Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của thanh niên Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0

PGS.TS. ĐỖ ANH ĐỨC1 - THS. TRẦN XUÂN PHÚC2 (1Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - 2Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an)

TÓM TẮT:

Các quốc gia trên thế giới đều nhận thức được đổi mới sáng tạo chính là một động lực quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia, là một nguồn lực mang tính quyết định cho một đất nước khi tiến vào nền kinh tế tri thức. Trong đó, thanh niên có vai trò đặc biệt quan trọng. Bài viết làm rõ và cung cấp các hiểu biết về năng lực đổi mới sáng tạo, làm rõ thực trạng nghiên cứu năng lực đổi mới sáng tạo qua việc tổng quan tài liệu nghiên cứu trong nước và nước ngoài về năng lực đổi mới sáng tạo để đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo đối với thanh niên Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0.

Từ khóa: đổi mới sáng tạo, thanh niên, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Đổi mới sáng tạo (innovation) của con người là một phần không thể thiếu trong lịch sử tiến hóa của nhân loại.Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu và đo lường năng lực đổi mới sáng tạo trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều nhà khoa học, đặc biệt là khoa học nghiên cứu về con người. Các quốc gia trên thế giới đều nhận thức được đổi mới sáng tạo chính là một động lực quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia, là một nguồn lực mang tính quyết định cho một đất nước khi tiến vào nền kinh tế tri thức. Trong thách thức của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, đổi mới sáng tạo trở thành những phương tiện mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và toàn cầu hóa. Vì thế, việc giải quyết thành công các vấn đề lý thuyết để hiểu rõ bản chất đổi mới sáng tạo, các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của con người, đồng thời xác định được các phương pháp đo lường năng lực đổi mới sáng tạo phù hợp có giá trị thực tiễn, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thanh niên là một lực lượng xã hội đặc thù, đóng vai trò quan trọng trong sự vận động và phát triển của xã hội. Công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước đang đặt ra những yêu cầu to lớn về chất lượng nguồn lực con người. Đó là sự phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và một cách khái quát nhân cách nói chung của con người Việt Nam, mà trước hết là của thế hệ thanh niên. Bài viết cung cấp các hiểu biết về năng lực đổi mới sáng tạo, làm rõ thực trạng nghiên cứu năng lực đổi mới sáng tạo qua việc tổng quan tài liệu nghiên cứu trong nước và nước ngoài về năng lực đổi mới sáng tạo để đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo đối với thanh niên Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0.

2. Tổng quan về năng lực đổi mới sáng tạo

Thuật ngữ "đổi mới" xuất phát từ tiếng Latinh và có nghĩa là sự ra đời của một cái gì đó mới, một tính mới, một cải cách - dựa trên sự đổi mới (Kopaliński, 1978). Schumpeter (1934) đưa ra khái niệm đổi mới và phân chia đổi mới thành 5 loại, bao gồm: (1) đưa ra sản phẩm mới; (2) đưa ra các phương pháp sản xuất mới; (3) mở ra thị trường mới; (4) phát triển các nguồn mới cung cấp vật liệu thô hay các loại đầu vào mới khác; (5) tạo ra cấu trúc thị trường mới trong 1 ngành. Theo Schumpeter (1983), đổi mới là “phần giao thoa giữa phát minh và sáng chế để tạo ra giá trị cho nền kinh tế và xã hội”.

Burns và Stalker (1961) khi thực hiện một trong những nghiên cứu đầu tiên về đổi mới, đã mô tả sự đổi mới như một tập hợp các phản ứng với các điều kiện và thay đổi mới, hoặc đơn giản là những nỗ lực tiến bộ trong sự ổn định. Kline và Rosenberg (1986) trong một bài báo đã mô tả sự đổi mới như một thuật ngữ đa chiều bao gồm nhiều hoạt động khác nhau. Nó có thể là sản phẩm mới, quy trình mới, công nghệ mới, thiết kế mới, hệ thống mới, thị trường mới, phương tiện mới và phương pháp thực hiện các khía cạnh khác nhau của doanh nghiệp (Kickul và Gundry, 2002).

