Phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị nho Ninh Thuận

TS. TRẦN ĐÌNH LÝ (Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích quá trình phân phối lợi nhuận của việc trồng nho giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị cây nho Ninh Thuận. Kết quả phân tích giá trị gia tăng và giá trị gia tăng thuần cho thấy sự phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị nho Ninh Thuận là bất cân bằng giữa các tác nhân. Mặc dù phân phối lợi nhuận bất cân bằng giữa các tác nhân trong các kênh tiêu thụ được phân tích nhưng lợi ích của họ đều tăng lên qua thời gian, đặc biệt là nông dân trồng nho nhờ vào giá nho bán cho thương lái tăng. Bên cạnh đó, nông dân cũng là đối tượng được thanh toán bằng tiền mặt ngay sau khi bán hàng cho thương lái. Để phát triển bền vững chuỗi giá trị nho ở Ninh Thuận, tác giả đã đề xuất nhóm khuyến nghị đối với các tác nhân trong chuỗi giá trị nho Ninh Thuận.

Từ khóa: Chuỗi giá trị, nho Ninh Thuận, chi phí trung gian, giá trị gia tăng.

1. Đặt vấn đề

Ninh Thuận, miền đất cực Nam Trung Bộ, là một vùng đất trồng nho nổi tiếng ở Việt Nam do có đặc điểm khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng rất đặc thù, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của loài cây này. Đặc điểm của cây nho cần có mùa khô đủ dài để tích lũy chất đường, tạo quả. Bên cạnh đó, lượng mưa thấp cũng cần thiết để quả nho không bị nứt, bệnh, rụng quả và đồng thời cũng cần độ ẩm không khí thấp để trái ngọt, vị ngon,… Ninh Thuận là vùng đất khô nhất của Việt Nam, có đầy đủ những yếu tố thuận lợi để phát triển. Vì vậy, cây nho đã trở thành cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Mặc dù có điều kiện trồng thuận lợi nhưng cây nho tại Ninh Thuận vẫn “ba chìm bảy nổi” trong hơn một thập kỷ qua. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, năm 2014, toàn tỉnh hiện có khoảng 800 ha diện tích nho, năng suất đạt gần 25 tấn/ha, sản lượng 16.965 tấn. So với thời điểm năm 1998 (diện tích cây nho phát triển mạnh, đạt cao nhất là 2.400ha) thì đến nay diện tích, năng suất và chất lượng cây nho đã có sự sụt giảm khá mạnh. Trong khi đó, người trồng nho vẫn phải đầu tư rất lớn, làm cho hiệu quả kinh tế của việc trồng nho không cao và cây nho không cạnh tranh được so với một số cây trồng khác.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích quá trình phân phối lợi nhuận của việc trồng nho giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị cây nho Ninh Thuận. Từ đó đưa ra các khuyến nghị để sản phẩm nho Ninh Thuận có thể cạnh tranh được với các loại nho nhập khẩu cùng loại và hướng tới sản xuất nho an toàn.

Tiếp theo phần đặt vấn đề, phần 2 sẽ trình bày lý luận về chuỗi giá trị và phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị. Thực trạng sản xuất nho tại tỉnh Ninh Thuận sẽ được trình bày trong phần 3. Trong phần 4, tác giả sẽ trình bày kết quả nghiên cứu về phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị nho Ninh Thuận. Cuối cùng, trên cơ sở kết quả phân tích chuỗi giá trị nho, tác giả sẽ đưa ra các khuyến nghị cho các tác nhân trong chuỗi giá trị nho Ninh Thuận trong phần 5.

2. Lý luận về chuỗi giá trị và phân tích kinh tế chuỗi giá trị

2.1. Khái niệm chuỗi giá trị

Theo Kaplinsky và Morris (2001), chuỗi giá trị nói đến là cả loạt các hoạt động cần thiết để chế biến một sản phẩm (hoặc một dịch vụ) thông qua các giai đoạn sản xuất khác nhau, đến khi phân phối tới người tiêu dùng cuối cùng và vứt bỏ sau khi đã sử dụng. Một chuỗi giá trị tồn tại khi tất cả những người tham gia trong chuỗi hoạt động để tạo ra giá trị tối đa trong toàn chuỗi.

Theo Porter (1985), chuỗi giá trị là chuỗi tất cả các hoạt động từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng trong doanh nghiệp mà chúng tạo ra giá trị cho sản phẩm hoặc dịch vụ.

2.2. Phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị

Phân tích lợi nhuận trong chuỗi giá trị bao gồm việc tính chi phí đầu vào (hay chi phí trung gian), chi phí tăng thêm, giá trị gia tăng và giá trị gia tăng thuần (lợi nhuận).

Chi phí trung gian: Theo UNIDO (2009), chi phí trung gian là những chi phí đầu vào của các tác nhân là giá bán ra của các tác nhân đứng trước. Chẳng hạn như chi phí đầu vào của thương lái là giá bán của nông dân. Tuy nhiên, trong các chuỗi sản phẩm nông nghiệp, nhà sản xuất ban đầu thường là nông dân hoặc trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất,... Vì vậy, cần phân biệt chi phí đầu vào và chi phí tăng thêm (chi phí gia tăng). Theo cách tiếp cận phương pháp chuỗi giá trị của GTZ thì chi phí đầu vào của nông dân bao gồm các chi phí nguyên vật liệu trực tiếp sản xuất ra sản phẩm đó. Chẳng hạn như chi phí đầu vào của nông dân trồng lúa bao gồm chi phí giống và chi phí vật tư (phân bón, thuốc trừ sâu,…).

Chi phí tăng thêm: Chi phí tăng thêm là chi phí phát sinh của mỗi tác nhân ngoài chi phí đầu vào như chi phí dự trữ, bảo quản; chi phí lưu thông cho việc mua đầu vào và bán đầu ra, chi phí điện, nước; chi phí lao động (lao động nhà và lao động thuê),...

Tổng chi phí: Tổng chi phí của mỗi tác nhân sẽ bằng chi phí đầu vào cộng với chi phí tăng thêm.

Giá trị gia tăng: Đây là một bộ phận cấu thành của tổng giá trị sản xuất, là giá trị tăng thêm của sản phẩm hàng hóa được sáng tạo và thực hiện trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Trong nghiên cứu về chuỗi giá trị, giá trị gia tăng là giá trị mà mỗi tác nhân trong chuỗi giá trị tạo ra. Giá trị gia tăng của mỗi tác nhân bằng giá bán trừ đi chi phí đầu vào tính trên 1 đơn vị trọng lượng (trên 1kg hay trên 1 tấn,.).

Giá trị gia tăng thuần (lợi nhuận): Trong nghiên cứu về chuỗi giá trị, giá trị gia tăng thuần là giá trị mà mỗi tác nhân trong chuỗi thu được sau khi đã loại bỏ tất cả các chi phí liên quan trong quá trình sản xuất. Theo đó, giá trị gia tăng thuần bằng giá bán trừ đi tổng chi phí tính trên 1 đơn vị trọng lượng.

3. Phương pháp nghiên cứu và thu thập dữ liệu

3.1. Phương pháp nghiên cứu

- Nghiên cứu sử dụng phương pháp tính toán tỷ lệ phân phối giá trị tăng thêm và tỷ suất lợi nhuận biên trong chuỗi giá trị được đề xuất bởi UNIDO (2009) để phân tích thực trạng phân phối lợi nhuận giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nho tại Ninh Thuận. Tác giả sử dụng phần mềm Microsoft Excel để phân tích dữ liệu. Những phương pháp tính toán và thống kê cơ bản được sử dụng trong nghiên cứu này. Các dữ liệu quan trọng trong phần kết quả nghiên cứu được tính toán như sau:

- Tính toán chi phí và lợi nhuận biên: Số liệu tính toán chi phí và lợi nhuận biên mỗi tác nhân được lấy trung bình trong giai đoạn 2013 - 2014.

- Tính toán tỷ lệ phân phối giá trị tăng thêm và tỷ suất lợi nhuận trong chuỗi giá trị được trình bày trong bảng 1 sau:


3.2. Phương pháp thu thập số liệu

Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua việc phỏng vấn trực tiếp các tác nhân trong chuỗi gồm nông dân trồng nho, thương lái, người bán sỉ trong tỉnh, người bán lẻ trong tỉnh, người tiêu dùng và cơ sở chế biến nho bằng việc sử dụng bảng câu hỏi.

