“No ba ngày Tết” với mâm cỗ ba miền

Tết Nguyên đán là kỳ lễ tết quan trọng nhất đối với người Việt. Đây là dịp để các gia đình sum họp, tận hưởng niềm vui đoàn tụ. Vì vậy, mâm cỗ Tết của người Việt luôn đủ đầy và thịnh soạn hơn ngày thường, mang ý nghĩa tri ân đến ông bà, tổ tiên và cầu mong năm mới ấm no, hạnh phúc.

Các món ăn trong mâm cỗ Tết thường được chế biến cầu kỳ và bày biện, trang trí bắt mắt. Tuỳ theo vùng miền, mâm cỗ Tết có những biến tấu khác nhau, phù hợp với văn hoá địa phương.

Tinh vị Bắc

Mâm cỗ Tết ở miền Bắc tuân thủ theo quy tắc 4 bát 4 đĩa, không bao gồm nước chấm, dưa hành và xôi. Con số 4 tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Với những gia đình khá giả hơn có thể chuẩn bị 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa.

Cơ bản, một mâm cỗ Tết sẽ bao gồm 4 bát 4 đĩa.

Mâm cỗ Tết miền Bắc
Tinh hoa ẩm thực trên mâm cỗ Tết truyền thống miền Bắc

Bốn bát gồm một bát chân giò lợn hầm măng lưỡi, một bát bóng bì thả, một bát miến và một bát mọc nấm thả. Ngoài ra, nhiều gia đình còn chuẩn bị thêm một bát su hào thái chỉ ninh kỹ, một bát chim hầm để nguyên cả con và một bát gà tần. 

Bốn đĩa gồm một đĩa thịt gà, một đĩa bánh chưng, một đĩa nem rán, một đĩa giò lụa hoặc chả quế. Trong đó, thịt gà hàm ý cho sự phú quý, thịnh vượng. Bánh chưng đại diện cho sự no đủ, sung túc. Nem rán tượng trưng cho sự gắn kết, hòa hợp giữa các thành viên trong gia đình.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn bày thêm đĩa thịt đông - món ăn đặc trưng cho những ngày lạnh miền Bắc và đĩa xôi gấc đỏ mang đến sự may mắn, thuận lợi.

Tuy là nhiều món nhưng mỗi món chỉ bày vào một bát hay đĩa nhỏ nên mâm cỗ Tết miền Bắc không chỉ đa dạng, hài hoà mà còn đẹp mắt.

Đậm vị Trung

Miền Trung là nơi có thời tiết khắc nghiệt nhất cả nước, hơn nữa dù vào dịp Tết, nhiệt độ vẫn khá cao. Vì vậy, văn hóa ẩm thực cũng khác biệt ứng với tinh thần tiết kiệm, san sẻ của con người miền Trung, thể hiện qua việc các món ăn được chia ra thành từng đĩa nhỏ, bày biện trên chiếc mâm tròn.

Những món ăn thường thấy trong mâm cỗ Tết miền Trung bao gồm bánh tét, gà luộc, thịt luộc, nem chua, tôm chua, thịt heo ngâm mắm, tôm thịt rim, món cuốn hỗn hợp, dưa món,…

Mâm cỗ Tết miền Trung
Nét riêng của mâm cỗ Tết miền Trung

Khác với bánh chưng, mâm cỗ Tết miền Trung có bánh tét. Bánh tét được bao bọc bởi nhiều lớp lá chuối, nhìn giống hình ảnh người mẹ đang ôm lấy con của mình. Có lẽ vì thế mà bánh tét tượng trưng cho sự yêu thương, đùm bọc của cha mẹ với con cái. Đồng thời cũng là lời nhắc nhở con cái phải hiếu thảo với cha mẹ.

Các món mặn như thịt heo ngâm mắm, tôm thịt rim,… xuất phát từ tính chắt chiu, tiết kiệm của người miền Trung bởi các món ăn này có thể lưu trữ lâu dài. Đặc biệt, người miền Trung rất thích ăn những món cuốn nên mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu các món như thịt luộc, cá hấp cuốn bánh tráng, nem lụi,…

Tròn vị Nam

Vốn tính phóng khoáng, người miền Nam ít câu nệ về hình thức mâm cỗ ngày Tết, số lượng món ăn không quá nhiều. Tuy vậy, mâm cỗ Tết ở miền Nam vẫn đủ đầy và phong phú.

Tuỳ thuộc điều kiện, sở thích, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ khác nhau, trong đó có ba món ăn không thể thiếu.

Mâm cỗ Tết miền Nam
Những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết miền Nam

Thứ nhất là thịt kho hột vịt với miếng thịt vuông, quả trứng tròn tượng trưng cho trời đất, năm mới trọn vẹn, đầy đủ. Thịt kho hột vịt thường được kho trong một nồi lớn để ăn trong nhiều ngày liền.

Thứ hai là canh khổ qua nhồi thịt với mong muốn “cái khổ đi qua”. Người xưa quan niệm rằng ăn canh khổ qua thì mọi sự khổ ải sẽ đều qua đi để đón chào một năm mới hạnh phúc.

Thứ ba là bánh tét. Bánh tét ở miền Nam rất đa dạng về nhân: đậu xanh, đậu đen, chuối, dừa,… 

Ngoài ra, các gia đình thường có thêm gà luộc, chả giò, gỏi ngó sen, lạp xưởng,...

Mâm cỗ, mâm cúng Tết của ba miền tuy có nhiều điểm khác nhau trong các món ăn, cách bày trí cho đến những nguyên tắc, ý nghĩa đằng sau đó. Song, những mâm cỗ ấy đều thể hiện những giá trị thiêng liêng, sâu sắc của nền văn hóa và tín ngưỡng của con người Việt Nam.

Ngọc Châm