TÓM TẮT:
Nghiên cứu này nhằm đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến mở rộng việc làm của vùng Duyên hải Việt Nam. Nhóm tác giả dựa vào dữ liệu bảng (186 quan sát) của 21 tỉnh thành trong Vùng giai đoạn 2011-2018, kết hợp hàm hồi quy dữ liệu bảng. Ba mô hình hồi quy cơ bản đối với dữ liệu bảng được sử dụng, gồm: (i) Mô hình hồi quy truyền thống theo phương pháp bình phương nhỏ nhất (Pooled OLS regression model), (ii) Tác động ngẫu nhiên (REM), (iii) Tác động cố định (FEM). Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình tác động cố định là phù hợp và các yếu tố tác động đến mở rộng việc làm, bao gồm: (i) Cơ cấu giá trị ngành công nghiệp của tỉnh, thành phố trong tổng giá trị ngành công nghiệp cả nước; (ii) Tốc độ tăng trưởng GDP; (iii) Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; (iv) Số tàu đánh bắt hải sản xa bờ; (v) Thu nhập bình quân hàng năm của người lao động trong doanh nghiệp; (vi) Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.
Từ khóa: Việc làm, vùng Duyên hải, hồi quy dữ liệu bảng.
1. Giới thiệu
Nằm trong chuỗi các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế, kinh tế biển được Việt Nam hết sức chú trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về phát triển kinh tế biển từ những năm đầu thập niên 1990. Đáng chú ý nhất là Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km, trên 1 triệu km2 thềm lục địa với nhiều đảo, quần đảo; nhiều tài nguyên biển như hải sản, dầu khí; tiềm năng kinh tế biển như du lịch, cảng biển, giao thông biển, sửa chữa tàu, thuyền, dịch vụ hậu cần, có thể hình thành vùng phát triển cao, tạo hiệu ứng thúc đẩy các vùng, miền kinh tế khác cùng phát triển.
Tuy nhiên, để phát triển kinh tế biển, ngoài việc khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về biển, cần chú trọng khai thác tốt nguồn lực lao động, trong đó đáng chú ý là lực lượng lao động tại các tỉnh, thành phố Duyên hải. Phát triển kinh tế biển phải gắn liền với ổn định đời sống, việc làm và tạo việc làm mới cho người lao động các tỉnh, thành phố Duyên hải.
Với các hiệp định thương mại tự do được Việt Nam ký kết với các tổ chức, các nước, như: Liên minh châu Âu (EU), Khu vực mậu dịch tự do các nước Đông - Nam Á (AFTA), Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), Nhật Bản, Hàn Quốc đang mở ra cho Việt Nam những triển vọng phát triển kinh tế nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, trong đó có thách thức về việc làm. Vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên biển Đông những năm gần đây tạo nên những tiềm ẩn nhiều rủi ro đang đe dọa đến việc làm và đời sống của ngư dân và người lao động ở nhiều ngành nghề kinh tế biển như dầu khí, du lịch biển, cảng biển, giao thông biển, khai thác, đánh bắt hải sản. Do đó, mở rộng việc làm là một trong thách thức của phát triển kinh tế vùng Duyên hải.
Tuy nhiên, thời gian qua, chưa có nhiều nghiên cứu một cách có hệ thống để giải thích câu hỏi đặt ra: Yếu tố nào ảnh hưởng đến mở rộng việc làm? Vấn đề đặt ra cũng là thách thức đối với các nhà nghiên cứu và những nhà chính sách ở Việt Nam. Bài viết này tập trung vào 3 nội dung chính: (1) Cung cấp nền tảng cơ sở lý thuyết về việc làm; (2) Mô hình định lượng xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc làm; (3) Gợi ý chính sách nhằm mở rộng việc làm.
2. Cơ sở lý thuyết và thực nghiệm
2.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO (2008), việc làm là một tình trạng trong đó có sự trả công bằng tiền hoặc hiện vật, do có sự tham gia tích cực, trực tiếp, có tính chất cá nhân vào một hoạt động sản xuất ra hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ để được trả lương hoặc tìm kiếm lợi nhuận.
Theo Luật Việc làm Việt Nam (Quốc hội Việt Nam (2013), việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm.
Việc làm, trước hết là làm công việc để nhận được tiền lương, tiền công hoặc hiện vật từ công việc đó; Hai là, công việc đem lại lợi ích cho bản thân, mà bản thân có quyền sử dụng hay sở hữu một phần hay toàn bộ tư liệu sản xuất để thực hiện công việc; Ba là, làm công việc cho chính gia đình mình và không được trả thù lao dưới bất cứ hình thức nào.
Việc làm của quốc gia được xác định: tỷ lệ phần trăm (%) những người có việc làm (đang làm việc) chiếm trong tổng số dân trong độ tuổi có khả năng lao động được quy định và hiện đang sống tại Việt Nam (GSO, 2015).
