Pháp luật về phòng, chống tham nhũng từ năm 1945 đến nay và các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi

Đề tài Pháp luật về phòng, chống tham nhũng từ năm 1945 đến nay và các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi do TS. Đào Thị Cấm (Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Tổng cục Quản lý thị trường) thực hiện.

TÓM TẮT:

Những năm gần đây, nhiều chủ trương, quy định, giải pháp quan trọng về phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo, sơ kết, tổng kết, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành và triển khai thực hiện quyết liệt, tạo hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong bài viết này, tác giả giới thiệu tổng quan pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong thời gian gần đây và đề xuất các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tham nhũng, giải pháp, ngăn chặn tham nhũng, đẩy lùi tham nhũng.

1. Tổng quan pháp luật về phòng, chống tham nhũng từ năm 1945 đến nay

Sau khi giành chính quyền năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước ta chủ trương vừa đẩy mạnh sản xuất, tăng cường bảo vệ Tổ quốc, vừa từng bước hoàn thiện các chính sách quản lý kinh tế, quản lý xã hội, bảo đảm an ninh trật tự quốc gia. Ngay tại thời điểm đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi phòng, chống tham nhũng là công việc quan trọng, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước. Văn bản pháp luật hình sự đầu tiên liên quan đến việc lợi dụng chức vụ để phạm tội xâm phạm tài sản Nhà nước là Sắc lệnh số 223/SL ngày 27/11/1946 về trừng trị các tội biển thủ và nhận hối lộ.

Trong thời kỳ cải tạo và xây dựng xã hội chủ nghĩa (1954-1965), Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về đấu tranh chống tội phạm như Thông tư số 4421/1T của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/5/1955 hướng dẫn các tòa án trừng trị một số tội phạm liên quan đến tài sản; Sắc lệnh số 01-SL ngày 14/4/1957 về chống đầu cơ kinh tế; Chỉ thị số 639 ngày 01/6/1964 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn đường lối xét xử các loại tội phạm quyền sở hữu xã hội chủ nghĩa; Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21/10/1970; Quyết định số 50/TTg ngày 16/02/1971 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm các quỹ trái phép trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước.

Chính sách đổi mới đất nước (từ Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI năm 1986), cuộc chiến chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí tiếp tục được Đảng ta đẩy mạnh. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, vấn đề phòng, chống tham nhũng được ghi nhận vào Hiến pháp (khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: "Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền").

Trong những năm qua, Quốc hội đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Giám định tư pháp, Luật Tố cáo, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Tiếp cận thông tin... Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị định để triển khai thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng như Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2. Đánh giá về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong thời gian gần đây

2.1. Kết quả đã đạt được trong công tác thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Một là, các quy định về phòng, chống tham nhũng về cơ bản đã đầy đủ, thể hiện rõ chủ trương, giải pháp, quy định mới, mạnh mẽ và quyết liệt về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng được ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc, vừa để giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn vừa là căn cứ để phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng.

Hai là, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; tập trung vào đối tượng, lĩnh vực, địa bàn phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.

Ba là, để phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Qua đó, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng các quy định của pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; nhiều quan chức cấp cao, kể cả thuộc diện Trung ương quản lý cũng chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Bốn là, công tác cán bộ, cải cách hành chính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đạt kết quả tích cực. Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, dân chủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, “lợi ích nhóm” đã giảm; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cải cách tiền lương; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện các biện pháp về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; đổi mới khoa học công nghệ quản lý và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phòng ngừa tham nhũng…

Năm là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đấu tranh phòng, chống tham nhũng với nhiều hình thức, như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong phòng, chống tham nhũng ngày càng được khẳng định và phát huy.

Sáu là, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong phòng, chống tham nhũng ngày càng phát huy hiệu quả. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát công tác phòng, chống tham nhũng; Hội đồng nhân dân các cấp đã quan tâm nhiều hơn về giám sát công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương. 

