Nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Romania

Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Romania đã đạt những kết quả tích cực, song theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, những con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ của hai nước.

Trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 17 Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Romania, ngày 21/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania phối hợp tổ chức Tọa đàm "Thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Romania" với sự tham dự của nhiều đại diện các Bộ, ngành và doanh nghiệp lớn của hai nước.

Toạ đàm là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm hiểu thông tin về thị trường Romania cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác, kinh doanh và đầu tư với các đối tác Romania phù hợp, tiến tới gắn kết lâu bền.

Tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Romania
Toạ đàm Thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Romania do Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Rumani phối hợp tổ chức

Dư địa hợp tác giữa Việt Nam - Romania rất lớn

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của hai nước Việt Nam - Romania đã phát triển rất tốt đẹp trong suốt 73 năm qua. Đối với Việt Nam, Romania là đối tác truyền thống tại khu vực Đông Nam châu Âu và là cửa ngõ thâm nhập vào thị trường các nước EU. Trong khi đó, Việt Nam là thị trường lớn với khoảng 100 triệu dân, sẵn sàng làm cửa ngõ để Rumani thâm nhập thị trường các nước ASEAN.

Chia sẻ về những thế mạnh cũng như điểm sáng của Việt Nam trong thu hút đầu tư, hợp tác kinh doanh, thương mại với các doanh nghiệp Romania, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Việt Nam có nền kinh tế phát tăng trưởng tích cực, ổn định. GDP năm 2022 đạt mức tăng trưởng 8,02%, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức kinh tế có cùng nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục có các bước tiến mạnh mẽ, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, trao đổi ngoại thương của Việt Nam với thế giới tăng mạnh qua các năm, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 680 tỷ USD, mức tăng trưởng ấn tượng 19% trong bối cảnh dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 731 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2021.

Tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Romania
Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Toạ đàm

Việt Nam thuộc nhóm 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất trên thế giới. Trong khu vực Đông Nam Á, giai đoạn 2015-2022, Việt Nam luôn giữ vị trí thứ 3/10 trong bảng xếp hạng quốc gia thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất trong khối.

Đồng thời, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam hiện tại khá đầy đủ và đang dần được hoàn thiện.

Theo thống kê, hiện có hơn 12 Luật chính liên quan đến kinh tế, thương mại và đầu tư gồm: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán, Luật Các công cụ chuyển nhượng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Cạnh tranh, Luật Trọng tài thương mại, v.v... và nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn các luật trên do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban hành.

Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang trong quá trình đàm phán 03 Hiệp định thương mại tự do khác, qua đó thiết lập được quan hệ thương mại tự do với nhiều đối tác thương mại hàng đầu thế giới.

Nhờ những Hiệp định này, Việt Nam có thị trường hàng hóa rộng lớn, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế, trong đó có nhiều nhóm hàng có thuế suất bằng 0%.” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ về tiềm năng hợp tác giữa hai nước, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania Stefan-Radu Oprea cũng cho rằng, Tọa đàm và Khóa họp 17 Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Romania là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai nước trao đổi, tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh từ đó thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam - Romania.

Bộ trưởng Stefan-Radu Oprea khẳng định hai nước Việt Nam - Romania có cơ hội và tiềm năng hợp tác rất lớn trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục. Bên cạnh đó, cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực truyền thống như dầu khí hay ở các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, năng lượng tái tạo… vẫn còn rộng mở.

Tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Romania
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania Stefan-Radu Oprea

Thương mại Việt Nam - Romania tăng 1,6 lần trong giai đoạn 2019-2022

Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA và EVIPA), mà Romania là thành viên, chính thức được ký kết năm 2019, trong đó Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020 đã và đang mở ra những cơ hội triển vọng mới, những cánh cửa hợp tác mới để đưa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư hai bên lên tầm cao mới.

Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2022, thương mại song phương giữa hai nước tăng hơn 1,6 lần từ mức 261 triệu USD lên 425 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Romania tăng 1,66 lần từ mức gần 194 triệu USD năm 2019 tăng lên 322,4 triệu USD năm 2022; nhập khẩu của Việt Nam từ Romania tăng 1,52 lần từ 67,5 triệu USD lên 102,6 triệu USD.

Mặc dù đạt những kết quả tích cực, song theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, những con số trên chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ của hai nước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Romania năm 2022 cũng chỉ tương ứng 0,24% nhập khẩu của Rumani, trong khi xuất khẩu Romania vào Việt Nam chỉ chiếm 0,03% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, nguyên nhân đầu tiên cũng như quan trọng nhất là do thông tin về thị trường của hai bên còn hạn chế. Cộng đồng doanh nghiệp hai bên còn thiếu thông tin của nhau, hiểu biết của doanh nghiệp hai nước về thị trường và văn hóa kinh doanh của nhau còn tương đối sơ sài dẫn tới việc hợp tác chưa hiệu quả; việc đàm phán, thương lượng mất nhiều thời gian, thực hiện nhiều lần.

Cùng với đó, khoảng cách địa lý giữa hai nước tương đối xa, việc đi lại khó khăn  chưa có đường bay thẳng là rào cản lớn cho việc tìm hiểu, thâm nhập thị trường của nhau. Chi phí vận chuyển cao, mất nhiều thời gian khiến cho hàng hóa của mỗi nước gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường của nhau.

Đồng thời, các hàng rào phi thuế quan gồm: các biện pháp kỹ thuật liên quan đến chất lượng sản phẩm, các biện pháp phòng vệ thương mại đang được các bên áp dụng mạnh mẽ.

Những vấn đề này đang được các cơ quan quản lý nhà nước hai bên từng bước giải quyết; thương mại hai nước sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hợp tác phát triển, đặc biệt công tác hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối giao thương, hỗ trợ cung cấp, chia sẻ thông tin về thị trường mỗi bên và đưa ra các biện pháp tạo thuận lợi thương mại cho hàng hóa xuất nhập khẩu của nhau sẽ là các vấn đề được chú trọng triển khai trong thời gian tới.” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ.

Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, nghiên cứu thị trường 

Đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam và Romania khai thác được các thế mạnh của nhau, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho rằng, hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động thông tin, nghiên cứu thị trường; xác định các mặt tiềm năng mà hai bên có thế mạnh cũng như có khả năng cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu.

"Bộ Công Thương luôn sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước có các cơ hội trao đổi, kết nối giao thương thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm... giúp doanh nghiệp hai bên thâm nhập sâu hơn vào thị trường của nhau." - Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh cam kết và thông tin thêm, tới đây, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp có quy mô lớn sang thăm và làm việc tại Romania để trao đổi, mở rộng cơ hội hợp tác đối với các ngành hàng: Dệt may, da giày, thủy sản, hàng gia dụng...

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương (ngồi giữa) đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam - Romania khai thác tốt hơn thị trường của nhau
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương (ngồi giữa) đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam - Romania khai thác tốt hơn thị trường của nhau

Tại Tọa đàm, hai bên cũng chia sẻ những cơ hội hợp tác thúc đẩy thương mại song phương các mặt hàng nông sản và thực phẩm; Chương trình xúc tiến thương mại của Việt Nam nhằm thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với thị trường Romania và Liên minh châu Âu EU.

Cũng trong khuôn khổ Tọa đàm "Thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Rumani", cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Romania đã có những cuộc giao thương trực tiếp nhằm trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư ở những lĩnh vực thế mạnh như: Thương mại, ô tô điện, dầu khí, điện lực, xây dựng, hàng không, du lịch...

Huyền My