TÓM TẮT:
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một loại hợp đồng phổ biến trong thương mại quốc tế. Đây là công cụ pháp lý để các chủ thể tiến hành các hoạt động mua bán hàng hóa xuyên biên giới, có tác động rất lớn tới sự phát triển của nền kinh tế mỗi quốc gia, cũng như nền kinh thế giới. Trong kỷ nguyên số, pháp luật quốc tế bên cạnh các quy định chung, còn có các quy định mang tính đặc thù điều chỉnh các vấn đề pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Bài viết tập trung phân tích, bình luận các quy định của pháp luật quốc tế điều chỉnh về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong kỷ nguyên số, từ đó nêu lên các kiến nghị để hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong mối tương quan với các quy định của pháp luật quốc tế.
Từ khóa: pháp luật quốc tế, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, kỷ nguyên số, hoàn thiện pháp luật Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Cuộc cách mạng 4.0 được biết đến là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với mục đích chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Sự ra đời của môi trường số với các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhận tạo (AI), thực tế ảo (VR) công nghệ Blockchain... đã làm thay đổi cách thức mà các chủ thể giao dịch với nhau cũng như cách thức thực hiện các giao dịch đó. Đối với ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, sự ra đời và tác động của các công nghệ số mang tính chất hai mặt, cả thuận lợi và thách thức.
Thuận lợi: Nhờ phương thức kết nối mọi người đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, công nghệ số giúp các chủ thể khác quốc tịch, khác nơi cư trú, khác nơi đặt trụ sở kinh doanh có thể ký kết các hợp đồng một cách nhanh chóng mà không cần thông qua trung gian, tiết kiệm được thời gian, tiết kiệm các chi phí cho việc ký kết, thực hiện hợp đồng.
Thách thức: Các công nghệ số ra đời làm xuất hiện các mô hình và công nghệ kinh doanh mới, từ đó cũng làm thay đổi các phương thức ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Điều này đặt ra cần phải có những quy định đặc thù để điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, giảm thiểu những rủi ro mà môi trường số mang lại.
Bằng phương pháp nghiên cứu định tính, bài viết sẽ tập trung phân tích, bình luận các quy định của luật quốc tế (bao gồm các quy định chung, mang tính nền tảng và các quy định đặc thù) điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, từ đó nêu lên các kiến nghị để hoàn thiện pháp luật Việt Nam về lĩnh vực này.
2. Khái quát về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong kỷ nguyên số
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế về bản chất là một loại hợp đồng dân sự, là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập quyền và nghĩa vụ đối với nhau trong việc mua bán hàng hóa. Khác với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thông thường, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là loại hợp đồng luôn có yếu tố quốc tế (hay có yếu tố nước ngoài nước ngoài). Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế quy định một hợp đồng được xem là có yếu tố quốc tế khi các bên có trụ sở kinh doanh tại các quốc gia tại các quốc gia khác nhau. Tương tự như vậy, Bộ nguyên tắc Lahay 2015 về lựa chọn Luật áp dụng cho Hợp đồng thương mại quốc tế cũng có giải thích tương tự "một hợp đồng là có tính chất quốc tế trừ khi mỗi bên có cơ sở kinh doanh tại cùng một quốc gia và mối liên hệ giữa các bên và tất cả các yếu tố liên quan, không kể pháp luật được lựa chọn, chỉ liên quan đến quốc gia đó". Tại Việt Nam không có quy định trực tiếp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, tuy nhiên theo tinh thần Điều 27 Luật Thương mại 2005, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng được thực hiện trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tậm xuất, tái nhập và chuyển khẩu (gọi chung là kinh doanh xuất nhập khẩu).
Từ các quy định trên, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được hiểu là sự thỏa thuận mua bán hàng hóa giữa các bên chủ thể có trụ sở kinh doanh tại ở các quốc gia khác nhau nhằm mục đích kinh doanh thu lợi nhuận.
