Ngành Thép: Chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại

Với việc nâng cao nhận thức và tư duy về phòng vệ thương mại, ngành thép Việt Nam đã chủ động ứng phó với các vụ việc kháng kiện, đồng thời cũng chủ động tìm kiếm cơ hội trong chính các vụ việc phòng vệ thương mại tại nước ngoài.

ngành thép phòng vệ thương mại

Thép là một mặt hàng thường xuyên có liên quan đến các vụ việc phòng vệ thương mại. Nguyên nhân được cho là do các nước đều có chủ trương phát triển và bảo hộ ngành sản xuất nội địa, trong khi thép lại là ngành công nghiệp cơ bản. Thép cũng là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác nhau, cho nên khởi kiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho sản phẩm thép cũng đồng nghĩa với việc gián tiếp bảo hộ các ngành kinh tế hạ nguồn.

Nhiều thị trường nhập khẩu gia tăng áp dụng phòng vệ thương mại với sản phẩm thép

Trên thực tế, ngành thép của Việt Nam đã sớm phải đối mặt với các vụ kiện về phòng vệ thương mại, trong đó sớm nhất là vào năm 2004 khi Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành khởi kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng thép ống của Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 01 năm điều tra, bên nguyên đơn đã rút đơn kiện và Ủy ban châu Âu (EC) không áp dụng bất cứ biện pháp chống bán phá giá nào đối với với sản phẩm này của Việt Nam.

Mặc dù không bị áp thuế trong vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đầu tiên liên quan đến sản phẩm thép nêu trên, nhưng sự phát triển của ngành sản xuất thép của Việt Nam, thể hiện qua sự gia tăng nhanh chóng của kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thép, khiến nhiều quốc gia nhập khẩu chú ý và gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong thời gian từ năm 2004 – 7/2022, các nước đã kiện thép xuất khẩu của Việt Nam với tổng số 68 vụ việc; trong đó, kiện chống bán phá giá 38 vụ, kiện chống trợ cấp 3 vụ, kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp 6 vụ, kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ 13 vụ, kiện chống lẩn tránh thuế 8 vụ. Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, gần đây, Mexico, Hoa Kỳ nổi lên là thị trường khởi xướng nhiều vụ điều tra PVTM do kim ngạch xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường này gia tăng nhanh.

"Cùng với xu thế chung của toàn bộ nền kinh tế, những năm trở lại đây, nhận thức và tư duy về phòng vệ thương mại của ngành thép Việt Nam đã có những sự phát triển mạnh mẽ. Một mặt, ngành thép luôn chủ động thu thập thông tin và động hợp tác với cơ quan điều tra trong các vụ việc kháng kiện, mặt khác, các doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm cơ hội trong chính các vụ việc phòng vệ thương mại", Lãnh đạo VSA cho biết.

Bắt đầu từ năm 2004, lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam bị EU khởi kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng thép ống, tuy nhiên sau đó gần 01 năm điều tra, bên nguyên đơn đã rút đơn kiện và Ủy ban châu Âu (EC) không áp dụng bất cứ biện pháp chống bán phá giá nào đối với với sản phẩm này. Sau đó, giai đoạn đặc biệt khó khăn là trong vòng 05 năm từ 2011 – 2016, các doanh nghiệp liên tiếp phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ từ các quốc gia. Các vụ việc liên tục diễn ra đến từ nhiều quốc gia khác nhau từ các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Brazil, Úc hay đến cả các thị trường lân cận như Đông Nam Á, với xấp xỉ 30 vụ bao gồm cả chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, và chống lẩn tránh thuế. Thời điểm này, dường như khái niệm “phòng vệ thương mại” còn rất mới với các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành thép còn chưa có nhiều kinh nghiệm đối mặt với các vấn đề này, chưa có cách tiếp cận hiệu quả trong vụ việc, do đó kết quả của những vụ việc này hầu như không đạt được như kì vọng.

