Ngân hàng Quân đội (MBB): Bền bỉ trong khó khăn, lãi ròng năm nay có thể vượt 25.400 tỷ đồng

Mặc dù nợ xấu trong quý 3/2023 của Ngân hàng Quân đội (mã cổ phiếu MBB) đã tăng đáng kể so với quý 2/2023 nhưng nợ nhóm 2 đã có tín hiệu đạt đỉnh, quay đầu giảm hơn 14%.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng TMCP Quân đội (Ngân hàng Quân đội, mã cổ phiếu MBB - sàn HoSE) ghi nhận thu nhập lãi thuần 29.520 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, dư nợ tín dụng của Ngân hàng Quân đội vào cuối tháng 9/2023 đạt khoảng 577.000 tỷ đồng, tăng khoảng 14% so với thời điểm đầu năm nay, cao hơn so với mặt bằng chung toàn ngành ngân hàng. Về phía huy động, tính đến cuối tháng 9/2023, quy mô tiền gửi khách hàng của ngân hàng này đạt 479.733 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với hồi đầu năm nay.

Đáng chú ý, chi phí vốn bình quân (COF) trong quý 3/2023 của Ngân hàng Quân đội đã quay đầu giảm lần đầu tiên sau chuỗi tăng liên tục từ đầu năm 2022. Điều này đã giúp NIM (quy đổi theo năm) của ngân hàng này trong quý 3/2023 ước đạt 5,83%, tăng 4,6 điểm phần trăm cơ bản so với quý 2/2023.

Ngân hàng Quân đội
Quá trình số hoá đã và đang giúp Ngân hàng Quân đội tiết giảm chi phí hoạt động đáng kể.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Quân đội đã tăng đáng kể từ mức 1,44% trong quý 2/2023 lên mức 1,89% trong quý 3/2023. Tuy nhiên, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của ngân hàng này đã có tín hiệu đạt đỉnh khi quay đầu giảm hơn 14% so với quý 2/2023.

Nhờ việc cải thiện được NIM, thu nhập lãi thuần trong quý 3/2023 của Ngân hàng Quân đội đã đạt 9.811 tỷ đồng, tăng 8,5% so với quý 3/2022 và tăng 3,5% so với quý 2/2023. Theo hãng chứng khoán Shinhan Securities, những kết quả trên cho thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi của Ngân hàng Quân đội tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt và cho thấy sự “bền bỉ trong giai đoạn khó khăn”.

Trong quý 3/2023, Ngân hàng Quân đội cũng đã có những nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, đưa tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) xuống mức 31% từ mức 32,5% vào cuối năm 2022.

Với bộ đệm dự phòng lớn, tuy nợ xấu có xu hướng tăng cao nhưng chi phí trích lập dự phòng trong 9 tháng đầu năm 2023 của Ngân hàng Quân đội gần như tương đương cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng năm nay, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 20.019 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt 76% kế hoạch cả năm nay.

Dựa trên kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, Shinhan Securities hiện dự báo tổng thu nhập lãi thuần cả năm 2023 của Ngân hàng Quân đội có thể đạt 40.964 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng gần 14% so với năm 2022, với kỳ vọng chi phí vốn tiếp tục hạ giúp ngân hàng giảm được lãi suất cho vay, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, NIM của Ngân hàng Quân đội có thể tiếp tục được cải thiện nhẹ trong thời gian tới.

Giá cổ phiếu MBB Ngân hàng Quân đội
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Ngân hàng TPBank (TPB): Đã qua giai đoạn khó khăn nhất, lãi ròng quý 4 có thể tăng 25%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Về chất lượng tài sản, Shinhan Securities đánh giá mặc dù nợ nhóm 2 đã có xu hướng giảm xuống trong quý 3/2023 nhưng dư nợ nhóm này vẫn tăng hơn 100% so với thời điểm cuối năm 2022. Do đó, nhiều khả năng nợ xấu của Ngân hàng Quân đội sẽ tạo đỉnh trong quý 4/2023, đạt từ 1,8% - 2%, trước khi giảm dần trong năm 2024.

Dựa trên dữ liệu quá khứ và diễn biến tăng nợ xấu trong thời gian qua, Ngân hàng Quân đội được nhận định sẽ gia tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng trong năm 2024 và tỷ lệ bao phủ nợ xấu có thể được giữ quanh mức 150%, so với mức 122% của 9 tháng đầu năm nay.

Do đó, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Quân đội trong cả năm nay ước đạt 25.463 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2022.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 7/11, thị giá cổ phiếu MBB đạt 17.800 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 22% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang