Kết thúc phiên họp ngày 4/10 (theo giờ địa phương), liên minh OPEC+ “tái khẳng định kế hoạch điều chỉnh sản lượng khai thác” vốn được các nước thành viên thông qua trước đó. Do đó, liên minh này chỉ tiếp tục nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11/2021.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Thông tin trên đã đẩy giá dầu thô thế giới tăng vọt; chốt phiên giao dịch ngày 4/10 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tăng 2,5% lên 81,26 USD/thùng. Đây là khoảng giá cao nhất kể từ hồi năm 2018. Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô Brent đã tăng 1,5% và xác lập tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng chốt phiên tăng 2,3% lên 77,62 USD/thùng – mức cao nhất kể từ năm 2014.
Quyết định của liên minh OPEC+ đưa ra gây bất ngờ phần lớn thị trường khi một số quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu dầu thô lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ ngày càng gây sức ép, kêu gọi gia tăng sản lượng khai thác nhằm giữ giá dầu ở “mức vừa phải”.
Vào ngày 22/9, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq từng cho biết liên minh OPEC+ sẽ tìm cách giữ giá dầu thô quanh ngưỡng 70 USD/thùng nhằm hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Iraq là quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ hai, sau Ả-rập Xê-út, trong khối OPEC.
Sau phiên họp, Phó Thủ tướng Nga Alexander Noval cho biết "Chúng tôi (liên minh OPEC+) sẽ theo dõi tình hình. Theo như chúng tôi quan sát thấy, nhu cầu thường sẽ giảm trong quý 4 do đó các nước thành viên chưa thể thống nhất kế hoạch tăng sản lượng cho những tháng cuối năm nay". Nga hiện là quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ.
Trong năm 2020, liên minh OPEC+ đã phải giảm sản lượng khai thác ở mức kỷ lục 5,8 triệu thùng/ngày để giữ thị trường dầu mỏ cân bằng trước tác động của đại dịch Covid-19. Hồi tháng 7 vừa qua, các nước thành viên liên minh OPEC+ đạt đồng thuận trong việc nâng dần sản lượng khai thác trở lại với việc nâng sản lượng thêm 400.000 thùng/tháng cho đến ít nhất tháng 4/2022.
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu đang tăng mạnh trở lại; trong khi đó, nguồn cung dầu thô lại bị suy yếu do siêu bão Ida đổ bộ vào khu vực Vịnh Mexico của Hoa Kỳ và thiếu hụt đầu tư mới vào lĩnh vực dầu khí tại một số quốc gia. Mức tăng giá cao kỷ lục của khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) cũng đang khiến nhu cầu sử dụng dầu nhiên liệu để sản xuất điện tại các quốc gia Nam Á như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh tăng lên, góp phần đẩy giá dầu thô tăng mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng hơn 50%.