Có một số vụ việc mà mức thuế chống bán phá giá áp dụng có các doanh nghiệp Việt Nam lên tới hàng trăm phần trăm. Ví dụ như vụ việc Bộ Thương mại Thái Lan năm 2016, đã áp thuế chống bán phá giá dao động từ 2,38% – 310,74% đối với ống thép hàn không gỉ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam trong 5 năm. -3- Sau một thời gian đối mặt với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, từ các bài học thực tế rút ra, các doanh nghiệp về cơ bản đã làm quen với quy trình của một vụ kiện.

Tới thời gian gần đây, mặc dù đi kèm theo xu thế phát triển thương mại toàn cầu, doanh nghiệp thép vẫn phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra hơn, tuy nhiên nhờ việc dần bắt nhịp được với yêu cầu của cơ quan điều tra các nước cùng với sự chuẩn bị kỹ càng trong nội tại doanh nghiệp, nhiều vụ việc đã có được kết quả đáng ghi nhận.

Một số ví dụ cụ thể như: Năm 2017, Úc kết luận không tồn tại hành vi bán phá giá của Việt Nam đối với mặt hàng thép dây dạng cuộn; Năm 2019, KADI (Indonesia) thông báo dừng quyết định áp thuế CBPG đối với mặt hàng tôn lạnh sau 2 năm điều tra; Năm 2020, Úc chấm dứt điều tra CBPG/CTC đối với mặt hàng ống thép chính xác…

Kinh nghiệm ứng phó thành công với các vụ việc

Những kết quả đạt được phần lớn dựa trên chính sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp trong việc chứng minh không tồn tại hành vi bán phá giá trước cơ quan điều tra.

Từ các vụ việc kháng kiện, ngành thép đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm để có thể chủ động trong việc ứng phó với các vụ việc diễn ra.

Theo đó, chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến quy định pháp luật của các nước điều tra, từ đó hiểu được quy trình diễn ra của mỗi vụ việc điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp/chống lẩn tránh thuế hay tự vệ. Quy định điều tra của mỗi biện pháp cũng như của mỗi quốc gia là khác nhau. Chẳng hạn, trong vụ việc điều tra của Hoa Kỳ, bắt buộc phải có luật sư người Mỹ đại diện làm việc với Bộ Thương mại (DOC), hay Hoa Kỳ hiện chưa coi Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp cần phải có những theo dõi, phản biện sát sao về việc sử dụng giá trị thay thế, tránh việc DOC sẽ dùng giá trị gây bất lợi cho doanh nghiệp, ….

Thứ hai, doanh nghiệp thép đã cải tiến hệ thống quản trị, chuẩn hóa hệ thống thông tin của mình, nhằm giúp cho việc truy xuất thông tin phục vụ cho các vụ việc phòng vệ thương mại được nhanh chóng và chính xác, đảm bảo tuân thủ các quy định về thời hạn trả lời mà Cơ quan điều tra đưa ra.

Thứ ba, điều quan trọng nhất trong mỗi vụ việc kháng kiện đó là các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi tiến độ vụ việc, thể hiện thái độ hợp tác với cơ quan điều tra, tránh việc bị coi là không hợp tác, sẽ dẫn đến bị đánh thuế cao bất lợi cho doanh nghiệp.

Thứ tư, tính chủ động trong công tác phòng vệ thương mại của ngành thép dần được cải thiện đáng kể. Hiện nay, các doanh nghiệp còn chủ động rà soát thường xuyên kế hoạch/hoạt động xuất khẩu để có thể tận hưởng được những ưu đãi từ các hiệp định thương mại mà vẫn tránh được những cuộc điều tra phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, việc chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước Việt Nam, đơn vị chuyên môn như Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước bản địa… giúp cho các doanh nghiệp ngành thép tăng cường sức mạnh đoàn kết để phản biện lại những luận điểm của bên nguyên đơn cũng như đấu tranh đòi quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam.

Hoàng Phương