TÓM TẮT:
Sau 12 năm triển khai Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, doanh nghiệp cũng như người dân đã nhận thức được lợi ích, vai trò của việc áp dụng sản xuất sạch hơn, đặc biệt tiêu dùng bền vững gắn với mục tiêu sản xuất. Bài viết đưa ra những kết quả đạt được sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 và những hạn chế cần khắc phục. Từ đó đưa ra giải pháp đến từ phía các bộ, ban, ngành liên quan và từ bản thân doanh nghiệp, nhằm thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030.
Từ khóa: doanh nghiệp, sản xuất sạch hơn, công nghiệp, môi trường, tài nguyên.
1. Tổng quan về sản xuất sạch hơn
Khái niệm sản xuất sạch hơn
Theo UNEP định nghĩa, sản xuất sạch hơn (SXSH) là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. SXSH còn được biết đến như một tiếp cận giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn thông qua việc sử dụng nguyên nhiên vật liệu và năng lượng có hiệu quả hơn. Việc áp dụng SXSH đã chứng minh trên thực tế không chỉ giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất, còn đóng góp vào việc cải thiện hiện trạng môi trường, qua đó giảm bớt chi phí xử lý môi trường.
SXSH có thể được áp dụng trong các quy trình sản xuất ở bất kì ngành công nghiệp nào, vào chính các sản phẩm hay vào rất nhiều các dịch vụ trong xã hội.
Đối với quá trình sản xuất: SXSH bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải. Đối với sản phẩm: SXSH bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ. Đối với dịch vụ: SXSH đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.
Từ định nghĩa về SXSH có thể hiểu SXSH khác hẳn so với phương pháp “xử lý và kiểm soát ô nhiễm”. Đây là phương pháp “dự đoán và ngăn chặn” rất linh hoạt và mang lại lợi ích đối với môi trường, người tiêu dùng, công nhân vừa giúp tăng hiệu quả công nghiệp, lợi nhuận và tính cạnh tranh. Khái quát nội dung chính của quá trình SXSH trong công nghiệp. Trước hết, SXSH phải thực sự tuân thủ trên 4 nguyên tắc sau: tiếp cận hệ thống; tập trung vào các biện pháp phòng ngừa; thực hiện thường xuyên và cải tiến liên tục; huy động sự tham gia của mọi người.
Mục tiêu của sản xuất sạch hơn
SXSH là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất. Điều này có nghĩa thay vì bị thải bỏ sẽ có thêm một tỷ lệ nguyên vật liệu nữa được chuyển vào thành phẩm. Khác với suy nghĩ truyền thống về môi trường là tập trung vào vấn đề phải làm gì với các chất thải và phát thải đã phát sinh, SXSH hướng tới việc tránh hay giảm thiểu được các chất thải và ô nhiễm trước khi chúng được sinh ra. Ví dụ, SXSH diễn ra trong các ngành như ngành chế biến kim loại, các mảnh thép hoặc nhôm thừa được thu hồi và tái chế, dầu cũng được thu hồi lại và tái sử dụng làm nhiên liệu; Trong ngành Giấy, dịch đen cũng được thu hồi, tái sử dụng để cung cấp năng lượng, giấy phế thải cũng được tận dụng và xơ sợi rơi vãi được dùng để chế tạo giấy vệ sinh và giấy kraft; Trong ngành Chế biến thực phẩm, phế thải được thu hồi và dùng làm thức ăn chăn nuôi, nước thải sau khi xử lý kị khí sẽ phát ra metan dùng cho việc phát điện và nhiệt. Trong khi việc xử lý cuối đường ống, ví dụ như xử lý khí thải, nước thải hay bã thải rắn, mặc dù làm giảm tải lượng ô nhiễm nhưng không tái sử dụng được phần nguyên vật liệu đã mất đi và làm tăng chi phí sản xuất.
