Những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu cho ngành Lúa gạo Việt Nam

NGUYỄN ĐẶNG KIM CHI (Bộ môn Kinh tế - Trường Đại học Công đoàn)

TÓM TẮT:

Lúa gạo đóng vai trò chiến lược trong an ninh lương thực của Việt Nam. Trong năm 2019, mặc dù thị trường xuất khẩu gạo không hoàn toàn thuận lợi, Việt Nam đã xuất khẩu được 6,3 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,7 tỷ USD. Tuy nhiên, cái được đáng kể nhất là bằng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực cùng các Bộ, ban, ngành… đã giải quyết được bài toán xuất khẩu gạo trong giai đoạn cam go. Bài viết này sẽ phân tích những thách thức, cơ hội, cùng các chính sách quyết liệt của Chính phủ hỗ trợ cho ngành Lúa gạo, thông qua đó đề xuất một số gợi ý cho phát triển xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo.

Từ khóa: Xuất khẩu, ngành Lúa gạo Việt Nam, giải pháp.

1. Những thách thức với ngành Lúa gạo Việt Nam

Việt Nam có những lợi thế đặc biệt trong sản xuất lúa gạo và đây cũng là hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), diện tích lúa của nước ta chiếm 82% diện tích đất canh tác ở Việt Nam. Trong đó, có khoảng 52% sản lượng lúa được sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long và 18% ở đồng bằng sông Hồng. Sinh kế của hơn 15 triệu nông dân nhỏ lẻ dựa vào nguồn thu từ cây lúa ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

Là nước xuất khẩu gạo đứng trong top đầu trên thế giới, với trung bình 6 - 7 triệu tấn gạo xuất khẩu một năm, Việt Nam đã góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước nói riêng và thế giới nói chung.

Sau kỷ lục xuất khẩu hơn 8 triệu tấn vào năm 2012, năm 2018, ngành Lúa gạo của Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công lớn khi đạt sản lượng xuất khẩu cao nhất kể từ năm 2013, lên gần 7 triệu tấn. Tổng sản lượng ngành Lúa gạo cả nước đạt hơn 44 triệu tấn lúa, tăng 1,2 triệu tấn so với 2017, xuất khẩu gạo đạt giá trị 3,03 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017. Điểm nổi bất là giữa lúc thị trường số 1 là Trung Quốc giảm sút đến 40%, Việt Nam lại xuất khẩu được gạo vào 2 thị trường là Philipine và Indonesia.

Duy trì sản lượng gạo xuất khẩu trung bình 6 - 7 triệu tấn mỗi năm, Việt Nam đã vươn lên vị trí nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới. 

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long được xem là kho lúa gạo của cả nước và thế giới, với hơn 50% sản lượng gạo và chiếm 90% sản lượng xuất khẩu gạo của cả nước. Với kết quả tích cực của năm 2018, ngành Công Thương các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu cho năm 2019 cao hơn.

Song, thị trường xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2019 lại có những diễn biến không thuận lợi. Nhu cầu tiêu thụ gạo trong năm 2019 cho thấy là rất lớn, tập trung vào các sản phẩm gạo chất lượng cao. Tuy nhiên, cùng với việc nhu cầu tăng cao, các thị trường nhập khẩu cũng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đã ghi nhận sự quay đầu sụt giảm giá mạnh, khi khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2019 ước đạt 373.000 tấn, với giá trị đạt 167 triệu USD, giảm 24,2% về khối lượng và giảm 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc chững lại. Tính đến giữa tháng 1/2019, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc được 132.000 tấn gạo, giảm 31,75% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ năm 2016. Các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm so với Thái Lan và Ấn Độ, do đang bước vào vụ thu hoạch lớn nhất trong năm là vụ Đông Xuân. Bên cạnh đó, các giao dịch xuất khẩu cũng ít hơn trong thời gian cận Tết.

Trong bối cảnh đó, những khó khăn nội tại của ngành Lúa gạo Việt Nam càng được đặt ra một cách cấp thiết, nhất là khi Việt Nam chưa có thương hiệu gạo xuất khẩu quốc gia, trong khi phải cạnh tranh gay gắt với các nhà xuất khẩu lớn là Thái Lan, Ấn Độ và một số nước mới nổi như Campuchia, Myanmar và Pakistan với những loại gạo đạt chất lượng vượt trội… liên tiếp gây áp lực đối với tình hình xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam.