Đổi mới còn là một ý tưởng, một thực hành hoặc đối tượng được cá nhân hoặc đơn vị khác coi là mới (Rogers, 1995). Rogers (1995) đã xác định năm thuộc tính nhận thức của đổi mới (đặc điểm đổi mới) quyết định tỷ lệ chấp nhận: lợi thế tương đối, độ phức tạp, tính tương thích, khả năng thử nghiệm và khả năng quan sát. Theo Milbergs (2007), đổi mới là “ứng dụng trong công nghiệp và thương mại sản phẩm mới, chu trình mới hoặc phương pháp sản xuất mới; thị trường mới hoặc nguồn cung ứng mới; loại hình kinh doanh mới hoặc dạng tổ chức mới”. Drucker (1999) giải thích hầu hết các đổi mới, đặc biệt là những đổi mới thành công, là kết quả của việc tìm kiếm các cơ hội đổi mới có mục đích và có ý thức.

Theo Sổ tay hướng dẫn OSLO (2005) của Eurostat, đổi mới sáng tạo là việc thực hiện hay hoàn thành một sản phẩm (hàng hóa hay dịch vụ), hay một quy trình mới, hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp tiếp thị mới, hoặc một phương pháp tổ chức và quản lý mới trong hoạt động thực tiễn kinh doanh, tổ chức sản xuất hoặc quan hệ đối ngoại. Bản chất chung của đổi mới sáng tạo là được hoàn thành và cho ra kết quả sử dụng. Mức độ đổi mới sáng tạo của một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tính năng động trong sản xuất - kinh doanh và khả năng đổi mới của các ngành, lĩnh vực, trước hết là của các doanh nghiệp.

Để đánh giá đổi mới hiện nay, trên thế giới có 2 chỉ số chính đó là: (i) Chỉ số Đổi mới toàn cầu (The Global Innovation Index - GII), chỉ số GII hiện đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá hàng năm cho trên 120 quốc gia trong đó có Việt Nam; (ii) Chỉ số đổi mới tổng hợp (Summary Innovation Index - SII) do Ủy ban Châu Âu đánh giá cho thành viên châu Âu và các quốc gia khác. Ưu điểm của chỉ số SII được thiết kế theo mô hình đánh giá tuyến tính “đầu vào, các hoạt động doanh nghiệp và đầu ra”, bao gồm 25 chỉ số thành phần, các chỉ số thành phần phản ánh đầy đủ các khía cạnh của hoạt động đổi mới, đặc biệt là các chỉ số thành phần thể hiện các hoạt động, liên kết, loại hình, kết quả, hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp theo hướng dẫn của OECD. Chỉ số SII có khả năng hội nhập quốc tế cao, vì ngoài các thành viên EU áp dụng còn có các quốc gia trong các khu vực khác trên thế giới sử dụng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada,...

Tại Việt Nam, Điều 3.16 của Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã đề cập đến khái niệm “đổi mới sáng tạo”: “Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”.

Tóm lại, có nhiều khái niệm về đổi mới sáng tạo, theo thời gian khái niệm về đổi mới sáng tạo cũng có điều chỉnh, nhưng trong tất cả các khái niệm đều có gắn với yếu tố công nghệ, kỹ thuật và sản phẩm, dịch vụ và thị trường, tổ chức, quản lý có nghĩa là đổi mới là gắn liền yếu tố công nghệ với kinh tế. Thành công về đổi mới là mức độ mà giá trị được tạo ra cho khách hàng thông qua các doanh nghiệp có sự chuyển đổi kiến thức và công nghệ mới vào sản phẩm và dịch vụ mang lại lợi nhuận cho các thị trường quốc gia và toàn cầu. Tỷ lệ đổi mới sáng tạo cao lần lượt đóng góp vào việc tạo ra nhiều thị trường hơn, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, sự giàu có và một mức sống cao hơn. Tập trung nguồn lực vào các viện nghiên cứu trọng điểm, đại học định hướng đổi mới sáng tạo, xây dựng những mạng lưới cho đổi mới sáng tạo, kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp cũng như những người làm chính sách, hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (Đỗ Anh Đức và Trương Thị Huệ, 2018).

3. Các nghiên cứu trong nước về năng lực đổi mới sáng tạo

Đề tài “Năng lực đổi mới sáng tạo của chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội” của tác giả Nguyễn Thanh Cường được thực hiện vào năm 2014. Nghiên cứu là luận văn được tác giả thực hiện trong quá trình bảo vệ thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, qua đó, tác giả đã đánh giá thực trạng về năng lực đổi mới của chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội, tiếp đó, đề xuất một số giải pháp phù hợp nâng cao năng lực đổi mới trong kinh doanh của chủ doanh nhỏ và vừa.

