TÓM TẮT:
Xây dựng thị trường carbon tạo động lực cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu của mọi quốc gia trên thế giới. Ngày càng nhiều quốc gia coi thị trường carbon là một trong những công cụ chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, chống lại biến đổi khí hậu (BĐKH). Do vậy, bài nghiên cứu tổng hợp một số vấn đề lý luận liên quan đến thị trường tín chỉ carbon, đồng thời phân tích thực trạng vận hành thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số giải pháp giúp khai thác có hiệu quả thị trường này hướng tới phát triển bền vững.
Từ khóa: thị trường tín chỉ carbon, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
1. Đặt vấn đề
BĐKH đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh đó, phát triển thị thị trường carbon được xem là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy các hoạt động ứng phó với BĐKH, góp phần giúp các quốc gia và doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển thị trường carbon trong nước, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam hướng đến một nền kinh tế phát thải thấp với tốc độ phát triển nhanh và bền vững, cũng như hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26 là phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Do đó, bài nghiên cứu tổng hợp một số vấn đề lý luận liên quan đến thị trường carbon, đồng thời phân tích thực trạng vận hành thị trường carbon tại Việt Nam, từ đó chỉ ra các thách thức phải đối mặt và đề xuất một số giải pháp giúp khai thác có hiệu quả thị trường này hướng tới phát triển bền vững.
2. Khái quát về thị trường carbon
Thị trường carbon bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về BĐKH, được thông qua vào năm 1997. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính, nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon. (Liên Hợp quốc, 1997).
Trên thị trường tín chỉ carbon, có hai loại hàng hóa được giao dịch: hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon.
- Hạn ngạch phát thải là lượng khí nhà kính (tính theo tấn CO2 tương đương) mà cơ quan quản lý cho phép một tổ chức/cơ sở được phát thải trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu phát thải vượt quá hạn mức này, tổ chức phải mua thêm hạn ngạch từ đơn vị khác hoặc mua tín chỉ carbon để bù trừ - nếu không sẽ bị xử phạt.
- Tín chỉ carbon là lượng CO2 tương đương được giảm hoặc loại bỏ thông qua các hoạt động như trồng rừng, thu hồi khí, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng… Những hoạt động này tạo ra giá trị phát thải thấp hơn so với các phương án truyền thống.
Thị trường carbon vận hành dựa trên cung và cầu đối với hai loại hàng hóa kể trên, được phân thành 2 loại:
- Thị trường bắt buộc: là thị trường trong đó các cơ sở bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, thể hiện ở lượng hạn ngạch phát thải mà cơ quan quản lý phân bổ cho mỗi cơ sở. Các cơ sở được phép mua bán trao đổi lượng hạn ngạch này trên thị trường. Ví dụ: cơ sở phát thải ít sẽ dư hạn ngạch để bán cho các cơ sở phát thải nhiều bị thiếu hạn ngạch. Tổng phát thải của thị trường sẽ không đổi. Do đó, mục đích chính của thị trường bắt buộc là để kiểm soát phát thải. Hàng hóa chính được giao dịch là hạn ngạch phát thải (nên thị trường carbon bắt buộc được đặc trưng bởi cơ chế giao dịch hạn ngạch phát thải), có thể cho phép sử dụng một lượng nhỏ tín chỉ carbon (thường 5-10%).
- Thị trường tự nguyện: là thị trường trong đó các doanh nghiệp tự nguyện thực hiện giảm phát thải khí nhà kính và mua tín chỉ carbon để đạt được mục tiêu này. Ví dụ, doanh nghiệp cam kết thực hiện net-zero, tuy nhiên do nhu cầu sản xuất - kinh doanh, họ vẫn phải dùng một lượng nhiên liệu hóa thạch nhất định, họ sẽ mua tín chỉ carbon trên thị trường để bù trừ cho phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch này. Như vậy, hàng hóa được giao dịch trên thị trường tự nguyện là tín chỉ carbon.
Có thể thấy, việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thể hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero), là bước cụ thể hóa cho những chính sách về giảm phát thải khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải, trao đổi tín chỉ carbon, tạo nguồn lực tài chính xanh… Thông qua thị trường carbon, các công ty hoặc cá nhân có thể bù đắp lượng phát thải khí nhà kính bằng cách mua thêm hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.
3. Thực trạng phát triển thị trường carbon ở Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, có một thời gian dài nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác, xuất khẩu tài nguyên thô và đang phải đối mặt với những thách thức của tiến trình phát triển, như: BĐKH, ô nhiễm môi trường, an sinh xã hội. Tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực, như: Malaysia, Indonesia, Trung Quốc. Tuy nhiên, ảnh hưởng của BĐKH toàn cầu, sự suy thoái của môi trường đã tạo ra áp lực trong việc thúc tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Việt Nam đã có những động thái tham gia tích cực để ứng phó với BĐKH, trong đó có việc chuẩn bị mọi tiền đề sẵn sàng xây dựng thị trường carbon ngay từ năm 2012 thông qua việc trở thành thành viên của Chương trình sẵn sàng tham gia thị trường carbon quốc tế. Đến năm 2015, dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon - VNPMR tại Việt Nam đã được triển khai nhằm tăng cường năng lực xây dựng các công cụ thị trường, tạo điều kiện cho việc hình thành thị trường carbon ở Việt Nam. Đồng thời, một cơ chế chính sách và cơ cở pháp lý cũng được ra đời tạo nền tảng cho thị trường hoạt động, như:
(i) Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã quy định việc tổ chức và thực hiện thị trường carbon. Thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế, phù hợp với quy định của pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
(ii) Nghị định số 06/2022/NĐ-CP áp dụng với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động phát thải, giảm nhẹ, hấp thụ KNK; tham gia phát triển thị trường carbon trong nước; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính theo Nghị định thư Montreal. Thời điểm triển khai thị trường carbon của Việt Nam gồm hai giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (đến hết 2027): Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch; thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện theo pháp luật, điều ước quốc tế Việt Nam tham gia.
