Một số vấn đề pháp lý về hộ kinh doanh

ThS. ÂU THỊ DIỆU LINH (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh hệ thống các doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp, loại hình hộ kinh doanh là một mô hình pháp lý phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Cùng với sự phát triển của các thành phần kinh tế, hộ kinh doanh ngày càng gia tăng về số lượng cũng như ngành nghề kinh doanh, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Pháp luật Việt Nam về hộ kinh doanh được quy định chủ yếu tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp đã thiết lập hành lang pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh nhưng thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục. Bài viết đã nêu thực trạng, cũng như đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn pháp luật về HKD.

Từ khóa: Hộ kinh doanh, Doanh nghiệp, Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Luật Doanh nghiệp.

1. Khái quát chung về hộ kinh doanh

Khoản 1, Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP định nghĩa về hộ kinh doanh (HKD) như sau: “HKD do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”.

Định nghĩa trên về HKD cho thấy đặc điểm đầu tiên của HKD là về chủ thể. Cụ thể, căn cứ vào chủ tạo lập ra, HKD được chia ra thành 3 loại: HKD do một cá nhân làm chủ, HKD do hộ gia đình làm chủ, HKD do một nhóm người làm chủ. Thứ hai, HKD không có tư cách pháp nhân. Pháp luật Việt Nam không đưa ra định nghĩa tư cách pháp nhân mà chỉ quy định các điều kiện để một tổ chức có tư cách pháp nhân. Ở HKD không có sự tách bạch rõ ràng giữa tài sản của hộ và tài sản của các thành viên, chủ HKD sẽ là đối tượng duy nhất có quyền hưởng mọi lợi nhuận và chịu mọi nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Thứ ba, HKD là hình thức kinh doanh có quy mô nhỏ. Đối với HKD, quy định về số lượng lao động trong HKD không được vượt quá 10 lao động, nếu trên 10 lao động, HKD phải chuyển sang các loại hình doanh nghiệp (DN) khác. Đồng thời, khi đăng ký kinh doanh, HKD phải xác định rõ địa điểm kinh doanh tại một vị trí nhất định và không được mở chi nhánh hay địa điểm sản xuất kinh doanh khác. Thứ tư, chủ HKD chịu trách nhiệm vô hạn trong hoạt động kinh doanh.

2. Thực trạng pháp luật về hộ kinh doanh

2.1. Quy định về đăng ký, thành lập hộ kinh doanh

Việc thành lập HKD không phức tạp. Điều 67 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định: “1. Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ; các hộ gia đình có quyền thành lập HKD và có nghĩa vụ đăng ký HKD…”. Như vậy, theo quy định này, chủ thể thành lập HKD phải là công dân Việt Nam.

Thủ tục đăng  ký  kinh  doanh của HKD được quy định chi tiết tại Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP bao gồm: Bước 1 - Đề nghị đăng ký kinh doanh: Cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh; Bước 2 - Xác nhận và thẩm tra: Nhà chức trách có thẩm quyền khi tiếp nhận hồ sơ phải cấp cho người nộp hồ sơ một giấy biên nhận làm bằng chứng cho việc tiếp nhận hồ sơ, sau đó kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, nhà chức trách có thẩm quyền phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho HKD nếu hồ sơ hợp lệ, hoặc phải thông báo những nội dung cần sửa đổi hay yêu cầu bổ sung văn bản, nếu hồ sơ không hợp lệ. Có thể dễ dàng nhận thấy, đăng ký HKD về cơ bản dễ hơn so với thành lập DN vì ít gò bó ở một khuôn khổ nhất định.

2.2. Quy định về quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh

Một là, về quyền của các HKD: Quyền lựa chọn ngành nghề, mặt hàng kinh doanh phù hợp với điều kiện và khả năng miễn là nằm trong khuôn khổ pháp luật cho phép; Quyền đăng ký kinh doanh và được Nhà nước bảo hộ hoạt động kinh doanh hợp pháp; Quyền sử dụng phần thu nhập hợp pháp từ hoạt động kinh doanh; Quyền thuê mướn lao động theo nhu cầu kinh doanh nhưng không được vượt quá số lao động cho phép.

