Sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm sẽ khởi sắc hơn

Dù chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn, tuy nhiên, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực, linh hoạt của doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm 2023 được dự báo sẽ khởi sắc hơn.

Ngành công nghiệp luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2023 sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu, lạm phát các nước đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp trong tình trạng thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào và lãi suất vay vốn vẫn ở mức cao.

gia tri tang them
(Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Nỗ lực đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh giải quyết hàng tồn kho và tìm kiếm thị trường mới.

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho biết, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 0,75%; quý II tăng 1,56%). Trong đó, ngành khai khoáng giảm 1,43%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37% (quý I giảm 0,49%; quý II tăng 1,18%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,79%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,45%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) 6 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 13,2%; khai thác quặng kim loại tăng 11,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 7,2%; sản xuất thuốc lá tăng 6,7%; sản xuất đồ uống tăng 5,7%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,6%. 

chỉ số công nghiệp
(Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Đường kính tăng 31,2%; xăng dầu tăng 13,4%; phân hỗn hợp NPK tăng 11,9%; ti vi tăng 10,8%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 9,2%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2023 tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, sản xuất công nghiệp vẫn đang ở mức thấp, đặc biệt một số ngành trọng điểm như: dệt may; da giầy; sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; nhóm ngành sản xuất xe có động cơ, phương tiện vận tải khác và nhóm ngành chế biến gỗ, sản xuất giường, tủ, bàn ghế có mức giảm liên tục trong mấy tháng gần đây.

Nhiều ngành quan trọng thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2023 giảm nhiều kỳ năm trước: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 7,8%; sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy giảm 7,5%; sản xuất trang phục và sản xuất xe có động cơ cùng giảm 6,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 4,7%; sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính cùng giảm 4,6%; sản xuất sản phẩm từ khoán phi kim loại giảm 3,3%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 2,9%; sản xuất da, sản phẩm từ da giảm 2,4%; dệt giảm 2,1%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 1,9%. 

Công nghiệp chế biến, chế tạo có dấu hiệu phục hồi

Do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giầy, điện tử… phụ thuộc khá nhiều vào cầu từ nước ngoài.

Từ nay đến cuối năm, bối cảnh thế giới dự báo tiếp tục có nhiều biến động khó lường, xung đột Nga-Ucraina còn tiếp diễn. Trong nước, sức chống chịu của các doanh nghiệp sản xuất sau thời gian dài chịu tác động của dịch Covid-19 gặp càng nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu vốn, khó khăn về thủ tục vay vốn, lãi suất vay vốn vẫn cao trong khi đơn hàng giảm so với năm trước, lượng tồn kho còn cao, nhiều doanh nghiệp lao động có tay nghề nghỉ việc từ dịch Covid-19 chưa quay trở lại làm việc hoàn toàn…

Trong tình hình đó, Lãnh đạo Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trong các tháng còn lại của năm 2023 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực, linh hoạt của doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm 2023 sẽ khởi sắc hơn 6 tháng đầu năm.

sản xuất công nghiệp
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp công nghiệp đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới.

Kết quả khảo sát mới đây nhất cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2023 tuy vẫn gặp khó khăn nhưng đã có dấu hiệu phục hồi. 

Về xu hướng, 64,2% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2023 khởi sắc hơn quý I/2023 với 27,5% đánh giá tốt hơn 36,7% đánh giá giữ ổn định, trong khi 35,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Dự báo quý III/2023 khả quan hơn quý II/2023 với 72,6% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III/2023 so với quý II/2023 tốt hơn và giữ ổn định (trong đó 34,3% dự báo sẽ tốt hơn và 38,3% dự báo giữ ổn định), trong khi 27,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn.

Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong các tháng tiếp theo, các doanh nghiệp kiến nghị cần đảm bảo ổn định năng lượng, cung cấp đủ điện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục, không bị gián đoạn. Tiếp tục kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính mong muốn được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh kịp thời và hiệu quả hơn.

Việt Hằng