Năng lực đổi mới ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam: Vai trò trung gian của hệ thống thông tin kế toán quản trị

Bài nghiên cứu "Năng lực đổi mới ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam: Vai trò trung gian của hệ thống thông tin kế toán quản trị" do ThS. Đào Văn Hảo (Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ công nghệ Hưng Khang) thực hiện.

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của năng lực đổi mới, hệ thống thông tin kế toán quản trị ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng kiểm định vai trò trung gian của hệ thống thông tin kế toán quản trị trong mối quan hệ giữa năng lực đổi mới với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, mẫu nghiên cứu gồm 156 doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, dữ liệu xử lý bằng phần mềm Smart PLS với kỹ thuật PLS SEM với các bước gồm thống kê mô tả, kiểm định mô hình đo lường, kiểm định mô hình cấu trúc. Kết quả nghiên cứu cho thấy, năng lực đổi mới, hệ thống thông tin kế toán quản trị có ảnh hưởng thuận chiều đến hiệu quả hoạt động và hệ thống thông tin kế toán quản trị đóng vai trò trung gian giữa năng lực đổi mới và hiệu quả hoạt động. Cuối cùng, nghiên cứu đề xuất các hàm ý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thông qua năng lực đổi mới và hệ thống thông tin kế toán quản trị.

Từ khóa: năng lực đổi mới, hệ thống thông tin kế toán quản trị, hiệu quả hoạt động, PLS SEM, Việt Nam

1. Đặt vấn đề

Đổi mới giúp doanh nghiệp đối phó với sự thay đổi đến từ môi trường bên ngoài; chẳng hạn như sự thay đổi về công nghệ, toàn cầu hóa, cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, dịch bệnh… Đổi mới là một trong những chìa khóa quan trọng dẫn đến sự thành công lâu dài của doanh nghiệp, đặc biệt là ở các thị trường năng động (Jiménez-Jiménez & Sanz-Valle, 2011). Để tồn tại trong một môi trường mà sự phức tạp ngày càng tăng cao và tốc độ thay đổi ngày càng cao (Brown & Eisenhardt, 1995), các doanh nghiệp có năng lực đổi mới có thể đáp ứng các thách thức này nhanh hơn, khai thác các sản phẩm mới và cơ hội thị trường tốt hơn so với các công ty không đổi mới (Brown & Eisenhardt, 1995). Hệ thống kế toán quản trị từ lâu đã được công nhận là có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho nhà quản trị để họ thực hiện tốt các chức năng của mình như lập kế hoạch, kiểm soát và ra quyết định (Agbejule, 2005).

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về năng lực đổi mới và hệ thống thông tin kế toán quản trị được thực hiện, nhưng ít có nghiên cứu kết hợp cả hai khía cạnh này vào đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Do vậy, mối quan hệ này cần được tiếp tục nghiên cứu và làm rõ để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có định hướng đầu tư vào năng lực đổi mới, hệ thống kế toán quản trị một cách phù hợp nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

2. Lý thuyết nền và giả thuyết nghiên cứu

2.1. Các lý thuyết nền

Lý thuyết dự phòng: Theo Christen và Lovaas (2022), không có thiết kế lý tưởng cho MAIS thay vào đó, các biến số dự phòng bao gồm công nghệ hoặc tính không thể đoán trước của môi trường, quy mô, chiến lược sẽ ảnh hưởng đến thiết kế MAIS. Krishnan và cộng sự (2021) cũng sử dụng lý thuyết dự phòng nhằm đánh giá vai trò của MAIS trong việc xác định mối liên hệ giữa đổi mới và hiệu quả tài chính.

Quan điểm dựa trên nguồn lực: Lý thuyết này được sử dụng nhằm giải thích lý do tại sao các doanh nghiệp khác nhau hoạt động trong cùng một lĩnh vực lại hoạt động khác nhau (Khanra và cộng sự, 2022). Theo Lê Mộng Huyền và Nguyễn Phong Nguyên (2020), vì các doanh nghiệp có nguồn lực độc đáo, vô giá và không thể thay thế, nên họ có thể phân biệt mình với các đối thủ trong cùng ngành bằng cách áp dụng các chiến lược tạo ra giá trị đổi mới. Điều này sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh bền vững (Al-Abdallah & Al-Salim, 2021). Một số nghiên cứu đã ủng hộ tiềm năng đổi mới bằng cách dựa trên quan điểm, dựa trên nguồn lực (Maina & Mburugu, 2020). Hơn nữa, MAIS đại diện cho các nguồn lực và năng lực riêng biệt và có thể rất quan trọng để đạt được thành tích, lợi thế cạnh tranh, cải thiện hiệu quả tài chính (Gerhart & Feng, 2021).