Số liệu sơ cấp được thu thập: Từ tháng 1/2015 đến tháng 4/2015 và từ tháng 9/2015 đến tháng 11/2015. Được khảo sát ở 2 xã thuộc 2 huyện chủ yếu có trồng nho của Ninh Thuận là: xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải), xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước). Các bảng câu hỏi điều tra được thiết kế để phỏng vấn trực tiếp cho từng tác nhân trong chuỗi. Cụ thể, tác giả đã tiến hành phỏng vấn bao gồm 83 mẫu phỏng vấn hộ nông dân, 16 thương lái, 21 người bán sỉ trong tỉnh, 12 người bán lẻ trong tỉnh, 34 người tiêu dùng và 3 cơ sở chế biến.

Dữ liệu thứ cấp về diện tích, sản lượng trồng nho được tác giả lấy từ Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận

4. Kết quả nghiên cứu phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị nho Ninh Thuận


Theo kết quả nghiên cứu của tác giả, sơ đồ chuỗi giá trị nho Ninh Thuận được phân phối qua 4 kênh chủ yếu sau: 3 kênh chính tiêu thụ nho tươi và 1 kênh đặc thù (kênh chế biến nho).

Kênh 1: Nông dân trồng nho => Thương lái => Người bán sỉ trong tỉnh => Người bán sỉ ngoài tỉnh => Người bán lẻ ngoài tỉnh => Người tiêu dùng.

Kênh 2: Nông dân trồng nho => Thương lái => Người bán sỉ trong tỉnh => Người bán lẻ trong tỉnh => Người tiêu dùng.

Kênh 3: Nông dân trồng nho => Cơ sở chế biến => Người bán lẻ trong tỉnh => Người tiêu dùng.

Kênh 4: Nông dân trồng nho => Người bán sỉ trong tỉnh => Người bán lẻ trong tỉnh => Người tiêu dùng.

Trong nghiên cứu này, tác giả chỉ tập trung phân tích phân phối lợi nhuận trong 2 kênh phân phối chính là kênh 1 và kênh 2.

Các chỉ tiêu giá bán, chi phí, giá trị gia tăng, giá trị gia tăng thuần của các tác nhân trong kênh thị trường 1 được tính trung bình cho giai đoạn 2013 - 2014 và được trình bày qua bảng sau:

Kênh 1: Nông dân trồng nho => Thương lái => Người bán sỉ trong tỉnh => Người bán sỉ ngoài tỉnh => Người bán lẻ ngoài tỉnh => Người tiêu dùng.


Nông dân trồng nho: Tổng chi phí của nông dân trồng nho trung bình là 7.481 đồng/kg, sản phẩm làm ra bán cho thương lái với giá trung bình là 9.600 đồng/kg, vậy giá trị gia tăng thuần mà người trồng nho tạo ra là 2.119 đồng/kg. Thương lái: Người thương lái bán nho với giá trung bình là 14.600 đồng/kg, giá trị gia tăng mà thương lái tạo ra trong kênh là 4.488 đồng/kg. Chi phí trung gian của người thương lái chính là chi phí mua nho từ người nông dân, chi phí vận chuyển, bao bì còn có các chi phí tăng thêm như chi phí lao động, khấu hao tài sản, chi phí khác. Tổng các chi phí tăng thêm này là 526 đồng/kg nho, giá trị gia tăng thuần thương lái đạt được là 3.962 đồng/kg. Người bán sỉ trong tỉnh: thu mua nho từ thương lái và bán lại với giá trung bình là 18.250 đồng/kg, giá trị gia tăng của tác nhân này tạo ra là 2.780 đồng/kg nho. Chi phí tăng thêm của người bán sỉ trong tỉnh trung bình khoảng 611 đồng/kg gồm các chi phí thuê lao động, khấu hao tài sản, chi phí khác. Giá trị gia tăng thuần của người bán sỉ trong tỉnh là 2.169 đồng/kg nho. Người bán lẻ trong tỉnh: tác nhân này bán nho với giá trung bình là 23.100 đồng/kg, chi phí tăng thêm của tác nhân này trung bình khoảng 640 đồng/kg. Giá trị gia tăng người bán lẻ trong tỉnh tạo ra là 3.975 đồng/kg nho và giá trị gia tăng thuần họ đạt được là 3.335 đồng/kg. Qua kết quả phân tích cho thấy, người bán sỉ trong tỉnh và người bán lẻ trong tỉnh phải bỏ ra một chi phí lớn để kinh doanh nhưng giá trị gia tăng thuần mà họ đạt được chưa tương xứng vì thế lợi nhuận biên/tổng chi phí của các tác nhân này lần lượt là 0,14 lần và 0,17 lần. Trong khi đó, nông dân trồng nho và thương lái bỏ ra một chi phí thấp hơn nhưng đạt được giá trị gia tăng thuần cao hơn nên lợi nhuận biên/tổng chi phí của các tác nhân này lần lượt là 0,29 lần và 0,37 lần. Tỷ suất lợi nhuận biên/tổng chi phí của thương lái trong kênh thị trường này là cao nhất. Như vậy tại kênh thị trường 1 thì hiệu quả chi phí của thương lái cao hơn tất cả các tác nhân khác trong kênh.