Vũ Văn Khiêm, Hồ Thế Nam Phương, Bùi Tiến Dũng (2018) với đề tài nghiên cứu “Nâng cao năng lực đổi mới trong doanh nghiệp kinh nghiệm của Hàn Quốc, Malaysia và đề xuất với Việt Nam” đã nghiên cứu chính sách nâng cao năng lực đổi mới trong doanh nghiệp với kinh nghiệm của Hàn Quốc, Malaysia - 2 quốc gia tiêu biểu về thực hiện thành công chính sách nâng cao năng lực đổi mới trong doanh nghiệp. Các quốc gia này có xuất phát điểm với điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ thực hiện các chính sách nâng cao năng lực đổi mới trong doanh nghiệp phù hợp đã giúp họ nhanh chóng trở thành các quốc gia có vị thế cao trên thế giới. Thông qua đó, tác giả đề xuất một số gợi ý chính sách cho Việt Nam trong hoạch định chính sách nâng cao năng lực đổi mới của doanh nghiệp.

Phùng Minh Thu Thuỷ (2020) với luận án tiến sĩ “Nguồn tri thức - Nhân tố ảnh hưởng tới đổi mới sáng tạo ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam”, bảo vệ tại Đại học Kinh tế Quốc Dân. Kết quả nghiên cứu khẳng định vai trò quan trọng của R&D (hoạt động nghiên cứu và phát triển) nội bộ trong các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam đối với đổi mới sản phẩm. Nghiên cứu cũng chỉ ra tri thức mà các doanh nghiệp thu được từ hoạt động hợp tác bên trong chuỗi cung ứng có mối tương quan tích cực với khả năng đổi mới sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy, không có mối quan hệ đáng kể giữa tri thức thu được từ các hoạt động hợp tác từ bên ngoài chuỗi cung ứng đối với đổi mới sản phẩm ở các doanh nghiệp này.

Lương Thị Ngọc Hà (2022) với đề tài nghiên cứu khoa học “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” đã tổng hợp kinh nghiệm quốc tế nổi bật về thúc đẩy đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Thông qua đó, đề xuất một số khuyến nghị về chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam.

Nghiên cứu của Đỗ Anh Đức (2020) về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0 đã khẳng định, đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững doanh nghiệp. Trong bối cảnh công nghiệp 4.0 đang mang lại nguồn hy vọng đáng kể trong việc tiếp nối các nấc thang phát triển của loài người, đổi mới sáng tạo là chìa khóa để tạo ra năng lực cạnh tranh nhằm đạt được sự tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh luôn biến đổi như hiện nay. Nghiên cứu đã trình bày khái quát các khái niệm cơ bản về đổi mới sáng tạo, làm rõ thành tựu và hạn chế đối với đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, qua đó đề xuất các giải pháp góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng, giúp các nhà nghiên cứu, các nhà quản trị doanh nghiệp và cả các nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, qua đó thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

4. Các nghiên cứu ở nước ngoài về năng lực đổi mới sáng tạo

Wang và Ahmed (2004) đưa ra khái niệm “năng lực đổi mới” là tổng thể các khả năng đổi mới của tổ chức trong việc đưa ra các sản phẩm mới, thị trường mới thông qua chiến lược định hướng trong hành động và quy trình. Năng lực đổi mới phản ánh định hướng của tổ chức trong việc tham gia cũng như hỗ trợ những ý tưởng mới lạ, sáng tạo vào đổi mới quy trình, để cho ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới hoặc công nghệ mới.

Nghiên cứu về “Xây dựng năng lực đổi mới, vai trò của con người trong sự hình thành vốn doanh nghiệp - một nghiên cứu tài liệu” của Đại học Ballarat phối hợp với Đại học quốc gia Úc có định nghĩa năng lực đổi mới là khả năng của doanh nghiệp đó trong việc xác định xu hướng và công nghệ mới, cũng như tiếp thu và khai thác những nguồn kiến thức và thông tin này. Nghiên cứu cũng phân biệt sự khác nhau giữa “năng lực đổi mới” và “khả năng đổi mới”.