Smith, A. (1976) cho rằng nguồn gốc của sự giàu có là lao động; lao động tạo ra giá trị, không chỉ lương mà cả lợi nhuận và lợi tức. Giá trị mà người công nhân cộng thêm vào giá trị vật chất được chia thành 2 phần: một phần trả lương cho công nhân, phần còn lại là lợi nhuận của doanh nghiệp. Giới chủ sẽ không thuê công nhân nếu họ thấy không nhận được doanh thu từ việc bán sản phẩm do công nhân làm ra cao hơn tổng số vốn mà họ bỏ ra. Marx K. (1887) cho rằng, đầu tư tăng (tăng tư bản) sẽ làm gia tăng năng suất lao động và tăng cầu sức lao động; do đó, khả năng có việc làm của người lao động sẽ được gia tăng. Theo Marshall, A. (1920), để bảo đảm việc làm thì vấn đề điều tiết cung và cầu của thị trường lao động có ý nghĩa rất quan trọng và sự điều tiết này được thực hiện hoàn toàn tự động theo quy luật thị trường. Pigou C. (1920) cho rằng, thất nghiệp là do tiền lương cao, khi giảm tiền lương sẽ tăng việc làm vì sẽ giảm chi phí sản xuất và làm gia tăng khả năng thuê mướn thêm lao động. Hơn nữa, giảm chi phí sản xuất sẽ làm giảm giá cả hàng hóa; qua đó làm tăng sức mua, kích thích đầu tư mở rộng sản xuất, làm gia tăng cầu lao động; tác động từ cầu lao động thực tế sẽ là yếu tố xác định việc làm. Keynes, J.M. (1936) cho rằng, tình trạng việc làm được thể hiện qua mối quan hệ, tác động giữa các yếu tố thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp, tình trạng sản xuất, khối lượng sản phẩm và quy mô thu nhập. Khi thu nhập tăng lên thì tiêu dùng cũng tăng lên. Tuy nhiên, do tâm lý của công chúng, tốc độ tăng của tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng của thu nhập, làm cho cầu tiêu dùng giảm tương đối so với thu nhập, dẫn đến một bộ phận hàng hóa không bán được. Đây là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng, ảnh hưởng đến sản xuất chu kỳ sau, làm giảm việc làm, gia tăng thất nghiệp. Nguyên nhân của khủng hoảng và thất nghiệp là do thiếu hụt hiệu quả của cầu, vì vậy, cần thiết phải tăng quy mô hiệu quả của cầu để ngăn ngừa khủng hoảng và thất nghiệp. Do đó, để giải quyết việc làm, tăng thu nhập đòi hỏi phải sử dụng các công cụ, chính sách kinh tế nhằm khuyến khích đầu tư và giảm tiết kiệm, mở rộng lượng cầu, như vậy mới giải quyết được tình trạng khủng hoảng và thất nghiệp. Mỗi sự gia tăng đầu tư đều kéo theo sự gia tăng của cầu bổ sung công nhân, cầu về tư liệu sản xuất; do vậy, làm tăng cầu tiêu dùng, tăng giá hàng hóa, tăng việc làm cho công nhân. Phillips, A. W. (1958) đã đưa ra lý thuyết đường cong Phillips, cho thấy mối tương quan tỷ lệ nghịch giữa tốc độ lạm phát và mức độ thất nghiệp: tốc độ lạm phát càng cao thì mức độ thất nghiệp càng thấp (việc làm được mở rộng), và ngược lại. Lewis, W. A. (1954) đưa ra lý thuyết nhị nguyên về vấn đề tạo việc làm bằng cách chuyển dịch lao động giữa hai khu vực của nền kinh tế. Đất đai ngày càng khan hiếm, trong khi lao động ngày càng tăng dẫn đến dư thừa lao động ở khu vực nông nghiệp. Dịch chuyển lao động dư thừa từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp sẽ nâng cao tăng trưởng và việc làm cho nền kinh tế. Fei, J.C.H and Ranis G. (1964) tiếp tục mở rộng lý thuyết nhị nguyên, cho rằng, khu vực công nghiệp có nhiều khả năng lựa chọn công nghệ sản xuất, bao gồm công nghệ sử dụng nhiều lao động nên có thể thu hút hết lượng lao động dư thừa của khu vực nông nghiệp. Tuy nhiên, việc di chuyển lao động là do chênh lệch thu nhập đủ lớn giữa lao động của 2 khu vực quyết định: khu vực công nghiệp chỉ có thể thu hút lao động nông nghiệp dư thừa khi có sự chênh lệch tiền công đủ lớn so với khu vực nông nghiệp. Theo Oshima H.T. (1962), mối quan hệ giữa 2 khu vực nông nghiệp và công nghiệp dựa trên những đặc điểm khác biệt của các nước đang phát triển châu Á- gió mùa: nền nông nghiệp lúa nước có tính thời vụ cao. Nền nông nghiệp lúa nước vẫn thiếu lao động lúc đỉnh cao của thời vụ và chỉ dư thừa lao động trong mùa nhàn rỗi. Vì vậy, cần giữ lại lao động nông nghiệp và chỉ tạo thêm việc làm trong những tháng nhàn rỗi bằng cách tăng vụ, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi và sử dụng lao động nhàn rỗi trong nông nghiệp vào các ngành sản xuất công nghiệp cần nhiều lao động. Như vậy, lực lượng lao động trong nông nghiệp sẽ được sử dụng hết. Harris, J.R. & Todaro, M. P. (1970) nghiên cứu việc làm qua sự di chuyển lao động trên cơ sở thực hiện điều tiết thu nhập, tiền lương giữa các khu vực kinh tế khác nhau. Những người lao động ở khu vực nông thôn có thu nhập trung bình thấp. Họ lựa chọn quyết định di chuyển lao động từ vùng có thu nhập thấp sang khu vực thành thị có thu nhập cao hơn. Như vậy, quá trình di chuyển lao động mang tính tự phát, phụ thuộc vào sự lựa chọn, quyết định của các cá nhân.
Do đó, việc làm là vấn đề trung tâm trong phát triển kinh tế. Việc làm được mở rộng trên cơ sở cân bằng cung cầu trên thị trường lao động, tăng trưởng kinh tế, tăng đầu tư, dịch chuyển lao động theo quy mô, hiệu quả ngành sản xuất và mối quan hệ hợp lý giữa lạm phát và thất nghiệp.
Thông qua các nghiên cứu ngoài nước và trong trong nước kể từ những năm 1990 đến nay (Bảng 1), có thể nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến mở rộng việc làm bao gồm 3 nhóm yếu tố: (i) Nhóm yếu tố kinh tế; (ii) Nhóm yếu tố về môi trường đầu tư; (iii) Nhóm yếu tố về nhân lực.