2.2. Đề xuất giả thuyết nghiên cứu

Năng lực đổi mới ảnh hưởng đến hệ thống thông tin kế toán quản trị: Định hướng giá trị cao của các công ty chắc chắn sẽ mang lại sự đổi mới, ý tưởng, sản phẩm và dự án đổi mới hơn so với các công ty khác có định hướng đổi mới thấp, nhưng những ý tưởng, sản phẩm và dự án này có thể dẫn đến rủi ro và sự không chắc chắn cao hơn (Alshirah và cộng sự, 2021). Do đó, các công ty cần thêm thông tin để quyết định xem có điều gì không chắc chắn trong công việc của họ hay không, MAIS trở nên cần thiết để đánh giá các hành động của đối thủ cạnh tranh tiềm năng và nhu cầu của khách hàng (Luo, 2022). Miftah và Julina (2020) nhấn mạnh MAIS có tác động đến tất cả các bộ phận của công ty, đặc biệt là dữ liệu về chiến lược đổi mới. Việc cung cấp thông tin kịp thời rất hữu ích cho các tổ chức để đưa ra quyết định thay đổi và thị trường cạnh tranh, đồng thời thông tin tổng hợp và tích hợp có chức năng ngày càng thiết yếu trong việc phối hợp và ra quyết định (Ghasemi et al., 2016). Từ những phân tích trên, giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:

H1: Năng lực đổi mới ảnh hưởng thuận chiều đến hệ thống thông tin kế toán quản trị

Năng lực đổi mới ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động: Nghiên cứu của Lê Mộng Huyền và Nguyễn Phong Nguyên (2020) đã chỉ ra vai trò thúc đẩy của năng lực đổi mới, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu của (Yuliansyah & cộng sự, 2019) cũng cho thấy, các doanh nghiệp cần tạo ra và duy trì các năng lực đổi mới để chuyển hóa thành kết quả tổ chức, chẳng hạn như hiệu quả hoạt động của tổ chức. Từ những phân tích trên, giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:

H2: Năng lực đổi mới có ảnh hưởng thuận chiều đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Hệ thống thông tin kế toán quản trị ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động: MAIS được tích hợp hiệu quả giúp cung cấp thông tin có tính linh hoạt cao, đồng thời cung cấp các báo cáo tài chính nhất quán và chất lượng kịp thời cho việc ra quyết định (Al-Waeli et al., 2020). Onodi và cộng sự (2021) tìm thấy mối quan hệ tích cực giữa hiệu quả tài chính và lợi nhuận của các công ty thông qua tác động của MAIS. Afifa và Saleh (2021) đã tiến hành một nghiên cứu về các công ty công nghiệp của Jordan và phát hiện ra hệ thống kế toán quản trị có tác động đáng kể đến hiệu quả tài chính. Al-Khasawneh và cộng sự (2020) nhận thấy có tác động tích cực của các kỹ thuật kế toán quản trị hiện đại đến hiệu quả hoạt động và tài chính trong các công ty công nghiệp của Jordan. Liem và Hien (2020) khẳng định việc sử dụng MAIS có tác động tích cực đến hiệu quả tài chính của công ty. Nơi các nhà quản lý có thể thu thập và xử lý thông tin thông qua MAIS, hỗ trợ nhà quản lý dự báo những thay đổi xảy ra trong môi trường bên trong và bên ngoài từ sự đa dạng về nhu cầu của khách hàng, đối mặt với các đối thủ cạnh tranh và cung cấp sản phẩm mới liên tục. Từ những phân tích trên, giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:

