Đánh giá thực trạng tạo việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam

TS. Trần Thị Thu Hà (Trường Đại học Lâm nghiệp), ThS. Nguyễn Văn Hải (Trường Cao đẳng nghề Công nghệ, Kinh tế và Chế biến lâm sản)

Tóm tắt:

Nghiên cứu được thực hiện tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam nhằm đánh giá thực trạng tạo việc làm và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tạo việc làm cho lao động nông thôn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tình trạng dư thừa lao động còn khá cao, hệ số sử dụng thời gian lao động thấp, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được thị trường lao động. Để thúc đẩy tạo việc làm cho lao động nông thôn tốt hơn trong thời gian tới, tác giả đề xuất tập trung vào 6 nhóm giải pháp, gồm: Mở rộng tạo việc làm trong sản xuất nông nghiệp; mở rộng tạo việc làm trong công nghiệp và sản xuất tiểu thủ công nghiệp; mở rộng tạo việc làm trong thương mại và dịch vụ; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề; mở rộng các hình thức xuất khẩu lao động; phát triển và đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh.

Từ khóa: Lao động nông thôn, tạo việc làm, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

1. Đặt vấn đề

Với đặc điểm dân số đông và trẻ nên có nguồn lao động phong phú, dồi dào, đặc điểm đó là thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, song đồng thời cũng luôn tạo ra sức ép về việc làm cho toàn xã hội. Hà Nam là một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, vấn đề về giải quyết việc làm cho lao động nông thôn những năm gần đây đã được tỉnh quan tâm và đã có một số chương trình, biện pháp nhằm giải quyết vấn đề này, nhưng qua thực tiễn cho thấy chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm cho người lao động (UBND tỉnh Hà Nam, 2016). Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, cùng với việc ứng dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều và có hiệu quả, nên đã dẫn tới tình trạng giảm đi rõ rệt về nhu cầu sử dụng lao động. Thêm vào đó, nguồn lực đất đai hạn chế do phát triển đô thị và một số mục đích khác đã dẫn tới tình trạng dư thừa lao động trong nông thôn, vấn đề việc làm cho người lao động nông thôn vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu giải quyết. Nghiên cứu được thực hiện tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam nhằm đánh giá thực trạng tạo việc làm, những hạn chế và nguyên nhân trong thời gian vừa qua và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tạo việc làm cho lao động nông thôn trong thời gian sắp tới.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu thực hiện thu thập số liệu thứ cấp từ các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh và huyện như UBND, Chi cục Thống kê, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội và số liệu của cơ quan thống kê Trung ương, tỉnh.

Thu thập số liệu sơ cấp tại 03 xã đại diện cho 17 xã và 1 thị trấn của huyện Bình Lục. Cụ thể, thị trấn Bình Mỹ đại diện cho nhóm địa phương có trình độ phát triển kinh tế khá; xã An Mỹ đại diện cho nhóm có trình độ phát triển trung bình và xã Mỹ Thọ là xã có trình độ phát triển kinh tế chậm với các phương pháp sau: (1) Phỏng vấn trực tiếp bằng bảng hỏi đối với 150 hộ từ 03 xã nghiên cứu (mỗi xã 50 hộ) nhằm đánh giá thực trạng lao động và tạo việc làm của hộ; (2) Phỏng vấn bán định hướng đối với cán bộ địa phương và các cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn huyện nhằm đánh giá về những khó khăn trong tạo việc làm và tham vấn về giải pháp phát triển, mở rộng việc làm cho lao động nông thôn.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Thực trạng việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Bình Lục

Bình Lục là huyện thuần nông của tỉnh Hà Nam. Lực lượng lao động chủ yếu đang làm việc ở lĩnh vực nông - lâm - thủy sản. Số người lao động trong nông nghiệp, thủy sản cũng như công nghiệp dịch vụ tương đối ổn định qua các năm. Đối với Bình Lục, sản xuất nông nghiệp là ngành chủ yếu để tạo ra việc làm cho người lao động (Bảng 1).

Tỷ lệ lao động trong các ngành nghề giai đoạn từ 2014 đến 2016 có sự chuyển dịch từ ngành Nông, Lâm, Thủy sản sang ngành Công nghiệp và Dịch vụ. Tuy nhiên, sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế chưa có sự thay đổi rõ rệt. Lực lượng lao động trong các ngành có trình độ thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo không cao, năng suất lao động chưa thực sự hiệu quả (Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội huyện Bình Lục, 2016). Trong thời gian tới cần có các chính sách và biện pháp để tạo việc làm cho người lao động nông thôn một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Do sản xuất nông nghiệp và ngành trồng trọt vẫn giữ vai trò chủ đạo, vì vậy thu nhập ngành trồng trọt đã chiếm tới 53,02% trong tổng thu nhập các ngành, tiếp đến ngành sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thu nhập chiếm 23,76%, ngành chăn nuôi chiếm 17,50% do quy mô chăn nuôi vẫn còn manh mún.

