Hạn chế rủi ro trong giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cho doanh nghiệp tỉnh Nghệ An

MAI ĐÌNH QUÝ (Lớp Cao học Luật Kinh tế, Trường Đại học Ngoại thương)

TÓM TẮT:

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (MBHHQT) là công cụ pháp lý quan trọng để xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của mỗi bên khi tham gia vào các giao dịch quốc tế. Bài viết tập trung phân tích thực trạng trong việc giao kếtthực hiện hợp đồng MBHHQT của các doanh nghiệp tỉnh Nghệ An và những rủi ro có thể xảy ra, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế rủi ro trong giao kết và thực hiện hợp đồng cho các doanh nghiệp.

Từ khóa: Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp tỉnh Nghệ An.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi các cơ hội kinh doanh, đầu tư, hợp tác được mở rộng trên toàn thế giới, thì các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đều phải đối mặt với các khó khăn, thách thức không nhỏ trong việc đàm phán, soạn thảo và thực hiện các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Các khó khăn, thách thức này phần lớn đến từ sự khác biệt giữa pháp luật về hợp đồng của các quốc gia khác nhau, từ nhận thức chưa đầy đủ của DN Việt Nam về vai trò của hợp đồng, từ việc thiếu kỹ năng soạn thảo và thực hiện hợp đồng. Do đó việc nâng cao về nhận thức cũng như kỹ năng giao kết thực hiện hợp đồng MBHHQT là vô cùng quan trọng đối với các DN Nghệ An. Điều này góp phần hạn chế các rủi ro có thể xảy ra trong giao dịch thương mại quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các DN này khi tham gia vào các giao dịch quốc tế.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Những vấn đề pháp lý liên quan đến giao kết và thực hiện hợp đồng MBHHQT của các DN tỉnh Nghệ An.

Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp phân tích, tổng hợp, đánh giá, thống  kê, điều tra khảo sát và phỏng vấn chuyên gia.

3. Thực trạng phát triển hoạt động XNK của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua

Trong những năm vừa qua, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của các DN tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực, kim ngạch XNK của các DN tăng nhanh trong giai đoạn 2014 - 2018.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 1.050,86 triệu USD, tăng 55,95% so với năm 2014. Kim ngạch nhập khẩu đạt 518,05 triệu USD, tăng 43,3% so với năm 2014. Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo là dệt may, gỗ, hoa quả tươi, sản phẩm đá các loại, linh kiện điện tử. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: nguyên phụ liệu dệt may, da giày, hoa quả tươi, máy móc thiết bị.

Tính đến năm 2018, Nghệ An có 165 DN tham gia hoạt động xuất khẩu và 132 DN nhập khẩu. Thị trường xuất khẩu của các DN Nghệ An liên tục được mở rộng qua các năm. Đến hết năm 2018, các DN trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu hàng hoá sang thị trường 122 nước, so với chỉ 66 nước năm 2015.

3.1. Những rủi ro trong giao kết và thực hiện HĐ của các DN tỉnh Nghệ An

Để phục vụ cho việc nghiên cứu đạt kết quả tốt, theo sát với thực tiễn giao kết và thực hiện hợp đồng MBHHQT của các DN tỉnh Nghệ An, tác giả đã tiến hành khảo sát thực tế 22 DN XNK tại Nghệ An; phỏng vấn 1 chuyên gia tại Cục Hải quan tỉnh Nghệ An; và phân tích 3 hợp đồng thực tế của một số DN trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, chúng tôi nhận thấy:

3.1.1. Về giao kết hợp đồng

Về thực trạng phương thức đàm phán và ký kết hợp đồng: Thống kê từ các phiếu khảo sát thực tế cho thấy có tới 60,73% DN thường sử dụng phương tiện điện tử. Việc đàm phán và giao kết hợp đồng thông qua phương tiện điện tử được pháp luật Việt Nam ghi nhận. Chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại có giá trị pháp lý như bản gốc nếu đáp ứng cả 2 điều kiện: Có sự bảo đảm đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử từ thời điểm thông tin được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng chứng từ điện tử; Thông tin chứa trong chứng từ điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết. Do vậy, các DN cần chú ý lưu giữ các thông tin trao đổi trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng phù hợp, dù sử dụng phương tiện điện tử nào.

