Những khó khăn của doanh nghiệp khi ứng phó kiện chống lẩn tránh tại Hoa Kỳ và cách khắc phục

Nếu bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thì doanh nghiệp rất khó hoặc gần như không thể xin rà soát và phải phụ thuộc hoàn toàn vào biện pháp ban đầu mà Hoa Kỳ áp dụng với hàng hóa của các nước khác thuộc diện áp thuế chống lẩn tránh bán phá giá, chống trợ cấp...

chống lẩn tránh Hoa Kỳ

Trao đổi tại một tọa đàm do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã chia sẻ về việc Hoa Kỳ gia tăng sử dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với hàng hóa các nước, trong đó có Việt Nam cũng như những khó khăn gặp phải của doanh nghiệp Việt Nam khi ứng phó với các vụ việc này.

Hoa Kỳ gia tăng điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Hoa Kỳ là một trong những thành viên của WTO tích cực điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước. Công cụ này Hoa Kỳ áp dụng không chỉ với Việt Nam mà với các nước có tốc độ gia tăng hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Đặc biệt đối với việc điều tra chống lẩn tránh, biện pháp này đã được áp dụng với hàng hóa từ một quốc gia khác khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhưng sau khi áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá thì nhận thấy tốc độ tăng xuất khẩu từ Việt Nam hoặc từ một số quốc gia khác sang Hoa Kỳ đối với mặt hàng tương tự, đặc biệt là những nước có giáp đường biên giới với các nước đang bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là một trong những lý do các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ sẽ tiến hành nghiên cứu điều tra và có thể khởi xướng, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các quốc gia đó, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ không chỉ áp với các mặt hàng từ Việt Nam mà còn với những quốc gia khác như Malaysia, Thái Lan… và được tăng cường trong năm 2022, đặc biệt sau hai quý đầu năm khi Hoa Kỳ khôi phục lại các biện pháp bình thường hóa mở cửa thị trường các hoạt động kinh tế và quan hệ thương mại với các nước trên thế giới.

Với riêng Việt Nam, số lượng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp tăng cao, một trong những lý do là hàng Việt Nam có cường độ cũng như tỷ trọng, giá trị tuyệt đối gia tăng rất nhanh tại Hoa Kỳ.

Theo ông Hưng, một điểm cần lưu ý là các quy định mới của Hoa Kỳ từ cuối năm 2021, đặc biệt là những quy định về các bước điều tra cũng như các phạm vi nội hàm liên quan cũng đã được mở rộng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan của Hoa Kỳ trong quá trình khởi xướng điều tra cũng như  xác định mức độ của các mặt hàng gia tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, trong đó có các mặt hàng từ Việt Nam.

Hưng- Thương vụ Hoa Kỳ
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ tại Tọa đàm do Tạp chí Công Thương tổ chức

Những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi ứng phó các vụ việc chống lẩn tránh tại Hoa Kỳ

Ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết, đặc điểm, tiến trình điều tra vụ việc chống lẩn tránh tại Hoa kỳ khác với vụ việc phòng vệ thương mại thông thường.

Việc điều tra cũng như áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ là do hai cơ quan độc lập tiến hành bao gồm Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) xác định xác định về mức độ vi phạm và Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ xác định về mức độ thiệt hại của ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ.

Chỉ khi nào hai cơ quan trên cùng đưa ra kết luận khẳng định có vi phạm và có các hành vi liên quan về các biện pháp gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Hoa Kỳ thì cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ mới áp dụng các biện pháp theo quy định. Chính vì đặc điểm tiến hành này mà việc tham gia đấu tranh trong các vụ kiện phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ sẽ được tiến hành ở nhiều kênh khác nhau,  nhiều mức độ khác nhau và phạm vi khác nhau cũng như trong một số trường hợp có thể mang lại cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với các biện pháp chống lẩn tránh thuế, chống lẩn tránh bán phá giá, chống trợ cấp thì hoàn toàn khác. Việc điều tra và ban hành kết luận hoàn toàn do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiến hành và tiêu chí để xác định hành vi lẩn tránh hoàn toàn khác với tiêu chí đánh giá trong vụ việc phòng vệ thương mại thông thường.

Thêm vào đó, nếu bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thì doanh nghiệp rất khó hoặc gần như không thể xin rà soát và phải phụ thuộc hoàn toàn vào biện pháp ban đầu mà Hoa Kỳ áp dụng với hàng hóa của các nước khác thuộc diện áp thuế chống lẩn tránh bán phá giá, chống trợ cấp.

Qua quá trình tham gia phối hợp thực hiện yêu cầu của Cục Phòng vệ thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhận thấy những hạn chế của doanh nghiệp trong nước khi tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.