H3: Hệ thống thông tin kế toán quản trị có ảnh hưởng thuận chiều đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Vai trò trung gian của hệ thống thông tin kế toán quản trị trong mối quan hệ giữa năng lực đổi mới và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: Một trong những yếu tố chính giúp củng cố thị phần của các doanh nghiệp là năng lực đổi mới, năng lực này mang lại cho các doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác (Chaudhry và cộng sự, 2020). Hơn nữa, trong trường hợp các công ty phải duy trì trong một môi trường được đặc trưng bởi sự thay đổi nhanh chóng. họ phải đổi mới và đây là một trong những động lực chính giúp công ty thành công và cải thiện hiệu quả tài chính (Lê Mộng Huyền và Nguyễn Phong Nguyên, 2020). Vì vậy, định hướng của các công ty đối với MAIS có vai trò trung gian trong chiến lược đổi mới của họ. Vận dụng lý thuyết dự phòng, các tác giả AlBaghdadi và cộng sự (2021) cho rằng MAIS phải bổ sung cho chiến lược đổi mới và văn hóa công ty, từ đó cải thiện hiệu quả tài chính. Ali và Oudat (2021) cũng tìm thấy vai trò trung gian của MAIS trong mối quan hệ giữa đổi mới và hiệu quả tài chính. Từ những phân tích trên, giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:

H4: Tồn tại vai trò trung gian của hệ thống thông tin kế toán quản trị trong mối quan hệ giữa năng lực đổi mới và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Mô hình nghiên cứu được xây dựng như sau: (Hình 1)

Hình 1: Mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu vai trò trung gian của hệ thống thông tin kế toán quản trị trong mối quan hệ giữa năng lực đổi mới và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp(Nguồn: Tác giả đề xuất)

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1 Dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu thu thập bằng bảng câu hỏi khảo sát. Đơn vị phân tích là tổ chức. Nghiên cứu xác định đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.

Mẫu được chọn bằng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên, thuận tiện. Trong mỗi đơn vị, tác giả chọn một người đại diện đơn vị để trả lời bảng câu hỏi khảo sát. Tổng số có 178 đơn vị tham gia khảo sát, kết quả thu về 156 bảng trả lời hợp lệ dùng làm dữ liệu.

Dữ liệu được thu thập bằng bảng câu hỏi khảo sát. Các mục hỏi được đo lường trên thang đo Likert 5 mức độ theo quy ước: 1- Hoàn toàn không đồng ý, 3- Trung lập và 5- Hoàn toàn đồng ý.

3.2. Phương pháp xử lý dữ liệu

Xử lý dữ liệu bằng phần mềm Smart PLS với các kỹ thuật gồm thống kê mô tả mẫu nghiên cứu, kiểm định mô hình đo lường, kiểm định mô hình cấu trúc SEM, từ đó, trình bày kết quả nghiên cứu về kiểm định các giả thuyết nghiên cứu và giải quyết các mục tiêu nghiên cứu đã xác định.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kiểm định mô hình đo lường

Kết quả kiểm định mô hình đo lường cho thấy, tất cả thang đo có giá trị Cronbach’s Alpha và độ tin cậy tổng hợp đạt yêu cầu trên 0.70 (dao động từ 0.71 đến 0.94) cho thấy tính nhất quán của tất cả thang đo. Giá trị hội tụ của từng thang đo thể hiện qua giá trị trung bình phương sai trích (AVE). Các giá trị AVE của tất cả thang đo đều lớn hơn 0.50.

Về giá trị phân biệt: bảng tiêu chuẩn Fornell-Larcker cho thấy căn bậc hai của AVE xuất hiện trong các ô đường chéo và các mối tương quan giữa các biến xuất hiện bên dưới nó và giá trị phân biệt cho các cấu trúc đã đạt được bởi căn bậc hai của các AVE cao hơn so với các tương quan ngoài đường chéo. Ngoài ra, kết quả nghiên cữu cũng cho thấy chỉ số Heterotrait-Monotrait (HTMT) đối với tất cả các cặp biến nghiên cứu của yếu tố bậc một là dưới 0,9.

4.2. Kiểm định mô hình cấu trúc

Kết quả kiểm định các giả thuyết nghiên cứu được trình bày tóm tắt trong Bảng 1:

Bảng 1. Kết quả kiểm định các giả thuyết nghiên cứu

 

Giả thuyết

β

P value

Kết luận

H1

IC -> MAIS

Năng lực đổi mới ảnh hưởng thuận chiều đến hệ thống thông tin kế toán quản trị

0,239

0.000

Chấp nhận

H2

IC -> FP

Năng lực đổi mới có ảnh hưởng thuận chiều đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

0,411

0.000

Chấp nhận

H3

MAIS -> FP

Hệ thống thông tin kế toán quản trị có ảnh hưởng thuận chiều đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