3.2. Kết quả tạo việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Bình Lục

3.2.1. Tạo việc làm thông qua đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện đã mở các lớp dạy nghề chăn nuôi thú y, trồng trọt, may dân dụng, đan… thu hút trên 2.000 học viên tham gia, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động, đạt hơn 70% lao động sau khi học nghề (Phòng Lao Động, Thương binh, Xã hội huyện Bình Lục, 2016). Các mô hình dạy nghề mang lại hiệu quả cao là trồng lúa thơm kết hợp cánh đồng mẫu, mô hình nuôi thủy sản nước lợ, nuôi cá kết hợp trồng lúa, nuôi bò sữa, bò Sind, trồng nấm rơm, trồng rau, đan giỏ… Dạy nghề không chỉ tạo việc làm cho lao động nông thôn, giúp người dân thoát nghèo, mà còn góp phần thực hiện tốt tiêu chí về giáo dục và cơ cấu lao động trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Hàng năm, trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm của huyện khảo sát nhu cầu lao động tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài huyện; nhu cầu học nghề của các đối tượng lao động chưa có việc làm, lao động dôi dư; ký kết hợp đồng với giáo viên, nghệ nhân truyền nghề, chủ động xây dựng đề án, chương trình dạy nghề đúng, trúng nhu cầu việc làm. Nhờ đó, mỗi năm hơn 80% số lao động học nghề tại trung tâm tìm được việc làm ổn định. Thu nhập bình quân lao động trong các xí nghiệp may mặc đạt từ 3 triệu - 4 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, trong công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm ở địa phương còn một số hạn chế như độ tuổi và trình độ học viên không đồng đều, nguồn kinh phí của các chương trình đào tạo phân bổ chậm, ảnh hưởng tiến độ mở lớp, cấp chế độ cho học viên, thời gian học nghề ngắn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, chưa đáp ứng được yêu cầu đối với những sản phẩm công nghệ mới, tình trạng nữ công nhân bỏ việc khi lập gia đình khá phổ biến.

Khắc phục những khó khăn này, trong năm 2016, huyện Bình Lục tiếp tục đưa dự án phát triển đào tạo nghề cho phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng quy hoạch đất đô thị, đất xây dựng khu công nghiệp; tiếp tục mở nhiều lớp học nghề có nhu cầu đào tạo cao, hướng tới hình thành các nghề mũi nhọn; nghiên cứu cấp phép dạy các nghề mới; thúc đẩy công tác giới thiệu việc làm, giải quyết lao động dôi dư, tăng thu nhập ổn định. Đồng thời, chuyển mạnh từ đào tạo nghề theo năng lực sẵn có của cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và của thị trường lao động. Gắn đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và các chương trình kinh tế xã hội khác, tạo điều kiện để các nghề truyền thống, làng nghề của từng địa phương được nhân rộng, phát triển bền vững.

Đối với nhóm lao động nữ hơn 30 tuổi, không có điều kiện làm việc tập trung tại các khu công nghiệp, địa phương đã tư vấn để chị em tham gia vào các lớp thêu ren truyền thống do các nghệ nhân tại địa phương đứng lớp. Ba năm qua, Trung tâm Dạy nghề phối hợp Trung tâm Khuyến nông huyện, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế huyện mở các lớp kỹ thuật trồng trọt với phương pháp học đi đôi với thực hành.

3.2.2. Tạo việc làm thông qua đa dạng hóa ngành nghề, phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn

Trên địa bàn huyện đã xuất hiện các cụm khu công nghiệp, đây là một hướng rất quan trọng trong tạo việc làm mới cho lao động nông thôn. Hiện có nhiều công ty đang hoạt động như Công ty Xi măng Vissai, Công ty Number One, Công ty May Bắc Âu, Công ty May Bắc Hà… Các công ty đóng trên địa bàn huyện đã thu hút và tạo thêm việc làm đáng kể cho nguồn lao động thiếu việc làm, số người đi làm ở các công ty chiếm khoảng 30% số lao động không có việc làm trong huyện Bình Lục. Bên cạnh đó, cũng có một số xã có các làng nghề truyền thống và cũng giải quyết một số lao động đáng kể như nghề làm đá ở xã Bình Nghĩa, nghề mộc ở xã Vụ Bản.

