Nắng nóng cao điểm, phụ tải miền Bắc có thể chạm mốc 470 triệu kWh/ngày

Con số này đã tăng từ khoảng 314 triệu kWh ngày 26/6 lên đến gần 433 triệu kWh ngày 30/6 và được dự báo sẽ tăng cao hơn nữa trong khoảng thời gian nắng nóng sắp tới từ 2/7 đến 12/7.
Dự báo nắng nóng tiếp tục diễn ra ở miền Bắc từ 2/7 đến 12/7 sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống điện và hoạt động đảm bảo cung ứng điện
Dự báo nắng nóng tiếp tục diễn ra ở miền Bắc từ 2/7 đến 12/7 sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống điện và hoạt động đảm bảo cung ứng điện

Tăng cường cấp than cho điện

Từ đầu năm đến nay, tổng luỹ kế sản lượng điện phát từ nguồn nhiệt điện đạt khoảng 70 tỷ kWh, trong đó nhiệt điện miền Bắc đạt hơn 44 tỷ kWh. Tổng sự cố dài ngày hiện là 2.100 MW, sự cố ngắn ngày 600 MW gồm S1 Nghi Sơn 1 300 MW và S2 Thái Bình 1 300 MW.

Trong ngày 30/6/2023 không có máy nhiệt điện than khu vực miền Bắc bị suy giảm công suất.

Theo báo cáo của TKV, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng than rót cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện than dự kiến đạt 21,3 triệu tấn (trong đó thực hiện 5 tháng đạt 17,3 triệu tấn và dự kiến tháng 6 đạt 4 triệu tấn) tương đương 105,2% tiến độ hợp đồng và tăng 3,08 triệu tấn (bằng 116,9%) so với cùng kỳ năm 2022.

Dự kiến nhu cầu than cấp cho điện tăng cao đến hết tháng 7/2023 sau đó sẽ giảm trong các tháng mùa mưa và tăng trở lại từ tháng 11/2023.

Theo tính toán, nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện 6 tháng cuối năm 2023 khoảng 19 triệu tấn, như vậy than cấp cho điện năm 2023 dự kiến khoảng 40,3 triệu tấn, tương ứng đạt 105% khối lượng hợp đồng năm và bằng 115% so với năm 2022.

Thủy điện huy động linh hoạt

Trong khi đó, đối với thủy điện, những ngày vừa qua, lưu lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc đã được cải thiện, mực nước hiện tại của các hồ Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Bản Chát đều đã tích được cao hơn mực nước chết từ 5 đến 9m. Đã bắt đầu huy động các nhà máy thuỷ điện Lai Châu, Tuyên Quang, Huội Quảng. Tính đến 0h ngày 30/6/2023, sản lượng tích trong các hồ thuỷ điện miền Bắc là 2.065 triệu kWh.

Hiện tại, miền Bắc đang trong thời kỳ lũ sớm, dự kiến trong thời gian tới lưu lượng nước về các hồ miền Bắc tiếp tục tăng và có thể đảm bảo cung cấp điện với phụ tải tính toán trung bình khoảng 421-425 triệu kWh/ngày. Trong trường hợp cực đoan không có lũ về, khu vực miền Bắc vẫn có thể sử dụng lượng nước còn lại trong hồ kết hợp với lưu lượng nước tự nhiên về các hồ để đáp ứng nhu cầu phụ tải, tuy nhiên khả năng tích nước sẽ khó khăn.

Do đó, sẽ tăng cường khai thác hồ Lai Châu để nâng mực nước hồ Sơn La nhằm tăng công suất khả dụng; khai thác hồ Tuyên Quang để hỗ trợ lưới điện khu vực; hồ Hòa Bình vận hành để đáp ứng phụ tải miền Bắc trong các ngày nắng nóng sắp tới cũng như duy trì mực nước các hồ trong phạm vi an toàn để đón lũ chính vụ.