0,132

0.000

Chấp nhận

H4

IC -> MAIS -> FP

Tồn tại vai trò trung gian của hệ thống thông tin kế toán quản trị trong mối quan hệ giữa năng lực đổi mới và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

0,084

0.000

Chấp nhận

(Nguồn: Kết quả từ phần mềm Smart PLS)

Kết quả nghiên cứu cho thấy, năng lực đổi mới có ảnh hưởng thuận chiều đến hệ thống thông tin kế toán quản trị với β = 0,239, P value = 0.000, như vậy giả thuyết H1 được chấp nhận. Tiếp đó, về các ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của các nhân tố đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, kết quả nghiên cứu cho thấy, năng lực đổi mới có ảnh hưởng mạnh nhất đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (β = 0, 411, P value = 0.000). Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng tìm thấy vai trò trung gian của hệ thống thông tin kế toán quản trị trong mối quan hệ giữa đổi mới chiến lược và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (β = 0,084, P value = 0.000).

5. Kiến nghị

Đối với năng lực đổi mới, tác giả đề xuất các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần tiếp tục tăng cường thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo, bởi đổi mới sáng tạo là một trong những trụ cột quan trọng của năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tiếp cận những tiến bộ khoa học và tận dụng những cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất, tạo ra những bước phát triển đột phá nhằm rút ngắn khoảng cách so với các nền kinh tế phát triển.

