Nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể thanh tra liên quan đến xử lý văn bản khiếm khuyết trong hoạt động thanh tra và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Bài nghiên cứu "Nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể thanh tra liên quan đến xử lý văn bản khiếm khuyết trong hoạt động thanh tra và kiến nghị hoàn thiện pháp luật" do ThS. Trần Tường Thụy (Văn phòng Ủy ban nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Tóm tắt:

Trong hoạt động thanh tra, các chủ thể thanh tra có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng của chủ thể thanh tra là kiến nghị người có thẩm quyền xử lý văn bản pháp luật có khiếm khuyết. Bài viết phân tích nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể thanh tra liên quan đến xử lý văn bản khiếm khuyết được quy định trong Luật Thanh tra năm 2022, đồng thời đề xuất hướng hoàn thiện.

Từ khóa: thanh tra hành chính, văn bản quy phạm pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn.

1. Khái quát về nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể thanh tra liên quan đến xử lý văn bản khiếm khuyết trong hoạt động thanh tra

Theo Từ điển Tiếng Việt, “thanh tra”“kiểm soát, xem xét tại chỗ việc làm của địa phương, cơ quan, xí nghiệp”[1]. Theo Từ điển Luật học, “thanh tra”“hoạt động xem xét để làm rõ việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch của cơ quan, tổ chức, cá nhân”[2]. Dưới góc độ ngôn ngữ, “thanh tra” được hiểu là “hoạt động điều tra, xem xét để làm rõ sự việc”[3]. Như vậy, thanh tra là trực tiếp xem xét làm rõ các tình tiết của vụ việc để đi đến kết luận đúng hay sai, đồng thời làm rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân và hậu quả của vụ việc.

chủ thể thanh tra
hình minh họa

Trong hoạt động thanh tra, các chủ thể thanh tra có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng là xử lý các văn bản pháp luật có khiếm khuyết. Hiện nay, các văn bản pháp luật được chia ra thành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính[4]. Việc xử lý văn bản quy phạm pháp luật khiếm khuyết được quy định thống nhất trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Cụ thể, Luật này quy định các biện pháp xử lý khiếm khuyết đối với văn bản quy phạm pháp luật là: đình chỉ, sửa đổi, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật[5]. Trong khi đó, việc xử lý khiếm khuyết văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính không được điều chỉnh thống nhất, mà tản mạn trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Đơn cử, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, Nghị định số 30/2020/NĐ-CP quy định các biện pháp xử lý khiếm khuyết đối với văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính gồm: đình chỉ, sửa đổi, hủy bỏ, thay thế.

Đình chỉ văn bản pháp luật là biện pháp nhằm ngăn chặn ngay khả năng tiếp tục gây ra những ảnh hưởng xấu của nó. Về nguyên tắc, khi áp dụng quyền đình chỉ thì văn bản pháp luật vẫn còn tồn tại, nhưng không ai “dám” sử dụng hay viện dẫn văn bản đó nữa, mà phải chờ kết luận xử lý cuối cùng. Văn bản pháp luật bị đình chỉ thì ngừng hiệu lực thi hành cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sửa đổi văn bản pháp luật là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra một văn bản pháp luật khác để làm thay đổi tên hoặc thay đổi một phần nội dung trong khi vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp lý của văn bản pháp luật bị sửa đổi. Bãi bỏ văn bản pháp luật là hình thức xử lý nhằm chấm dứt hiệu lực pháp lý của văn bản pháp luật đang được thi hành trên thực tế kể từ thời điểm văn bản bị bãi bỏ. Trong khi đó, hủy bỏ là hình thức xử lý nhằm phủ nhận hoàn toàn hiệu lực pháp lý của văn bản pháp luật kể từ thời điểm văn bản được ban hành[6]. Như vậy, hủy bỏ có hàm ý áp dụng đối với các quyết định đã không có hiệu lực từ lúc ban hành[7]. Nói cách khác, khi hủy bỏ là coi như văn bản bị hủy bỏ chưa từng tồn tại, còn khi bãi bỏ là văn bản bị bãi bỏ đã từng tồn tại và có hiệu lực.