Trong kỷ nguyên số xuất hiện nhiều mô hình và công nghệ kinh doanh mới, từ đó cũng làm thay đổi các phương thức các chủ thể ký kết, thực hiện hợp đồng nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng. Cụ thể trong môi trường số, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được ký kết thông qua hình thức điện tử (electronich contrach) dưới dạng thông điệp dữ liệu được truyền đi với kết nối Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Thêm vào đó, trong môi trường số hợp đồng có thể ký kết, thực hiện hoàn toàn tự động không cần sự tham gia của con người, còn được gọi là hợp đồng thông minh (smart contract), được thực hiện qua các giao thức của máy tính và dựa trên khả năng của các nền tảng công nghệ mới (cơ bản là nền tảng của Blokchain), được mã hóa, hoạt động tự chủ, minh bạch.
Tuy có sự khác biệt, nhưng các hợp đồng được ký kết trong môi trường số vẫn mang các điểm của hợp đồng truyền thống, cụ thể là:
- Thứ nhất: Đối với các hợp đồng điện tử hay hợp đồng thông minh vẫn được thực hiện thông qua “đề nghị” và “chấp nhận” là những công cụ chủ yếu để các bên giao kết hợp đồng. Qua đó vẫn thể hiện bản chất pháp lý truyền thống của hợp đồng là sự bình đẳng, thỏa thuận giữa các bên chủ thể.
- Thứ hai: Thể hiện sự tự do ý chí của các bên: Các hợp đồng được ký kết trong môi trường số thực hiện một sự “ủy thác" từ con người đối với các thuật toán máy tính. Các điều khoản hợp đồng được gắn kết trong mã máy tính, mã phần mềm là cốt lõi của hợp đồng trong môi trường số và qua đó thể hiện sự tự do ý chí của các bên trong hợp đồng.
- Thứ ba: Mặc dù được thực hiện tự động, nhưng giữa các bên chủ thể có sự ràng buộc về quyền và nghĩa vụ và sự ràng buộc đó được bảo đảm thực hiện bởi các quy định của pháp luật.
Qua sự phân tích trên cho thấy trong kỷ nguyên số, về mặt bản chất của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không thay đổi, tuy nhiên do có sự tác động của các công nghệ số đã xuất hiện cách thức ký kết và thực hiện hợp đồng mới, cần có những quy định đặc thù của pháp luật nói chung và pháp luật quốc tế nói riêng để điều chỉnh.
3. Thực trạng pháp luật quốc tế điều chỉnh về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong kỷ nguyên số
3.1. Trong kỷ nguyên số, các quy định của luật quốc tế điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đa dạng và được ban hành dưới nhiều hình thức khác nhau
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là công cụ pháp lý quốc tế phổ biến để kết nối các nền kinh tế của các quốc gia với nhau, do vậy đây là lĩnh vực có nhu cầu được thống nhất và hài hòa rất cao. Đáp ứng nhu cầu này, hiện nay, có rất nhiều văn bản pháp lý quốc tế được ban hành điều chỉnh các vấn đề pháp lý phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Xét về tính chất của các văn bản pháp lý này, sẽ chia thành 3 nhóm:
(i) Các quy định được xem là "luật cứng" điều chỉnh các vấn đề liên quan đến ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, tiêu biểu là Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG).
(ii) Các tập quán thương mại quốc tế: Thông thường tập quán thương mại quốc tế sẽ được áp dụng điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nếu được các bên chủ thể lựa chọn. Tiêu biểu có thể kể đến các tập quán về Điều kiện giao hàng quốc tế (Incoterms), các tập quán về thanh toán quốc tế (Uniform Customs and Practice for documentary Credits - UCP)...
(iii) Các quy định tồn tại như là "luật mềm" với vai trò là Luật Mẫu hướng dẫn việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Tiêu biểu như Bộ Nguyên tắc Lahay 2015 về lựa chọn pháp luật cho hợp đồng; Các nguyên tắc cơ bản của hợp đồng thương mại quốc tế (Principles of International Commercial Contractc - PICC) do Viện thống nhất Tư pháp quốc tế soạn thảo (UNIDROIT),...
