Kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Bài nghiên cứu "Kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng" do ThS. Trần Tường Thụy (Văn phòng Ủy ban nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Tóm tắt:

Tham nhũng xuất hiện ở mọi nơi, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của từng quốc gia, xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Phòng, chống tham nhũng là yêu cầu đặt ra đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Bài viết phân tích về hoạt động kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời đề xuất hướng hoàn thiện.

Từ khóa: kiểm tra, giám sát, hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng.

1. Nhận thức về tham nhũng

Tham nhũng là một vấn đề lịch sử, nó xuất hiện rất sớm từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành nhà nước.

Theo Tổ chức Minh bạch Thế giới, tham nhũng là hành vi “của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân[1]. Ngân hàng Thế giới cho rằng tham nhũng là “sự lạm dụng chức vụ công để tư lợi[2]. Trong khi đó, khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.

tham nhũng

Việc đưa ra một khái niệm chính xác về tham nhũng có ý nghĩa rất quan trọng để xác định đúng tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tham nhũng, tạo cơ sở cần thiết cho hoạt động đấu tranh đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) một cách có hiệu quả. Theo đó, tham nhũng là hành vi trái pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc công vụ, nhiệm vụ đó để vụ lợi cá nhân, làm thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Hành vi tham nhũng có các đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, chủ thể của tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao công vụ, nhiệm vụ nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc công vụ, nhiệm vụ đó để vụ lợi.

Thứ hai, khách thể của tham nhũng là những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ, thể hiện ở các lợi ích vật chất, phi vật chất mà chủ thể tham nhũng hướng tới.

Thứ ba, lỗi của người thực hiện hành vi tham nhũng là lỗi cố ý, có động cơ vụ lợi.

Thứ tư, tham nhũng là hành vi trái pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn, được thể hiện bằng hành động hay không hành động. Hành động ở đây thường là việc người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện đúng yêu cầu, giới hạn mà pháp luật cho phép; không hành động thường là không thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cuối cùng, hậu quả của tham nhũng là sự thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng - từ “Ý Đảng đến lòng dân”

Đấu tranh với tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Các văn bản quan trọng của Đảng qua các thời kỳ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng trong việc duy trì kỷ luật của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng khẳng định tham nhũng là một trong những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của Nhà nước. Theo đó, Cương lĩnh có nêu: “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”[3]. Chính vì vậy, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI xác định: “Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh PCTN. Trong đó, việc hoàn thiện thể chế, luật pháp là vấn đề rất quan trọng”[4]. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thẳng thắn thừa nhận: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”[5].

Nhằm tạo nền tảng pháp lý cho cuộc đấu tranh nhiều khó khăn, thách thức ấy, Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”. Do đó, vấn đề có tính thực tiễn quan trọng đặt ra là phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực thi chính sách, pháp luật về PCTN.

3. Nhận diện công tác kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng

3.1. Công tác kiểm tra của Đảng

Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội”. Đảng lãnh đạo nhà nước trước hết bằng các nghị quyết của mình. Sau khi đã thông qua các nghị quyết, trọng tâm của Đảng chuyển sang kiểm tra việc thực hiện[6]. Điều 30 Điều lệ Đảng quy định: “Kiểm tra là chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức Đảng phải tiến hành công tác kiểm tra. Tổ chức Đảng, đảng viên chịu sự kiểm tra của Đảng. Cấp ủy Đảng lãnh đạo công tác kiểm tra và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra các tổ chức Đảng, đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng”. Như vậy, kiểm tra của Đảng là việc các tổ chức Đảng theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động nhằm kịp thời tác động để cấp ủy, tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên được kiểm tra chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng[7]. Có thể thấy, chủ thể kiểm tra của Đảng là tổ chức Đảng, còn đối tượng kiểm tra là tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên. Phạm vi giám sát của Đảng là tất cả các hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên trong hệ thống chính trị. Vì Đảng lãnh đạo toàn diện, kiểm tra trực tiếp và tuyệt đối nên hoạt động kiểm tra của Đảng thuộc loại phương thức chung đảm bảo kỷ cương và kỷ luật trong quản lý nhà nước[8].

