Phát huy vai trò trong đại dịch, đảm bảo lưu thông hàng hóa
Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển logistics Việt Nam ngang tầm quốc tế” diễn ra chiều nay (30/7), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như của từng địa phương.
Thứ trưởng khẳng định, trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam luôn có những bước tiến rất đáng kể. Theo đó, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016, vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.
Không chỉ vậy, Việt Nam cũng là nước có xếp hạng top đầu trong các thị trường mới nổi, tốc độ tăng trưởng ngành đạt từ 14-16%. Số lượng các doanh nghiệp có chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đặc biệt nhận thức, sự quan tâm của các Bộ ngành, doanh nghiệp, địa phương về logistics đã có sự chuyển biến rõ rệt.
“Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp”, Thứ trưởng nhấn mạnh một lần nữa.
Đồng quan điểm, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chia sẻ, ngành logistics là một ngành kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, tham gia ngày càng sâu rộng vào mọi mặt của nền kinh tế xã hội.
Đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng đóng góp vào công cuộc chống dịch Covid-19 thông qua đảm bảo hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi được thực hiện hiệu quả nhằm lưu thông dòng hàng hóa thông suốt phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất nhập khẩu.
Phân tích cụ thể về quá trình phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, trong 10 năm từ 2010-2020, tổng kim ngạch xuất nhập của Việt Nam khẩu tăng lên gần gấp 3 lần so với trước đây. Đáng chú ý, về cán cân thương mại, nếu như từ năm 2012 trở về trước, chúng ta thường xuyên ở mức nhập siêu, nhưng từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã dần cân bằng cán cân thương mại và bắt đầu có xuất siêu.
Đặc biệt, ở năm 2010, chúng ta mới có 20 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đến năm 2020, con số này đã tăng lên 32 mặt hàng. Thậm chí, không chỉ có các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, năm 2020, chúng ta đã có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD…
Quy mô thương mại của nước ta đang phát triển rất rộng, đây là kết quả rất rõ nét của tiến trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua. Cùng với quá trình về hội nhập, có sự đồng hành và vai trò của ngành logistics trong hoạt động phát triển kinh tế, trong đó có cả hoạt động về xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
“Logistics đóng vai trò nền tảng để hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, thương mại của đất nước. Các hoạt động logistics giúp đảm bảo cung cấp các nguồn nguyên vật liệu một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác cho các hoạt động sản xuất, qua đó, giúp cho hoạt động sản xuất, sau đó là hoạt động thương mại có thể phát triển với tốc độ nhanh như thời gian qua”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải còn cho rằng, logistics chính là cầu nối để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên quy mô cả nước cũng như từng địa phương. Khi hàng hóa lưu thông trên cả nước, vai trò của logistics hết sức thiết yếu. Đặc biệt, ở các địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, logistics có một vai trò rất quan trọng, làm động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực, địa phương này.
Nguồn nhân lực quyết định khả năng phát triển logistics Việt Nam
Dù có nhiều điểm sáng trong quá trình phát triển, tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh vẫn cho rằng, ngành logistics của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như: chi phí cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác.
Ngoài ra, quy mô, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam còn yếu; việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể; nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics còn thiếu cả về số lượng, chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp.
Thứ trưởng nhắc lại, Quyết định 221 ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung Quyết định số 200 ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt kế hoạch hành động, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt ra mục tiêu khá cụ thể. Theo đó, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%; chi phí logistics giảm xuống từ 16-20% so với GDP, đặc biệt xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên…
Quyết định 221 đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và những giải pháp tổng thể nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics để nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics đối với sự phát triển của đất nước…
“Bản kế hoạch này có thể xem như là kim chỉ nam cho việc phát triển dịch vụ logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng quan trọng hơn cho phát triển kinh tế đất nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định và cho rằng, để đạt được mục tiêu này, cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành địa phương, Hiệp hội trong đó, vai trò của các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.
Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu kỹ những báo cáo tham luận, những kết quả rút ra từ Hội thảo này để phục vụ công tác tham mưu cho Chính phủ, cho các chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ logistics trong giai đoạn tới, Thứ trưởng nhấn mạnh một lần nữa.
Hiến kế để ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển, vươn ra quốc tế, TS. Mai Xuân Thiệu - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam nhấn mạnh, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt.
TS. Mai Xuân Thiệu phân tích, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần từ 200.000-250.000 nhân lực, bình quân 1 năm cần có 20.000 nhân lực phục vụ cho ngành logistics. Nhưng trên thực tế hiện nay, đào tạo của bạc đại học, cao đẳng đang ở mức độ thấp, thậm chí rất thấp. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu cầu phát triển của ngành, Hiệp hội sẽ phối kết hợp với các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp để xây dựng một chương trình đào tạo hoàn thiện nhất, cụ thể nhất để đào tạo ra một đội ngũ nhân lực logistics chất lượng cao phục vụ cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển.
Cùng chung quan điểm này, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam cũng cho hay, đào tạo nhân nguồn nhân lực logitsics chất lượng cao là yêu cầu cấp bách hiện nay. “Việc Chính phủ ban hành Quyết định số 221 của Chính phủ nhấn mạnh và chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực được cấp văn bằng quốc tế về logistics và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu”, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa khẳng định.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nêu rõ, yêu cầu về chất lượng trình độ chuyên môn và kỹ năng của nhân lực logistics ngày càng cần nâng cao. Đặc biệt nguồn lao động có kiến thức chuyên môn sâu về ngành, các kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, đàm phán... sẽ là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp.
“Về lâu dài nhân lực sẽ là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng đuổi kịp các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước và quốc tế”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải thông tin và cho rằng, chi phí logistics cũng là một yếu tố hết sức quan trọng trong năng lực cạnh tranh, bên cạnh những yếu tố về quy mô, vốn, thị trường…
“Việc cắt giảm chi phí logistics luôn luôn là mối quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp. Bởi khi chúng ta có thể đưa ra hoạt động logistics ở chi phí thấp hơn, hiệu quả tốt hơn và thời gian nhanh hơn, sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải lưu ý.