Khi văn bản bị hủy bỏ, về nguyên tắc phải áp dụng biện pháp khôi phục lại tình trạng cũ do việc thực hiện văn bản bị hủy bỏ gây ra. Tuy nhiên, biện pháp khôi phục thường áp dụng đối với những văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính, còn đối với văn bản quy phạm pháp luật thì biện pháp khôi phục ít khi được áp dụng. Lý giải cho sự khác biệt đó, các nhà làm luật và một số nhà khoa học cho rằng, do các loại văn bản pháp luật có giới hạn tác động khác nhau (về đối tượng, không gian và thời gian) nên việc khôi phục lại tình trạng cũ là có thể hoặc không thể thực hiện được[8]. Văn bản áp dụng pháp luật có hiệu lực đối với các đối tượng cụ thể. Trong khi đó, văn bản quy phạm pháp luật xác định phạm vi các đối tượng thi hành rộng, không cụ thể. Chính vì vậy, việc khôi phục lại tình trạng cũ đối với văn bản quy phạm pháp luật là không thể thực hiện được[9].

Tiếp thu quan điểm hợp lý này, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã không còn xem hủy bỏ là một biện pháp xử lý khiếm khuyết đối với văn bản quy phạm pháp luật. Vì lẽ này mà hủy bỏ chỉ có thể là biện pháp xử lý khiếm khuyết đối với các văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính. Ngoài ra, pháp luật còn sử dụng thêm thuật ngữ “bổ sung”, “thay thế”. Tuy nhiên, thuật ngữ “bổ sung”, “thay thế” không có nội dung pháp lý mới, vì nó được bao hàm trong quyền ban hành văn bản: ban hành một văn bản hay một số quy phạm có thể để “bổ sung”, “thay thế” văn bản, quy phạm cũ[10].

2. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các chủ thể thanh tra liên quan đến xử lý văn bản khiếm khuyết trong Luật Thanh tra năm 2022

2.1. Quyền hạn cụ thể của Tổng Thanh tra Chính phủ liên quan đến xử lý văn bản khiếm khuyết

Khoản 2 Điều 12 Luật Thanh tra năm 2022 quy định quyền hạn cụ thể về xử lý văn bản khiếm khuyết được phát hiện trong hoạt động thanh tra của Tổng Thanh tra Chính phủ. Theo đó, Tổng Thanh tra Chính phủ có quyền kiến nghị Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Thanh tra Chính phủ được phát hiện qua thanh tra. Trong trường hợp kiến nghị không được chấp thuận thì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ có quyền kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên được phát hiện qua thanh tra. Ngoài ra, Tổng Thanh tra Chính phủ có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra.

Như vậy, theo Luật Thanh tra năm 2022, khi phát hiện văn bản pháp luật có khiếm khuyết trong hoạt động thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ không có quyền trực tiếp xử lý mà chỉ có quyền “kiến nghị” các chủ thể có thẩm quyền đình chỉ, hủy bỏ, bãi bỏ.

2.2. Quyền hạn cụ thể của Chánh Thanh tra bộ liên quan đến xử lý văn bản khiếm khuyết

Khoản 11 Điều 16 Luật Thanh tra năm 2022 quy định quyền hạn cụ thể về xử lý văn bản khiếm khuyết được phát hiện trong hoạt động thanh tra của Chánh Thanh tra Bộ. Theo đó, Chánh Thanh tra bộ kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra.

Như vậy, theo Luật Thanh tra năm 2022, khi phát hiện văn bản pháp luật có khiếm khuyết trong hoạt động thanh tra, Chánh Thanh tra bộ không có quyền trực tiếp xử lý mà chỉ có quyền “kiến nghị” để các chủ thể có thẩm quyền đình chỉ, hủy bỏ, bãi bỏ.

2.3. Quyền hạn cụ thể của Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục liên quan đến xử lý văn bản khiếm khuyết

Khoản 4 Điều 20 Luật Thanh tra năm 2022 quy định quyền hạn cụ thể về xử lý văn bản khiếm khuyết được phát hiện trong hoạt động thanh tra của Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục. Theo đó, Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục báo cáo Tổng cục trưởng, Cục trưởng để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra.

Như vậy, theo Luật Thanh tra năm 2022, khi phát hiện văn bản pháp luật có khiếm khuyết trong hoạt động thanh tra, Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục không có quyền trực tiếp kiến nghị mà chỉ có quyền “báo cáo” Tổng cục trưởng, Cục trưởng để chủ thể này kiến nghị các cơ quan nhà nước khác đình chỉ, hủy bỏ, bãi bỏ.

2.4. Quyền hạn cụ thể của Chánh Thanh tra tỉnh liên quan đến xử lý văn bản khiếm khuyết

Khoản 10 Điều 24 Luật Thanh tra năm 2022 quy định quyền hạn cụ thể về xử lý văn bản khiếm khuyết được phát hiện trong hoạt động thanh tra của Chánh Thanh tra tỉnh. Theo đó, Chánh Thanh tra tỉnh có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý. Đồng thời, thông qua công tác thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra.

Như vậy, theo Luật Thanh tra năm 2022, khi phát hiện văn bản pháp luật có khiếm khuyết trong hoạt động thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh không có quyền trực tiếp xử lý mà chỉ có quyền “kiến nghị” để các chủ thể có thẩm quyền đình chỉ, hủy bỏ, bãi bỏ.

2.5. Quyền hạn cụ thể của Chánh Thanh tra sở liên quan đến xử lý văn bản khiếm khuyết

Khoản 3 Điều 28 Luật Thanh tra năm 2022 quy định quyền hạn cụ thể về xử lý văn bản khiếm khuyết được phát hiện trong hoạt động thanh tra của của Chánh Thanh tra sở. Theo đó, Chánh Thanh tra sở có quyền kiến nghị Giám đốc sở đình chỉ việc thi hành quyết định trái pháp luật của đơn vị, cá nhân thuộc sở.

Như vậy, theo Luật Thanh tra năm 2022, khi phát hiện văn bản pháp luật có khiếm khuyết trong hoạt động thanh tra, Chánh Thanh tra sở không có quyền trực tiếp xử lý mà chỉ có quyền “kiến nghị” Giám đốc sở đình chỉ.

2.6. Quyền hạn cụ thể của Chánh Thanh tra huyện liên quan đến xử lý văn bản khiếm khuyết

Khoản 3 Điều 32 Luật Thanh tra năm 2022 quy định quyền hạn cụ thể về xử lý văn bản khiếm khuyết được phát hiện trong hoạt động thanh tra của Chánh Thanh tra huyện. Theo đó, thông qua công tác thanh tra, Chánh Thanh tra huyện có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra

Như vậy, theo Luật Thanh tra năm 2022, khi phát hiện văn bản pháp luật có khiếm khuyết trong hoạt động thanh tra, Chánh Thanh tra huyện không có quyền trực tiếp xử lý mà chỉ có quyền “kiến nghị” cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ, hủy bỏ, bãi bỏ.

3. Bất cập trong các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các chủ thể thanh tra liên quan đến xử lý văn bản khiếm khuyết và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, quy định Tổng Thanh tra Chính phủ “kiến nghị” Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý văn bản quy phạm pháp luật khiếm khuyết chưa có sự thống nhất giữa Luật Thanh tra năm 2022 với Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Điều 36 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định Tổng Thanh tra Chính phủ “đề nghị Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trái với các văn bản về ngành, lĩnh vực được phân công. Nếu Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không chấp hành thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định”. Đối chiếu với nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) sẽ thấy tính thống nhất của quy định trên. Cụ thể, Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định Thủ tướng Chính phủ “đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”. Như vậy, Điều 28 và Điều 36 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) đều hướng đến việc xử lý “văn bản”.

