Nhu cầu sử dụng than toàn cầu chạm mức cao kỷ lục, dự báo nhiệt điện than chưa có dấu hiệu sớm thoái trào

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu sử dụng than toàn cầu trong năm nay có thể sẽ đạt tới 8 tỷ tấn - mức cao kỷ lục từng được xác lập hồi năm 2013. Một số phân tích cho biết nhiệt điện than chưa có dấu hiệu sớm thoái trào trên toàn cầu và giá than còn neo ở mức cao.

Nhu cầu sử dụng than toàn cầu ở mức cao kỷ lục

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết dựa trên các điều kiện kinh tế và xu hướng thị trường hiện nay, cũng như giả định nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay, nhu cầu sử dụng than trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng nhẹ 0,7% trong năm nay lên mức 8 triệu tấn. Mức tiêu thụ này tương đương với mức cao kỷ lục được xác lập hồi năm 2013.  

IEA cho biết nhu cầu tiêu thụ than đã tăng trở lại kể  từ năm 2021 với mức tiêu thụ đạt 7,9 tỷ tấn, tăng 6% so với năm 2020. IEA cũng dự báo nhu cầu sử dụng than trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lên trong năm sau, xác lập mức cao nhất mọi thời đại. Nguyên nhân chủ yếu do sự gia tăng trở lại của các hoạt động kinh tế sau giai đoạn dài bị đè nén bởi đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc giá khí đốt tăng cao kỷ lục trên toàn cầu khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ, tăng cường sử dụng than đá để đảm bảo nguồn cung năng lượng  

Nhu cầu sử dụng than
 Nhu cầu sử dụng than tại một số khu vực chính trên toàn cầu trong giai đoạn 2020 - 2023 (dự báo) (Nguồn: IEA)

 

Theo IEA nhu cầu sử dụng than của Ấn Độ bắt đầu tăng mạnh kể từ đầu năm nay. Tăng trưởng nhu cầu sử dụng than của nước này được dự báo đạt 7% trong năm nay khi Ấn Độ đẩy mạnh phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu thụ điện tăng lên. Bộ Công nghiệp Than Ấn Độ cho biết hiện than đáp ứng 55% tổng nhu cầu năng lượng của nước này.

Đối với Trung Quốc, quốc gia tiêu thu than lớn nhất thế giới, IEA ước tính nhu cầu sử dụng than của nước này đã giảm 3% trong nửa đầu năm nay do các biện pháp phong toả phòng chống dịch Covid-19 diện rộng, khiến hoạt động kinh tế suy yếu. Tuy nhiên, IEA nhận định khi các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc tăng tốc trở lại trong nửa cuối năm nay thì nhu cầu sử dụng than sẽ tăng lên tương ứng. Mức tiêu thụ than của nước này trong cả năm nay được dự báo sẽ đạt khoảng 4,23 tỷ tấn – tương đương mức cao kỷ lục trong năm ngoái. IEA ước tính lượng than dùng cho sản xuất điện tại Trung Quốc đã tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu sử dụng than của Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay được dự báo sẽ tăng 7%. Trong năm ngoái, nhu cầu sử dụng than tại đây đã tăng vọt 14%. EU đang đẩy mạnh sử dụng than thay cho khí tự nhiên để sản xuất điện trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung khí. Một số quốc gia EU đã nâng số giờ vận hành các nhà máy nhiệt điện than, tái vận hành trở lại các nhà máy nhiệt điện than đã đóng cửa trước đây, cũng như lùi thời gian đóng cửa những nhà máy đang hoạt động để đảm bảo an ninh năng lượng. Nhu cầu sử dụng than của EU chỉ chiếm khoảng 5% tổng nhu cầu sử dụng than toàn cầu.  

Việc sử dụng than giúp các nền kinh tế tiết giảm đáng kể chi phí năng lượng khi giá dầu thô và khí đốt chạm mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, IEA cũng cảnh báo việc này đang góp phần đẩy lượng khí thải CO­2 trên toàn cầu lên mức cao kỷ lục, cũng như giảm tốc quá trình chuyển đổi năng lượng tại nhiều quốc gia.

Nhiệt điện than chưa có dấu hiệu sớm thoái trào

Nhà kinh tế học Carine Sebi thuộc Đại học Quản trị Grenoble (Pháp) dẫn dự báo của Tổ chức nghiên cứu năng lượng Enerdata (Pháp) cho biết, bất chấp các nỗ lực chuyển đổi năng lượng, tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn điện trên toàn cầu sẽ không giảm xuống từ nay đến năm 2040.