Thứ nhất, với những doanh nghiệp lớn có tiềm lực về nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực thì việc tiếp cận các vụ việc phòng về thương mại rất bài bản. Tuy nhiên đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tiếp cận rất hạn chế do phải tuân thủ các quy trình thủ tục rất chặt chẽ của cơ quan của Hoa Kỳ mà trong quá trình yêu cầu đảm bảo công khai minh bạch và xuyên suốt có tính kế thừa và tiếp nối cũng như phải đảm bảo các tài liệu kiểm chứng được chứng nhận. Thêm vào đó, Hoa Kỳ có rất nhiều yêu cầu về cách thức cung cấp các tài liệu các bản câu hỏi, trả lời.

Thứ hai, việc cung cấp thông tin là trong một số trường hợp không đúng theo yêu cầu của cơ quan Hoa Kỳ, việc cung cấp thông tin bị quá hạn trả lời và trong một số trường hợp phải có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương có văn bản gửi cho các cơ quan của Hoa Kỳ yêu cầu gia hạn thời gian trả lời.

Thứ ba, việc cung cấp thông tin của các doanh nghiệp trong một số trường hợp thiếu hồ sơ, giấy tờ và các tài liệu kiểm chứng, do vậy các cơ quan của Hoa Kỳ khi tiếp nhận các tài liệu này đánh giá chưa đầy đủ, chưa đúng và ảnh hưởng đến quá trình xem xét về kết quả các biện pháp nghiên cứu, áp dụng phòng vệ thương mại.

Thứ tư, việc cung cấp thông tin của doanh nghiệp đôi khi không phù hợp với giai đoạn điều tra của vụ việc. Những việc này cơ bản ngoài các lý do khách quan do các nội dung phạm vi yêu cầu trả lời câu hỏi rất rộng và rất phức tạp thì xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm, chưa ý thức được hết những yêu cầu, quy định pháp luật của cơ quan phòng vệ thương mại Hoa Kỳ nói chung và các yêu cầu cụ thể nói riêng của từng cơ quan.

Do vậy trong quá trình tham gia các vụ việc này, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tham gia, trao đổi cụ thể với doanh nghiệp, hiệp hội như Hiệp hội Gỗ và và Lâm sản và các cơ quan khác trong các vụ việc phòng vệ thương mại vừa qua; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và các cơ quan liên quan trực tiếp để có thể đảm bảo việc cung cấp thông tin một cách kịp thời nhanh chóng chính xác và đúng thời hạn theo quy định của cơ quan pháp luật Hoa Kỳ.

Thay đổi để hạn chế những rủi ro

Trả lời câu hỏi doanh nghiệp cần thay đổi thế nào để hạn chế những rủi ro bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và chống lẩn tránh nói riêng tại thị trường Hoa Kỳ, cũng như trong cách tiếp cận và xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng trước hết các doanh nghiệp cần phải tăng cường tìm hiểu pháp luật, quy định về phòng vệ thương mại.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ tại thời điểm hiện nay là một trong những yếu tố chính để các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá và có thể xem xét khởi xướng các vụ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam.

Để hạn chế các vụ việc, thứ nhất về góc độ nghiên cứu các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tăng cường tìm hiểu pháp luật, quy định về phòng vệ thương mại và đặc biệt tham gia các chương trình hội thảo, các hoạt động trao đổi thông tin do cơ quan đầu mối là Cục Phòng vệ thương mại tổ chức rất hiệu quả và cung cấp thông tin kịp thời sâu rộng cho các doanh nghiệp thời gian vừa qua.

Về các hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp, trong quá trình xuất khẩu sản xuất các doanh nghiệp cần coi trọng xuất xứ nguồn nguồn gốc nguyên liệu để tạo thành một sản phẩm xuất khẩu và lưu ý sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc không phải từ các nước hiện đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đặc biệt trong quá trình sản xuất và xuất khẩu, doanh nghiệp phải tạo được các giá trị gia tăng giá trị thặng dư trên sản phẩm xuất khẩu, qua đó góp phần tăng giá trị xuất khẩu tuyệt đối cũng như mang lại các lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước và cũng như hạn chế các vụ việc về phòng vệ thương mại mà các cơ quan liên quan của các nước, trong đó có Hoa Kỳ hiện nay đang áp dụng hay tiến hành điều tra.

Ở góc độ của cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Hưng cho biết Thương vụ đóng vai trò đầu mối tiền tuyến tiếp nhận thông tin rà soát đánh giá và nghiên cứu sơ bộ và báo cáo về trong nước để xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, qua đó có thể tiếp cận trực tiếp với các cơ quan quản lý nhà nước của Hoa Kỳ để góp tiếng nói đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng như thể hiện Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm và luôn tôn trọng các quy định, các quy tắc trong thương mại quốc tế và thực hiện đúng theo các quy định của cơ quan hữu quan, trong đó có cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ.

Thanh Hà