Về vấn đề này, điểm i khoản 2 Điều 12 Luật Thanh tra năm 2022 quy định: “Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Thanh tra Chính phủ được phát hiện qua thanh tra; trường hợp kiến nghị không được chấp thuận thì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Như vậy, thuật ngữ “văn bản quy phạm pháp luật” tại điểm i khoản 2 Điều 12 Luật Thanh tra năm 2022 có phải “ngụ ý” nhắc đến “văn bản” được nêu ở Điều 28, Điều 36 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) hay không? Nếu đúng là như vậy thì Luật Thanh tra năm 2022 đã làm hẹp đi phạm vi kiến nghị các văn bản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Trong các hình thức quản lý nhà nước thì ban hành văn bản quy phạm pháp luật là rất quan trọng. Ngoài ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các chủ thể mang quyền lực nhà nước còn có thể thực hiện những hình thức quản lý khác như ban hành văn bản áp dụng pháp luật[11]. Chính vì vậy, việc kiến nghị chủ thể có thẩm quyền đình chỉ, hủy bỏ, bãi bỏ phải hướng vào đối tượng là văn bản nói chung chứ không đơn thuần chỉ là văn bản quy phạm pháp luật. Trên thực tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không chỉ ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà còn ban hành các văn bản pháp luật nói chung (như văn bản áp dụng pháp luật, văn bản hành chính). Do đó, thuật ngữ “văn bản quy phạm pháp luật” tại điểm i khoản 2 Điều 12 Luật Thanh tra năm 2022 cần được điều chỉnh thành “văn bản” nhằm tạo ra sự thống nhất với các quy định về xử lý văn bản trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Thứ hai, Luật Thanh tra năm 2022 chưa được phân định rõ ràng quyền quyền kiến nghị “bãi bỏ” và quyền kiến nghị “hủy bỏ” văn bản khiếm khuyết.

Theo Luật Thanh tra năm 2022, Tổng Thanh tra Chính phủ có quyền kiến nghị Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Thanh tra Chính phủ được phát hiện qua thanh tra. Nếu đồng ý biện pháp bãi bỏ chỉ áp dụng đối với văn bản quy phạm pháp luật thì cần phải quy định rõ vấn đề này.

Tương tự, nếu cho rằng biện pháp hủy bỏ chỉ áp dụng đối với văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính thì quy định: “Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên được phát hiện qua thanh tra; báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nội dung trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên được phát hiện qua thanh tra” cũng đã không bao quát hết phạm vi các văn bản do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành. Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), nghị quyết do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật trong các trường hợp: Nghị quyết miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và các chức vụ khác; Nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và bầu các chức vụ khác; Nghị quyết giải tán Hội đồng nhân dân… Như vậy, việc sử dụng thuật ngữ bãi bỏ là làm hẹp đi phạm vi tác động của điều luật trên, đồng thời cũng không phù hợp với các quy định về xử lý văn bản[12].

Thứ ba, hệ thống hai tầng “báo cáo, kiến nghị” có thể dẫn đến việc hạn chế quyền hạn của Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục trong việc kiến nghị xử lý văn bản khiếm khuyết.

Trong hoạt động thanh tra, nếu phát hiện văn bản khiếm khuyết, các chủ thể thanh tra không được quyền trực tiếp xử lý mà chỉ có quyền kiến nghị để chủ thể có thẩm quyền trực tiếp xử lý. Bản chất của “kiến nghị” chính là tham mưu, tư vấn, đề xuất, còn có thực hiện hay không lại thuộc về quyền của người được kiến nghị, đề nghị, đề xuất. Như vậy, so với quyền quyết định, quyền “kiến nghị” ít mang tính thực quyền. Nhìn chung, đây là một quyền mang tính đề xuất chứ không phải quyền quyết định trực tiếp của các chủ thể thanh tra. Tuy nhiên, đối với Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục thì “kiến nghị” - một quyền mang tính đề xuất, thậm chí cũng không có.

