Ngày 11/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận Số 07-KL/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó yêu cầu toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống. Có thể nói, tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị trong phòng chống dịch Covid-19 là huy động sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo đó, các cấp, các ngành, các địa phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hướng tới mục tiêu cao nhất bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân, duy trì hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng.
Sự phối hợp của các bộ, ngành không chỉ thống nhất về quan điểm, trong mọi tình huống, các bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp, Y tế chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân các địa phương không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, mà còn làm rõ trách nhiệm Tổ công tác tiền phương của các Bộ cùng Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phải phối hợp với nhau để các lực lượng trên địa bàn phải tuân thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Cũng có thể kể thêm sự phối hợp giữa các Tổ công tác Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải để xử lý các vướng mắc trong lưu thông, phân phối hàng hóa; vận động doanh nghiệp vận tải hỗ trợ các địa phương vận tải và tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch, tham gia vào các mô hình bán hàng thiết yếu lưu động mùa dịch. Hoặc như Hội nghị trực tuyến, kết nối tới đầu cầu 63 tỉnh, thành phố do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại các chợ đầu mối và chợ bán lẻ nhằm vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch, vừa bảo đảm hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Đến nay, bước đầu chúng ta đã kiểm soát được sự bùng phát của dịch Covid-19, đảm bảo duy trì sản xuất và cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân. Thành công này phản ánh tư tưởng chỉ đạo song song: Ở tầm quốc gia, lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt nhằm thống nhất ý chí và hành động; ở cấp bộ, ngành thì chủ động phối hợp với nhau trong đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất.
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm cho đời sống của nhân dân, sức chống chịu của doanh nghiệp, người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh đó, sự phối hợp giữa các bộ ngành với địa phương giúp giảm thiểu những tổn thương thông qua việc hướng dẫn, trao quyền cho các địa phương căn cứ vào những nguyên tắc phòng chống dịch của Trung ương và tình hình thực tiễn tại địa phương, chủ động đề ra các giải pháp duy trì sản xuất và chuỗi cung ứng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cũng như chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu.
Với sự chủ động của tỉnh, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, 16+ của Thủ tướng Chính phủ, nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, với mức tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Đến nay, làn sóng dịch Covid-19 với biến chủng Delta được đánh giá là chưa từng có tiền lệ không chỉ với Việt Nam mà toàn thế giới. Trước diễn biến phức tạp đó, chúng ta đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hệ thống chính trị; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đề cao ý thức, trách nhiệm, tính tự chủ của người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch. Đây là bài học thứ nhất.
Thứ hai, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, trong đó có sự đoàn kết, đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động giữa các bộ, ngành; giữa bộ ngành với địa phương là một nhân tố quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh, khôi phục sản xuất và giao thương, giảm thiểu tổn thất cho doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Thứ ba, kiểm soát dịch bệnh và duy trì sản xuất có mối quan hệ tương hỗ. Kiểm soát dịch bệnh để phát triển sản xuất; ngược lại, duy trì sản xuất để có nguồn lực phục vụ kiểm soát dịch bệnh. Do đó, các bộ ngành, địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tiễn tại cơ sở để chủ động ưu tiên theo thứ tự.
Thứ tư, dịch bệnh đã làm bộc lộ điểm yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến nhu cầu bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Do đó, sự phối hợp của các bộ ngành và địa phương trong hoạch định chiến lược phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, giao thông… cần được coi là một trọng tâm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo theo ngành và vùng lãnh thổ; đặc biệt với các ngành sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu để làm hàng xuất khẩu như dệt may, da giày, đồ gỗ…
Thứ năm, khả năng dịch COVID-19 còn tồn tại trong một thời gian dài và tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội; nguy cơ đứt gãy cục bộ chuỗi cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, cũng như chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu vẫn tiềm ẩn giữa vùng có dịch và vùng “xanh”, hơn lúc nào hết, các bộ ngành, địa phương cần kế thừa những bài học kết nối hiệu quả thời gian qua, tiếp tục xây dựng những kịch bản phối hợp trên tinh thần “trên dưới đồng lòng” và “dọc ngang thông suốt”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 vừa qua.