Cơ cấu tạo việc làm của huyện đã có chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng lao động được đào tạo và đa dạng hóa ngành nghề. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm dần trong khi đó tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng lên, đây là điều đáng mừng cho sự phát triển của chung toàn huyện. Năm 2016, trên địa bàn huyện có tất cả 312 cơ sở sản xuất kinh doanh lớn nhỏ, đây là một điều đáng mừng cho việc tạo việc làm cho lao động nông thôn. Các doanh nghiệp tạo công việc làm cho lao động của huyện, tạo công ăn việc làm giúp người nông dân cải thiện cuộc sống.

3.2.3. Tạo việc làm thông qua triển khai Chương trình 120

"Quỹ cho vay tạo việc làm" là một chương trình đã tham gia vào việc tạo việc làm cho lao động nông thôn thông qua cho vay hỗ trợ các dự án nhỏ nhằm tạo thêm việc làm, được quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đối tượng vay vốn là hộ kinh doanh cá thể; tổ hợp sản xuất; hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã; cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật; doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; chủ trang trại; Trung tâm Giáo dục Lao động - Xã hội và hộ gia đình.

Vốn vay được sử dụng vào việc sau: Mua sắm vật tư, máy móc, thiết bị, mở rộng nhà xưởng; phương tiện vận tải, phương tiện đánh bắt thủy hải sản, nhằm mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh; Mua sắm nguyên liệu, giống cây trồng, vật nuôi, thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh; Mức lãi suất cho vay là 0,5%/tháng; riêng các đối tượng vay vốn là người tàn tật là 0,35%/tháng.

Kết quả tạo việc làm của Chương trình 120: (1) Cho vay đối với 5.000 hộ nghèo để tạo việc làm chiếm tỷ lệ 12,21 % số hộ trên toàn huyện; (2) Cho vay giải quyết việc làm qua triển khai dự án sản xuất kinh doanh với doanh số cho vay từ năm 2014 - 2016 là 7.050 triệu đồng với gần 300 dự án đã giải ngân cho 520 hộ vay vốn, thu hút 815 lao động có việc làm; Cho vay xuất khẩu lao động với doanh số cho vay từ năm 2014 - 2016 là 1.050 triệu đồng tạo việc làm cho hơn 700 lao động; Cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh số cho vay từ năm 2014 - 2016 là 7.010 triệu đồng với 43 doanh nghiệp thu hút được 800 lao động.

3.3. Hạn chế và nguyên nhân của thực trạng tạo việc làm lao động nông thôn

Kết quả đánh giá tình hình tạo việc làm ở các hộ điều tra cho thấy, số lao động tạo được việc làm là 254 người chiếm tỷ trọng 63,5% tổng số lao động, điều này cho thấy, số lao động dư thừa còn khá nhiều, trong khi tỉ suất sử dụng lao động chỉ đạt trên 70%.

Trong năm 2016, thực tế lao động còn dư thừa trong nông nghiệp của toàn huyện là 18.550 người. Tình trạng thất nghiệp trên địa bàn huyện không lớn, nhưng tình trạng dư thừa lao động lại khá cao, hệ số sử dụng thời gian lao động ở nông thôn thấp. Trong khi đó, tâm lý của người dân chưa coi chăn nuôi là ngành kinh tế chính, trong khi chính quyền nhà nước chưa có các biện pháp khuyến khích để phát triển ngành này cho xứng đáng với tiềm năng của nó.

Đối với các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chất lượng đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được thị trường lao động. Mặt khác, các trung tâm dịch vụ và giới thiệu việc làm chưa phát triển. Các hình thức tư vấn và giới thiệu việc làm chưa được mở rộng. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường lao động.

Kết quả khảo sát và tham vấn ý kiến người dân và cán bộ địa phương cho thấy các nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động nông thôn không tạo được việc làm bao gồm:

Thứ nhất, Bình Lục là huyện thuần nông, dân số và lao động tập trung chủ yếu ở nông thôn, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ nhỏ bé, nguồn thu ngân sách còn hạn hẹp, điểm xuất phát của nền kinh tế thấp, sản xuất nông nghiệp chưa thực sự chuyển sang sản xuất hàng hóa, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển chậm;

Thứ hai, mâu thuẫn giữa cung - cầu lao động gay gắt, trong khi hàng chục ngàn lao động không tìm được việc làm thì ở một số ngành nghề và nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thiếu lao động kỹ thuật cao phù hợp với yêu cầu của sản xuất kinh doanh;

Thứ ba, chính quyền địa phương chưa xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế phù hợp để khai thác triệt để các nguồn lực sẵn có để thúc đẩy kinh tế phát triển;

Thứ tư, động cơ và thái độ của người lao động về việc làm chưa đúng đắn, có tư tưởng trông chờ vào nhà nước, không chủ động tìm việc làm ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước;

Thứ năm, quản lý nhà nước về lao động và tạo việc làm cho lao động nông thôn còn nhiều yếu kém, cơ chế phối kết hợp giữa các ngành, các cấp chưa đồng bộ, còn nhiều khó khăn trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, trong triển khai giám sát... nên hiệu quả giải quyết tạo việc làm cho lao động nông thôn thấp.

3.4. Các giải pháp tạo việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Bình Lục

3.4.1. Mở rộng tạo việc làm trong sản xuất nông nghiệp

Tạo việc làm trong nông nghiệp thực chất là tổ chức lại sản xuất, thu hút lao động vào đầu tư cho thâm canh tăng năng suất lao động, giải quyết lợi ích cho người nông dân. Đặc biệt, cần thu hút lao động vào chăn nuôi để đạt tới mức cân bằng với phân ngành trồng trọt trong nông nghiệp.

3.4.2. Mở rộng tạo việc làm trong công nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phát huy thế mạnh của các làng nghề.

Thực hiện thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước như: Ưu đãi về đất đai, tạo điều kiện về mặt bằng, ưu đãi về thuế, đơn giản hóa những thủ tục hành chính rườm rà...; đồng thời, hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo công nhân cho các doanh nghiệp hoạt động.

Đẩy mạnh phát triển nhanh các ngành công nghiệp có lợi thế về nguyên liệu tại chỗ, có thị trường ổn định và có khả năng xuất khẩu, tăng nhanh giá trị sản phẩm nông nghiệp, thu hút nhiều lao động như chế biến nông sản, sản phẩm từ thịt, chế biến thức ăn gia súc, vừa phát huy lợi thế của địa phương vừa tạo việc làm tại chỗ ổn định cho người lao động.

Mở rộng và phát triển các nghề và các làng nghề truyền thống thông qua hỗ trợ vốn và công nghệ, các hình thức tín dụng ưu đãi cho sản xuất ngành nghề ở nông thôn. Các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh... phối hợp với các ngành ngân hàng hình thành các quỹ khuyến công, khuyến thương, cho vay dài hạn (từ 5 năm trở lên) gắn hoạt động tín dụng ưu đãi với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động.

3.4.3. Mở rộng tạo việc làm trong dịch vụ thương mại

Huyện Bình Lục có lợi thế là giao thông thuận lợi có đường quốc lộ 21A và đường sắt Bắc Nam chạy qua nối liền thị xã Phủ Lý với thành phố Nam Định là hai trung tâm kinh tế lớn, cùng với sự phát triển của tuyến đường liên huyện xã, thôn thuận lợi cho giao dịch buôn bán. Vì vậy, cần mở rộng tạo việc làm trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.

3.4.4. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Để đáp ứng nhu cầu mới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lại lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2017 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 18% lên 30%, tức là khoảng 15.000 - 16.000 lao động qua đào tạo, huyện cần phối hợp với Trung ương, và cơ sở đầu tư mạnh vào giáo dục đào tạo.

Huyện Bình Lục cũng nên phối hợp với các tổ chức kinh tế, các trường dạy nghề, các địa phương khác... mở các lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn tại địa phương với các ngành nghề phù hợp nằm trong chiến lược phát triển, tạo điều kiện cho người lao động học nghề, nâng cao tay nghề và đào tạo lại cho phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.

3.4.5. Mở rộng các hình thức xuất khẩu lao động

Để giải quyết một phần về sức ép làm việc, tạo việc làm khác cần tăng cường hình thức xuất khẩu lao động thông qua các hình thức sau: (1) Gia công cho bên ngoài nhằm tạo việc làm tại chỗ, dùng nhân lực tại chỗ, nhân lực nông nghiệp trong lúc nhàn rỗi, đồng thời tận dụng các thế mạnh về giá cả, tay nghề... để tạo công ăn việc làm ngay tại địa phương; (2) Tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu thông qua các hợp đồng với bên ngoài về các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhằm phát triển các ngành nghề kinh tế của địa phương để thu hút thêm nhiều lao động; (3) Đưa nhân lực có trình độ chuyên môn và nhân lực có trình độ giản đơn ra bên ngoài làm việc theo hợp đồng nhằm tạo công việc từ bên ngoài, giảm sức ép thất nghiệp của địa phương, tạo thu nhập để phát triển kinh tế ở địa phương.

