Pháp luật về việc chuyển giao trách nhiệm dân sự trong trường hợp sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam

NCS. PHAN NGỌC HÀ (Phó Trưởng Khoa Luật - Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Pháp luật về ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) có vị trí quan trọng trong lĩnh vực pháp luật kinh tế. Trường hợp vì lý do nào đó, NHTMCP buộc phải cải tổ, thì cần phải giải quyết hậu quả pháp lý của việc cải tổ đó là chuyển giao quyền và nghĩa vụ của NHTMCP được cải tổ cho NHTMCP khác, trong đó có chuyển giao trách nhiệm dân sự. Bài viết đề cập đến một số vấn đề pháp luật về việc chuyển giao trách nhiệm dân sự trong trường hợp sáp nhập NHTMCP ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: trách nhiệm dân sự, chuyển giao trách nhiệm dân sự, sáp nhập, ngân hàng thương mại cổ phần.

1. Tổng quan

Theo Từ điển Luật học của Bộ Tư pháp, “trách nhiệm dân sự” được hiểu là “trách nhiệm pháp lý mang tính tài sản được áp dụng đối với người vi phạm pháp luật dân sự nhằm bù đắp về tổn thất vật chất, tinh thần cho người bị thiệt hại”[8] hay “những hậu quả bất lợi mà chủ thể pháp luật phải gánh chịu do pháp luật quy định vì hành vi vi phạm pháp luật của mình (hoặc của người mà mình bảo lãnh hay giám hộ)[9]. Trách nhiệm dân sự là trách nhiệm pháp lý mang tính tài sản được áp dụng đối với người vi phạm pháp luật dân sự nhằm bù đắp về tổn thất vật chất, tinh thần cho người bị hại. Bộ luật Dân sự cũ quy định: “Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền” [1]. Như vậy, người vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu hậu quả bất lợi là trách nhiệm dân sự. Nếu các bên thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình thì quan hệ pháp luật phát sinh là quan hệ nghĩa vụ, còn trong trường hợp nghĩa vụ bị vi phạm, quan hệ phát sinh sau đó là quan hệ trách nhiệm.

Trách nhiệm dân sự là hậu quả pháp lý bất lợi, áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật dân sự để buộc chủ thể này phải khắc phục những tổn thất đã gây ra, nó có những đặc điểm riêng biệt như là hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm, chỉ được áp dụng khi có hành vi vi phạm pháp luật và chỉ áp dụng đối với người có hành vi vi phạm đó; là một hình thức cưỡng chế của nhà nước và do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước áp dụng; luôn mang dến một hậu quả bất lợi cho người có hành vi vi phạm;… Các trường hợp cải tổ pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 bao gồm hợp nhất pháp nhân (Điều 88), sáp nhập pháp nhân (Điều 89), chia pháp nhân (Điều 90), tách pháp nhân (Điều 91). Cụ thể như các pháp nhân có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới, sau khi hợp nhất, các pháp nhân cũ chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân mới được thành lập, quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân cũ được chuyển giao cho pháp nhân mới; một pháp nhân có thể được sáp nhập (sau đây gọi là pháp nhân được sáp nhập) vào một pháp nhân khác (sau đây gọi là pháp nhân sáp nhập), sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt tồn tại, quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập; một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân, sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt tồn tại; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới; một pháp nhân có thể tách thành nhiều pháp nhân, sau khi tách, pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình phù hợp với mục đích hoạt động. Khi cải tổ pháp nhân, phải giải quyết hậu quả pháp lý của việc cải tổ, đó là các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân sáp nhập.

2. Pháp luật về chuyển giao trách nhiệm dân sự khi sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần

Tại Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên; pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác; việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Như vậy, NHTMCP là pháp nhân thương mại[2] cho nên khi sáp nhập các NHTMCP, việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ của pháp nhân được sáp nhập sẽ được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập; trong đó, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và ngoài hợp đồng của NHTMCP được sáp nhập sẽ chuyển giao cho NHTMCP sáp nhập. Cụ thể “một pháp nhân có thể được sáp nhập (sau đây gọi là pháp nhân được sáp nhập) vào một pháp nhân khác (sau đây gọi là pháp nhân sáp nhập); sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập”[3]. Vấn đề đặt ra là những trường hợp nào NHTMCP sáp nhập phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng, ngoài hợp đồng và trường hợp nào sẽ chuyển giao trách nhiệm dân sự cho pháp nhân sáp nhập.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần. Luật Dân sự quy định người có hành vi trái pháp luật thì phải chịu trách nhiệm dân sự bất luận hành vi đó được thực hiện với lỗi cố ý hay vô ý “người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc vô ý, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định khác”[4]. Như vậy, về nguyên tắc chung khi áp dụng trách nhiệm dân sự không cần xác định mức lỗi của người vi phạm là vô ý hay cố ý nếu các bên không có thỏa thuận và không có quy định pháp luật khác.