Bảy là, hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng được tăng cường, đạt kết quả tích cực; hoạt động phòng, chống tham nhũng từng bước được mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước. Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều hiệp định tương trợ tư pháp; Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung 04 tội danh về tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 dành một chương riêng về hoạt động phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

2.2. Một số hạn chế, bất cập trong công tác thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

"Sau hơn 30 năm đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta cũng phải đối mặt, thậm chí đã mắc phải một số yếu kém, khuyết điểm, trong đó, nạn tham nhũng có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, nặng nề hơn"[1]. Việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta gần đây có một số hạn chế, bất cập sau:

Một là, hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn chồng chéo; tính công khai, minh bạch, khả thi, ổn định còn hạn chế, không ít văn bản pháp luật đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thể áp dụng vì chưa có văn bản hướng dẫn; văn bản pháp luật còn quy định chung chung. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước còn những điểm chưa hợp lý; Chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế; Thủ tục hành chính còn rườm rà, tốn kém, bất hợp lý tạo cơ hội để những người thoái hóa biến chất lợi dụng tham nhũng.

Hai là, việc kiểm tra, giám sát từ bên trong bộ máy nhà nước để phát hiện tham nhũng vẫn đang là khâu yếu, chưa phát huy hết tác dụng; chế tài xử lý vi phạm thiếu chặt chẽ, rõ ràng, còn nhiều sơ hở. Việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; nhiều cơ quan, đơn vị chưa nắm đầy đủ trình tự, thủ tục kê khai và công khai giải trình.

Ba là, "công tác cán bộ có nơi có lúc bị buông lỏng, chưa có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém, uy tín thấp"[2]. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý kinh tế còn yếu về nghiệp vụ, kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức. Một số cán bộ, công chức lợi dụng quy định về bí mật nhà nước để che giấu thông tin, nhằm mục đích tham nhũng.

Bốn là, một số người đứng đầu chưa nêu cao vai trò của mình trong phòng, chống tham nhũng. Quy chế dân chủ ở cơ sở, ở cơ quan xí nghiệp, đơn vị, xã, phường, thị trấn cần tiếp tục hoàn thiện vì chế tài vẫn chưa rõ, khó quy trách nhiệm và xử phạt khi sai phạm xảy ra.

Năm là, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, vì vậy việc phát hiện và xử lý tham nhũng gặp nhiều khó khăn[3]. Việc xử lý và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tham nhũng còn gặp rất nhiều khó khăn do một số nguyên nhân như: bị can, bị cáo trốn ra nước ngoài, hoặc bị can, bị cáo chết, hoặc chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của xã hội nên tài sản có nguồn gốc tham nhũng dễ dàng bị tẩu tán. Một số vụ án tiền, tài sản tham nhũng thu hồi được nhỏ hơn nhiều so với tổng số thiệt hại do các đối tượng chiếm đoạt.

Sáu là, "mặc dù cơ chế bảo vệ người tố giác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được pháp luật quy định, tuy nhiên trên thực tế hiện tượng trù dập, trả thù hoặc đe dọa trả thù vẫn xảy ra khiến người tố cáo tham nhũng lo ngại, không dám đấu tranh"[4].

Bảy là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng chưa được thực hiện thường xuyên để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, của người dân.

3. Đề xuất giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng ở nước ta trong thời gian tới

- Một trong những giải pháp đầu tiên để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng là hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Muốn thực hiện giải pháp này, cần liên tục rà soát, sửa đổi bổ sung những quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập để phục vụ công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; cắt giảm, đơn giản các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, công khai và minh bạch thông tin, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin.

- Cần coi trọng công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó khâu tuyển dụng nhân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lựa chọn những người ưu tú, xứng đáng và phù hợp với yêu cầu công việc. Việc tuyển dụng  không bảo đảm tính khách quan, minh bạch và bình đẳng sẽ không thể xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu.

- Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. "Cải cách chính sách tiền lương là vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội hệ trọng, phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều năm đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước"[5].

- Đối với công tác kiểm tra, giám sát từ bên trong bộ máy tổ chức, kiểm soát xung đột lợi ích cần thiết lập cơ chế, tổ chức giám sát tham nhũng; Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực; Thực hiện các quy định về kê khai tài sản, thu nhập của các công chức, viên chức nghiêm túc, trung thực, đầy đủ; Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; Kiểm soát xung đột lợi ích; Công khai việc sử dụng tài chính, mua sắm tài sản công, xây dựng cơ bản…

- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình thì sẽ bị xử lý theo quy định. Người đứng đầu cần thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trong cơ quan, đơn vị, nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ.

- Cùng với các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ phát sinh các vụ việc tham nhũng; cần phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, đặc biệt là các vụ tham nhũng lớn và những người có hành vi tham nhũng giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước được quan tâm, chỉ đạo sát sao; quyết tâm thu hồi triệt để tài sản tham nhũng để củng cố niềm tin của nhân dân.