3.2. Trong kỷ nguyên số, các quy định mang tính nền tảng, chủ đạo của pháp luật quốc tế về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế vẫn được áp dụng phổ biến
Trong môi trường số, xuất hiện nhiều hình thức ký kết hợp đồng mới. Tuy nhiên, về bản chất, vẫn có đầy đủ các đặc điểm của hợp đồng truyền thống. Do vậy, các quy định mang tính nền tảng của pháp luật quốc tế về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế vẫn được áp dụng, tiêu biểu là:
3.2.1. Công ước Viên 1980 của Liên Hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế - (United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods - CISG)
Công ước được ký kết năm 1980 và bắt đầu có hiệu lực năm 1988 (Công ước có hiệu lực ở Việt Nam từ ngày 01/01/2017). CISG là điều ước quốc tế đa phương thống nhất hóa các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nhằm giảm bớt xung đột pháp luật trong lĩnh vực hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. CISG được xem như một là một "Luật cứng", có vai trò thống nhất các quy định về quyền và nghĩa vụ, cũng như các quy định khác về ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Nội dung của CISG tập trung vào các vấn đề chính: Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế; Nghĩa vụ người bán và người mua trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế; Chuyển giao rủi ro; Bồi thường thiệt hại, miễn trừ trách nhiệm... Các quy định của CISG tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được nhanh chóng, thuận lợi.
3.2.2. Tập quán thương mại quốc tế (Incotemrs)
INCOTERMS là một bộ gồm các điều kiện thương mại thể hiện tập quán giao dịch giữa các chủ thể trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Khởi đầu INCOTERMS được giới thiệu vào năm 1936 bởi Phòng thương mại quốc tế (ICC). INCOTERMS có 3 nội dung chính: (i) Nghĩa vụ: Người bán phải, người mua phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nào; (ii) Rủi ro: Khi nào và tại địa điểm nào thì người bán chuyên rủi ro với hàng hóa sang cho người mua; (iii) Chi phí: Bên nào phải trả các chi phí phát sinh như chi phí vận tải quốc tế, chi phí đóng gói hàng hóa, bốc dỡ hàng,… INCOTERMS năm 1990 là phiên bản đầy đủ, toàn diện và đã được sửa đổi và bổ sung bằng các phiên bản năm 2000, năm 2010 và năm 2020.
3.2.3. Bộ nguyên tắc Lahay về lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế (The hague principles on choice of law in international commercial contracts)
Bộ nguyên tắc Lahay 2015 là một văn kiện pháp luật quốc tế được Hội nghị Lahay thông qua ngày 19/3/2015, nhằm thống nhất hóa các quy định về lựa chọn pháp luật áp dụng trong quá trình đàm phán ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cũng như để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng đó. Khác với CISG, Bộ nguyên tắc Lahay 2015 được xem là "luật mềm" có vai trò như "luật mẫu" quy định về việc lựa chọn pháp luật điều chỉnh hợp hợp đồng thương mại quốc tế nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng. Trên thực tế, Bộ nguyên tắc này được dùng để các cơ quan tài phán (như Tòa án, Trọng tài) giải thích, bổ sung các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng: "Mặc dù các nguyên tắc không có hiệu lực pháp lý để đảm bảo người dùng tuân thủ vì chúng là luật mềm, nhưng chúng thuyết phục giá trị nội tại mà nó sở hữu".