Đối với hệ thống thông tin kế toán quản trị, tác giả đề xuất các nhà quản trị không chỉ sử dụng hệ thống thông tin này cho mục đích giám sát, so sánh, đánh giá, mà cần phải sử dụng như một công cụ hữu ích để cùng nhau trao đổi, thảo luận và lập kế hoạch chiến lược,... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất cần tăng cường tìm hiểu và triển khai vận dụng các kỹ thuật kế toán quản trị hiện đại, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Afifa, M. M. A., & Saleh, I. (2021). Management accounting systems effectiveness perceived environmental uncertainty and companies’ performance: The case of Jordanian companies. International Journal of Organizational Analysis, 30(2), 259-288. https://doi. org/10.1108/IJOA-07-2020-2288
  2. Agbejule, A., 2005. The relationship between management accounting systems and perceived environmental uncertainty on managerial performance: a research note. Accounting and Business Research, 35(4), 295-305
  3. Al-Abdallah, G. M., & Al-Salim, M. I. (2021). Green product innovation and competitive advantage: An empirical study of chemical industrial plants in Jordanian qualified industrial zones. Benchmarking, An International Journal, 2560–2542, (8)28. https://doi. org/10.1108/BIJ-03-2020-0095
  4. Al-Baghdadi, E. N., Alrub, A. A., & Rjoub, H. (2021). Sustainable business model and corporate performance: The mediating role of sustainable orientation and management accounting control in the United Arab Emirates. Sustainability, 13(16), 8947.https:// doi.org/10.3390/su13168947
  5. Ali, B. J., & Oudat, M. S. (2021). Accounting information system and financial sustainability of commercial and islamic banks: A review of the literature. Journal of Management Information & Decision Sciences, 24(5).
  6. Al-Khasawneh, S. M., Endut, W. A., & Nik Mohd Rashid, N. N. (2020). Relationship between modern management accounting techniques and organizational performance of industrial sector listed in amman stock exchange. International Journal of Management, Accounting and Economics, 7(5), 212-234.
  7. Alshirah, M., Lutfi, A., Alshirah, A., Saad, M., Ibrahim, N. M. E. S., & Mohammed, F. (2021). Influences of the environmental factors on the intention to adopt cloud-based accounting information system among SMEs in Jordan. Accounting, 7(3), 645-654. https://doi.org/10.5267/j.ac.2020.12.013
  8. Al-Waeli, A. J., Hanoon, R. N., Ageeb, H. A., & Idan, H. Z. (2020). Impact of accounting information system on financial performance with the moderating role of internal control in Iraqi industrial companies: An analytical study. Jour of Adv Research in Dynamical & Control Systems, 12(8), 246-261. https://doi.org/10. 5373/JARDCS/V12I8/20202471
  9. Brown, S. L. & Eisenhardt, K. M., 1995. Product development: Past research, present findings, and future directions. Academy of Management Review, 20(2), 343-378.
  10. Chaudhry, N., Asad, H., Karami, M., Ch, M., & Hussian, R. (2020). Environmental innovation and financial performance: Mediating role of environmental management accounting and firm’s environmental strategy. Pakistan Journal of Commerce and Social Sciences 2020, 14(3), 715-737.
  11. Christen, C. T., & Lovaas, S. R. (2022). The dual-continuum approach: An extension of the contingency theory of strategic conflict management. Public Relations
  12. Gerhart, B., & Feng, J. (2021). The resource-based view of the firm, human resources, and human capital: Progress and prospects. Journal of Management, 47 (7), 1796-1819. https://doi.org/10.1177/ 0149206320978799
  13. Ghasemi, R., Azmi Mohamad, N., Karami, M., Hafiz Bajuri, N., & Asgharizade, E. (2016). The mediating effect of management accounting system on the relationship between competition and managerial performance. International Journal of Accounting and Information Management, 24(3), 272-295. https:// doi.org/10.1108/IJAIM-05-2015-0030
  14. Khanra, S., Kaur, P., Joseph, R. P., Malik, A., & Dhir, A. (2022). A resource-based view of green innovation as a strategic firm resource: Present status and future directions. Business Strategy and the Environment, 31 (4), 1395-1413. https://doi.org/10.1002/bse.2961
  15. Krishnan, C. S. N., Ganesh, L. S., & Rajendran, C. (2021). Management accounting tools for failure prevention and risk management in the context of Indian innovative start-ups: A contingency theory approach. Journal of Indian Business Research, 14(1), 23-48. https://doi.org/10.1108/JIBR-02-2021-0060.
  16. Lê Mộng Huyền và Nguyễn Phong Nguyên (2020). Organizational culture, management accounting information, innovation capability and firm performance. Cogent Business & Management. 1-21.
  17. Luo, Y. (2022). A general framework of digitization risks in international business. Journal of International Business Studies, 53(2), 344–361. https://doi.org/10. 1057/s41267-021-00448-9.
  18. Maina, K., & Mburugu, K. (2020). The influence of value innovation strategy on the financial performance of manufacturing firms in Kenya. The Journal of Social Sciences Research, 6(12), 995-1000.
  19. Miftah, D., & Julina, J. (2020). Does innovation affect company performance? exploring the mediation effects of management accounting information systems. International Research Journal of Business Studies, 13(2), 189-200. https://doi.org/10.21632/ irjbs.13.2.189-200.
  20. Onodi, B., Ibiam, O., & Akujor, J. (2021). Management accounting information system and the financial performance of consumer goods firms in Nigeria. European Journal of Business and Management Research, 6(1), 112-120.
  21. Võ Tấn Liêm, Nguyễn Ngọc Hiền (2020). The impact of manager’s demographic characteristics on prospector strategy, use of management accounting systems and financial performance. Journal of International Studies, 13(4), 54-69. https://doi.org/10.14254/2071- 8330.2020/13-4/4.
  22. Yuliansyah, Y., Khan, A. A. & Fadhilah, A., 2019. Strategic performance measurement system, firm capabilities andcustomer-focused strategy. Pacific Accounting Review, 31(2), 288-307.

A STUDY ON THE IMPACT OF INNOVATION CAPACITY ON BUSINESS PERFORMANCE OF VIETNAMESE MANUFACTURING ENTERPRISES THROUGH THE INTERMEDIARY ROLE OF MANAGEMENT ACCOUNTING INFORMATION SYSTEM

Master. Dao Van Hao

Hung Khang Technology Service Trading Co., Ltd

Abstract:

This study is to evaluate the impact of innovation capacity and management accounting information system on the operational efficiency of enterprises. The study also tests the intermediary role of the management accounting information system factor in the relationship between the innovation capacity and the performance of enterprises. The quantitative research method is used to conduct this study with samples from 156 manufacturing enterprises in Vietnam. The data is analyzed by using the Smart PLS software with PLS SEM technique, including: descriptive statistics, measurement model verification, and structural model testing. The study finds out that the factors of innovation capacity and management accounting information system have a positive correlation with the business performance, and the management accounting information system plays an intermediary role between the innovation capacity and the operational efficiency. Based on these findings, some implications are proposed to help enterprises improve their performance through the improvement of their innovation capacity and management accounting information system.

Keywords: innovation capacity, management accounting information system, operational efficiency, PLS SEM, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương