Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ” (Dự án SwissTrade) do Bộ Công Thương là Cơ quan chủ quản với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) - cơ quan phát triển chung của UN và WTO.
Mục tiêu của Dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao thành tích xuất khẩu và năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ một cách bền vững thông qua việc cải thiện các điều kiện khung thuận lợi cho phát triển xuất nhập khẩu, tăng cường cơ chế đối thoại công - tư và phát triển hệ sinh thái năng động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu.
Trong khuôn khổ Dự án, sau quá trình nghiên cứu và xây dựng chiến lược các ngành và lĩnh vực ưu tiên, ngày 19 - 20/9/2022, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tổ chức Hội thảo “Xu hướng toàn cầu và Việt Nam: Quan điểm từ Chiến lược Xuất khẩu Quốc gia”.
Phát triển xuất khẩu là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Bộ, ban ngành, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng, đại diện các tổ chức thương mại trong nước và quốc tế, cùng đại diện các doanh nghiệp… tập trung thảo luận về những thách thức mà xuất khẩu Việt Nam đang đối mặt và lấy ý kiến tham vấn, đề xuất các giải pháp nhằm triển khai thực hiện thành công Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực xuất khẩu ưu tiên.
Phát biểu khai mạc Phiên tham vấn Chiến lược các ngành và lĩnh vực ưu tiên của Hội thảo diễn ra sáng ngày 19/9, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương, Giám đốc Dự án SwissTrade cho biết: Với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sỹ mà đại diện là Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam và Cơ quan kỹ thuật quốc tế là Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022.
"Chiến lược tiếp tục khẳng định, phát triển xuất khẩu là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; đảm bảo phát triển xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu", bà Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, dịch bệnh tiếp tục là những nguy cơ đe dọa đến sự ổn định cho phát triển kinh tế; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và số hóa nền kinh tế toàn cầu đã, đang mang đến thời cơ nhưng cũng đi kèm với nhiều thách thức đối với việc thực hiện thành công các mục tiêu đã được đưa ra tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.
Khuyến nghị các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển
Đại diện Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) đã tập trung giới thiệu kết quả nghiên cứu ban đầu đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên về xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới và đưa ra các khuyến nghị để nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu quốc gia theo hướng bền vững và bao trùm.
Các khuyến nghị đưa ra các hành động cụ thể, các cải cách và các mục tiêu phát triển có thể đo lường được. Các định hướng và khuyến nghị này cũng sẽ cung cấp cho các tổ chức hỗ trợ phát triển trong nước và quốc tế các căn cứ để có thể xây dựng các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong thời gian tới.
Đáng chú ý, nghiên cứu đề xuất các ngành ưu tiên được lựa chọn dựa trên tiềm năng xuất khẩu cũng như đóng góp đối với việc làm và phát triển kinh tế - xã hội. Đó là các ngành điện tử, hàng hóa môi trường, gỗ và đồ nội thất, kinh doanh nông sản và dệt may.
Nghiên cứu cũng đề xuất 05 lĩnh vực cạnh tranh thương mại xuyên suốt bao gồm: Chuyển đổi kỹ thuật số; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chất lượng, tiêu chuẩn và chứng nhận; tính bền vững và toàn diện trong thương mại; tạo thuận lợi thương mại. Những lĩnh vực này sẽ đóng góp quan trọng cho việc phát triển chuỗi giá trị, phát triển xuất khẩu và có tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế.
"Hoàn thiện các chiến lược ngành và lĩnh vực là ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là công tác triển khai các khuyến nghị cải cách nhằm thúc đẩy tăng trưởng dẫn đầu về xuất khẩu và tạo ra việc làm trong những ngành tiềm năng", bà Pamela Coke-Hamilton, Giám đốc Điều hành, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) khuyến nghị.
Chia sẻ kinh nghiệm của Thụy Sỹ trong thúc đẩy xuất khẩu gắn với phát triển bền vững, bà Nicole Wyrsch, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam cho biết: Thuỵ Sĩ tập trung hỗ trợ thúc đẩy các tiêu chuẩn bền vững, sản xuất ít phát thải/không có phát thải các-bon, xúc tiến thương mại kỹ thuật số cũng như tuân thủ hệ thống thương mại dựa trên quy tắc.
Theo bà Nicole Wyrsch, thích ứng với các yêu cầu hiện đại này sẽ mang đến lợi ích trực tiếp của Việt Nam, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của đất nước và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
Trong khuôn khổ 02 ngày diễn ra Hội thảo “Xu hướng toàn cầu và Việt Nam: Quan điểm từ Chiến lược Xuất khẩu Quốc gia”, các nhóm chuyên gia tập trung chia sẻ những kết quả nghiên cứu, các phát hiện chính và khuyến nghị đối với các ngành, lĩnh vực được lựa chọn, đề xuất ưu tiên phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời góp phần thực hiện thành công Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.