Hai là, về nghĩa vụ của HKD: Kinh doanh đúng với nội dung trong đăng ký kinh doanh. Ghi chép sổ sách, kế toán và sử dụng hoá đơn, chứng từ theo qui định của Nhà nước. Nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác. Ngoài những quyền và nghĩa vụ cơ bản của HKD do pháp luật quy định, HKD còn có thể có những quyền và nghĩa vụ khác do mình tạo ra bằng những hành vi pháp lý của HKD, thông qua việc thiết lập những hợp đồng với các tổ chức, cá nhân làm phát sinh những quyền và nghĩa vụ của HKD.

2.3. Quy định về chấm dứt hộ kinh doanh

Khi HKD hoạt động không hiệu quả như mong muốn hoặc có thể vì lý do cá nhân khác mà chủ HKD có thể quyết định chấm dứt hoạt động HKD. Điều 77 Nghị định 78/2015/NĐ-CP có quy định về chấm dứt hoạt động của HKD như sau: Khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, HKD phải gửi Thông báo về việc chấm dứt hoạt động và nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký HKD cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký, đồng thời thanh toán đầy đủ các khoản nợ, gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện. Đối với việc chấm dứt HKD được thực hiện với chủ HKD, nếu HKD là cá nhân kinh doanh, khi cá nhân thành lập HKD chết, HKD đương nhiên chấm dứt sự tồn tại.

Nếu HKD không phải do một cá nhân làm chủ, chẳng hạn như trường hợp HKD được thành lập bởi một nhóm người, đều có chung khối tài sản đóng góp để thành lập HKD, HKD đó khi chấm dứt, các thành viên có thể tiến hành thỏa thuận với nhau, hay tương tự đối với HKD được thành lập bởi một hộ gia đình. Đây đều là vấn đề liên quan đến yếu tố dân sự, đòi hỏi các thành viên phải thỏa thuận với nhau một cách hợp lý tránh để xảy ra tranh chấp. Mặt khác, HKD cũng có thể bị chấm dứt bởi pháp luật, hay nói cách khác bởi hiệu lực của luật. Trong một số trường hợp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vẫn bị thu hồi khi HKD hoạt động do có những vi phạm pháp luật hoặc quá trình hoạt động không đáp ứng.

2.4. Quy định về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Khóa XII đã xác định định hướng “Khuyến khích, tạo điều kiện cho các HKD mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động… chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình DN…”. Đồng thời, Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN”[4].

Khoản 6, Điều 1, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP quy định HKD có thể trực tiếp chuyển đổi thành DN. Trình tự, thủ tục thực hiện chuyển đổi HKD thành DN bao gồm: (1) Chuẩn bị hồ sơ tương ứng với loại hình DN muốn chuyển đổi như trên; (2) Nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi DN dự định đặt trụ sở chính; (3) Phòng đăng ký kinh doanh tiếp nhận và xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Sau đó trả biên nhận hồ sơ có hẹn thời gian trả kết quả; (4) Đến ngày như trên biên nhận đến Phòng đăng ký kinh doanh nhận Giấy chứng nhận đăng ký DN; (5) Khắc dấu DN và thông báo mẫu con dấu (nếu có); (6) Đăng bố cáo thành lập DN trong thời gian 30 ngày kể từ ngày thành lập.

Ngoài ra, trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký DN và bản chính Giấy chứng nhận đăng ký HKD đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi HKD đặt trụ sở để thực hiện chấm dứt hoạt động HKD. Bên cạnh đó, nội dung về hỗ trợ chuyển đổi HKD thành DN đã được luật hóa tại Điều 16 Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa 2017. Theo đó, HKD chuyển đổi thành DN sẽ có được những hỗ trợ sau: Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập DN; Miễn lệ phí đăng ký DN và phí cung cấp thông tin DN lần đầu; Miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; Miễn lệ phí môn bài; Miễn, giảm thuế thu nhập DN, miễn giảm tiền sử dụng đất trong một thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật.