- Giai đoạn 2 (từ 2028): Chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; kết nối với thị trường carbon khu vực và quốc tế. Trước đó, từ năm 2025, Chính phủ sẽ tổ chức thí điểm sàn giao dịch, ưu tiên một số lĩnh vực phát thải lớn như thép, xi măng, nhiệt điện và huy động nguồn lực hỗ trợ thị trường carbon hoạt động ổn định.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tích cực thể hiện trách nhiệm và vai trò của mình trong cuộc chiến chống BĐKH. Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính và phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ. Tiếp đó, tại COP27, Việt Nam đã gửi Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật, theo đó, mức đóng góp giảm phát thải khí nhà kính không điều kiện đến năm 2030 đã tăng từ 9% lên 15,8% và đóng góp có điều kiện tăng từ 27% lên 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (Trần Bình An, 2022).
Như vậy, có thể thấy những khởi động ban đầu cho việc hiện thực hóa thị trường carbon đã có những bước tiến tích cực, ghi nhận sự nỗ lực của các bên tham gia trong vai trò kiến tạo thị trường là: Chính phủ với nỗ lực thiết lập và xây dựng nền tảng pháp lý, điều tiết thị trường hoạt động thông qua các quy định pháp luật, nhất là quy định về hạn ngạch phát thải; và các doanh nghiệp với (Tiêng phong là Apple, Samsung, Target, Mulberry, …) các hành động tích cực giảm phát thải trong hoạt động sản xuất - kinh doanh bằng cách cam kết sử dụng điện mặt trời thay thế điện lưới.
4. Các thách thức đặt ra
Mặc dù có tiềm năng lớn để phát triển thị trường carbon và khung khổ pháp lý cho hoạt động này đang dần hoàn thiện, song Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức:
- Khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện và tiêu chuẩn chưa rõ ràng. Tín chỉ carbon là một thị trường mới mẻ ở Việt Nam. Do đó, khung pháp lý về thị trường này còn chưa theo được thực tiễn; các quy định chi tiết về giao dịch, định giá tín chỉ carbon và xử lý vi phạm vẫn chưa toàn diện và cụ thể;
- Nguồn nhân lực cho thị trường carbon còn khá khiêm tốn. Hiện, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực am hiểu về phát triển dự án carbon và thẩm định tín chỉ còn thiếu. Đây cũng là bài toán đầy thách thức cho quốc gia đang phát triển như Việt Nam khi tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu;
- Hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) chưa hiện đại. Hệ thống MRV tại Việt Nam vẫn đang phát triển và chưa đáp ứng đủ yêu cầu về tính chính xác và minh bạch để đạt được sự công nhận trên thị trường quốc tế, gây khó khăn trong việc theo dõi và xác minh lượng phát thải. Việc thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhân lực phù hợp và chính sách vận hành MRV là một rào cản lớn đối với sự triển khai hiệu quả của thị trường carbon.
5. Đề xuất giải pháp
Để đẩy mạnh thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững, cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các quy phạm, quy chuẩn mang tính kỹ thuật của thị trường như, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước với khu vực và thế giới phù hợp với các quy định, điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia. Xây dựng bộ công cụ định giá carbon đảm bảo tính phù hợp và khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường tín chỉ carbon; các định mức phát thải trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế vận hành, quản lý thị trường giao dịch tín chỉ carbon, kể cả các sàn giao dịch để thống nhất quản lý về nhà nước.
Thứ hai, thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý toàn bộ tín chỉ carbon, đồng thời kết nối với các hệ thống, tổ chức tiêu chuẩn trên thế giới. Để thực hiện điều này, sự hợp tác và phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và cơ quan quản lý công quốc gia là rất cần thiết. Trong mối quan hệ hợp tác này, khu vực doanh nghiệp sẽ là nhân tố cốt lõi vì họ là tác nhân tạo ra khí thải và là đối tượng sẽ tham gia và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thị trường tín chỉ carbon.
Thứ ba, cần đào tạo đội ngũ, năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Liên hợp quốc (1997). Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu. Truy cập tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Nghi-dinh-thu-Kyoto-nam-1997-bien-doi-khi-hau-Cong-uoc-khung-cua-Lien-hop-quoc-142359.aspx
Liên hợp quốc (2015). Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Truy cập tại https://unfccc.int/process-and-meetings/the-paris-agreement
Nhữ Lê Thu Hương (2025). Thúc đẩy phát triển thị trường carbon tạo động lực cho phát triển bền vững ở Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Dự báo.
Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050.
Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Trần Bình An (2022). Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết tại COP27. Truy cập tại https://nhandan.vn/viet-nam-tiep-tuc-khang-dinh-cam-ket-tai-cop27-post726838.html
PROMOTING THE DEVELOPMENT
OF THE CARBON CREDIT MARKET
TOWARD SUSTAINABILITY
• BUI THI HOANG LAN
Faculty of Environment, Climate Change and Urban Areas,
College of Economics and Public Administration,
National Economics University
ABSTRACT:
Establishing a carbon market to drive green growth and sustainable development has become an inevitable trend for countries worldwide. Many nations now view carbon markets as essential policy tools to reduce greenhouse gas emissions and combat climate change. This study synthesizes key theoretical perspectives on carbon credit markets and analyzes the current state of carbon market operations in Vietnam. Based on these findings, it proposes targeted solutions to effectively develop and leverage Vietnam’s carbon credit market to support sustainable development goals.
Keywords: carbon credit market, climate change, sustainable development.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 17 tháng 5 năm 2025]