Trong hoạt động kiểm tra, Đảng đặc biệt quan tâm kiểm tra việc thực hiện công tác đấu tranh PCTN thể hiện qua những nghị quyết, chỉ thị quan trọng[9]. Trên cơ sở đó, cấp ủy Đảng lãnh đạo các cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước về đấu tranh PCTN. Bên cạnh đó, các tổ chức Đảng thường xuyên kiểm tra công tác đấu tranh PCTN để kịp thời chỉ ra những sai phạm, khuyết điểm, hạn chế trong thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề này. Kết quả kiểm tra được thông báo cho người lãnh đạo của cơ quan bị kiểm tra và cơ quan cấp trên của cơ quan bị kiểm tra biết. Trường hợp cần thiết có thể chuyển sang kiểm tra dấu hiệu vi phạm và áp dụng biện pháp kỷ luật Đảng (nếu kết luận có sai phạm). Phương pháp tác động trong công tác kiểm tra của Đảng tuy không mang tính pháp lý và quyền lực nhà nước nhưng hiệu lực thực tế rất lớn.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra của Đảng hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định như: nhận thức của tổ chức Đảng và đảng viên về công tác kiểm tra chưa cao, vẫn mang tính hình thức. Thực tế, nhiệm vụ kiểm tra được “giao hẳn” cho Ủy ban kiểm tra, cán bộ làm công tác kiểm tra. Từ đó dẫn đến tình trạng những chủ thể này không kiểm tra xuể bởi đối tượng bị kiểm tra rất đông đảo và đa dạng. Thực trạng hoạt động kiểm tra của Đảng vẫn còn có biểu hiện né tránh, chưa mạnh dạn chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm của đối tượng bị kiểm tra để kịp thời sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra của Đảng chưa thực sự dựa vào quần chúng nhân dân, chưa có cơ chế thích hợp thu hút các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên[10]. Vì lẽ đó, hiệu quả và chất lượng phòng ngừa vi phạm liên quan đến tham nhũng chưa cao.

3.2. Giám sát, kiểm tra trong nội tại bộ máy nhà nước

Đây là hoạt động giám sát mang tính quyền lực nhà nước, bao gồm: i. hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) đối với các cơ quan nhà nước trong công tác đấu tranh PCTN; ii. công tác kiểm tra của cơ quan nhà nước cấp trên đối với cơ quan nhà nước cấp dưới trong công tác đấu tranh PCTN.

Theo Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Tất nhiên, quyền giám sát tối cao của Quốc hội đã bao gồm cả giám sát đối với công tác đấu tranh PCTN của các cơ quan nhà nước. Quốc hội thực hiện chức năng giám sát của mình thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Hình thức giám sát cơ bản của Quốc hội đối với công tác đấu tranh PCTN là xem xét báo cáo, chất vấn và cử đoàn giám sát thực tế.

Ở địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Ủy ban nhân dân trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về đấu tranh PCTN[11]. Bên cạnh đó, một trong những tiêu chuẩn quan trọng của Đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định trong Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) là “có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng” (Điều 7). 

Ngoài hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, còn có hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước cấp trên đối với cơ quan nhà nước cấp dưới trong bộ máy nhà nước. Các hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện một cách thường xuyên, mang lại hiệu quả cao cho công cuộc đấu tranh PCTN. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát mang tính nội bộ của nhà nước vẫn tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể:

Đối với giám sát công tác đấu tranh PCTN, hoạt động này được trao cho hầu hết các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội nhưng vẫn được đánh giá là khâu yếu nhất trong việc thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội[12]. Hiện nay, pháp luật vẫn chưa quy định cụ thể cho bất cứ một cơ quan nào của Quốc hội phụ trách chính việc giám sát đối với công tác đấu tranh PCTN. Việc “dàn trải” giao cho Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát công tác PCTN đã dẫn đến tình trạng thiếu vắng một đầu mối chuyên trách thực hiện công tác này. Thực tế công tác PCTN do rất nhiều chủ thể có thẩm quyền đảm trách nhưng không có một đầu mối chủ trì. Điều này dẫn đến tình trạng lúng túng, chồng chéo trong giám sát, tình trạng “quên” xử lý các kiến nghị sau kết quả giám sát cũng thường xuyên xảy ra[13].

Tương tự, ở địa phương, giám sát công tác PCTN được giao cho Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện. Tuy nhiên, chưa có cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát một cách độc lập và chuyên nghiệp đối với công tác PCTN. Vì vậy, việc giám sát công tác PCTN chưa tập trung, giá trị các kiến nghị có được từ kết quả hoạt động giám sát không cao. Việc xem xét, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị và trả lời các kiến nghị của cơ quan giám sát cũng từ đó trở nên chưa nghiêm túc.