Hình 1: Các yếu tố ảnh hưởng đến việc làm
Cơ cấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp: Tỷ lệ giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh, thành phố trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của cả nước, đo lường quy mô kinh tế ngành công nghiệp của các tỉnh, thành phố. Tỷ lệ này càng lớn thì khả năng tích lũy tái đầu tư, mở rộng sản xuất càng cao, cầu lao động càng tăng, qua đó cho phép tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động.
GDP Nông nghiệp: Tỷ trọng GDP của ngành Nông nghiệp trong tổng GDP của nền kinh tế của tỉnh, thành phố; đo lường quy mô kinh tế của ngành Nông nghiệp. GDP ngành nông nghiệp của tỉnh, thành phố càng lớn, thì quy mô tích lũy tái đầu tư, mở rộng sản xuất của ngành càng lớn, cầu lao động trong ngành càng tăng cho phép giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động.
Tốc độ tăng trưởng GDP địa phương (Gross regional domestic product, GRDP): Tốc độ tăng trưởng GDP địa phương càng cao thì nền kinh tế càng phát triển. Theo đó, quy mô tích lũy tái đầu tư, mở rộng sản xuất càng lớn. Hệ quả là cầu lao động càng tăng, đem lại nhiều khả năng giải quyết việc làm cho người lao động.
Quy mô diện tích nuôi trồng thủy sản: Đặc thù của các địa phương vùng Duyên hải với thế mạnh nuôi trồng thủy sản. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, đo lường quy mô sản xuất của ngành Thủy sản. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản càng lớn thì quy mô sản xuất của ngành thủy sản càng lớn, khả năng hấp thụ lao động càng cao, cho phép giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động.
Quy mô diện tích đất sản xuất muối: Diện tích đất sản xuất muối đo lường quy mô sản xuất của diêm dân. Diện tích đất sản xuất muối càng lớn, càng tạo được nhiều việc làm, khả năng hấp thụ lao động càng cao. Sản xuất muối cũng là đặc thù riêng của một số địa phương vùng Duyên hải.
Số lượng tàu đánh bắt thủy sản: Số tàu đánh bắt hải sản xa bờ đo lường quy mô sản xuất của ngư dân. Số lượng tàu đánh bắt hải sản xa bờ càng nhiều, khả năng hấp thụ lao động càng cao.
Chỉ số năng lực cạnh tranh: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đo lường năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư của các tỉnh, thành phố. Tỉnh, thành phố có PCI càng cao, càng có nhiều khả năng thu hút đầu tư. Đầu tư càng lớn, cầu lao động càng cao. Điều đó đồng nghĩa với việc gia tăng cơ hội việc làm cho người lao động.
Thị trường hàng hóa: Số lượng chợ đo lường khả năng tiếp nhận sản phẩm và cung ứng hàng hóa của thị trường. Số lượng chợ càng nhiều, việc tiếp nhận sản phẩm và cung ứng, tiêu thụ hàng hóa càng thuận tiện, chi phí sản xuất và tiêu thụ hàng hóa giảm.
Dân số: Tỷ lệ gia tăng dân số phản ánh mức độ gia tăng nguồn cung lao động cho thị trường hàng hóa sức lao động. Nguồn cung của thị trường hàng hóa sức lao động càng lớn, càng tạo áp lực gia tăng việc làm.
Trình độ nhân lực: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đo lường trình độ học vấn của người lao động, là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Người lao động có tỷ lệ tốt nghiệp THPT càng cao, khả năng tiếp thu, nắm bắt, vận dụng các kiến thức chuyên môn kỹ thuật, khả năng tự đào tạo, rèn luyện tay nghề càng tốt, cơ hội việc làm gia tăng.
Sức khỏe: Số lượng cơ sở khám chữa bệnh do các sở y tế tỉnh, thành phố quản lý (bao gồm bệnh viện; phòng khám khu vực; trạm y tế xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp) cho phép đo lường quy mô chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Quy mô chăm sóc sức khỏe của người lao động (thăm khám, nghỉ dưỡng, chữa bệnh) càng lớn thì sức khỏe của người lao động càng tốt. Sức khỏe càng tốt thì chất lượng nguồn nhân lực càng cao, người lao động càng có nhiều thuận lợi để gia nhập vào thị trường lao động và tìm kiếm cơ hội việc làm.
Mức sống: Thu nhập bình quân hàng năm của người lao động trong doanh nghiệp phản ánh điều kiện mức sống (thu nhập, chi tiêu, mức sống, nhà ở, tài sản) của người lao động trong doanh nghiệp. Thu nhập càng cao, thì điều kiện kinh tế, mức sống càng tốt, người lao động càng có nhiều thuận lợi để nâng cao sức khỏe thể lực, tinh thần, học tập, trau dồi kiến thức văn hóa, chuyên môn, khoa học kỹ thuật qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực có chất lượng cao đồng nghĩa với việc người lao động càng có nhiều thuận lợi để tham gia vào thị trường lao động, tìm kiếm cơ hội việc làm.
2.2. Mô hình nghiên cứu lựa chọn
Bảng 1 cho biết mô hình nghiên cứu lựa chọn:
Biến phụ thuộc: Việc làm (Y)
Biến độc lập: 12 biến
Y = f (Xi) với i = 1 đến 12.
Kỳ vọng: Các biến độc lập tác động đến i (cùng chiều).
Bảng 1. Mô hình nghiên cứu lựa chọn
TÊN BIẾN |
ĐO LƯỜNG |
Kỳ vọng (H) |
NGUỒN |
|
I |
Phụ thuộc |
|
||
1
|
Tỷ lệ việc làm (Employment rate, EMP)
|
Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc (có việc làm) so với tổng dân số (%). |
|
Ian Coxhead & cộng tác (2009); Jean-Pierre Cling & cộng sự (2010); Gaëlle Pierre (2012); Xavier Oudin và cộng sự (2014). |
II |
Biến độc lập |
|
||
1
|
Tỷ lệ giá trị ngành Công nghiệp (Percentage of Industry, INDP
|
Cơ cấu giá trị ngành Công nghiệp của tỉnh, thành phố trong tổng giá trị ngành Công nghiệp cả nước.
|
+ |
Rhys Jenkins (2004a) ; Hyun H. Son (2005); Tran Nhuan Kien và Yoon Heo (2009); Brian Mccaig và Nina Pavcnik (2011); Gaëlle Pierre (2012); Xavier Oudin và cộng sự (2014), Philip Abbott và cộng sự (2015); Đinh Phi Hổ và Nguyễn Văn Phương (2015).
|
2
|
Tỷ lệ giá trị ngành Nông nghiệp (Percentage of Agricultural GDP, AGRP)
|
Tỷ trọng GDP của ngành Nông nghiệp trong tổng GDP của nền kinh tế (%).
|
+ |
Oshima, H. T. (1993); Hyun H. Son (2005); Ian Coxhead và cộng sự (2009); Jean-Pierre Cling và cộng sự (2010); Brian Mccaig và Nina Pavcnik (2011); Gaëlle Pierre (2012); Xavier Oudin và cộng sự (2014); Philip Abbott và cộng sự (2015). |
3
|
Tốc độ tăng trưởng GDP địa phương (Growth rate of GRDP, GDPR)
|
Tốc độ tăng trưởng GRDP theo giá so sánh 2010 (%).
|
+
|
Philip Ifeakachukwu and Nwosa (2014); Ian Coxhead và cộng sự (2009); Jean-Pierre Cling và cộng sự (2010); Gaëlle và cộng sự (2012); Xavier Oudin và cộng sự (2014). |
4
|
Diện tích nuôi trồng thủy sản (Aquatic Area, AQUA) |
Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. (1000 Ha) |
+ |
Đồng Văn Tuấn và cộng sự (2011); Arthur O’Sullivan (2011); Đặng Tú Lan (2002). |
5 |
Diện tích sản xuất muối (Salt area, SALA) |
Diện tích đất sản xuất muối (1000 ha). |
+ |
Đồng Văn Tuấn và cộng sự. (2011); Arthur O’Sullivan (2011); Đặng Tú Lan (2002). |
6 |
Số tàu đánh bắt (Ship quantity, SHIPQ) |
Số tàu đánh bắt hải sản xa bờ (Tàu) |
+
|
Đồng Văn Tuấn và cộng sự (2011); Arthur O’Sullivan (2011); Đặng Tú Lan (2002). |
7 |
PCI |
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh |
+ |
Arthur O’Sullivan (2003); Kunal Sen (2008), Đồng Văn Tuấn và cộng sự (2011). |
8 |
Số lượng chợ (Market quantity, MARQ) |
Số lượng chợ (Chợ) |
+ |
Balassa (1966); Nguyễn Thế Tràm và cộng sự (2005); Đồng Văn Tuấn và cộng sự (2011). |
9
|
Tỷ lệ gia tăng dân số (Population growth rate, POPR |
Tỷ lệ gia tăng dân số (%)
|
+ |
Lewis (1954); Đặng Tú Lan (2002); Nguyễn Thế Tràm và ctg. (2005); Trần Đình Chín (2012). |
10
|
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp (Graduation rate, GRAR)
|
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT (%).
|
+ |
Arthur O’Sullivan (2003); Nguyen Thi Kim Dung và cộng sự (2005); Kunal Sen (2008) ; Ian Coxhead và cộng sự (2009); Vu Hoang Nam và cộng sự (2010); Nguyễn Dũng Anh (2014); Đinh Phi Hổ và Nguyễn Văn Phương (2015); Chris N.Sakellatiou and Harry A. Patrinos (2000). |
11
|
Số lượng cơ sở khám, chữa bệnh (Medical unit, EDIU)
|
Số lượng cơ sở khám, chữa bệnh (số cơ sở).
|
+ |
Nguyen Thị Kim Dung và cộng sự (2005); Nguyễn Thị Huệ (2014); Đinh Phi Hổ và Nguyễn Văn Phương (2015); Phạm Đức Thuần và Dương Ngọc Thành (2015). |
12
|
Tu nhập (Income, INC)
|
Thu nhập bình quân hàng năm của người lao động trong doanh nghiệp (triệu đồng).
|
+ |
Chris N.Sakellariou và Harry A. Parinos (2000); Arthur O’Sullivan (2003); Tran Nhuan Kien và Yoon Heo (2009); Nguyễn Dũng Anh (2014); Philip Abbott và cộng sự (2015); Phạm Đức Thuần và Dương Ngọc Thành (2015). |
3. Thiết kế nghiên cứu
3.1. Dữ liệu
- Thời gian: 8 năm (2009 - 2016).
- Không gian: 21 tỉnh/thành phố của vùng Duyên hải Việt Nam.
Bảng 2. Các tỉnh chọn lọc của vùng Duyên hải Việt Nam
3.2. Nguồn dữ liệu
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), Cục Thống kê của 21 tỉnh, thành phố Duyên hải và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
3.3. Mô hình dữ liệu bảng
Do dữ liệu sử dụng theo 2 chiều: (i) Thời gian (T = 8 năm); (ii) Không gian (21 tỉnh / TP), theo Baltagi B.H. (1999), mô hình kinh tế lượng thích hợp là dạng mô hình quy dữ liệu Bảng (Panel Data).
Theo Hsiao C. (2003), trong phân tích, hồi quy dữ liệu bảng có các mô hình chính sau: Pool OLS (Pool Ordinary Least Square, Bình phương bé nhất thô), FEM (fixed effects model, Mô hình tác động cố định), REM (random effects model, mô hình tác động ngẫu nhiên).
+ Mô hình Pooled OLS:
Dữ liệu bảng bao gồm N đối tượng (Tỉnh/TP) và T thời gian (2009-2016), mô hình hồi quy tuyến tính truyền thống được xác định bởi:
Yit = β0 + β1X1it + β2X2it + …+ β12X12it + μit (1); Trong đó: i = 1 đến N; t= 1 đến T.
μit: Giá trị phần dư của mô hình, đối tượng i của năm thứ t. Mô hình có 12 biến độc lập.
Mô hình Pool OLS thực chất là mô hình OLS bình thường, điều này xảy ra khi sử dụng dữ liệu bảng như một đám mây dữ liệu bình thường không phân biệt theo năm và theo đối tượng. Do đó, kết quả ước lược không được tin cậy.
+ Mô hình tác động cố định (FEM)
Mô hình tác động cố định là một dạng mở rộng của mô hình hồi quy tuyến tính truyền thống. Trong đó, phần dư của mô hình 1 được tách ra làm 2 bộ phận:
μit = νi + εit
Thành phần νi đại diện cho tất các các biến không quan sát được khác nhau giữa các đối tượng nhưng không thay đổi theo thời gian. Thành phần εit đại diện cho những biến không quan sát được khác nhau giữa các đối tượng và thay đổi theo thời gian.
Yit = β0 + β1X1it + β2X2it + …+ β12X12it + νi + εit ` (2)
+ Mô hình tác động ngẫu nhiên (REM)
Mô hình tác động ngẫu nhiên là một dạng mở rộng của mô hình hồi FEM. Trong đó, phần dư (vi) của mô hình 2 được tách ra làm 2 bộ phận:
vi = α0+ωi
Thành phần bất định (α0): Đại diện cho tất các các biến không quan sát được khác nhau giữa các đối tượng nhưng không thay đổi theo thời gian. Thành phần ngẫu nhiên (ωi): Đại diện cho tất các các biến không quan sát được khác nhau giữa các đối tượng nhưng thay đổi theo thời gian.
Yit = β0 + β1X1it + β2X2it + …+ β12X12it + ωi + εit ` (3)
Theo Hsiao C. (2003), hai mô hình (2) và (3) thích hợp cho sử dụng mô hình hồi quy dữ liệu Bảng. Để xem xét mô hình FEM hay REM phù hợp hơn, cần sử dụng kiểm định Hausman (Hausman, 1978). Thực chất, kiểm định Hausman để xem xét có tồn tại tự tương quan giữa εi và các biến độc lập hay không.
Giả thuyết (Hypotheis, H):
H0: εi và biến độc lập không tương quan.
H1: εi và biến độc lập có tương quan.
Theo Baltagi (1999) và Gujarati (2003), khi giá trị Pvalue ≤ 0,05, εi và biến độc lập tương quan với nhau, bác bỏ giả thuyết H0, sử dụng mô hình tác động cố định. Còn ngược lại, ta sử dụng mô hình tác động ngẫu nhiên.
4. Kết quả và thảo luận
Kết quả của kiểm định Hausman
Bảng 3. Kiểm định Hausman
Bảng 3 cho thấy Prob. = 0,0003 ≤ 0,05, bác bỏ giả thuyết H0, mô hình hồi quy tác động cố định là phù hợp (Hsiao C., 2003).
Kết quả của mô hình tác động cố định
Bảng 4. Kết quả của mô hình tác động cố định (FEM)
Trong Bảng 4, theo Green (1991) các biến GDPR, GRAR, INC, INDP, PCI, SHIPQ có Prob. ≤ 0,05 (mức tin cậy trên 95%). R2 hiệu chỉnh = 0.900; 91% thay đổi của Việc làm (EMP) được giải thích bởi các biến độc lập của mô hình. Prob (F-statistic) = 0,000, mô hình hình hồi quy phù hợp với dữ liệu thực tế với mức tin cậy 99% (Về tổng thể, các biến độc lập tương quan tuyến tính với biến phụ thuộc). Theo Fomby T.B, Hill R.C, and Johnson S.R, (1984), giá trị thống kê Durbin - Watson: 1 < d=1.433 < 3, mô hình không có hiện tượng tự tương quan của phần dư.
Theo Kutner, M. H. và cộng sự (2004):
Trong đó:
VIFi: Độ phóng đại phương sai (variance inflation factor, VIF) của biến độc lập thứ i.
Ri2: Hệ số R2 hiệu chỉnh của biến độc lập thứ i.
: Hệ số xác định R2 hiệu chỉnh của mô hình hồi quy phụ thứ 1.
X1 = a0 + a1X2 + a2X3 +...+ a10X12 (1)
Dựa vào phương trình, xác định R21. Tương tự xác định R22;…, R212.
Bảng 5. Độ phóng đại phương sai (VIF)
Adjusted R2 |
1-R2 |
1/(1-R2) |
|
AGRP |
0.7444 |
0.2556 |
3.9129 |
AQUA |
0.5012 |
0.4988 |
2.0048 |
GDPR |
0.3654 |
0.6346 |
1.5758 |
GRAR |
0.4032 |
0.5968 |
1.6756 |
INC |
0.2815 |
0.7186 |
1.3917 |
INDP |
0.2720 |
0.7280 |
1.3737 |
MARQ |
0.2084 |
0.7916 |
1.2633 |
MEDIU |
0.8319 |
0.1681 |
5.9477 |
PCI |
-0.0093 |
1.0093 |
0.9908 |
POPR |
-0.0061 |
1.0061 |
0.9940 |
SALA |
0.0035 |
0.9966 |
1.0035 |
SHIPQ |
0.0035 |
0.9966 |
1.0035 |
Khi VIFi < 10, không có hiện tương quan tuyến tính giữa các biến độc lập (Belsley, Kuh and Welsch, 1980).
Theo Park (1996), khi tương quan giữa Phần dư bình phương (RSQUARE) và biến phụ thuộc của mô hình có dạng đường thẳng (tuyến tính), không có hiện tượng phương sai phần dư thay đổi.
Hình 2: Biểu đồ phần dư bình phương
Hình 2 cho thấy đường tương quan có dạng tuyến tính.
Như vậy, qua hệ thống các kiểm định, các yếu tố ảnh hưởng đến mở rộng việc làm bao gồm: (1) Cơ cấu giá trị ngành công nghiệp của tỉnh, thành phố trong tổng giá trị ngành công nghiệp cả nước; (2) Tốc độ tăng trưởng GDP; (3) Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; (4) Số tàu đánh bắt hải sản xa bờ; (5) Thu nhập bình quân hàng năm của người lao động trong doanh nghiệp; (6) Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT.
5. Hàm ý chính sách
Để mở rộng việc làm cho các tỉnh/thành phố thuộc vùng Duyên hải, các địa phương nên quan tâm đến:
- Phát triển ngành công nghiệp: Kết quả nghiên cứu và thực tiễn những năm qua đã chỉ ra rằng, ngành công nghiệp không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động. Vì vậy, cần ưu tiên tập trung vốn con người và các nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp theo thế mạnh nguyên liệu tại chỗ và gắn với ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, không ảnh hưởng đến thế mạnh phát triển du lịch sinh thái biển.
- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Nhiều năm qua, kinh tế Việt Nam giữ mức tăng trưởng khá cao đã tạo ra được nhiều việc làm mới cho người lao động. Thực tiễn đã chứng minh rằng, chỉ khi kinh tế phát triển thì việc làm của người lao động mới được ổn định, đời sống mới đảm bảo. Vì vậy, cần phải tập trung, huy động vốn con người và mọi nguồn lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nhân, hộ gia đình và cá thể bỏ vốn đầu tư kinh doanh, làm ăn; nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước, huy động cao nhất mọi nguồn lực trong dân chúng cho mục tiêu phát triển kinh tế. Cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi, hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục để thu hút đầu tư nước ngoài với tinh thần doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận quan trọng trong các thành phần kinh tế quốc gia, thành công của doanh nghiệp nước ngoài cũng là thành công của Chính phủ. Tranh thủ sự ủng hộ của các chính phủ, tổ chức và cá nhân nước ngoài các nguồn lực, nhất là nguồn vốn, công nghệ để đầu tư xây dựng cơ cở hạ tầng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.
- Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh: Khi năng lực cạnh tranh được cải thiện, các tỉnh, thành phố sẽ có nhiều lợi thế để kêu gọi, thu hút đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài. Quan tâm tới nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Hỗ trợ ngư dân trang bị phương tiện khai thác, đánh bắt hải sản: Một thực tế là năng lực khai thác, đánh bắt hải sản, nhất là đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân đang thiếu và yếu. Mặc dù, những năm qua đã được tăng cường nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của ngư trường khi ngày càng phải vươn xa với nhiều rủi ro, bất trắc: mưa bão, sự cướp phá của tàu, thuyền nước ngoài làm thiệt hại về phương tiện và tài sản của ngư dân. Công suất bé, trang thiết bị thiếu thốn nên tàu, thuyền của ngư dân khó vươn đến biển xa, bám biển lâu ngày, dễ bị hư hại trước những tác động của thiên tai và tấn công của tàu, thuyền nước ngoài. Vì vậy, cần đẩy nhanh và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ ngư dân trang bị mới tàu, thuyền; bổ sung phương tiện, công cụ khai thác, đánh bắt hải sản, nhất là đánh bắt ở ngư trường xa. Hoàn chỉnh hệ thống cảng biển, âu tàu, nơi neo đậu cho ngư dân khi gặp mưa bão; dịch vụ cung ứng vật tư, sửa chữa tàu, thuyền hư hỏng; bảo vệ tốt ngư dân trước những hành động phá hoại của tàu, thuyền nước ngoài. Tiếp tục chương trình hỗ trợ ngư dân lãi suất hợp lý để vay vốn đóng tàu lớn với trang thiết bị hiện đại, đủ sức vươn khơi, bám biển.
- Cải thiện thu nhập và điều kiện kinh tế cho người lao động: Khi thu nhập và mức sống cao thì người lao động có điều kiện để nâng cao sức khỏe thể lực, tinh thần, học tập, trau dồi kiến thức văn hóa, chuyên môn, khoa học kỹ thuật, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực có chất lượng cao đồng nghĩa với việc người lao động có nhiều thuận lợi để tham gia vào thị trường lao động, gia tăng cơ hội tìm kiếm được việc làm. Vì vậy, cần quan tâm đến có biện pháp để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động, như: (i) Mở các trung tâm đào tạo, dạy nghề để người lao động được trang bị các kiến thức chuyên môn kỹ thuật cần thiết khi tham gia lao động có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, qua đó tăng thu nhập và cải thiện điều kiện kinh tế; (ii) Đa dạng hóa ngành nghề, sản phẩm để người lao động với kiến thức, kinh nghiệm của mình có thể tham gia sâu rộng vào thị trường lao động, tìm kiếm cơ hội việc làm, tạo kế sinh nhai bền vững và lâu dài; (iii) Phát huy các lợi thế về tài nguyên đất đai, khoáng sản, khí hậu, lao động, môi trường kinh doanh kêu gọi đầu tư, qua đó tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động. Khi cơ hội việc làm gia tăng, người lao động có nhiều điều kiện để lựa chọn được việc làm phù hợp.
- Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật cho người lao động: Trình độ học vấn càng cao, khả năng tiếp thu, nắm bắt, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, khả năng tự đào tạo, rèn luyện tay nghề của người lao động càng tốt. Trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, người lao động càng có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Vì vậy, cần đầu tư thích đáng cho giáo dục, đào tạo: mở rộng hệ thống trường lớp phổ thông, các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, các cơ sở đào tạo nghiệp vụ, kỹ thuật, các trường trung học, cao đẳng, đại học,… phù hợp với quy mô của nền kinh tế và điều kiện, đòi hỏi thực tiễn của từng tỉnh, từng thành phố và đất nước. Giáo dục, đào tạo phải gắn với thị trường việc làm, với nhu cầu lao động mà xã hội đang cần. Tránh đào tạo theo khả năng của nhà trường, hay theo chỉ tiêu mà Bộ, ngành chủ quản giao mà không quan tâm tới nhu cầu của xã hội, dẫn đến thực trạng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm vì chất lượng không đáp ứng yêu cầu công việc, hay thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay. Quan tâm đến liên kết, tranh thủ sự ủng hộ, đầu tư của các chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài mở các trường đào tạo, dạy nghề, giáo dục với chất lượng cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Arthur O’Sullivan (2011). Urban Economics. USA: McGraw-Hill/Irwin.