3. Những bất cập của pháp luật về hộ kinh doanh ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, bất cập về cách nhận diện HKD. Khung pháp luật liên quan quy định thiếu nhất quán. Chẳng hạn, Khoản 2, Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định “HKD sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này”; Tuy nhiên, Khoản 1, Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP lại quy định “HKD…sử dụng dưới 10 lao động”. Quy định khác nhau như vậy có thể dẫn đến việc không thống nhất trong tiêu chí xác định loại HKD phải đăng ký thành lập doanh nghiệp, do khái niệm sử dụng thường xuyên một số lượng lao động khác với khái niệm sử dụng lao động trong năm.

Mặt khác, HKD được chia thành 3 loại hình: HKD do một cá nhân làm chủ, HKD do một hộ gia đình làm chủ và HKD do một nhóm người làm chủ. Mặc dù, đều được ghi nhận là HKD nhưng xét về bản chất, cả 3 loại hình trên đều không thống nhất. Pháp luật có những quy định chung cho cả 3 loại hình mà không căn cứ vào bản chất từng loại hình để đưa ra những quy định thích hợp dẫn đến những bất cập trong quá trình hoạt động kinh doanh cũng như khả năng vận dụng quyền và nghĩa vụ của chủ thể này trong thực tiễn. Cụ thể:

HKD do một cá nhân làm chủ là một thương nhân thể nhân. Theo khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại 2005 thừa nhận HKD do cá nhân làm chủ là: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp; cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”. Do vậy, hoạt động của HKD này còn chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại.

Về HKD do hộ gia đình làm chủ, pháp luật DN chỉ nêu tên còn nội dung thì không điều chỉnh đến, còn Bộ luật Dân sự chỉ điều chỉnh dưới góc độ tài sản và nghĩa vụ dân sự của hộ gia đình. Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Bộ luật Dân sự 2015 không có quy định chỉ dẫn hoặc thể hiện mối liên hệ giữa hộ gia đình với HKD.

Về HKD do một nhóm người làm chủ: Theo quy định tại khoản 3, Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, một nhóm người tự nguyện hùn vốn, kỹ thuật, cùng nhau tiến hành hoạt động kinh doanh, cùng hưởng lãi, cùng chịu lỗ và cùng chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Nghị định này cũng chỉ dừng lại ở việc cho phép “một nhóm người” được đăng ký kinh doanh dưới hình thức HKD mà chưa có nhiều quy định cụ thể có liên quan đến chế độ chịu trách nhiệm của các cá nhân trong nhóm và chế độ quản trị HKD.

Thứ hai, bất cập về việc thành lập, đăng ký HKD. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp (LDN) 2014 và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, việc thành lập, đăng ký kinh doanh tại Việt Nam là quyền của cá nhân và tổ chức được Nhà nước bảo hộ. Việc chấp hành pháp luật trong đăng ký kinh doanh thời gian qua có những kết quả nhất định, song vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Trình tự, thủ tục đăng ký HKD chưa có sự phối hợp liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký thuế cấp huyện; một số quy định pháp lý về đăng ký hộ chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống như: Quy định về chống trùng tên HKD trong địa bàn quận, huyện, quy định về đối tượng không được quyền thành lập HKD chưa rõ ràng; Tổ chức bộ máy cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chưa được đầu tư thích đáng, không đáp ứng được nhu cầu phát triển, cải cách hành chính; Cơ sở dữ liệu về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế còn rời rạc tại các địa phương; Gây khó khăn cho việc tra cứu, tổng hợp, dự báo tình hình phát triển, đánh giá hoạt động của khu vực HKD để phục vụ công tác hoạch định chính sách hỗ trợ HKD cũng như các chính sách kinh tế, xã hội khác.

Thứ ba, bất cập về vốn, tài chính đối với HKD. Do không phải là pháp nhân nên HKD đang gặp trở ngại về vấn đề thiếu vốn và tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng nhà nước. Do đó hoạt động sản xuất kinh doanh của các HKD có phần nào hạn chế và gặp khó khăn do tìm nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Đối với các HKD ở Việt Nam hiện nay, nguồn vốn kinh doanh chủ yếu dựa vào lợi nhuận để lại và tín dụng chủ yếu huy động từ bạn bè, người thân.