Đối với kiểm tra công tác đấu tranh PCTN, hoạt động này được trao cho hầu hết các cơ quan nhà nước. Ngoài công tác kiểm tra, các cơ quan nhà nước còn có trách nhiệm tự kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng trong chính cơ quan của hệ thống nhà nước. Tuy nhiên, kiểm tra công tác đấu tranh PCTN có nhược điểm là dễ dẫn đến sự thỏa hiệp, dĩ hòa vi quý, bao che nhau và kết quả thường mang tính răn đe, nhắc nhở hơn là quy kết trách nhiệm. Hiện nay, việc giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên đối với cơ quan nhà nước cấp dưới đang bộc lộ quá nhiều bất cập như sự dung dưỡng, bao che, mất dân chủ, cơ chế tự kiểm tra của các cơ quan nhà nước cũng chưa thật sự hiệu quả.

3.3. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên

Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các tổ chức thành viên đối với công tác đấu tranh PCTN là hình thức giám sát mang tính xã hội. Trong thời gian qua, giám sát của MTTQVN và các tổ chức thành viên đối với công tác đấu tranh PCTN được tiến hành tương đối hiệu quả, từ đó bảo đảm cho các quy định pháp luật liên quan đến đấu tranh PCTN được tuân thủ một cách nghiêm minh.

Về mặt lý luận, giám sát xã hội của MTTQVN và các tổ chức thành viên cùng với giám sát, kiểm tra trong nội tại cơ quan nhà nước và giám sát của Đảng tạo thành một hệ thống kiểm tra, giám sát nhiều tầng nấc, gắn bó chặt chẽ đối với công tác đấu tranh PCTN. Nếu như kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước mang tính quyền lực nhà nước thì giám sát của MTTQVN và các tổ chức thành viên chỉ mang tính “theo dõi, phát hiện và kiến nghị”. Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý, giám sát của MTTQVN và các tổ chức thành viên nói chung và giám sát công tác đấu tranh PCTN nói riêng là một bổ sung, hoàn thiện đối với giám sát mang tính chất nhà nước, từ đó bảo đảm cho việc giám sát khách quan, toàn diện và hiệu quả hơn[14].

Giám sát của MTTQVN là một quyền mang tính hiến định theo Điều 9, Hiến pháp năm 2013. Trên cơ sở đó, Nhà nước thể chế hóa quyền giám sát của MTTQVN trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giám sát thi hành pháp luật về PCTN[15]. Giám sát của MTTQVN và các tổ chức thành viên là khách quan, mang sức mạnh cộng đồng nên có sức lan tỏa mạnh mẽ. Do đó, nếu giám sát của MTTQVN và các tổ chức thành viên đối với công tác đấu tranh PCTN được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần đẩy lùi tệ tham nhũng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, giám sát của MTTQVN và các tổ chức thành viên còn nhiều bất cập, từ đó làm giảm hiệu quả của mô hình giám sát quan trọng này. Cụ thể:

Một là, ý tưởng trao quyền giám sát công tác đấu tranh PCTN cho MTTQVN và các thành viên là một chủ trương tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động giám sát của các chủ thể này vẫn mang nặng tính hình thức[16]. Từ đó, không phát huy được hiệu quả của công tác đấu tranh PCTN.

Hai là, hoạt động giám sát của MTTQVN và các tổ chức thành viên chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, tiếp nhận đơn thư tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí, đồng thời chuyển đơn thư, theo dõi, đôn đốc, kiến nghị giải quyết… Tất cả hoạt động đó, kể cả kiến nghị cũng chưa được các chủ thể có thẩm quyền giải quyết tiếp thu, phản hồi đúng mức. Nhiều kiến nghị của MTTQVN và các tổ chức thành viên rất chính xác, rất hợp lý nhưng bị rơi vào “quên lãng”, không nhận được bất kỳ sự phản hồi nào của các cơ quan hữu trách[17]. Vì vậy, hiệu lực pháp lý và hiệu quả giám sát công tác đấu tranh PCTN của MTTQVN và các tổ chức thành viên không đạt được yêu cầu, mong muốn mà pháp luật đề ra.

4. Kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất, đối với kiểm tra của Đảng, cần tập trung nâng cao nhận thức của tổ chức Đảng và đảng viên về công tác kiểm tra, phát huy tính chủ động, khắc phục tính hình thức. Trong công tác đấu tranh PCTN, cần tăng cường vai trò của cấp ủy trong hoạt động kiểm tra, khắc phục tình trạng “dồn hết” công tác kiểm tra cho Ủy ban kiểm tra.

Thứ hai, luật hóa vai trò kiểm tra của Đảng đối với công tác đấu tranh PCTN. Về lâu dài cần xây dựng và ban hành Luật về kiểm tra, giám sát chung điều chỉnh cả hệ thống kiểm tra giám sát hiện hành, trong đó quy định cụ thể về thủ tục, hình thức, phương pháp, cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát... đối với từng loại hình kiểm tra, giám sát. Điều này khắc phục được tình trạng quy định về kiểm tra, giám sát nằm tản mạn trong nhiều văn bản luật dẫn đến tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, khó áp dụng.