- Balassa B. (1966). Tariff reductions and trade in manufacturers among the industrial countries. Amenican economic review, 56, 466-473.
- Baltagi B.H. (1999). Econometric Analysis of Cross Section and Panel Data, MIT Press, Cambridge,
- Belsley D.A, Kuh E, and Welsch R.E (1980). Regression Diagonistics: Identifying Influential Data and Sources of Collinearity. John Wiley & Sons, New York.
- Brian Mccaig và Nina Pavcnik (2011). Export markets, employment, and formal jobs: Evidence from the U.S.‐Vietnam Bilateral Trade Agreement. Australian National University, Dartmouth College. Truy cập từ < http://www.parisschoolofeconomics.eu/docs/ydepot/semin/texte1011/MCC2011EXP.pdf>.
- Chris N.Sakellatiou and Harry A. Patrinos (2000). Labour market performance of tertiary educatin graduates in Vietnam. Asian Economic Journal, 14(2), 147 – 165.
- Duy Loi Nguyen, Binh Giang Nguyen, Thi Ha Tran, Thi Minh Le Vo and Dinh Ngan Nguyen (2014). Employment, Earnings and Social Protection for Female Workers in Vietnam’s Informal Sector. Institute of World Economics and Politics. Truy cập từ < https://mpra.ub.uni-muenchen.de/61989/1.pdf>.
- Đặng Tú Lan (2002). Những nhân tố tác động đến vấn đề giải quyết việc làm ở nước ta hiện nay. Tạp chí Lý luận chính trị (12). Truy cập từ < https://tailieu.udn.vn/dspace/.../1/liem%20dspace%2091.pdf>.
- Đinh Phi Hổ (chủ biên) và Nguyễn Văn Phương (2015). Kinh tế phát triển: Căn bản và nâng cao, Nhà xuất bản Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
- Đồng Văn Tuấn (2011). Giải pháp giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn tỉnh Thái Nguyên. Đề tài cấp Bộ, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên. Truy cập từ <http://qlkh.tnu.edu.vn/theme/details/159/giai-phap-giai-quyet-viec-lam>.
- Emiko Fukase (2013). Foreign Job Opportunities and Internal Migration in Vietnam. Policy Research Working Paper. Truy cập từ < http://www-wds.worldbank.org/servlet>.
- Fei, J.C.H and Ranis G. (1964). Development of the labour Surplus Economy: Theory and Policy. Illinois: Irwin, Homewoood.
- Fomby T.B, Hill R.C, and Johnson S.R (1984). Advanced Econometric Methods. New York: Springer – Verlag.
- Gaëlle Pierre (2012). Recent Labor Market Performance in Vietnam through a Gender Lens. Policy Research Working Paper. Truy cập từ <https://www.openknowledge.worldbank.org>.
- GSO (2015). Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2015. Truy cập từ <http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid>.
- Green W.H. (2003). Econometric Analysis. Upper Saddle River NJ: Prentice-Hall.
- Gujarati D. (2003). Basic Econometrics. McGraw Hill.
- Hausman, J. A. (1978). Specification Tests in Econometrics. Econometrica, 46 (6), 1251–1271.
- Harris, J. R. & Todaro, M.P. (1970). Migration, Unemployment and Development: A Two-Sector Analysis. American Economic Review, 60 (1), 126–142,
- Harry T. Oshima (1962). The international comparison of size distribution of family incomes with special reference to Asia. The Review of Economics and Statistics, 44(4), 439-445.
- Hsiao Cheng (2003). Analysis of panel data. Cambridge University Press.
- Hyun H. Son (2005). Vietnam: Jobs, Growth and Poverty Reduction. International Poverty Centre. Truy cập từ <http://www.ipc-undp.org/pub/IPCOnePager14.pdf>.
- Ian Coxhead, Diep Phan, Dinh Vu Trang Ngan and Kim N. B. Ninh (2009). Labour Market, Employment, and Urbanization in Viet Nam to 2020: Learning from International Experiences. The Asia Foundation. Truy cập từ <http://www.aae.wisc.edu/coxhead/papers>.
- ILO (International Labour Organization (2008). The concepts of employment and unemployment as set out by the 13th ICLS – Is there a need for revision? Some remarks from a European perspective. Truy cập từ < http://www.ilo.org/global/statistics-and-databases>.
- Jean-Pierre Cling, Mireille Razafindrakoto and François Roubaud (2010). Assessing the Potential Impact of the Global Crisis on the Labour Market and the Informal Sector in Vietnam. DIAL Développement, Institutions & Analyses de Long terme, IRD Institut de Recherche pour le Développement. Truy cập từ <https://basepub.dauphine.fr/bitstream/handle/123456789/10624/08>.
- Keynes John Maynard (1936). The General Theory of Employment, Interest and Money. Trích theo Hunt, Michael H. (2004). The World Transformed: 1945 to the present. New York, New York: Oxford University Press.
- Kunal Sen (2008). International Trade Manufacturing Employment Outcomes in India, A comparative Study. World Institute for Development Economics Research. Truy cập từ <https://www.wider.unu.edu/sites/default/files/rp2008-87.pdf>.
- Kutner, M. H.; Nachtsheim, C. J.; Neter, J. (2004). Applied Linear Regression Models (4th ed.). McGraw-Hill Irwin.
- Lewis, W. A. (1954). Economic development with unlimited supplies of labour. Manchester school of economic and social studies, 22(2), 131-191.
- Marx K. (1887). Capital: A Critique of Political Economy. Progress Publishers, Moscow, USSR;
- Marshall, Alfred (1920). Principles of Economics. London: Macmillan; reprinted by Prometheus Books. ISBN 1-57392-140-8.
- Nguyễn Dũng Anh (2014). Việc làm cho nông dân bị thu hồi đất trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở thành phố Đà Nẵng. Luận án tiến sỹ kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Truy cập từ < http://www.npa.org.vn/Uploads/2014/11/4/nguyen_dung_anh_la.pdf>.
- Nguyễn Thế Tràm, Trần Đức Chín, Lê Văn Hà, Lê Văn Hải, Trần Thị Bích Hạnh, Phạm Hảo, Trương Minh Dục, Phạm Phong Duễ, Phạm Thanh Khiết, Đỗ Thanh Phương, Lê Văn Toàn và Phạm Quốc Tuân (2005). Các giải pháp giải quyết vấn đề lao động, việc làm của ngư dân ven biển Duyên hải miền Trung. Đề tài cấp Bộ, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh - Phân hiệu Đà Nẵng. Truy cập từ <http://www.lrc.tnu.edu.vn/upload/collection/brief/16116_5589.pdf>.
- Nguyen Thị Kim Dung, Nguyen Mạnh Hai, Tran Thị Hạnh, Tran Kim Chung (2005). Labor Market Segmentation in Vietnam: survey Evidence. Asian Development Bank (ADB). Truy cập từ <http://www.eaber.org/sites/default/files/documents/CIEM_Nguyen_2005.pdf>.
- Nguyễn Thị Huệ (2014). Việc làm cho người lao động trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội. Luận án tiến sỹ kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
- Oshima, H. T. (1993), Stratergic processes in moonsoon Asia’s economic development, Baltimore, MD, USA: The Johns Hopkins University Press.
- Park, R.E. (1966). Estimation with Heteroscedastic Error Terms. Econometrica, Vol. 34(4): 888.
- Phạm Đức Thuần và Dương Ngọc Thành (2015). Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến việc tham gia đào tạo nghề của lao động nông thôn trên địa bàn thành phố cần thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, (40), 83-91.
- Pigou cecil (1920). The economics of welfare. Truy cập từ <http://oll.libertyfund.org/Home3/HTML.php?recordID>.
- Philip Abbott, Finn Tarp and Ce Wu (2015). Structural transformation, biased technological change, and employment in Vietnam. WIDER Working Paper. Truy cập từ <https://www.wider.unu.edu/sites/default/files/wp2015-068.pdf>.
- Philip Ifeakachukwu and Nwosa (2014). Government expenditure, unemployment and poverty rates in Nigeria. Department of Economics, Accounting and Finance, Bells University of Technology, Ota, Nigeria, JORIND journal, 12(1), 77-84.
- Phillips, A. W. (1958). The Relationship between Unemployment and the Rate of Change of Money Wages in the United Kingdom 1861-1957. Economica. 25 (100), 283–299
- Quốc hội Việt Nam (2013), Luật Việc làm. Truy cập từ <http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu>.
- Rhys Jenkins (2004a). Vietnam in the global economy: trade, employment and poverty. Journal of International Development, 16, 13-28.
- Rhys Jenkins (2004b). Why has employment not grown more quickly in Vietnam? Journal of the Asia Pacific Economy, 9(2), 191-208.
- Smith, A. (1976). The Wealth of Nations edited by R. H. Campbell and A. S. Skinner. The Glasgow edition of the Works and Correspondence of Adam Smith, 2, 456.
- Trần Đình Chín (2012). Việc làm cho người lao động ở các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam. Luận án tiến sỹ kinh tế, Học viện Chính trị - hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
- Tran Nhuan Kien và Yoon Heo (2009). Impacts of trade liberalization on employment in Vietnam: a system generalized method of moments estimation. The Developing Economies, 47(1), 81–103.
- Vu Hoang Nam, Dao Ngoc Tien and Phan Thi Van (2010). The Roles of Formal Schooling in Workers' Job Self-selection and Income in Village-based Industrial Clusters: The Cases of Two Clusters in Northern Vietnam. Centre for Policy Research and Development. Truy cập từ < http://depocenwp.org/modules/download/index.php?id=81>.
- Xavier Oudin, Laure Pasquier-doumer, Thai Phạm Minh, François Roubaud and Dạt Vu Hoang (2014). Adjustment of the Vietnamese Labour Market in Time of Economic fluctuations and Structural Changes. The Vietnam Annual Economic Report (VAER) 2013. Truy cập từ <http://horizon.documentation.ird.fr/exl-doc/pleins_textes/divers14-07/010062184.pdf>.
THE EMPLOYMENT GROWTH AND POLICY IMPLICATIONS: CASE STUDY IN VIETNAM’S COASTAL PROVINCES
Assoc.Prof. Ph.D Dinh Phi Ho
Phan Thiet University
ABSTRACT:
This study aims to assess factors that influence the employment growth of the costal region in Vietnam. In this study, an extended regression function was used for a panel data with 186 observations of 21 cities and provinces in the period from 2011 to 2018. In addition, three regression models based on the panel dataset were also employed in this study, including: (i) Pooled - OLS regression model (Pooled OLSM); (ii) Random Effects Model (REM); and (iii) Fixed Effects Model (FEM). The study’s results show that the FEM model is sutiable and factors affecting the employment growth include (i) Structure of industrial value of province and city in total value of industry nationwide; (ii) GDP growth rate; (iii) Provincial Competitiveness Index; (iv) Number of offshore fishing vessels; (v) Average annual income of employees working for enterprises; and (vi) Percentage of high school graduates.
Keywords: Job, coastal region, panel data regression.