc Dự án Tập đoàn Boskalis cho biết, dự án này nhằm mục đích biến cảng biển này trở thành trung tâm logistics quốc tế. “Nhờ có hiệp định EVFTA, những dự án như thế này đang được tăng tốc”, ông Nick Reijmers thông tin.
Đưa ra giải pháp để thúc đẩy sự hợp tác của doanh nghiệp logistics giữa hai nước Việt Nam – Hà Lan, ông Đào Trọng Khoa khuyến khích, các doanh nghiệp logistics của Hà Lan đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt tại các trung tâm logistics của Việt Nam. Mặt khác, ông Khoa cũng cho rằng, phát triển logistics trong nông nghiệp, logistics xanh đối với các cửa biển là các lĩnh vực mà doanh nghiệp Hà Lan rất mạnh. Vì vậy, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi.
Trên cơ sở tận dụng thế mạnh của mỗi bên, ông Lê Quang Trung cũng đề xuất tăng cường hợp tác phát triển các dự án cảng biển; hợp tác kỹ thuật và đào tạo; phối hợp phát triển các dự án trung tâm logistics để lưu trữ và phân phối các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tại châu Âu. Đồng thời, xây dựng nền tảng công nghệ thông tin cung cấp các giải pháp chuỗi trọn gói cho khách hàng.