Tiên phong hội nhập quốc tế
Theo Giấy phép Số 711/GP ngày 02 tháng 11 năm 1993 của Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, Công ty TNHH NatSteelVina – Công ty liên doanh giữa Công ty Gang Thép Thái Nguyên lúc đó và Công ty thép NatSteel Ltd của Singapore được ra đời với bao mong ước, khát vọng, vượt lên trên bao bộn bề khó khăn của đất nước thời kỳ đổi mới khi mà không còn nguồn tài trợ lớn từ Liên Xô, bởi người bạn lớn này đã chìm sâu vào khủng hoảng và sụp đổ.
Khi ấy thị trường xây dựng kiến thiết nước nhà bắt đầu mở cửa vào thời kỳ đổi mới nhưng sản lượng thép sản xuất ra hàng năm của Việt Nam thật nhỏ bé, vào khoảng 100.000 tấn (60.000 tấn ở phía Bắc và 40.000 tấn còn lại ở phía Nam). Hơn nữa, nguồn viện trợ hàng năm của Liên Xô với khoảng 200.000 tấn thép và 50.000 tấn gang lúc ấy đã không còn.
Khó khăn chồng lên khó khăn! Nhưng cũng chính nó đã tạo tiền đề mạnh mẽ để có quyết định ra đời Công ty liên doanh đầu tiên của ngành Thép Việt Nam là NatSteelVina (NSV) với công suất 120.000 tấn/năm và được đặt ngay trong khu công nghiệp Gang Thép – cái nôi của ngành luyện kim Việt Nam với đội ngũ nhiều kinh nghiệm và tâm huyết với nghề.
So với nhiều nhà máy ra đời sau này thì công suất 120.000 tấn/năm của NatSteelVina lúc đó thật khiêm tốn, nhưng như đã nói ở trên thì sản lượng này là đóng góp rất lớn trong sự thiết hụt trầm trọng sản phẩm thép cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước khi ấy (Nguồn tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam-VSA).
Sở dĩ lịch sử phát triển ngành Thép Việt Nam tôn vinh NatSteelVina với vai trò tiên phong trong hội nhập quốc tế cũng là vì lẽ vậy.
Với công nghệ tiên tiến của các nước G7 khi đó đã giúp Thép Việt Sing trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong nước cán thép nóng hàng dọc và ra sản phẩm thép cuộn còn ánh xanh nước thép với các vòng thép đều tăm tắp. Nhiều đoàn khách đến thăm đã phải trầm trồ Việt Nam mà cụ thể là Thép Việt Sing đã sản xuất được thép cuộn đẹp như thép Liên Xô.
Thực ra thép Liên Xô khi ấy về đến Việt Nam đã qua nhiều thời gian trong các kho bãi và lên đênh trên biển nên nước thép đã chuyển màu nâu xỉn, do đó đây cũng là lần đầu chúng ta được thấy những cuộn thép dây xanh nước thép, đẹp đến như vậy!
Liên doanh NatSteelVina- một doanh nghiệp tiên phong trong công nghệ, sản xuất ra những sản phẩm thép cuộn rất ấn tượng đã trở thành tên tuổi đi vào tiềm thức của dân xây dựng từ ngày đó.
Tiên phong xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001
Không ngừng vươn tới sự hoàn thiện, bên cạnh mô hình quản lý tiên tiến được thừa hưởng từ các công ty mẹ, Công ty TNHH NatSteelVina đã tiên phong xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 mà khi ấy còn rất mới mẻ với mọi người nói chung và các doanh nghiệp thép nói riêng.
Công ty đã chủ động mời tư vấn, tích cực xây dựng hệ thống và đã có chứng nhận đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:1994 từ năm 2000. Qua nhiều đánh giá, Công ty tiếp tục được cấp duy trì Chứng nhận này và phát huy nó có hiệu quả trong điều hành hệ thống. Công ty cũng đã cập nhật và chuyển đổi thành công phiên bản mới nhất ISO 9001:2015.
Tiên phong trong nghiên cứu dây chuyền cán chẻ cho sản phẩm thép thanh
Không thể không nhắc đến một ứng dụng mang tính tiên phong trong ngành thép lúc đó là nghiên cứu và áp dụng thành công dây chuyền cán chẻ thép thanh vào năm 2002 cho một số sản phẩm nhỏ mà ở Việt Nam còn chưa có đủ kinh nghiệm. Ứng dụng này đã giải quyết được bài toán nâng công suất và những khó khan khi cán thép thanh loại nhỏ.