Coombs và Bierly (2006) với nghiên cứu “Measuring technological capability and performance” đã cho thấy, đổi mới sáng tạo giúp cải tiến sản phẩm, tăng thêm giá trị, từ đó góp phần gia tăng doanh thu bán hàng và giúp doanh nghiệp tồn tại. Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp năng động hơn và thu được nhiều lợi nhuận hơn.

Lin và Chen (2007) với đề tài nghiên cứu “Does innovation lead to performance? An empirical study of SMEs in Taiwan” đã cho thấy, đổi mới sáng tạo gắn liền với doanh thu của doanh nghiệp. Đặc biệt, đổi mới sáng tạo tổ chức không phải đổi mới sáng tạo công nghệ có ảnh hưởng mạnh nhất đến tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Mansury và Love (2008) trong nghiên cứu “Innovation, productivity and growth in US business services: A firm-level analysis” đã chỉ ra năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp có tác động tích cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động năng động và hiệu quả hơn, do đó mang lại lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp.

Mỗi tác giả đều có những khái niệm được biểu hiện khác nhau, tuy nhiên, từ những khái niệm trên có thể khẳng định được, “đổi mới” và “năng lực đổi mới” là 2 thuật ngữ khác nhau nhưng có liên quan mật thiết đến nhau. Nếu “đổi mới” là một quy trình hoặc sản phẩm mới thì “năng lực đổi mới” chính là những khả năng để tổ chức có thể thực hiện đổi mới thành công.

5. Đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo đối với thanh niên Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0.

Trong bối cảnh công nghiệp 4.0 đã và đang hình thành các kết quả mang tính đột phá trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, rô bốt, Internet vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3D và công nghệ nano, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo bởi nguồn lực phát triển quan trọng nhất của nó là nhân lực có năng lực đổi mới sáng tạo. Theo đó, quốc gia nào sở hữu nhiều tri thức, nhân lực chất lượng cao sẽ giành ưu thế cạnh tranh toàn cầu. Các nước đang phát triển có cơ hội rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển nếu biết tiếp cận nhanh công nghiệp 4.0.

Thanh niên Việt Nam đang chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động và là lực lượng lao động chính của xã hội, cũng như động lực chính của quá trình đổi mới sáng tạo hướng đến việc làm giàu hơn thế giới tri thức. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) đang có xu hướng tăng lên và cao hơn so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Theo Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) ước tính là 6,51% trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động ước tính là 2,16%. Một trong những nguyên nhân của tình trạng nêu trên là chất lượng nhân lực thanh niên chưa cao, trong đó nổi bật là sự hạn chế trong năng lực đổi mới sáng tạo.

Trên cơ cở các kiến thức về đổi mới sáng tạo và năng lực đổi mới sáng tạo cùng  kết quả tổng quan các nghiên cứu trong nước và nước ngoài về năng lực đổi mới sáng tạo của thanh niên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo đối với thanh niên Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0.

Thứ nhất, cần nghiên cứu xây dựng Bộ Tiêu chí đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của thanh niên trong bối cảnh công nghiệp 4.0 trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu về năng lực đổi mới sáng tạo của thanh niên và phù hợp với đặc điểm, bối cảnh của thanh niên Việt Nam.

Thứ hai, triển khai áp dụng Bộ Tiêu chí đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của thanh niên trong bối cảnh công nghiệp 4.0 để đánh giá thực trạng và yêu cầu đối với năng lực đổi mới sáng tạo của thành niên Việt Nam. Năng lực đổi mới sáng tạo của thanh niên nếu được đánh giá chính xác, khách quan sẽ là căn cứ cho việc đề xuất các giải pháp khả thi để góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho thanh niên.

Thứ ba, xây dựng và thực thi các giải pháp khả thi để góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho thanh niên trên kết quả đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của thanh niên khách quan và chính xác theo Bộ Tiêu chí đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của thanh niên trong bối cảnh công nghiệp 4.0.