Pháp luật hiện hành quy định HKD không hoàn toàn là thương nhân, thể nhân gây khó khăn trong chế độ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của HKD. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, khi có các khoản nợ với HKD, việc xác định trách nhiệm phụ thuộc vào tài sản thực tế của HKD đó, có thể là bất động sản, sổ tiết kiệm của chủ HKD. So với các loại hình DN khác như công ty TNHH hay công ty cổ phần chỉ chịu TNHH hay DN tư nhân chỉ chịu trách nhiệm trên phần tài sản đưa vào kinh doanh thì điều này là một bất cập không nhỏ. Trong trường hợp HKD là hộ gia đình hay một nhóm người, rất khó xác định trách nhiệm tương ứng của từng thành viên khi tham gia.

Thứ tư, bất cập về thuế đối với HKD. Từ năm 2015, HKD trong mọi lĩnh vực, ngành nghề đều nộp thuế theo phương thức nộp thuế khoán [8]. Mức thuế khoán hằng năm được thực hiện theo sự khảo sát của cơ quan thuế, tham vấn ý kiến của hội đồng tư vấn thuế cấp xã, được lấy ý kiến người dân và công bố công khai để các HKD tự giám sát lẫn nhau. Nhưng do phần lớn HKD thường không có hóa đơn chứng từ mua bán, được tự kê khai đóng thuế cho nên thất thu thuế là khó tránh khỏi. Theo quy định, đối với HKD ì hiện có 3 khoản thuế và lệ phí phải nộp chủ yếu là: Lệ phí môn bài, Thuế giá trị gia tăng, và Thuế thu nhập cá nhân. HKD áp dụng mức thu lệ phí môn bài theo quy định tại Thông tư số 302/TT-BTC; Thuế thu nhập cá nhân và Thuế giá trị gia tăng: Đối tượng là cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình kinh doanh phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng được quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC.

Như vậy, so với các loại hình DN, HKD được nộp thuế theo phương thức nộp thuế khoán, theo đó, sẽ giảm được thời gian và chi phí trong việc thực hiện các thủ tục để nộp thuế. Tuy nhiên, do việc cho phép HKD được nộp thuế khoán nhưng chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ nên đây có thể là lỗ hổng để HKD và cán bộ thuế thỏa thuận ngầm với nhau, gây tình trạng trốn thuế, gian lận thuế và nợ đọng thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước, chưa khuyến khích được ý thức tuân thủ pháp luật thuế của HKD.

Thứ năm, bất cập về hướng chuyển đổi của HKD. Mặc dù hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp có nhiều lợi thế hơn về tiếp cận, mở rộng thị trường, huy động vốn,… nhưng về cơ bản, HKD đang có nhiều lợi thế hơn so với các loại hình doanh nghiệp về chế độ kế toán, chi phí tuân thủ, thanh tra, kiểm tra,... Bên cạnh đó, trong điều kiện hiện nay, bản thân các HKD cũng chưa thấy được những lợi thế của các loại hình doanh nghiệp so với HKD do việc tiếp cận thông tin còn hạn chế [10].

4. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về HKD

Một là, xác định bản chấp pháp lý của HKD. Mặc dù, khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2014 đã giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết đăng ký và hoạt động của HKD, tuy nhiên địa vị pháp lý của HKD hiện nay chưa được ghi nhận trong Luật, mà chỉ được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP và Nghị định 108/2018/NĐ-CP. Mặt khác, như đã nói ở phần 3, hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Trong khi đây là đối tượng đông đảo nhất về số lượng, là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế [5]. Sự tồn tại và phát triển của DN hộ gia đình, DN một chủ là thực tế khách quan. Do đó, cần xác định rõ bản chất pháp lý của HKD và quy định một cách nhất quán.

Dự thảo LDN (sửa đổi) bổ sung 1 chương, chương VIIa về HKD thay vì giao hoàn toàn cho Chính phủ quy định như hiện nay được kỳ vọng sẽ giải tạo ra sự nhất quán trong việc nhận diện HKD. Tuy nhiên theo tác giả, trước khi bàn đến việc đưa hay không đưa HKD vào LDN, thì vấn đề quan trọng hơn là phải xác định được bản chất pháp lý của HKD để cân nhắc nên đưa HKD vào LDN hay làm một luật riêng.