Đối với NHTMCP thì phạm vi hoạt động nghiệp vụ rất đa dạng; trong đó, có các hoạt động đầu tư, liên kết, cho vay, bảo lãnh, mua bán cổ phiếu,… Trường hợp NHTMCP tham gia các hoạt động kinh doanh trên, vi phạm nghĩa vụ, gây thiệt hại phải chịu trách nhiêm dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng thì NHTMCP phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn gọi là bồi thường thiệt hại do gây thiệt hại. Đây là loại trách nhiệm dân sự của pháp nhân khi người của pháp nhân thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân giao mà gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức hoặc cho nhà nước. Điều 87 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân; pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác; pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình, không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác; người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác… Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm pháp lý do nhà nước quy định. Vì vậy, khi xem xét trách nhiệm dân sự cần phải căn cứ vào các điều kiện cần và đủ để xác định có phát sinh trách nhiệm hay không.

3. Kết luận

NHTMCP là pháp nhân thương mại hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh. Hoạt động của NHTMCP cũng chính là hoạt động của cán bộ, nhân viên của NHTMCP. NHTMCP giao nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên của mình thực hiện các hoạt động nghiệp vụ mà trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được NHTMCP giao cho, mà có hành vi gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, thì NHTMCP phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Sau khi NHTMCP đã bồi thường xong thì có quyền yêu cầu người gây thiệt hại phải hoàn trả tiền bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật[5]. Thông thường, trước khi thực hiện việc sáp nhập thì NHTMCP được sáp nhập thực hiện xong toàn bộ quyền và nghĩa vụ của mình đối với các chủ thể khác, Tuy nhiên, có những trường hợp khi thực hiện sáp nhập mà NHTMCP được sáp nhập chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa xong nghĩa vụ của mình đối với chủ thể khác, cho nên khi sáp nhập thì NHTMCP sáp nhập tiếp nhận các quyền và nghĩa vụ của NHTMCP nhận sáp nhập.

Trách nhiệm dân sự là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác. Người phải bồi thường có thể là cá nhân, pháp nhân, thậm chí là Nhà nước. NHTMCP là một pháp nhân, chủ thể của các quan hệ pháp luật dân sự, cho nên NHTMCP cũng phải chịu trách nhiệm dân sự khi người của NHTMCP gây ra khi thực thi nhiệm vụ của NHTMCP.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Khoản 1, Điều 302 Bộ luật Dân sự năm 2005

2Điều 75 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015

3Điều 89 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015

4Điều 308 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015

5Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trinh Luật Dân sự Việt Nam. NXB Công an nhân dân, 2017

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015.
  2. Ngô Huy Cương (2015), “Tổng luận về chế định tài sản trong Dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005”; Chế định tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) năm 2015.
  3. Đặng Trí Đức và Phạm Trí Hùng (2011), “Sáp nhập và mua lại Doanh nghiệp ở Việt Nam, hướng dẫn cơ bản dành cho bên bán”, Nxb Lao động - Xã hội.
  4. Nguyễn Thị Mai Hương (2010), “Khía cạnh pháp lý của hoạt động sáp nhập và mua lại các tổ chức tài chính ở Việt Nam”, Luận văn Thạc sỹ, Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
  5. 5. Nguyễn Thị Lan Hương (2007), Chế định mua công ty niêm yết trong Luật Chứng khoán Trung Quốc và Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 3, (69),52 - 56.
  6. Phạm Minh Sơn (2016), “Pháp luật về mua lại và sáp nhập ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay”, Luận án Tiến sĩ Luật học.
  7. 6. Hoàng Thị Kim Quế (2015), Giáo trình Lý luận Nhà nước và Pháp luật, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  8. 7. Nguyễn Minh Tuấn (2012), “Bộ luật Urnammu - Nội dung và giá trị”, trên http://tuanhsl.blogspot.com/2012/11/bo-luat-urnammu-noi-dung-va-gia tri.html
  9. Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý (2006), Từ điển Luật học, Nxb.Từ điển Bách khoa, Nxb Tư pháp, tr 800.

Vietnam’s regulations on the transfer of civil liability in the mergers of joint stock commercial banks in Vietnam

Ph.D’s student Phan Ngoc Ha

Vice Dean, Faculty of Law Duy Tan University

ABSTRACT:

Laws on joint-stock commercial banks have an important position in the economic law system. If a joint stock commercial bank is forced to restructure, it is necessary deal with the legal consequences of this restructure. One of the legal consequences is the transfer the rights and obligations of the restructured bank to the another bank including the transfer of civil liability. This paper presents some current legal issues relating to the transfer of civil liability in the mergers of joint stock commercial banks in Vietnam.

Keywords: civil liability, transfer of civil liability, mergers, joint-stock commercial bank.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2021]