Các giải pháp nêu trên nếu được xây dựng khoa học và thực thi tốt sẽ góp phần hình thành một thế hệ thanh niên Việt Nam có năng lực đổi mới sáng tạo cao, xứng tầm đòi hỏi của đất nước và thời đại công nghiệp 4.0.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Burns, T., Stalker, G.M., (1961). The management of innovation, Tavistock Publications,
  2. Coombs, J. E., Bierly III, P. E. (2006). Measuring technological capability and performance. R&D Management, 36(4), 421-438. DOI: https://doi.org/10.1111/j.1467-9310.2006.00444.x
  3. Drucker, P. (1999). Management challenges in the XXI century, New Brunswick, NJ: Transaction Publishers.
  4. Đỗ Anh Đức (2020). Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Tạp chí Kinh tế và Quản lý, 33, 57-60.
  5. Đỗ Anh Đức, Trương Thị Huệ (2018). Xây dựng mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, 512, 25-27.
  6. Eurostat (2005), Oslo Manual: Guidelines for collectingand interpreting innovation data, Third edition. [online] Available at: https://ec.europa.eu/eurostat/web/products-manuals-and-guidelines/-/oslo].
  7. Kickul, J., Gundry L.K. (2002). Prospecting for strategic advantage: the proactive entrepreneurial personality and small firm innovation. Journal of Small Business Management, 40(2), 85-97.
  8. Kline, S.J., Rosenberg, N., (1986). An overview of innovation. In: Landau, R.,Rosenberg, N.(Eds.), The Positive Sum Strategy: Harnessing Technology forEconomic Growth. National Academic Press, 275-305.
  9. Kopaliński, W. (1978). Słownik wyrazów obcych i obcojęzycznych [A Dictionary of Foreign Words and Those of Foreign Origin - in Polish]. Warsaw Publication.
  10. Lin, C. Y. Y., Chen, M. Y. C. (2007). Does innovation lead to performance? An empirical study of SMEs in Taiwan. Management research. 15(2).
  11. Lương Thị Ngọc Hà (2022). Thúc đẩy đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Công Thương, 11, 203-211.
  12. Mansury, M. A., Love, J. H. (2008). Innovation, productivity and growth in US business services: A firm-level analysis. Technovation, 28(1-2), 52-62. DOI: http://dx.doi.org/10.1016/j.technovation.2007.06.002
  13. Milbergs, Egils (2007). “National Innovation Initiative: Valuing Long-Term Innovation Strategies”, National Innovation Initiative, 1-13.
  14. Nguyễn Thanh Cường (2014). Năng lực đổi mới sáng tạo của chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Luận văn thạc sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  15. Nguyễn Thị Xuân Thúy, Đỗ Anh Đức (2017). Cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với công nghiệp Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 241, 17-22.
  16. Phùng Minh Thu Thủy (2020). Nguồn tri thức - Nhân tố ảnh hưởng tới đổi mới sáng tạo ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân.
  17. Rogers, Everett M. (1995). Diffusion of Innovations, Fourth edition, New York, Free Press.
  18. Schumpeter, Joseph A. (1934). The Theory of Economic Development. Harvard University Press.
  19. Schumpeter, Joseph A. (1983). The Theory of Economic Development: An Inquiry into Profits, Capital, Credit, Interest, and the Business Cycle. New Brunswick, US and London, UK: Transaction Publishers.
  20. Tổng cục Thống kê (2019). Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2019, truy cập tại <https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2021/03/Bao-cao-dieu-tra-lao-dong-viec-lam-2019-26-3-2021.pdf.
  21. Vũ Văn Khiêm, Hồ Thế Nam Phương, Bùi Tiến Dũng (2018). Nâng cao năng lực đổi mới trong doanh nghiệp kinh nghiệm của Hàn Quốc, Malaysia và đề xuất với Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Nghiên cứu Chính sách và Quản lý, 34(3), 1-7.
  22. Wang, C. L., Ahmed, P. K. (2004). The Development and Validation of the Organizational. European Journal of Innovation Management, 7, 303-313.

Enhancing the innovation capacity of Vietnamese youth in the context of Industry 4.0

Assoc.Prof.Ph.D Do Anh Duc1

Master. Tran Xuan Phuc2

1National Economics University

2Department of Security Industry, Ministry of Public Security

Abstract:

It is widely recognized that innovation is an important driving force of a nation's development, and innovation is a decisive resource in the knowledge economy. Specifically, the youth hold a particularly important role. This paper clarifies and provides insights on innovation capacity, and clarifies the current research on innovation capacity through a review of domestic and foreign research papers on innovation capacity in order to propose solutions to improve innovation capacity for Vietnamese youth in the context of the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0).

Keyworks: innovation, youth, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19 tháng 8  năm 2022]