Trong khi đó, SXSH mang lại các lợi ích kinh tế song song với giảm tải lượng ô nhiễm, đồng nghĩa với giảm thiểu chất thải và phòng ngừa ô nhiễm. Do đó, nó được coi là một bước hữu ích cho hệ thống quản lý môi trường như ISO14000. Những công đoạn trong quy trình SXSH giúp doanh nghiệp tiếp cận mang tính chủ động giảm chất thải tại nguồn trong quản lý chất thải. Điều đầu tiên, các doanh nghiệp áp dụng SXSH sẽ giảm thiểu các tổn thất nguyên vật liệu và sản phẩm, do đó có thể đạt sản lượng cao hơn, chất lượng ổn định, tổng thu nhập kinh tế cũng như tính cạnh tranh cao hơn. Kinh nghiệm thực tế đã chỉ ra rằng SXSH không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn cả lợi ích về mặt môi trường. Các lợi ích này bao gồm: cải thiện hiệu suất sản xuất; sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn; tái sử dụng phần bán thành phẩm có giá trị; giảm ô nhiễm; giảm chi phí xử lý và thải bỏ các chất thải rắn, nước thải, khí thải; tạo nên hình ảnh về mình tốt hơn; cải thiện sức khỏe nghề nghiệp và an toàn.
2. Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp áp dụng tại các cơ sở sản xuất công nghiệp
“Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” được ban hành từ năm 2010 được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và phát triển bền vững. Tổng kinh phí thực hiện chiến lược trong 10 năm vào khoảng 141,79 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 15,89 tỷ đồng, kinh phí của địa phương 115,9 tỷ đồng (41 tỉnh, thành phố) và Đan Mạch tài trợ thực hiện 10 tỷ đồng. Theo báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược SXSH trong công nghiệp, qua hơn 10 năm triển khai chiến lược, đến nay đã có 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH, tăng 20,5% so với năm 2010; 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng SXSH, tăng 35,9% so với năm 2010, 12% trong số đó đã đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, đã có 21% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động sản xuất sạch hơn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã xây dựng, vận hành và duy trì trang web về Chiến lược SXSH giải đáp các thắc mắc của người dân, doanh nghiệp, các địa phương về sản xuất sạch hơn. Đáng chú ý, hiện nay, mạng lưới các tổ chức hỗ trợ SXSH trong công nghiệp đã phủ khắp các tỉnh thành phố trong cả nước. Đã có 47 trung tâm khuyến công, tiết kiệm năng lượng trên cả nước. Cả 63 tỉnh, thành phố đã có chuyên gia về SXSH.
Sức lan tỏa của chiến lược đã tác động trực tiếp đến các cơ sở sản xuất trên các địa bàn. Nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu các dự án chuyển đổi hình thức, dây chuyền sản xuất để bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn lao động và tiết kiệm năng lượng. Tiêu biểu như: các nhà máy đường đã sử dụng bã mía để đốt phát điện; nhà máy tinh bột sắn, nhà máy bia sử dụng khí biogas từ hệ thống xử lý nước thải làm nhiên liệu đốt nồi hơi; nhà máy may mặc, giầy da sử dụng phế thải thay thế than đá đốt lò hơi... Nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu chuyển giao công nghệ, phát triển doanh nghiệp tái chế chất thải.
Bên cạnh đó, sự lan tỏa của chiến dịch còn góp phần thay đổi tư duy của người sản xuất hướng đến SXSH, phát triển ổn định, bền vững; hướng đến những thị trường có tiêu chuẩn hàng hóa cao hơn và sản phẩm chất lượng hơn, tạo ra những hiệu ứng tích cực, như: nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và phát triển bền vững.
Dù đạt được những bước tiến lớn, song hiện quá trình triển khai chiến lược SXSH tại các doanh nghiệp đã bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong thực hiện SXSH. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư, thực hiện các giải pháp đầu tư lớn. Do đó, để chiến lược đạt hiệu quả cao hơn trong giai đoạn 2025-2030, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn của các sở, ngành, địa phương và người sản xuất. Trong đó, người sản xuất - chìa khóa quyết định sự thành công của chiến lược, cần mạnh dạn đầu tư, tìm kiếm học hỏi những khoa học - kỹ thuật mới để ứng dụng vào sản xuất.
3. Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp
Giải pháp hỗ trợ từ các bộ, ban, ngành liên quan
Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì triển khai 4/5 đề án của Chiến lược gồm: nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về SXSH trong công nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng SXSH tại cơ sở sản xuất công nghiệp; hoàn thiện mạng lưới các tổ chức hỗ trợ SXSH trong công nghiệp. Đồng thời, Bộ kết hợp với các cấp địa phương tuyên truyền đến từng doanh nghiệp nhằm thay đổi tư duy trong sản xuất. Hoạt động này thông qua việc phát tờ rơi, treo băng rôn tại các trung tâm huyện, thị xã, thành phố và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tổ chức hội thảo, tập huấn cho người dân và doanh nghiệp... Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, như: năng lượng điện gió, năng lượng điện mặt trời...
Ngoài ra, ngành Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất và tiêu dùng, khuyến khích phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên, nhiên vật liệu có thế tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, phát triển và phổ biến các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa, tạo công ăn việc làm ổn định, việc làm xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy lối sống bền vững, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Các bộ, ban, ngành sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình SXSH, hỗ trợ doanh nghiệp lập báo cáo đánh giá SXSH để theo dõi về việc giảm chi phí về nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng, giảm chỉ số về môi trường, tăng năng suất lao động, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ đó, làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng mô hình áp dụng SXSH và tiêu dùng bền vững. Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào SXSH, chú trọng tiến hành các nội dung quản lý nội vi, cải tiến, khắc phục một số chi tiết hoặc thay đổi một số thiết bị, chi tiết trong quy trình sản xuất… Quá trình thực hiện từ việc xây dựng kế hoạch cụ thể; triển khai thực hiện kế hoạch, giải pháp đến việc giám sát quá trình thực hiện phải được triển khai đồng bộ và theo trình tự. Kết quả về mức độ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, mức độ giảm ô nhiễm và hiệu quả kinh tế phải được đo lường và đánh giá chính xác.
Đặc biệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ vào sản xuất. Ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường đẩy mạnh thực hiện Chương trình SXSH và tiêu dùng bền vững.
Giải pháp từ phía doanh nghiệp
Để thực hiện chiến lược SXSH trong công nghiệp, doanh nghiệp đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng đầu tư máy móc, kỹ thuật để tăng năng suất, giảm nguồn nguyên liệu, nhất là xử lý tối đa nguồn rác thải, khí thải ra môi trường. Chiến lược không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn nguyên liệu, sử dụng nguồn phế thải trong sản xuất để tái chế, sản xuất những sản phẩm mới...
Về thực hiện chiến lược SXSH trong công nghiệp, doanh nghiệp cần triển khai xây dựng các bức tường có tác dụng làm giảm thiểu tiếng ồn, lắp đặt hệ thống ống hút bụi để đưa chất thải về bể lắng lọc xử lý. Các công đoạn vận hành máy móc cũng được thực hiện hợp lý, tránh được những hao phí không cần thiết khi sử dụng nguyên, nhiên liệu. Nhờ nỗ lực duy trì SXSH, doanh nghiệp bảo đảm các tiêu chí về môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và giảm chi phí đầu vào của sản phẩm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chính phủ (2010), Quyết định số 1419/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020.
- Bộ Công Thương (2010), Công văn số 1591 nhằm hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020.
- Bộ Công Thương (2021), Báo cáo kết quả thực hiện “Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”.
Solutions for facilitating manufacturers to implement sustainable production
Master. Vu Phuong Lan
Faculty of Chemical Technology, Hanoi University of Industry
Abstract:
After 12 years of implementing the Cleaner Production Strategy, businesses and people have become aware of the benefits and roles of applying sustainable production and consumption. This paper presented the achievements after more than 10 years of implementing the Strategy for Cleaner Production until 2020 and pointed out the remaining limitations that need to be solved. Based on the paper’s findings, some solutions were proposed to relevant ministries, departments, branches, and businesses themselves to achieve the goal of sustainable production and consumption by 2030.
Keywords: enterprise, cleaner production, industry, environment, resources.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5 tháng 3 năm 2024]