Thứ ba, đối với kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, cần xây dựng một cơ quan, một đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, giám sát đối với công tác đấu tranh PCTN. Đồng thời, xác lập cơ chế trách nhiệm, cũng như nghĩa vụ giải trình của các chủ thể bị kiểm tra, giám sát nhưng không thực hiện những hoạt động tích cực trong một khoảng thời gian cụ thể.

Thứ tư, đối với giám sát của MTTQVN và các tổ chức thành viên cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, trả lời yêu cầu, kiến nghị của MTTQVN và các tổ chức thành viên trong một khoảng thời gian cụ thể. Đồng thời, pháp luật cần quy định rõ hậu quả pháp lý bất lợi dành cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm trễ hoặc không xem xét, trả lời yêu cầu, kiến nghị của MTTQVN và các tổ chức thành viên đúng thời hạn./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Đăng Dung (2008). Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền. Nxb. Đà Nẵng, tr. 64.
  2. Lê Tuấn Huy, (2006). Triết học chính trị Montesqueue. Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr. 46.
  3. Nguyễn Xuân Yêm, Nguyễn Hòa Bình, Bùi Minh Thanh, (2007). Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam và thế giới. Nxb. Công an nhân dân, tr. 21.
  4. Nguyên văn: The misuse of entrusted power for private benefit. Xem thêm: Viện Khoa học Thanh tra, Một số vấn đề cơ bản về phòng ngừa và chống tham nhũng, Nxb. Tư pháp, năm 2004, tr. 9.
  5. Nguyên văn: the misuse/abuse of public power for private profit. Xem thêm: Viện Khoa học Thanh tra, sđd, năm 2004, tr. 9.
  6. Viện Khoa học Thanh tra, sđd, năm 2004, tr. 10.
  7. Hồ Chí Minh, Toàn tập (tập11), Nxb. Chính trị Quốc gia, năm 2000, tr.110.
  8. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3, khóa X (tháng 7/2006), Nxb. Chính trị Quốc gia, năm 2006, tr. 1.
  9. Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành TW khóa XI, Nxb. Chính trị Quốc gia, năm 2012, tr. 21, 22.
  10. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2001). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 218.
  11. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3, khóa X (tháng 7/2006), Nxb.Chính trị Quốc gia, năm 2006, tr.45
  12. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 65.
  13. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 143.
  14. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr. 93.
  15. Nguyễn Cửu Việt, (2013). Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 43.
  16. Ban chấp hành Trung ương Đảng, (2011). Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, ban hành theo Quyết định số 46 -QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
  17. Nguyễn Cửu Việt, sđd, năm 2013, tr. 616.
  18. Văn phòng Trung ương Đảng, (2016). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr. 185.
  19. Võ Phan Lê Nguyễn, (2015). Hoạt động giám sát trong giải quyết khiếu nại hành chính. Tạp chí Nội chính, số 24.
  20. Điều 19, 26, 33, 40, 47, 54, 61, 68 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019).
  21. Võ Phan Lê Nguyễn, (2015). Từ thực tiễn giám sát giải quyết khiếu nại hành chính: kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giám sát. Tạp chí Khoa học pháp lý, số 5.
  22. Trương Thị Hồng Hà, (2010). Tăng cường hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại của công dân với việc xây dựng mô hình Ủy ban dân nguyện Quốc hội hiện nay. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 1.
  23. Nguyễn Thọ Ánh, (2012). Thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay. Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr. 58.
  24. Điều 66 Luật Khiếu nại năm 2011.
  25. Hoàng Ngọc Giao (2014). Cơ chế giải quyết khiếu nại thực trạng và giải pháp, Nxb. Công an Nhân dân, năm 2014, tr. 135.
  26. Nguyễn Thọ Ánh, (2012). Thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay. Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, tr. 152.

INSPECTION AND SUPERVISION ACTIVITIES OF THE POLITICAL SYSTEM TO PREVENT AND FIGHT AGAINST CORRUPTION

Master. Tran Tuong Thuy

Office of the People's Committee of Tan Binh District, Ho Chi Minh City

Abstract:

Corruption can happen anywhere and greatly affect the development of each country, infringing on freedom, democracy, and social progress. As a result, it is essential for every country to prevent and fight against corruption. This paper analyzed the inspection and supervision activities of the political system to fight against corruption and also proposed some recommendations for further improving these activities.

Keywords: inspection, supervision, political system, anti-corruption.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2024]