Kênh 2: Nông dân trồng nho => Cơ sở chế biến => Người bán lẻ trong tỉnh => Người tiêu dùng

Để tính toán giá trị gia tăng và giá trị gia tăng thuần trong kênh thị trường này, tác giả tiến hành khảo sát giá bán các sản phẩm từ nho của các cơ sở chế biến và người bán lẻ. Do các cơ sở chế biến chỉ tập trung sản xuất kinh doanh 2 sản phẩm chủ yếu là rượu vang nho và mật nho nên tác giả chỉ tập trung vào giá 2 sản phẩm này.

Các chỉ tiêu giá bán, chi phí, giá trị gia tăng, giá trị gia tăng thuần của các tác nhân trong kênh thị trường này được tính trung bình cho giai đoạn 2013 – 2014 và được trình bày qua bảng sau:


Nông dân trồng nho: Tổng chi phí của nông dân trồng nho trung bình là 7.481 đồng/kg nho, sản phẩm nho làm ra bán cho các cơ sở chế biến với giá trung bình là 8.150 đồng/kg, vậy giá trị gia tăng thuần mà người trồng nho tạo ra là 669 đồng/kg. Cơ sở chế biến trong tỉnh: thu mua nho từ nông dân trồng nho, chế biến các sản phẩm từ nho như rượu vang nho, mật nho và bán lại với giá trung bình là 41.750 đồng/lít, giá trị gia tăng của tác nhân này tạo ra là 11.069 đồng/lít. Chi phí tăng thêm của cơ sở chế biến trong tỉnh khoảng 763 đồng/lít gồm các chi phí thuê lao động, khấu hao tài sản, chi phí khác. Giá trị gia tăng thuần của cơ sở chế biến trong tỉnh là 10.307 đồng/lít. Người bán lẻ trong tỉnh: Người bán lẻ trong tỉnh bán rượu vang nho và mật nho với giá trung bình 53.000 đồng/lít, chi phí tăng thêm của người bán lẻ trong tỉnh trung bình là 584 đồng/lít. Giá trị gia tăng mà người bán lẻ trong tỉnh tạo ra là 10.939 đồng/lít và giá trị gia tăng thuần đạt được là 10.356 đồng/lít. Trong kênh thị trường này, tỷ suất lợi nhuận biên/tổng chi phí của cơ sở chế biến nho là cao nhất đạt 0,33 lần tức 1 đồng chi phí bỏ ra sẽ tạo được 0,33 đồng lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận biên/tổng chi phí của nông dân trồng nho và người bán lẻ trong tỉnh lần lượt là 0,09 lần và 0,24 lần.

5. Khuyến nghị đối với các tác nhân trong chuỗi giá trị nho Ninh Thuận

Từ kết quả nghiên cứu trên, tác giả khuyến nghị giải pháp lâu dài nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các tác nhân và tạo lập vị thế cạnh tranh cho chuỗi giá trị nho tại Ninh Thuận là thiết lập mô hình hợp tác dọc để tăng cường liên kết và hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi với sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan. Mô hình hợp tác dọc được minh họa ở Hình 3, trong đó người bán sỉ trong tỉnh là trung tâm và các nông dân trồng nho tạo sự liên kết ngang bằng cách tập hợp lại thành tổ chức sản xuất lớn - gọi là hiệp hội nho.