- Việc tố cáo thường gặp phải nhiều trở ngại, khó khăn như không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mọi người xung quanh, chịu nhiều áp lực về tinh thần, thậm chí còn phải đối mặt với nguy cơ bị cô lập, trù dập, trả thù. Do đó, cần biểu dương, tôn vinh, đồng thời có cơ chế bảo vệ người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng.

- Việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng cần thực hiện thường xuyên. Đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua các hội nghị tập huấn pháp luật, bản tin, trang tin điện nhằm nâng cao nhận thức của công chức, viên chức và người lao động về tác hại của tham nhũng và trách nhiệm của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đối với nhân dân, cần tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo quần chúng nhân dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để công dân tích cực thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng; giám sát, phát hiện, thông tin, phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng; nâng cao vai trò phản biện xã hội mang tính tích cực để người dân chủ động đánh giá, thẩm định, đề xuất mang tính xây dựng góp phần vào nỗ lực chung phòng, chống tham nhũng; giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ thanh niên; xây dựng nền tảng đạo đức hướng tới một xã hội trong sạch, đề cao liêm chính, không chấp nhận tham nhũng nhằm thiết lập cơ sở xã hội vững chắc ngăn ngừa tệ nạn này từ gốc.

- Nâng cao vai trò của các tổ chức truyền thông, báo chí, cơ quan thông tấn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, nâng cao chất lượng và số lượng thông tin để các cơ quan truyền thông khai thác cho các phóng sự của mình, tăng tính khách quan trong cách viết, giúp họ thu thập bằng chứng nhanh hơn, hiệu quả hơn, giúp họ sử dụng dễ dàng hơn các kỹ năng điều tra để phát hiện những trường hợp tham nhũng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

4. Kết luận

Phòng và chống tham nhũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như sự tham gia của người dân. Mỗi công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên, người lao động cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về đấu tranh phòng, chống tham nhũng; Quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới.

Với những chủ trương, đường lối được Đảng hoạch định, kết quả đạt được trong những năm qua, chúng ta hoàn tin tưởng rằng, thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ luôn kề vai sát cánh, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu“Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”; tiến hành quyết liệt, đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp để hạn chế, đẩy lùi, tiến tới loại trừ tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Phòng, chống tham nhũng: Những bài học lịch sử và hành động của chúng ta hôm nay (https://dangcongsan.vn/tieu-diem/phong-chong-tham-nhung-nhung-bai-hoc-lich-su-va-hanh-dong-cua-chung-ta-hom-nay-488572.html).
  2. Ban Nội chính Trung ương (2020), Bộ Công Thương: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng (https://noichinh.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung/202007/bo-cong-thuong-tang-cuong-su-lanh-dao-chi-dao-doi-voi-cong-tac-phat-hien-xu-ly-vu-viec-vu-an-tham-nhung-308225/).
  3. Ban Nội chính Trung ương (2013), Một số vấn đề Lý luận - Thực tiễn 30 năm đổi mới về phòng, chống tham nhũng, lãng phí (1986-2016), NXB Chính trị Quốc gia.
  4. Phạm Hồng Thái, Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Chu Hồng Thanh (2013), Giáo trình Lý luận và Pháp luật về Phòng, chống tham nhũng, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  5. Báo Điện tử Chính phủ (2018), “Cải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” (http://baochinhphu.vn/Dua-Nghi-quyet-Dai-hoi-XII-cua-Dang-vao-cuoc-song/Cai-cach-chinh-sach-tien-luong-de-nang-cao-doi-song-cho-CBCCVC-LLVT-va-nguoi-lao-dong-trong-doanh-nghiep/335896.vgp).

Vietnam’s regulations on anti-corruption since 1945 and solutiosn for the fight against corruption

Ph.D Dao Thi Cam

Department of Inspection, Vietnam Directorate of Market Surveillance

Abstract:

In recent years, many important policies, regulations and solutions on anti-corruption have been directed, summarized, reviewed, amended, supplemented, promulgated and implemented drastically and effectively in the fight against corruption. This paper introduces an overview of the anti-corruption regulations in Vietnam since 1945 to the present, assesses the current implementation of the anti-corruption reulations. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to prevent corruption in Vietnam in the coming time.

Key words: anti-corruption regulations, anti-corruption, solutions, prevent corruption.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 8 năm 2023

Tạp chí Công Thương