2. Nhiều chính sách ưu đãi đặc thù hỗ trợ cho ngành Lúa gạo Việt Nam

Để hỗ trợ vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung và cho người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh xuất khẩu lúa gạo nói riêng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đặc thù.

Các chính sách luôn được sửa đổi bổ sung hoàn thiện phù hợp với thực tế phát triển của ngành như Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, sau đó được thay thế bởi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và gần đây nhất là Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP với nhiều cơ chế ưu đãi đột phá, phù hợp với thực tiễn, như: nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu mối tổ chức mô hình liên kết với nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gia tăng giá trị sản phẩm.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân khi vay vốn ngân hàng để mua máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến lúa gạo… nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo các Quyết định số 63, 65 và 68. 

Trước những tín hiệu bất lợi cho xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã chủ động bám sát diễn tiến thị trường chủ động có các giải pháp điều hành cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo theo hướng mở. Theo đó, tự do hóa thị trường tập trung, không quản lý đầu mối nữa mà các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng được các yêu cầu đêu có thể tham gia xuất khẩu bình thường. Về mặt chính sách, đã chủ động “mở” sớm Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị nhằm chủ động tìm cách tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo cả nước, sơ kết tình hình xuất khẩu gạo, cũng như nhận diện các khó khăn, thuận lợi từ đó đưa ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Theo các chuyên gia, những năm gần đây, nhiều nước tiêu dùng, nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo, như: thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo; thay đổi phương thức nhập khẩu gạo cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu G2P để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh và chất lượng cao hơn.

Cùng đó, các nước nhập khẩu cũng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực. Các nước sản xuất tập trung tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, điều kiện canh tác để sản xuất gạo có chất lượng và có thương hiệu. Các động thái và tình hình trên đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua.

Trước xu thế toàn cầu trên, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan trong thời gian qua đã nỗ lực triển khai các biện pháp, giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần tiêu thụ hết lúa gạo cho người nông dân.

Ba chính sách lớn đã được ban hành là: Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu ngành Lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị định quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Đặc biệt, ngày 15/8/2018, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đã được ban hành thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP. Có thể đánh giá, Nghị định 107 đã thể hiện tư duy quản lý mới theo hướng giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho thương nhân, tạo động lực giải phóng mạnh mẽ năng lực kinh doanh thương mại, năng lực thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân.

Nghị định số 107/2018/NĐ-CP cũng bổ sung, điều chỉnh nhiều quy định về hợp đồng tập trung, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả các quy định về cơ chế hợp đồng tập trung, thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và giảm tổn thất trong nông nghiệp, ngành Ngân hàng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm triển khai chủ trương của Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và lúa gạo nói riêng được tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi hợp lý và giảm áp lực tài sản đảm bảo đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành Lúa gạo. 

Sau 2 năm (2017 - 2018) thành công liên tiếp của ngành Lúa gạo Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, trước diễn biến không thuận lợi của thị trường xuất khẩu lúa gạo trong những tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động chỉ đạo các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để doanh nghiệp thu mua thóc, gạo cho nông dân. Ngành Ngân hàng cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo.

Để thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo nói chung và tại Khu vực ĐBSCL nói riêng, ngoài các giải pháp nên trên, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, các chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù của Chính phủ để hỗ trợ sản xuất cho người dân, đặc biệt sẽ phối hợp UBND các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đẩy mạnh cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển bền vững ngành Lúa gạo của Việt Nam. Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho hộ dân, doanh nghiệp trong khu vực tiếp cận vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với các ngành chủ lực của vùng là nuôi trồng - sản xuất - xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và rau quả.