Về độ dài hợp đồng: Có 15 trên tổng số 22 DN tham gia khảo sát có hợp đồng chỉ dài từ 1 - 3 trang, có 6 DN hợp đồng dài 3 - 10 trang và 1 DN hợp đồng trên 10 trang. Thông thường với một hợp đồng MBHHQT, nội dung các điều khoản càng chi tiết, rõ ràng thì càng thuận tiện cho việc thực hiện. Nếu nội dung hợp đồng bị thiếu hoặc quá sơ sài thì sẽ dễ dẫn đến các phát sinh, tranh chấp sau này. Nguyên nhân là do nội dung đó chưa được quy định hoặc được quy định không rõ ràng, dẫn đến việc các bên có thể có cách hiểu, vận dụng khác nhau.

Về các điều khoản cụ thể của hợp đồng: Một số nội dung trong hợp đồng chưa được quy định hoặc quy định chưa chặt chẽ:

(1) Chưa kiểm tra về đại kiện ký kết hợp đồng: Trong một hợp đồng được nghiên cứu, thời điểm thực tế ký hợp đồng là ngày 29/12/2018. Đại diện bên mua là ông K không còn giữ chức vụ Tổng giám đốc công ty TNHH X Việt Nam (theo nội dung giấy đăng kí kinh doanh đăng ký thay đổi lấy thứ 12 của công ty, ông Y là Tổng giám đốc công ty từ ngày 21/12/2018). Do đó, Ông K không còn là đại diện theo pháp luật của công ty. Cũng không có văn bản ủy quyền về việc ký hợp đồng cho ông K, vì thế việc ông này đại diện ký hợp đồng là không đúng theo quy định của pháp luật. Hợp đồng này có nguy cơ bị vô hiệu do vi phạm điều kiện về chủ thể.

(2) Về điều kiện cơ sở giao hàng: Các DN xuất khẩu tỉnh Nghệ An thường sử dụng điều kiện nhóm F và nhóm C trong Incoterms. Có hợp đồng quy định tại điều khoản điều kiện giao hàng: Theo điều kiện FOB Việt Nam. Việc quy định như thế này chưa cụ thể chính xác, dễ gây ra tranh chấp sau này. Bởi vì hiện tại có nhiều phiên bản Incoterms, và tất cả các phiên bản này đều có thể được dẫn chiếu sử dụng. Khi quy định điều kiện cơ sở giao hàng, cần phải chi tiết là điều kiện gì, theo Incoterms năm nào, và phải quy định cụ thể cảng giao hàng, ví dụ: theo điều kiện FOB Incoterms 2010, cảng Hải Phòng. Cùng là điều kiện FOB, tuy nhiên theo Incoterms 2000 và 2010 thì thời điểm chuyển giao rủi ro và chi phí từ người người bán sang người mua là khác nhau.

(3) Về điều khoản thời gian giao hàng, có hợp đồng quy định: “On August 2018”. Việc quy định như thế này rất chung chung và dễ dẫn đến tranh chấp. Người bán và người mua chỉ xác định thời điểm giao hàng là vào tháng 08/2018, không quy định phương thức giao hàng, thông báo giao hàng. Hợp đồng cũng không quy định rõ là yêu cầu giao hàng toàn bộ hay cho phép giao hàng từng phần. Hợp đồng trên cũng không quy định điều khoản phạt vi phạm do giao chậm hàng. Như thế có thể gây rủi ro cho người mua, trong trường hợp người bán không giao hàng hoặc giao hàng muộn.

(4) Về điều khoản địa điểm giao nhận hàng: Có hợp đồng quy định cảng đi (cảng xếp hàng) là Việt Nam, cảng đến (cảng dỡ hàng) là Nhật Bản. Trong hợp đồng MBHHQT, các DN nên quy định cụ thể tên cảng đi và tên cảng đến. Nếu quy định chung chung là cảng đến ở Nhật Bản thì sẽ rất khó để xác định là cảng nào; người mua khó khăn trong việc lên phương án để nhận hàng, chuyển hàng hóa về nhà máy.

(5) Về điều khoản đóng gói: Có hợp đồng quy định đóng gói theo tiêu chuẩn xuất khẩu “Export Standard Packing”. Người bán và người mua không đưa ra cụ thể là tiêu chuẩn nào, do cơ quan nào ban hành.