Sản lượng và công suất hệ thống điện miền Bắc

  Công suất lớn nhất ngày 30/6 (MW) Công suất lớn nhất ngày 29/6 (MW) Công suất lớn nhất ngày 30/6 so với ngày 29/6 (MW)
Sản lượng điện toàn hệ thống (triệu kWh) 859,0 838,0 +21,0
Công suất đỉnh toàn hệ thống (MW) 41.823 40.400 +1.423
Sản lượng điện miền Bắc (triệu kWh) 433,2 407,0 +26,2
Công suất đỉnh miền Bắc (MW) 20.751 19.295 +1.456
Sản lượng thủy điện miền Bắc (triệu kWh) 119,4 101,6 +17,8
Sản lượng nhiệt điện miền Bắc (triệu kWh) 261,5 260,4 +1,1

Nắng nóng tiếp tục gây áp lực cho hệ thống điện

Số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, sản lượng tiêu thụ lớn nhất ngày 30/6/2023 của hệ thống là 854,6 triệu kWh (cao hơn ngày 29/6 là 21,6 triệu kWh, cao hơn ngày 28/6 là 46,1 triệu kWh), công suất đỉnh là 41.823 MW lúc 14h30; khu vực miền Bắc là 432,8 triệu kWh, công suất đỉnh là 20.751 MW lúc 22h30.

Theo kịch bản do A0 xây dựng, từ nay đến 20/7/2023, hệ thống điện đáp ứng được nhu cầu phụ tải khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, trong các ngày gần đây, khu vực Bắc Bộ đang phải đối mặt với hiện tượng nắng nóng tăng cường, dự kiến kéo dài đến 12 tháng 7, trong đó cao điểm có khả năng rơi vào giai đoạn từ 6/7 đến 8/7 với nhiệt độ cao nhất lên tới 39 đến 40 độ C.

Dự kiến khoảng thời gian nắng nóng từ 2/7 đến 12/7, phụ tải miền Bắc có thể đạt trung bình khoảng 440 triệu kWh/ngày (cao nhất khoảng 470 triệu kWh/ngày với công suất đỉnh đạt 23.000 MW).

Bảng công suất lớn nhất các nguồn miền Bắc

Loại hình nguồn Công suất lớn nhất ngày 30/6 (MW) Công suất lớn nhất ngày 29/6 (MW) Công suất lớn nhất ngày 30/6 so với ngày 29/6 (MW)
Thủy điện 7.665 9.106 -1.441
Nhiệt điện 11.445 10.457 +988
Truyền tải Bắc - Trung 2.259 2.152 +107
Nguồn khác 792 791 +1
Tổng công suất lớn nhất 21.710 22.506 +619

Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã yêu cầu các đơn vị phát điện, A0 và Công ty mua bán điện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện cho những tháng cuối năm 2023.

Theo đó, tại công văn số 3596/EVN-KTSX-TTĐ ngày 27/6/2023, EVN yêu cầu các đơn vị phát điện tập trung nhân lực, vật tư và các điều kiện cần thiết khắc phục, sớm đưa vào vận hành các tổ máy, lò hơi đang bị sự cố tại nhà máy nhiệt điện Phả Lại 1 và 2; khắc phục hiện tượng suy giảm công suất dưới định mức trong quá trình vận hành do sự cố các hệ thống phụ trợ, chất lượng nhiên liệu đầu vào, nhiệt độ nước làm mát đầu. Đồng thời tăng tần suất kiểm tra, theo dõi vận hành các thiết bị tại chỗ để đảm bảo độ tin cậy hoạt động của các tổ máy phát điện, phát hiện xử lý sớm các bất thường không để xảy ra sự cố, đặc biệt là sự cố chủ quan do lỗi của con người.

Các đơn vị phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án, nhân lực, vật tư, thiết bị tại nhà máy để xử lý kịp thời nếu sự cố xảy ra nhằm khôi phục vận hành tổ máy trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, thực hiện duy tu bảo dưỡng các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo vận hành an toàn, nâng cao độ khả dụng các tổ máy trong thời gian còn lại năm 2023 theo kế hoạch đã được duyệt.

A0 chủ động xây dựng và thường xuyên cập nhật các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện, đảm bảo an ninh hệ thống điện; đồng thời phải bám sát tình hình thời tiết, thuỷ văn các hồ chứa thuỷ điện, tình hình vận hành các nguồn điện để có điều chỉnh linh hoạt, điều tiết mực nước các hồ thuỷ điện lớn đảm bảo công suất huy động và điều chỉnh tần số hệ thống điện.

Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tình hình cung cấp điện sẽ được đảm bảo, đáp ứng được nhu cầu phụ tải quốc gia và khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với những tình huống cực đoan, bất lợi như nắng nóng kéo dài trên 38 độ C, phụ tải vượt 23.000 MW, thuỷ văn diễn biến không thuận lợi v.v…, cần phải tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về tiết kiệm điện.

Thy Thảo