Xác định được mục tiêu nâng cao giá trị gạo, năm 2019, ngành Lúa gạo Việt Nam tiếp tục tập trung đi theo hướng sản xuất bền vững, tăng sản xuất các giống lúa chất lượng để nâng cao chất lượng, giá trị tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo đó, nhu cầu vay vốn để nâng cấp công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và công suất chế biến gạo tăng cao. Đồng thời, để giải quyết vấn đề thu mua lúa cho nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan về việc triển khai biện pháp chỉ đạo Tổng Công ty Vinafood 1,2, đồng thời vận động các doanh nghiệp thu mua dự trữ lúa gạo cho hộ nông dân trong vụ Đông Xuân, giải quyết vấn đề giá lúa thấp người nông dân sản xuất không có lãi hoặc có nhưng mức lãi rất thấp. Dự kiến mua để phục vụ cho dự trữ lương thực quốc gia là 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo, thu mua để hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoảng 100.000 tấn.

3. Cơ hội cho ngành Lúa gạo Việt Nam

Năm 2019, ngành Lúa gạo Việt Nam được đánh giá gặp nhiều khó khăn, song với sự quan tâm chỉ đạo khẩn trương của Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của các Bộ, ban, ngành và sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, những tín hiệu vui từ hoạt động xuất khẩu lúa gạo cuối năm 2019 và tình hình xuất khẩu gạo năm 2020 được dự báo có nhiều khời sắc, khi hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi mở ra một hướng phát triển mới trong tương lai.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất và XK gạo bền vững bằng cách xây dựng các chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín. Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, doanh nghiệp này đã sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, tạo vùng nguyên liệu, xây dựng các cánh đồng lớn ở nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long với sự hỗ trợ của lực lượng kỹ sư 3 cùng (cùng ăn, cùng ở và cùng làm với bà con nông dân). Bên cạnh đó, liên kết chặt với các hợp tác xã kiểu mới, kiểm soát chặt quy trình từ khâu trồng trọt đến phân loại lúa khi thu hoạch, chế biến tại nhà máy và xuất khẩu gạo.

Với định hướng chỉ xuất khẩu gạo chất lượng và độ thuần cao, doanh nghiệp đã từng bước giảm dần gạo đóng bao 25 kg hoặc 50 kg, chủ yếu đưa ra sản phẩm đóng gói 5 - 10 kg. Đây là một trong những lý do giúp doanh nghiệp ngày càng mở rộng được thị trường và nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong suốt thời gian qua.

Về cơ hội thị trường, khi FTA Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu thông qua, các chuyên gia của ngành Nông nghiệp nhận định: “EVFTA có hiệu lực có thể không khiến kim ngạch xuất khẩu gạo tăng đột biến, song sẽ là cơ hội rất lớn để đa dạng hóa thị trường cho gạo xuất khẩu. Việc có mặt ở một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất thế giới cũng là cơ hội cho gạo Việt Nam quảng bá thương hiệu và vào được nhiều thị trường khác”.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang kỳ vọng mở rộng thị trường trong năm 2020 sau năm 2019 gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 6,37 triệu tấn gạo, trị giá 2,8 tỷ USD, tăng 4,2% về lượng và giảm 8,3% giá trị.
Tuy nhiên, bước vào tháng đầu tiên của năm 2020, tình hình xuất khẩu gạo đang có dấu hiệu khả quan hơn. Cụ thể, dù rơi vào thời điểm nghỉ Tết, nhưng xuất khẩu gạo tháng 1/2020 vẫn đạt 559,61 nghìn tấn, trị giá 270,26 triệu USD, tăng 28,05% về lượng và 38,38% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu gạo cũng có nhiều khả năng tăng trưởng tốt trong các tháng tới khi theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Nông nghiệp Nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Philippines - thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam trong năm 2019 sẽ tiếp tục là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với khoảng 2,5 triệu tấn gạo. Bên cạnh đó, đại diện của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho biết, năm 2020, triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam là khá tốt khi tiêu thụ tại châu Phi tương đối khả quan.

Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam có một số thuận lợi do các FTA đã đi vào thực thi. Cụ thể, trong khuôn khổ tham vấn song phương với Hàn Quốc về việc nước này thuế hóa mặt hàng gạo trong khuôn khổ WTO, Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc hai văn bản là Thỏa thuận nhiều bên giữa Hàn Quốc và 5 đối tác WTO (gồm Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam), về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan; Thư trao đổi song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phân bổ hạn ngạch thuế quan. Như vậy, kể từ ngày 1/1/2020, bên cạnh việc phân bổ 20 nghìn tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo. Lượng hạn ngạch phân bổ cho Việt Nam bao gồm các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và xuất khẩu.
Với thị trường EU, EVFTA khi có hiệu lực sẽ mở hạn ngạch khoảng 40 nghìn tấn gạo (trong tổng số 85 nghìn tấn hạn ngạch theo cam kết)… Đây là cơ hội để nhiều loại gạo của Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ vào được thị trường này.

Ngoài ra, sau hơn 1 năm thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã cấp thêm 47 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo, nâng con số thương nhân XK gạo lên 182 thương nhân, mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp cùng được tham gia xuất khẩu gạo trong bối cảnh nhiều FTA đã và đang chuẩn bị có hiệu lực.

4. Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu cho ngành Lúa gạo Việt Nam

Cơ hội cho ngành Lúa gạo là có, song khó khăn chưa kết thúc. Trước mắt, tình trạng hạn mặn xảy ra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã và đang tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất lúa gạo. Trong tháng 2/2020, các doanh nghiệp vẫn chưa có hợp đồng tập trung nào lớn. Đặc biệt, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp đã và đang tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu gạo khi các giao dịch xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Tuy vậy, ở góc độ tích cực, do từ vài năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp để trở thành quốc gia xuất khẩu gạo, đồng thời đang trong tình hình dịch bệnh cũng khiến lượng cung gạo từ Trung Quốc giảm đi, tạo cơ hội cho gạo Việt Nam chiếm lĩnh các thị trường xuất khẩu gạo Trung Quốc để lại.

Để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong năm 2020, lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý các DN cần chú ý khi ký kết hợp đồng phải có điều khoản bảo hiểm, tránh rủi ro. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tập trung giữ vững thị trường Philippines, đáp ứng những tiêu chuẩn của nước bạn đưa ra.

Về phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng khuyến cao thêm, ngành Lúa gạo cần phải phát triển các loại gạo mới có chất lượng, thương hiệu, bên cạnh việc chú trọng tới khâu sản xuất, xây dựng quảng bá hình ảnh. Sau bài học từ cơn sốt gạo ngon nhất thế giới ST25 cho thấy, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn đến những sản phẩm có giá trị cao, có uy tín trên thị trường. Hiệu ứng từ gạo ST25 đã khiến loại gạo ST24 của nhiều DN xuất khẩu được quan tâm, tiêu thụ mạnh hơn, kéo theo giá thành được đẩy lên rất cao từ 22 ngàn đồng/kg lên 34.000 - 35.000 đồng/kg. Chính vì thế, doanh nghiệp cần nghiên cứu đầu tư sâu giống mới, cũng như sản xuất mặt hàng lúa thơm có lợi nhuận cao, thay vì trồng các loại gạo trắng bình thường có giá trị thấp.

Về lâu dài, tái cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác được khuyến cáo cần phải đi theo hướng lấy tín hiệu thị trường để định đướng quy hoạch và tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu, nhằm ổn định hoạt động tiêu thụ với giá có lợi cho người nông dân, nâng cao thu nhập của người nông dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

2. Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018), Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

3. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số: 942/QĐ-TTg, phê duyệt “Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016), Quyết định số 1898/QĐ-BNN-TT, ngày 23/5/2016, phê duyệtĐề án tái cơ cấu ngành Lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

5. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 706/QĐ-TTg năm 2015, ngày 21/5/2015, phê duyệt “Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Solutions for developing Vietnam’s rice industry

Nguyen Dang Kim Chi

Department of Economics, Trade Union University

ABSTRACT:

Rice plays a strategic role in Vietnam's food security. Despite difficulties in the export market, Vietnam still exported 6.3 million tons of rice with a turnover of US $ 2.7 billion in 2019 thanks to the close attention from the Government of Vietnam, the active participation of ministries, departments and units. This paper analyzes the challenges, opportunities and drastic policies of the government to support the rice industry, thereby suggesting some suggestions for the development of Vietnam's rice export in the next period.

Keywords: Exports, Vietnam's rice industry, solution.