Tiên phong nghiên cứu và áp dụng hệ thống mã vạch trong quản lý sản phẩm
Để quản lý sản phẩm một cách khoa học, thuận lợi cho nhập xuất sản phẩm và truy xuất nguồn gốc khi cần, Công ty đã tiên phong trong nghiên cứu và áp dụng hệ thống mã vạch trong quản lý sản phẩm. Công trình của các nhà giáo của trường Đại học Bách Khoa đã giúp giải bài toàn ý nghĩa này và sau đó cũng được các công ty khác trong ngành thép áp dụng.
Tiên phong đổi mới trong nghiên cứu và áp dụng quản trị online
Để quản lý trực tuyến và có thể truy xuất các vấn đề liên quan đến SXKD bất cứ đâu, tại bất kỳ thời điểm nào, Công ty đã đề xuất ý tưởng, lên đầu bài và cùng các giáo viên khoa Công nghệ Thông tin của Đại học Bách Khoa giải tiếp bài toán khó này. Năm 2009 bắt tay và dự án với nhiều nỗ lực và cách xử lý linh hoạt để sau đó hơn một năm phiên bản BK.MIS đầu tiên ra đời vào năm 2010. Mô hình này sau đó cũng được nhiều đơn vị áp dụng.
Tiên phong trong đổi mới hệ thống an toàn
An toàn cho con người và thiết bị là vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch và định hướng phát triển của Công ty.
Điều này được thực hiện nghiêm túc qua các hoạt động hàng ngày, hàng giờ và được cả hệ thống vận hành đồng bộ và khoa học. Hệ thống an toàn đẳng cấp quốc tế của Công ty được tư vấn bởi Tập đoàn xuyên quốc gia Dupont của Mỹ-có lịch sử hơn 200 năm về sx hóa chất.
Hội đồng an toàn Công ty với Tổng giám đốc là chủ tịch, điều hành một hệ thống đồng bộ và bài bản gồm các tiểu ban như tiểu ban quy trình, tiểu ban giám sát, tiểu ban điều tra TNLĐ, tiểu ban ứng phó khẩn cấp… với mục tiêu cao nhất về an toàn là tổn hại bằng 0 (LTIF=0 ).
Hệ thống mới này được áp dụng từ năm 2012 và thật sự trở thành điểm sáng về công tác ATVSLĐ được các cơ quan ban ngành đánh giá cao và điển hình cho các đơn vị bạn học tập.
Tiên phong trong quản lý năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính
Một hoạt động tiên phong nữa không thể bỏ qua đó là quản lý năng lượng (QLNL) và giảm phát thái khí nhà kính CO2.
Xuất phát điểm là Công ty liên doanh với Singapore với nền sản xuất “xanh” nên ngay từ đầu QLNL và giảm phát thải CO2 đã được đưa vào các chỉ số KPI. Công ty đã có các hoạt động này từ khá sớm và hoạt động có hiệu quả. Công ty cũng được đánh giá cao về các hoạt động này, được các dự án của Bộ Công Thương tài trợ và chia sẻ kinh nghiệm của mình tại một số hội thảo.
Tiên phong trong đổi mới cách nghĩ, cách tiếp cập vấn đề
Các thông số trong sản xuất của Công ty đã khá tốt nhưng với tinh thần cải tiến liên tục, mong muốn có một góc nhìn khác về quản lý sản xuất hiện đại nên ngay khi Bộ Công Thương triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ áp dụng thí điểm công cụ duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM) cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp, Ban lãnh đạo Công ty TNHH NatSteelVina đã đăng ký tham gia.
Thời gian triển khai từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2020. Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM) là một phương pháp quản lý được áp dụng đầu tiên tại Nhật Bản, sau đó được phổ biến, áp dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới. Hoàn thành Dự án TPM và Công ty đã được Bộ Công Thương trao Chứng nhận vào ngày 31/12/2020.
Nhìn lại chặng đường một phần tư thế kỷ đã qua (08/04/1996-08/04/2021), không thể không xúc động trước sự trưởng thành và lớn mạnh không ngừng của Công ty, của cả đội ngũ những con người nơi đây. Chính tinh thần tiên phong, tinh thần đổi mới không ngừng ấy đã tiếp thêm động lực để mỗi con người NatSteelVina tiếp tục phát huy cao nhất sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nhằm đưa Thép Việt Sing ngày một phát triển và thịnh vượng!