3.3. Trong kỷ nguyên số, pháp luật quốc tế có những quy định mang tính đặc thù điều chỉnh về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Mặc dù các quy định của CISG, INCOTEMRS... vẫn là nền tảng để điều chỉnh các vấn đề pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nhưng trước sự xuất hiện các hình thức ký kết, thực hiện hợp đồng mới (như hợp đồng điện tử, hợp đồng thông minh), pháp luật quốc tế đã bổ sung thêm các quy định mang tính đặc thù điều chỉnh vấn đề này. Tiêu biểu là các văn bản sau:
3.3.1. Luật Mẫu về thương mại điện tử 2006 của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (Luật Mẫu)
Sự ra đời của Luật Mẫu nhằm mục đích cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng thương mại điện tử, đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể sử dụng tài liệu bằng giấy tờ và người sử dụng dữ liệu qua máy tính, nhằm thúc đẩy sự phát triển của thương mại quốc tế trong môi trường số. Theo quy định của Luật Mẫu, hiệu lực của hợp đồng điện tử được công nhận. Cụ thể, Điều 11 của Luật Mẫu quy định: "...khi một thông điệp dữ liễu được sử dụng trong việc giao kết hợp đồng, thì giá trị và hiệu lực thi hành của hợp đồng đó không thể bị phủ nhận chỉ vì với lý do rằng đã sử dụng một thông điệp dữ liễu vào mục đích đó". Mặc dù Luật Mẫu không bao quát hết được mọi lĩnh vực cũng như mọi loại hợp đồng, nhưng sự ra đời của Luật Mẫu là nền tảng pháp lý cho những giao dịch kinh doanh quốc tế được thiết lập bởi thương mại điện tử. Trên cơ sở các quy định của Luật Mẫu, nhiều nước thành viên của Liên Hợp quốc đã ban hành các quy định đặc thù về thương mại điện tử để điều chỉnh các vấn đề pháp lý phát sinh trong lĩnh vực này.
3.3.2. Công ước của Liên Hợp Quốc "Về sử dụng các giao dịch điện tử trong hợp đồng quốc tế" (United Nations Convention on the Use of Electronic Communications in International Contracts - New York, 2005)
Công ước của Liên Hợp quốc "Về sử dụng giao dịch điện tử trong hợp đồng quốc tế" (gọi tắt là Công ước về giao dịch điện tử UECIC) được thông qua ngày 23/11/2005, bắt đầu có hiệu lực ngày 01/3/2013. Công ước là sự kế thừa và phát triển dựa trên nền tảng của Luật Mẫu của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc về thương mại điện tử và Chữ ký điện tử đã được ban hành trước đó. Sự ra đời của Công ước nhằm mục đích tạo thuận lợi cho việc sử dụng các giao dịch điện tử trong thương mại quốc tế bằng cách đảm bảo rằng hợp đồng ký kết và các giao dịch khác được trao đổi thông qua phương thức điện tử sẽ có hiệu lực thực thi tương đương với phương thức giao dịch trên giấy truyền thống. Các quy định của Công ước là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh từ các giao dịch điện tử cũng như để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch điện tử nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế điện tử nói riêng.
4. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong kỷ nguyên số từ quy định các điều ước quốc tế
Đề điều chỉnh hiệu quả các quan hệ phát sinh từ việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong môi trường số, pháp luật Việt Nam cần bổ sung một số vấn đề sau:
4.1. Bổ sung các quy định về hợp đồng điện tử nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế điện tử nói riêng
Việt Nam đã ban hành Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và có hiệu lực ngày 01/3/2006. Sự ra đời của văn bản luật trên đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy giao dịch điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong Luật Giao dịch điện tử không có nhiều các quy định liên quan đến vấn đề giao kết hợp đồng điện tử có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, các quy định về cơ chế thực thi, xử lý vi phạm còn chưa cụ thể, chưa có cơ chế bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi của các bên yếu thế trong giao dịch điện tử. Do vậy, việc nhanh chóng sửa đổi bổ sung Luật Giao dịch điện tử 2005, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung những vấn đề liên quan đến giao dịch điện tử trong nước và giao dịch điện tử có yếu tố nước ngoài (bao gồm cả hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế điện tử) phù hợp với quy định của Công ước Liên Hợp quốc "Về sử dụng các giao dịch điện tử trong hợp đồng quốc tế" là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
4.2. Sửa đổi quy định về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Theo quy định tại Điều 27 Luật Thương mại 2005 của Việt Nam "Hợp đồng thương mại ký kết giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài buộc phải bằng văn bản". Quy định này chưa phù hợp với thực tiễn ký kết và thực hiện hợp đồng trong kỷ nguyên số. Do vậy, cần sửa đổi quy định này theo hướng hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không bị ràng buộc bởi các quy định về hình thức, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
4.3. Bổ sung các quy định về việc thỏa thuận pháp luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, việc các bên lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng sẽ tạo ra cho hợp đồng một khung pháp lý an toàn, tạo ra sự chủ động của các bên đối với hợp đồng. Hiện nay, có rất nhiều các thiết chế giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế như Trọng tài Thương mại quốc tế (ICC), hoặc Tổ chức giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (ISCID)... đều giải quyết tranh chấp trên cơ sở pháp luật do các bên lựa chọn. Tại Việt Nam theo Điều 683 BLDS 2015, nguyên tắc chủ đạo để điều chỉnh các quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài (bao gồm cả hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế) là luật do các bên ký kết hợp đồng lựa chọn. Đối với các luật chuyên ngành như Luật Thương mại 2005 hay Luật Trọng tài thương mại 2010 đều cho phép các bên lựa chọn pháp luật áp dụng đối với các hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, để phù hợp với các quy định của Bộ nguyên tắc La Hay 2015 về lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng, pháp luật Việt Nam cần bổ sung các quy định về tiêu chí để lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng; Phạm vi điều chỉnh của pháp luật đó các bên lựa chọn; Mối quan hệ giữa pháp được luật lựa chọn và hợp đồng...