(6) Về điều khoản chất lượng: Có hợp đồng chỉ đưa ra tiêu đề mục mà không có quy định cụ thể về chất lượng, tiêu chuẩn của hàng hóa. Quy định này dẫn đến việc các bên khó có căn cứ để lập luận hàng hóa là phù hợp hay sai quy cách kỹ thuật, đảm bảo hay không đảm bảo chất lượng. Bởi vì, trong hợp đồng không quy định hàng hóa phải được sản xuất theo tiêu chuẩn nào, chất lượng ra sao.

(7) Về điều khoản thanh toán: Có hợp đồng quy định hình thức thanh toán là chuyển tiền bằng điện T/T nhưng không quy định đồng tiền thanh toán, thời hạn thanh toán, chứng từ thanh toán. Việc thiếu những quy định này sẽ tạo ra rủi ro cho bên bán khi bên mua chậm trễ, chây ỳ trong việc thanh toán.

Ngoài ra, các hợp đồng còn thiếu nhiều điều khoản quan trọng như: bảo hành, khiếu nại, giải quyết tranh chấp, nguồn luật áp dụng... Đối với hợp đồng MBHHQT, việc không quy định các điều khoản này có thể làm tăng chi phí pháp lý trong quá trình thực hiện hợp đồng và đặc biệt là trong quá trình giải quyết tranh chấp phát sinh.

3.1.2. Về thực hiện hợp đồng

Chính vì hợp đồng quy định không rõ ràng, thiếu nhiều điều khoản quan trọng nên thực tế đã có một số tranh chấp liên quan đến thực hiện hợp đồng MBHHQT tại Nghệ An. Có thể thấy, các tranh chấp chủ yếu liên quan đến giao hàng muộn, giao hàng sai hoặc chậm thanh toán.

Bảng 1. Tranh chấp hợp đồng MBHHQT doanh nghiệp Nghệ An thường gặp

STT Loại tranh chấp Số lượng Phần trăm
1 Chậm trễ trong thanh toán 06 13,33%
2 Giao hàng chậm 13 28,89%
3 Không nhận hàng 02 4,44%
4 Giao hàng thiếu 06 13,33%
5 Giao hàng sai 08 17,78%
6 Không trả tiền 02 4,44%
7 Không giao hàng 03 6,68%
8 Hàng hóa không phù hợp 04 8,89%
9 Khác 01 2,22%
Tổng số 45 100%

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Dưới đây là một số tranh chấp điển hình mà DN tại Nghệ An gặp phải:

- Công ty TNHH X Việt Nam ký hợp đồng MBHHQT, mua mặt hàng nam châm đất hiếm (magnet) từ đối tác nước ngoài là Công ty TNHH Y. Trong hợp đồng quy định, điều kiện cơ sở giao hàng là FCA Tianjin, Trung Quốc. Tổng số kiện của lô hàng là 105 kiện. Hàng được vận chuyển quá cảnh qua sân bay Hồng Kông. Sau khi lô hàng đến sân bay Hồng Kông đã bị thất lạc mất 1 kiện, thực tế chỉ còn 104 kiện. Vì thế người mua và người bán đã xảy ra tranh chấp liên quan đến trách nhiệm về việc mất hàng.

- Một số doanh nghiệp xảy ra tranh chấp liên quan đến tiêu chuẩn hàng hóa như kích thước bột đá. Trong hợp đồng mua bán, không quy định rõ tiêu chuẩn kích thước bột đá do người bán hay người mua kiểm tra hoặc tổ chức giám định thứ 3 phân tích. Do vậy, khi xảy ra tranh chấp liên quan đến chất lượng bột đá rất khó để giải quyết trách nhiệm thuộc về bên nào.

- Một số DN khác giao hàng muộn, đối tác nước ngoài không hủy hợp đồng; nhưng yêu cầu người xuất khẩu ở Việt Nam phải bồi thường thiệt hại do việc giao muộn hàng đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của họ.

3.1.3. Về hiểu biết pháp lý

Nhiều DN chưa nắm rõ các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các Công ước quốc tế, đặc biệt là Công ước Viên 1980 về hợp đồng MBHHQT (CISG). Kết quả từ phiếu khảo sát cho thấy, các DN không biết hoặc biết rất hạn chế về nội dung và phạm vi điều chỉnh của công ước này.

Bảng 2. Hiểu biết của các DN Nghệ An về CISG

STT Hiểu biết của doanh nghiệp Số lượng Phần trăm
1 Số DN không biết đến Công ước Viên 12 54,55
2 Số DN biết đến Công ước Viên 10 45,45
Tổng số 22 100

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Có tới 54,55% DN tham gia khảo sát không biết tới Công ước Viên. Đối với các DN còn lại có biết đến CISG, song mức độ hiểu biết lại rất hạn chế. Có tới 23,73% DN hiểu biết ở mức sơ lược và 18,18% chưa thực sự biết gì về Công ước Viên.

3.2. Giải pháp hạn chế rủi ro trong giao kết và thực hiện HĐ của các DN tỉnh Nghệ An

Định hướng, mục tiêu phát triển hoạt động XNK trong những năm sắp tới của tỉnh Nghệ An đó là: Phát triển xuất khẩu trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, đảm bảo tốc độ và chất lượng tăng trưởng cao, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 25/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11 - 12%/năm; Tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân tăng 10 - 11%/năm trong thời kỳ 2011 - 2020; Giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu, phấn đấu cán cân thương mại thặng dư thời kỳ 2021 - 2030. Để đạt được mục tiêu trên, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN đặc biệt trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng MBHHQT.

Thứ nhất, trước khi giao kết hợp đồng, các DN cần khảo sát thị trường và tìm hiểu thông tin nhằm hạn chế các rủi ro. DN cần tìm hiểu rõ thông tin pháp lý của đối tác: trụ sở, địa chỉ kinh doanh, DN đó có được thành lập hợp pháp không, có cơ sở nhà máy sản xuất không, tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh trong những năm gần đây, đặc biệt là xác định tư cách pháp lý của người sẽ ký hợp đồng. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chỉ đại diện của pháp luật của công ty hoặc người được ủy quyền là đại diện pháp luật của công ty mới đủ tư cách pháp để tham gia giao kết hợp đồng MBHHQT. Liên quan đến vấn đề ủy quyền, các DN Nghệ An cần chú ý đến giá trị của văn bản ủy quyền (nội dung, thời gian, phạm vi ủy quyền). Một vấn đề pháp lý mà các DN cần chú ý đó là chữ ký khi tiến hành giao kết hợp đồng. Thực tiễn qua phân tích các hợp đồng của DN tỉnh Nghệ An cho thấy, có một số DN sử dụng chữ ký đóng dấu, chứ không phải chữ ký tươi trong hợp đồng. Về nguyên tắc, chữ ký trong hợp đồng MBHHQT phải được ký bằng bút mực và ký trực tiếp lên văn bản (trừ trường hợp chữ ký điện tử).

Thứ hai, cần thiết lập quy trình giao kết và thực hiện hợp đồng MBHHQT. Giao kết và thực hiện hợp đồng là chuỗi công việc liên quan đến trách nhiệm quản lý, quyết định của nhiều phòng ban trong công ty. Vì thế, cần thiết phải thiết lập và ban hành một quy trình thống nhất bảo đảm việc giao kết và thực hiện hợp đồng đạt kết quả cao. Theo đó cần nêu rõ nhiệm vụ, công việc của từng phòng ban.

Thứ ba, khi soạn thảo hợp đồng MBHHQT các DN cần quy định chi tiết nội dung các điều khoản, xác định rõ quyền, nghĩa vụ của mỗi bên. Ví dụ, đối với điều khoản chất lượng cần nêu rõ phương pháp xác định chất lượng: dựa vào hàng mẫu, dựa vào tiêu chuẩn hay dựa vào tài liệu kĩ thuật... Khi quy định chất lượng dựa vào mẫu hàng cần quy định rõ: hàng có phẩm chất như mẫu đã thỏa thuận, hàng có phẩm chất tương tự như mẫu hoặc hàng có phẩm chất giống hệt mẫu. Nếu dựa vào tiêu chuẩn thì hợp đồng cần quy định rõ tên tiêu chuẩn thứ hạng, số, ngày tháng năm và tên cơ quan ban hành tiêu chuẩn. Ví dụ, TCVN 7830:2015 ngày 9/11/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Nếu dựa vào tài liệu kĩ thuật thì hợp đồng cần phải làm rõ các thông số kĩ thuật, loại tài liệu, quyền của các bên đối với tài liệu kỹ thuật. Ngoài ra cũng cần quy định chi tiết về địa điểm kiểm tra chất lượng, người kiểm tra chất lượng và giấy tờ chứng minh. Các bên nên quy định về việc mời cơ quan giám định độc lập, chuyên nghiệp, có tính quốc tế.