Cơ chế vận hành mô hình dựa trên các hình thức hợp đồng kinh tế giữa các tác nhân trong chuỗi và cơ quan hữu quan, đặc biệt là hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hợp đồng sau khi đã ký kết là cơ sở pháp lý để gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp giữa người nông dân, thương lái, người bán sỉ theo các quy định của hợp đồng. Trong hợp đồng giữa các tác nhân cần thiết có những ràng buộc cam kết hợp tác với nhau thực hiện thống nhất về giá cả, bảo quản nho đảm bảo chất lượng từ khâu sản xuất đến khâu thu mua, phân phối và chế biến nho.

Ngoài ra để đảm bảo tính bền vững cho mô hình, người bán sỉ trong tỉnh cần cam kết tự nâng cao khả năng thương lượng so với các tác nhân còn lại trong chuỗi giá trị như người bán sỉ ngoài tỉnh, người bán lẻ trong và ngoài tỉnh, cơ sở chế biến nho nhằm giảm rủi ro giá đầu ra thấp cho cả thương lái và nông dân trồng nho, bằng các giải pháp được khuyến nghị như sau: (i) Đa dạng hóa hình thức phân phối sản phẩm nho như phát triển hình thức phân phối trực tiếp cho các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại lớn, siêu thị, thay thế việc phân phối qua trung gian (người bán sỉ ngoài tỉnh, người bán lẻ trong và ngoài tỉnh) nhằm nâng cao hiệu quả tiêu thụ nho, nhằm từng bước xây dựng mạng lưới phân phối mặt hàng nho Ninh Thuận đến tay người tiêu dùng cuối cùng trong nước và hướng đến người tiêu dùng ngoài nước; (ii) Chủ động theo dõi diễn biến trị trường để nắm bắt thông tin cung cầu sản phẩm nho ở mỗi địa phương tiêu thụ cũng như thông tin về khách hàng và đối thủ cạnh tranh, cập nhật các chính sách ưu tiên phát triển của Nhà nước, các công nghệ mới trong trồng trọt, bảo quản nho,...

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Niên giám Thống kê tỉnh Ninh Thuận năm 2013, Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận.

2. Niên giám Thống kê tỉnh Ninh Thuận năm 2014, Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận (2014), http://www.ninhthuan.gov.vn/chinhquyen/sonnnt/Pages/Default.aspx. [ngày truy cập 10/09/2015].

4. Kaplinsky R. and Morris M. (2001),A Handbook for Value Chain Research, International Development Research Center, Ottawa, Canada.

5. Porter M.E. (1985), “Competitive Advantage: Creating and Sustaining Superior Performance”, New York: The Free Press.http://books.google.com.vn/books?id=H9ReAijCK8cC&printsec=frontcover&dq=Porter +M+(1985),+Competitive+Advantage:+Creating+and+Sustaining+Superior+Performance,+New+York:+The+Free+Press.&hl=vi&sa=X&ei=tDKRT_DGNKSfiAf0srjwAw&ved=0CC8Q6AEwAAv=onepage&q&f=false

6. UNIDO (2009), Agro-value chain analysisand development - The UNIDO Approach, A staff working paper, United Nations Industrial Development Organization (UNIDO), Vienna, 2009.

THE PROFITS DISTRIBUTION IN THE CHAIN VALUE OF

NINH THUAN GRAPES

Ph.D. TRAN DINH LY

Nong Lam University - Ho Chi Minh city

ABSTRACT:

This study is to analyze the profits distribution of growing grapes among factors of the chain value of Ninh Thuan grapes. The results from analyzing value added and net value added show that the profits distribution of the chain value of Ninh Thuan grapes is not balanced among factors. However, benefits of these factors increase over time, particulary grapes growers as merchants pay higher prices to grapes growers. In addition, grapes growers are subjects who receive cash immediately after selling grapes to merchants. In order to develop the chain value of Ninh Thuan grapes sustainably, this study proposes recommendations to factors involved in the chain value of Ninh Thuan grapes.

Keywords: Value chain, Ninh Thuan grapes, intermediary cost, added value.