Mở đường cho sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vào hệ thống phân phối

Để đẩy mạnh hoạt động kinh tế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều chính sách, chương trình nhằm đưa các sản phẩm của khu vực này vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Những năm gần đây, việc thực hiện các Chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại những kết quả tích cực cho kinh tế và thương mại hàng hóa trên các địa bàn này, thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại, bền vững.

Nhiều sản phẩm của đồng bào dân tộc miền núi đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang đã chính thức được trưng bày tại hệ thống siêu thị Tops Food Hall, Thái Lan vào tháng 7/2023 và nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ tích cực của người tiêu dùng Thái Lan

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh tế ở khu vực này, ngày 14 tháng 10 năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 4293/BCT-TTTN ngày 25 tháng 7 năm 2022 về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia này.

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ Công Thương thiết kế 2 công cụ cơ bản: “Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” và “Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”

Đối với nội dung “Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, trong những năm qua Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều chính sách, thực hiện nhiều hoạt động nhằm hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ kinh doanh… liên kết, đầu tư vào các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó đã tạo ra thị trường có quy mô gấp nhiều lần tại nơi sản xuất.

Chính các hoạt động kết nối này đã đáp ứng phần lớn nhu cầu cho sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Cũng từ các hoạt động này đã góp phần quan trọng vào xây dựng và phát triển được một số thương hiệu nông sản hàng hóa được thị trường trong nước và quốc tế biết đến như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, mật ong rừng Sơn Động, Chè Shan tuyết Mộc Châu, Cam Cao Phong, miến dong Bắc Kạn, Bưởi Đoan Hùng…

Xem thêm Bài viết: "Mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều thông qua "cầu nối" Thương vụ" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Những năm qua, Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều chính sách, thực hiện nhiều hoạt động nhằm hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế liên kết, đầu tư vào các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó đã tạo ra thị trường có quy mô gấp nhiều lần tại nơi sản xuất

Đến nay, chúng ta đã tạo ra những nền tảng căn bản cho phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Song, những thách thức từ xung đột địa chính trị, từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu, tác động đáng kể đến các chuỗi cung ứng, đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ hơn nữa để thực sự đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới.

Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ là động lực thúc đẩy phát triển hàng hóa có thương hiệu của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đưa sản phẩm của khu vực này vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Đồng thời, đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp có những giải pháp đồng bộ hơn về mặt tổ chức, công nghệ và nhân lực nhằm thu hút các hộ nông dân chung tay xây dựng những vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, làm cơ sở cho phát triển sản phẩm, hàng hóa tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, tham gia hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Huyền My