5. Kết luận
Kỷ nguyên số đã xuất hiện các phương thức mới trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng, bao gồm cả hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, pháp luật quốc tế. Bên cạnh các quy định chung, còn có các quy định đặc thù điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Các quy định đó đã tạo nên một khung pháp lý khá hoàn chỉnh để điều chỉnh một cách hiệu quả các vấn đề pháp lý phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế điện tử. Đối với Việt Nam, để thúc đẩy hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu phát triển, việc hoàn thiện các quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế rất cần thiết để vừa tương thích với các điều ước quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam.
Văn bản pháp luật trích dẫn:
* Các văn bản pháp luật quốc tế
- Bộ nguyên tắc Lahay 2015 về lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế.
- Công ước Viên của Liên Hợp quốc 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
- Công ước của Liên Hợp quốc năm 2005 về Sử dụng các giao dịch điện tử trong hợp đồng quốc tế.
- Điều kiện giao hàng quốc tế (INCOTEMRS)
* Các văn bản pháp luật Việt Nam
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Luật Thương mại năm 2005.
- Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
- Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Thông tin và Truyền thông (2020), Cẩm nang chuyển đổi số. NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
- Hồ Minh Thành, Trần Kiên (2021), Chuyển đổi số và pháp luật hợp đồng: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam - Kỷ yếu Hội thảo chuyên đề "Tác động của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số mới nổi khác đối với sự phát triển của luật tư", Diễn đàn Luật học Mùa thu, Khoa Luật Đại học Quốc gia, Hà Nội.
- Bùi Thị Thu (2020), Những tác động của nền công nghiệp 4.0 đối với việc xây dựng và áp dụng pháp luật hợp đồng thương mại điện tử - Một số vấn đề đối với Việt Nam". Hội thảo cấp Bộ, "Những vấn đề lý luận hiện đại về nhà nước và pháp luật", Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Lê Xuân Tùng (2020), Lý thuyết các bên tự do thảo thuận luật áp dụng (party autonomy) trong hợp đồng thương mại quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam". Hội thảo khoa học cấp Bộ, "Những vấn đề lý luận hiện đại về nhà nước và pháp luật", Trường Đại học Luật Hà Nội.
International laws on international sale of goods contract in the digital era and some recommendations to strengthen Vietnamese laws
Ph.D Nguyen Thai Mai
Senior Lecturer, Faculty of International Law, Hanoi Law University
Abstract:
International sale of goods contract is a common type of contract in international trading activities. This contract is considered as a legal tool for parties to conduct cross-border trade in goods and services and this type of contract has a great impact on the economic development of each country in particular and the global economy in general. In the digital era, besides general provisions, international laws have specific regulations regulating legal issues on international sale of goods contract. This paper analyzes and discusses international laws on international sale of goods contract in the digital era, thereby making recommendations to strengthen Vietnamese laws in relation to international laws.
Keywords: international law, international goods sale and purchase contract, digital era, perfecting Vietnamese law.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4 tháng 2 năm 2023]