Cụ thể, khoản 4 Điều 20 Luật Thanh tra năm 2022 quy định “trường hợp phát hiện văn bản trái pháp luật thông qua công tác thanh tra, Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục báo cáo Tổng cục trưởng, Cục trưởng để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra. Như vậy, trong trường hợp này, Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục không có quyền trực tiếp kiến nghị mà phải báo cáo để Tổng cục trưởng, Cục trưởng kiến nghị. Quy định hệ thống hai tầng “báo cáo, kiến nghị” khá rườm rà và có thể trở thành “rào cản” trong việc xử lý văn bản khiếm khuyết được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra. Theo tác giả, Luật Thanh tra năm 2022 cần trao quyền kiến nghị trực tiếp xử lý văn bản khiếm khuyết cho Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục. Nói cách khác, khi thực hiện hoạt động thanh tra, nếu phát hiện văn bản khiếm khuyết thì Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục sẽ có quyền trực tiếp kiến nghị người có thẩm quyền xử lý, không cần phải báo cáo Tổng cục trưởng, Cục trưởng để Tổng cục trưởng, Cục trưởng thực hiện việc kiến nghị.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

  1. Hoàng Phê (chủ biên), (1998). Từ điển Tiếng Việt, Khoa học xã hội, tr. 882.
  2. Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, (2006). Từ điển Luật học. Nxb. Từ điển bách khoa - Nxb Tư pháp, tr. 697.
  3. Nguyễn Như Ý (chủ biên), (1998). Đại từ điển Tiếng Việt. Nxb. Văn hóa - Thông tin, tr. 1529.
  4. Trường Đại học Luật Hà Nội, (2011). Giáo trình xây dựng văn bản pháp luật. Nxb. Công an nhân dân, tr. 7.
  5. Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, (2012). Giáo trình Xây dựng văn bản pháp luật. Nxb. Hồng Đức, 14.
  6. Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).
  7. Bùi Thị Đào, (1998). Về bãi bỏ và hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật. Tạp chí Luật học, số 5.
  8. Hoàng Thị Ngân, (2005). Văn bản quy phạm pháp luật: Hủy bỏ hoặc bãi bỏ. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 6.
  9. Nguyễn Ngọc Điện, (2008). Trách nhiệm vật chất do hoạt động lập quy. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 126.
  10. Cao Vũ Minh, (2017). Quyết định quản lý nhà nước của Chính phủ - Lý luận và thực tiễn. Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 257.
  11. Nguyễn Cửu Việt, (2005). Các yếu tố cấu thành thẩm quyền và tính hệ thống của thẩm quyền. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 9.
  12. Nguyễn Cửu Việt, (2013). Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 286.
  13. Hoàng Thị Ngân, (2004). Văn bản quy phạm pháp luật: Hủy bỏ hoặc bãi bỏ. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 6.

TASKS AND POWERS OF INSPECTION AGENCIES OVER HANDLING DEFECTIVE LEGAL DOCUMENTS DURING INSPECTION ACTIVITIES AND SOME RECOMMENDATIONS

Master. Tran Tuong Thuy

Office of the People's Committee of Tan Binh District, Ho Chi Minh City

Abstract:

Inspection agencies have specific tasks and powers to conduct inspection activities. One of the important tasks of inspection agencies is to recommend competent persons to handle defective legal documents. This paper analyzes the tasks and powers of inspection agencies over handling defective legal documents in accordance to the 2022 Law on Inspection, and also proposes recommendations for further improving the performance of inspection agencies.

Keywords: administrative inspection, legal documents, tasks, powers.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023] 

Tạp chí Công Thương