3.4.6. Phát triển và đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh

a. Phát triển kinh tế hộ gia đình trong từng ngành kinh tế trên địa bàn huyện

Phát triển kinh tế hộ lâu dài và ngày càng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ tạo ra với một số biện pháp sau: (1) Có chính sách thích hợp hỗ trợ phát triển kinh tế hộ nông dân sản xuất hàng hóa theo đặc thù sản xuất của từng vùng, đó là các chính sách về đất đai, thuế, tín dụng, khoa học và công nghệ và thị trường tiêu thụ sản phẩm; (2) Cần mở rộng tuyên truyền những mô hình kinh tế hộ gia đình làm ăn có hiệu quả, thu nhập cao phù hợp với điều kiện của từng vùng để nhân rộng mô hình.

b. Phát triển kinh tế hợp tác trong nông thôn

Phát triển kinh tế hợp tác theo các hướng sau: (1) Cải tiến công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, phi nông nghiệp hiện có; Phát triển các hình thức hợp tác đa dạng trong các lĩnh vực chăn nuôi, chế biến sau thu hoạch, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh... ở những nơi có nhu cầu và điều kiện; (2) Tập trung chỉ đạo để kiện toàn lại các hợp tác xã đã được chuyển đổi và xây dựng mới; Tổng kết những mô hình tốt để rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời tập trung hỗ trợ các hợp tác xã còn gặp khó khăn để tạo sự chuyển biến đồng đều; (3) Xây dựng một số mô hình hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp kiểu mới hay chuyển đổi theo quy định của Luật Hợp tác xã để rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng; Ưu tiên hợp tác xã triển khai thực hiện các mô hình thâm canh, trình diễn, chuyển đổi, chuyển giao và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

c. Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

Để nhanh chóng phát triển mở rộng thêm số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn cần phải: (1) Tạo điều kiện thuận lợi tối đa về mặt thủ tục để cơ sở sản xuất đăng ký thành lập doanh nghiệp được dễ dàng; (2) Có chính sách hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh chế biến nông sản về mặt cơ sở sản xuất tại các địa bàn có nguồn nguyên liệu dồi dào. Các doanh nghiệp này sẽ là cơ sở để giải quyết lao động nông nhàn và khởi đầu cho việc phát triển hoạt động phi nông nghiệp trong nông thôn.

4. Kết luận

Kết quả của các hoạt động tạo việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Bình Lục trong thời gian qua đã có những bước chuyển biến quan trọng, góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động này còn bộc lộ nhiều hạn chế, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan của người lao động, công tác quản lý nhà nước về lao động và tạo việc làm còn nhiều yếu kém, cơ chế phối kết hợp giữa các ngành, các cấp chưa đồng bộ. Theo đó, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cần tập trung thực hiện tốt 6 nhóm giải pháp trên, nhằm thúc đẩy tạo việc làm cho lao động nông thôn trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

1. Chi cục Thống kê huyện Bình Lục, 2016.

2. UBND tỉnh Hà Nam, 2016. Báo cáo thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2016.

3. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Báo cáo thực hiện kế hoạch năm 2016.

4. UBND huyện Bình Lục, 2016. Báo cáo thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2016.

Employment Creation for Rural Labors in Binh Luc District, Ha Nam Province

PhD. TRAN THI THU HA

Vietnam National University of Forestry

MA. NGUYEN VAN HAI

Vocational College of Technology, Economics and Forest Products Processing

ABSTRACT:

The research was conducted in Binh Luc district, Ha Nam province to assess the current situation of employment creation for rural labors and propose solutions to promote employment in rural areas. The results show that the labors shortage is relatively high, the coefficient of using the labor time is low and the quality of vocational training has not met the labor markets demands. In order to boost the employment rate for rural labor, the authors focus on the following six groups of solutions: expanding employment in agricultural production; expanding employment in industry and handicraft production; expanding employment in trade and services; promoting vocational training; exporting labors; and developing and diversifying the forms of business organizations.

Keywords: Rural labor, employment creation, Binh Luc, Ha Nam.