Đạm Cà Mau (DCM): Xuất khẩu bứt phá, lãi ròng tăng 52%, nắm gần 11.000 tỷ đồng tiền mặt

Kết thúc quý 1/2024, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) ghi nhận lãi ròng tăng tới 52% nhờ hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Đáng chú ý, công ty này còn đang nắm gần 11.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.
Đạm Cà Mau
Doanh thu xuất khẩu ure của Đạm Cà Mau trong quý 1/2024 đã tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 với nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, doanh thu bán hàng và cung cấp của doanh nghiệp này đạt 2.885 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Bóc tách dữ liệu cho thấy, hoạt động xuất khẩu ure tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Đạm Cà Mau với doanh thu đạt gần 1.194 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, chiếm 41% tổng doanh thu trong quý.

Trong khi đó, hoạt động tiêu thụ ure trong nước lại giảm 6%; đồng thời, các mảng kinh doanh khác như phân NPK, tự doanh phân bón, bào bì… đều suy giảm đáng kể so với quý 1/2023.

Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán có tốc độ giảm nhanh hơn, giúp lợi nhuận gộp tăng gần 25%, đạt khoảng 710 tỷ đồng trong quý 1/2024. Kết quả, sau 3 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với kế hoạch đề ra, Đạm Cà Mau đã thực hiện được 44% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Đây được xem là khởi đầu thuận lợi với doanh nghiệp này sau khi kết quả kinh doanh lao dốc mạnh trong năm 2023.

Tính hết ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Đạm Cà Mau tăng nhẹ 3,3% so với thời điểm đầu năm, đạt 15.744 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên đến 10.929 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản.

Đáng chú ý, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của Đạm Cà Mau đã tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ, đạt 333 tỷ đồng, phần lớn là đến từ các bạn hàng nước ngoài. Qua đó, củng cố triển vọng xuất khẩu của doanh nghiệp này trong thời gian tới đây.

Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Đạm Cà Mau tính đến cuối quý 1/2024 tăng nhẹ 3%, đạt 5.423 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay (chủ yếu là nợ vay ngắn hạn) đạt gần 1.410 tỷ đồng.

Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá triển vọng kinh doanh năm nay của Đạm Cà Mau ở mức tích cực trong bối cảnh giá ure có xu hướng dần hồi phục, nguồn cung trên thế giới bị siết chặt khi Trung Quốc và Nga cùng hạn chế xuất khẩu.

Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA) hiện dự báo, tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm nay tăng khoảng 1,2%, chủ yếu nhờ nhu cầu phân bón tăng ổn định 5 - 7% tại khu vực Nam Á và Mỹ Latinh.

Giá cổ phiếu DCM Đạm Cà Mau
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Phân bón Hàn - Việt chính thức về chung nhà với Đạm Cà Mau (DCM)" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng năm nay của Đạm Cà Mau còn đến từ thương vụ mua lại Công ty TNHH Phân bón Hàn Việt (KVF). Đầu tháng 4/2024, Đạm Cà Mau đã chính thức tiếp nhận KVF; qua đó, giúp nâng công suất mảng NPK lên mức 660.000 tấn/năm, so với mức 300.000 tấn hiện nay của Nhà máy NPK thuộc Đạm Cà Mau vốn đã liên tục hoạt động tối đa công suất.

Đáng chú ý, so với các doanh nghiệp sản xuất NPK khác, Đạm Cà Mau đang có lợi thế là tự chủ được nguồn phân ure đầu vào.

Theo đánh giá gần nhất của hãng Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sản lượng kinh doanh NPK năm nay của Đạm Cà Mau có thể tăng 55%, đạt 280.000 tấn nhờ tận dụng kênh tiêu thụ sẵn có của KVF.

Hiện hãng chứng khoán Yuanta Việt Nam dự phóng Đạm Cà Mau có thể đạt 14.988 tỷ đồng doanh thu và 2.510 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm nay, lần lượt tăng 19% và 126% so với năm 2023.

Duy Quang