Thứ tư, các DN cần đào tạo nhân lực pháp chế chuyên về giao kết và thực hiện hợp đồng MBHHQT. Để tham mưu, tư vấn, phân tích cho lãnh đạo công ty trong việc giao kết và thực hiện các hợp đồng MBHHQT, cần thiết thành lập một bộ phận, hoặc phòng pháp chế chuyên nghiên cứu sâu các quy định của pháp luật quốc gia và Điều ước quốc tế liên quan đến giao dịch thương mại quốc tế. Bộ phận pháp chế phải được đào tạo bài bản chuyên sâu về luật đặc biệt là về luật thương mại quốc tế, pháp luật dân sự và thương mại tại Việt Nam. Nắm rõ các quy định về tập quan thương mại như Incoterms, các phương thức thanh toán như điện chuyển tiền, thư tín dụng L/C... Bộ phận hoặc phòng pháp chế DN sẽ là cơ quan thường trực cùng với các phòng ban chuyên môn tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh (nếu có).

Thứ năm, sử dụng hợp đồng mẫu trong các giao dịch thương mại quốc tế. Nội dung các điều khoản trong hợp đồng mẫu thường rõ ràng, dễ hiểu và cân bằng hài hòa lợi ích giữa người mua và người bán. Các hợp đồng mẫu hay được sử dụng đó là các Hợp đồng mẫu "Model Contracts for Small Firms - Legal guidance for doing international business" được phát hành bởi Trung tâm thương mại quốc tế (International Trade Center). Hợp đồng mẫu này hướng dẫn về quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của bên mua và bên bán; các biện pháp chế tài do vi phạm hợp đồng của các bên. Hợp đồng này cũng bao gồm các điều khoản dự phòng được thừa nhận rộng rãi trong các hợp đồng thương mại quốc tế. Hợp đồng mẫu về MBHHQT của ITC được xây dựng phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng MBHHQT 1980, vì vậy phù hợp với các DN Việt Nam trong bối cảnh Công ước này đã có hiệu lực tại Việt Nam.

4. Kết luận

Các DN tỉnh Nghệ An hầu hết là DN vừa và nhỏ, hiểu biết về các quy định pháp luật trong nước và quốc tế chưa cao, nhận thức và kỹ năng soạn thảo hợp đồng còn hạn chế. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho các DN trong việc đàm phán, ký kết và thực hiện hiệu quả hợp đồng MBHHQT. Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia các giao dịch thương mại quốc tế, các DN cần đầu tư cho công tác nghiên cứu, dự báo thị trường, tìm hiểu kỹ thông tin của đối tác; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực liên quan đến pháp chế và hoạt động XNK; thiết lập quy trình giao kết và thực hiện hợp đồng MBHHQT; các điều khoản trong hợp đồng cần được quy định cụ thể, rõ ràng; ngoài ra các DN cũng nên sử dụng các hợp đồng mẫu của các tổ chức, cơ quan uy tín trên thế giới. Sử dụng đồng bộ các giải pháp trên có thể giúp các DN Nghệ An hạn chế được các rủi ro khi giao kết và thực hiện hợp đồng MBHHQT, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, Báo cáo đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 - Lĩnh vực xuất khẩu, Nghệ An, 2019.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Quyết định số 4982/QĐ-UBND về ban hành đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020, Nghệ An 2016.

3. Commission On International Trade Law United, the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods, 1980.

4. International Trade Center, Model Contracts for Small Firms - Legal guidance for doing international business, 2010.

5. International Chamber of Commerce, Incoterm 2010: ICC rules for the Use of Domestic and International Trade Terms, 2010.

LIMITING RISKS IN IMPLEMENTATING

OF INTERNATIONAL GOODS TRADING CONTRACTS

FOR BUSINESSES IN NGHE AN PROVINCE

● MAI DINH QUY

Graduate School of Economics Law, Foreign Trade University

ABSTRACT:

International goods trading contracts  are important legal instruments for the establishment, modification or termination of rights and obligations of each party when participating in international transactions. The article focuses on analyzing the situation in the conclusion and performance of international sale of goods contracts of businesses in Nghe An province and the related risks. Then it proposes a number of solutions to limit risks in implementing contracts for businesses.

Keywords: Contracts for the international sale of goods, contract signing, contract performance, Nghe An province‘s businesses.