Trong đó, khu vực Trung Đông, châu Mỹ - Latinh, và châu Âu sẽ là 3 khu vực có tỷ trọng nhiệt điện than thấp nhất thế giới, ở mức lần lượt là 1,9%, 4% và 7,4% tổng nguồn điện. Trong khi đó, Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc tiếp tục là 3 quốc gia có tỷ trọng nhiệt điện than cao nhất, lần lượt là 54,2%, 44,3% và 38,7% tổng nguồn điện do có trữ lượng than đá lớn và nhiệt điện than đem lại nhiều lợi ích kinh tế vượt trội.

Xét về ngắn hạn và trung hạn, nhu cầu điện trên thế giới sẽ vẫn tiếp tục tăng lên. Các nền kinh tế mới nổi sẽ có mức nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực sử dụng điện trên thế giới sẽ mở rộng quy mô trong thời gian tới, đặc biệt là phương tiện vận chuyển chạy bằng điện.

IEA dự báo số xe ô tô chạy điện trên thế giới sẽ tăng lên mức từ 125 – 220 triệu chiếc từ nay đến năm 2030. Hiện nhiều quốc gia đã lên kế hoạch cấm xe ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel, chuyển hoàn toàn bằng xe điện như Na Uy (năm 2025), Hà Lan (năm 2030), Scotland (năm 2032), Pháp và Anh (năm 2040). Xe điện tăng nhanh sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng điện, do đó nhu cầu sử dụng than khó có thể giảm nhanh.

Dự báo giá than sẽ còn neo cao thời gian tới

Giá các loại than có xu hướng tăng mạnh kể từ nửa cuối năm 2021 khi nguồn cung không theo kịp nhu cầu, nhất là khi Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu than. Trong đó, giá các loại than có mức nhiệt lượng cao như than xuất từ cảng Newcastle (Australia) có giá trị nhiệt lượng 6.000 kcal/kg có mức tăng mạnh nhất, các loại than có mức nhiệt lượng thấp như than Indonesia (4.200 kcal/kg) có mức tăng thấp hơn đáng kể.

giá than thế giới
 Diễn biến giá than tại khu vực Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (ARA), giá than tại cảng Newcastle, và giá than tại phía Nam Trung Quốc trong thời gian gần đây (Nguồn: EIA)

 

Vào tháng 10/2021, giá than đá xuất đi từ cảng Newcastle (Australia) đạt 253 USD/tấn (giá FOB). Tuy nhiên, đến tháng 5/2022, mức giá này đã lên tới 425 USD/tấn, cao gấp 9 lần so với mức giá hồi tháng 9/2020; nguyên nhân chủ yếu do lũ lụt tại Australia khiến nguồn cung than suy giảm mạnh. Giá than đá tại Newcastle thường được sử dụng làm giá tham khảo chuẩn cho các giao dịch than đá tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Australia hiện là quốc gia xuất khẩu than lớn thứ hai thế giới, sau Indonesia.

EIA cho biết diễn biến giá các hợp đồng than trên thị trường tương lai đang có xu hướng tăng đáng kể trong những tháng gần đây. Khi giá than thế giới trên thị trường giao ngay lập đỉnh vào tháng 3 và tháng 6/2022 thì giá than giao trong năm 2024 cũng tăng gấp đôi trong khoảng thời gian này. Điều này phản ánh các bên tham gia thị trường cho rằng tình trạng căng thẳng nguồn cung than trên toàn cầu sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions (Hoa Kỳ) vừa nâng mạnh dự báo giá than đá tại khu vực châu Á trong năm nay và năm 2023. Theo đó, giá than đá Newcastle được dự báo sẽ đạt trung bình 320 USD/tấn trong năm nay, tăng mạnh so với mức dự báo 230 USD/tấn được đưa ra trước đó. Trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026, Fitch Solutions dự báo giá than sẽ đạt trung bình 246 USD/tấn thay vì mức 159 USD/tấn được dự báo trước đây.

Fitch Solutions cho biết giá than tại châu Á được hỗ trợ nhờ việc các quốc gia châu Âu tăng cường cạnh tranh với các quốc gia châu Á để thu gom nguồn cung khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) khi Nga đang giảm cung ứng khí đốt cho châu Âu, điều này buộc các quốc gia đang phát triển tại châu Á phải tăng cường sử dụng năng lượng từ than.

Trong thời gian vừa qua, hàng loạt chuyên gia phân tích và các tổ chức quốc tế cảnh báo nguy cơ xảy ra “cuộc chiến” tranh giành nguồn cung LNG giữa châu Âu và châu Á. LNG là loại năng lượng sạch hơn than đá và được nhiều quốc gia đang phát triển tại châu Á đẩy mạnh sử dụng trong những năm gần đây trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, việc các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Bangladesh… không thể cạnh tranh về giá so với các nền kinh tế phát triển tại châu Âu để đảm bảo nguồn cung LNG thì các quốc gia này sẽ phải tăng cường sử dụng than đá.

Duy Quang