Hai là, hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích chuyển đổi HKD thành DN. Như đã trình bày ở phần 2, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa 2017 đã đề ra nhiều chính sách cụ thể áp dụng cho tất cả các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh trong đó có các HKD. Tuy nhiên, những quy định này mới tập trung vào khuyến khích thành lập DN, chưa thật sự hấp dẫn HKD chuyển thành DN. Điều mà họ cần là những quy định hỗ trợ về thủ tục chuyển đổi, thủ tục về kế toán và thuế, chính sách về miễn giảm thuế thu nhập DN trong quá trình hoạt động; các quy định xóa bỏ rào cản về thuế, về sổ sách kế toán.

Chẳng hạn: Đơn giản hoá quy trình, thủ tục chuyển đổi từ HKD sang các loại hình doanh nghiệp bằng việc quy định cho phép HKD được chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty nhưng không phải chấm dứt hoạt động kinh doanh và được kế thừa những giấy phép đã có của HKD khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Quy định rõ hơn thời hạn, chế tài chuyển đổi HKD đủ điều kiện sang các hình thức doanh nghiệp hoặc yêu cầu các HKD sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải áp dụng các chế độ, chính sách giống các loại hình doanh nghiệp.

Ba là, đảm bảo công khai minh bạch, đặc biệt trong công tác quản lý thuế. Loại bỏ cơ chế “thỏa thuận thuế”; Theo Khoản 5, Điều 51, Luật Quản lý thuế sửa đổi 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) quy định: “HKD, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của DN siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa, phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai”. Để triển khai việc chuyển đổi thuế khoán sang nộp thuế theo kê khai, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể về lộ trình triển khai. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá trong công tác quản lý thuế nói chung và xóa bỏ tình trạng các HKD có doanh thu lớn không muốn chuyến đổi thành DN như hiện nay. Tạo tiền đề tiếp tục đơn giản hóa thủ tục thành lập, nộp thuế, kế toán và thủ tục hành chính khác để giảm chi phí tuân thủ cho DN chính thức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2015), Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, ngày 14/09/2015.
  2. Chính phủ (2018), Nghị định số 108/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký DN, ngày 23/08/2018.
  3. Ngô Huy Cương (2009), “Phân tích pháp luật về HKD để tìm ra các bất cập”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học 25 (2009) 234-245.
  4. Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng thị trường xã hội chủ nghĩa.
  5. Báo cáo nghiên cứu “chính thức hóa” HKD ở Việt Nam thực trạng và khuyến nghị chính sách. NXB Hồng Đức (2017).
  6. Quốc hội (2014), Luật Doanh nghiệp, số 68/2014/QH13, ngày 26/11/2014.
  7. Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, số 04/2017/QH14, ngày 12/06/2017.
  8. Quốc hội (2006), Luật quản lý thuế, số 78/2006/QH11, ngày 29/11/2006.
  9. Quốc hội (2019), Luật quản lý thuế, số 38/2019/QH14, ngày 13/06/2019.
  10. Tố Uyên (2019). Gian nan tìm giải pháp quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/ pages/thue-voi-cuoc-song/2019-06-28/bai-2-nan-giai-viec-chuyen-ho-kinh-doanh-len-doanh-nghiep-73225.aspx, truy cập ngày 28/06/2019

SOME LEGAL ISSUES ABOUT BUSINESS HOUSEHOLDS

• MSc. AU THI DIEU LINH

University of Economics and Business Administration,

Thai Nguyen University

ABSTRACT:

In the market economy, besides enterprises established under the Law on Enterprises, business households are a legal business model which is suitable to the socio-economic development conditions of Vietnam. Along with the development of other economic sectors, the number of business households is increasing and is playing an important role in Vietnam’s economy. Business households in Vietnam is mainly regulated under the Decree No.78/2015/ND-CP on enterprise registration which has established a legal corridor for business households' activities. However, this decree has revealed its limitations. This article presents the current states and proposes some recommendations to perfect regulations on business households in Vietnam.

Keywords: Business household, enterprises, Decree No.78/2015/ND-CP, Law on Enterprises.