Mang con chữ về Vàng Đán

Là một trong những huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, Nậm Pồ có hạ tầng cơ sở yếu kém, đời sống người dân còn vô vàn khó khăn, hành trình đến với con chữ của những đứa trẻ nơi đây cũng không dễ dàng. Vì lẽ đó, công trình Trường PTDTBT THCS Vàng Đán được hỗ trợ xây dựng sẽ góp sức rất lớn cho việc mang con chữ về với vùng khó khăn.

Khó khăn không thể cản bước học sinh đến trường

Nậm Pồ là huyện nghèo, vùng cao, biên giới. Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6 năm 2013. Huyện có 15 xã, trong đó có 14/15 xã đặc biệt khó khăn. Tổng diện tích tự nhiên là 149.559,12 ha, huyện có 128,2km đường biên giới quốc gia giáp CHDCND Lào.

Huyện có dân số trên 59.000 người củ yếu là người dân tộc thiểu số, gồm 08 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 68,81%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 55,21%. Đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Mang con chữ về Vàng Đán

Ở tỉnh vùng cao biên giới khó khăn ấy, Vàng Đán được đánh giá là xã đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Pồ, cách trung tâm huyện khoảng 19 km, địa hình rừng núi hiểm trở; giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Xã gồm có 7 bản, 636 hộ với 3.774 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 66,7%. Xã có 02 dân tộc chính sinh sống trên địa bàn xã (Mông, Dao), trong đó dân tộc Mông chiếm 88%. Khi thành lập huyện, xã chỉ có duy nhất 01 trường tiểu học với 30 lớp, 468 học sinh, không có trường mầm non và trường THCS. Năm 2018, thêm 01 trường mầm non đi vào hoạt động.

Năm học 2021-2022, xã Vàng Đán có 01 trường mầm non với 23 lớp, 524 trẻ; trường PTDTBT THCS-TH Vàng Đán có 22 lớp, 546 học sinh tiểu học, trong đó có 302 học sinh bán trú. Hiện tại, 350 học sinh cấp THCS của xã Vàng Đán đi học nhờ tại trường thuộc xã Nà Bủng.

Những đứa trẻ vượt đồi núi, vượt khó khăn đi học nhờ với ước mơ có được con chữ luôn là hình ảnh đau đáu trong những người quan tâm đến hoạt động giáo dục của vùng đất này.

Mang con chữ về Vàng Đán
Bí thư huyện Nậm Pồ Lê Khánh Hoà phát biểu tại Lễ khánh thành Trường PTDTBT THCS Vàng Đán

Góp sức cho hành trình “gánh chữ” lên non

Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho hoạt động giáo dục tại nhà trường, theo đề nghị của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ, UBND huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các phòng ban, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát thực tế, báo cáo cơ quan Điện lực.

Mang con chữ về Vàng Đán
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phát biểu tại Lễ khánh thành Trường PTDTBT THCS Vàng Đán

Trên cơ sở đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã đồng ý hỗ trợ xây dựng trường PTDTBT THCS Vàng Đán với tổng số tiền là 8,4 tỷ đồng. UBND huyện Nậm Pồ đã được UBND tỉnh Điện Biên giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án và chỉ đạo cân đối nguồn vốn đối ứng hoàn thiện các hạng mục công trình với 3,6 tỷ đồng.

Theo đó, Trường PTDTBT THCS Vàng Đán được bố trí xây dựng tại trung tâm xã Vàng Đán, gồm: nhà hiệu bộ có kiến trúc 2 tầng, nhà lớp học 10 phòng, nhà nội trú học sinh 6 gian và sân bê tông rộng hơn 2.000m2.

Công ty Điện lực Điện Biên, UBND huyện Nậm Pồ và Công ty Cổ phần đầu tư và Xây dựng Mường Thanh (nhà thầu thi công) đã thống nhất kế hoạch phối hợp triển khai. Sau 2 năm triển khai với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công trình đã chính thức hoàn thành vào tháng 4/2022.

Mang con chữ về Vàng Đán

Mang con chữ về Vàng Đán

Mang con chữ về Vàng Đán
Một số hình ảnh khác trong Lễ Khánh thành Trường PTDTBT THCS Vàng Đán

Bên cạnh đó, công trình nhà ở bán trú cũng đã được hỗ trợ xây dựng cho nhà trường. Công trình được xây dựng theo tiêu chuẩn công trình cấp IV, tổng diện tích 144 m2 với nền đổ bê tông lát gạch, mái lợp tôn cách nhiệt, đầy đủ trang thiết bị và hệ thống cấp điện, quạt điện…

Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, sẽ góp phần đáp ứng điều kiện ăn ở, học tập tốt hơn cho hàng trăm học sinh con em đồng bào các dân tộc xã Vàng Đán; tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân. Công trình còn là món quà động viên tinh thần, giúp đồng bào các dân tộc, các bậc phụ huynh yên tâm cho con em đến trường, tạo điều kiện cho thầy và trò nhà trường dạy tốt, học tốt, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực…

Rồi đây, bên những dãy núi xanh mướt của mảnh đất Điện Biên, ngôi trường mới với mái đỏ tươi, màu sơn sáng bóng sẽ dần thành hình, viết tiếp ước mơ cắp sách tới trường cho những đứa trẻ nghèo khó. Từ đó mở ra tương lai tươi sáng hơn cho người dân vùng đất này.

Lê Hoa