TÓM TẮT:

Trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu, hầu hết các quốc gia đều lựa chọn phát triển công nghiệp, dịch vụ, do giá trị của các ngành này đem lại cao, giúp GDP quốc gia tăng trưởng nhanh. Tuy việc theo đuổi chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ có thể giúp quốc gia nhanh chóng thoát nghèo nhưng lại chịu ảnh hưởng lớn bởi các cuộc khủng hoảng. Ngược lại, theo đuổi chính sách phát triển lương thực, thực phẩm và dịch vụ giúp kinh tế quốc gia ổn định trước những khủng hoảng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng chậm. Bài viết đưa ra giải pháp hướng tới phát triển nông nghiệp xanh nhằm giúp cho giá trị sản phẩm xuất khẩu cao hơn, kinh tế phát triển chắc chắn hơn, giúp quốc gia có nền nông nghiệp xanh, hiện đại.

Từ khóa: kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, lương thực thực phẩm.

1. Đặt vấn đề

Trong 5 năm trở lại đây, thế giới liên tục chứng kiến biến động lớn tác động xấu tới sự phát triển kinh tế. Đầu tiên là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm giá cả hàng hóa trên toàn thế giới leo thang, tiếp sau là đại dịch Covid-19 khiến hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới giảm đà tăng trưởng, và tiếp nữa là cuộc chiến tranh Nga - Ucraina đã đẩy kinh tế thế giới đến ngưỡng của một cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Giá cả, đặc biệt là giá năng lượng leo thang 45% so với năm 2016 [1], hầu hết mọi loại nguyên liệu cần thiết cho công nghiệp, công nghiệp kỹ thuật cao trở nên khan hiếm, đắt đỏ [2].

Nhìn toàn cảnh thế giới ngày nay sẽ thấy các trung tâm cung cấp tài nguyên thô của thế giới đều đang gặp những khó khăn nhất định. Trung Quốc - quốc gia cung cấp nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn [3] của thế giới tạm đóng cửa do chính sách “Zero Covid” và những ảnh hưởng nhất định trước đó của cuộc chiến kinh tế Mỹ - Trung. Nga - Ucraina - trung tâm cung cấp nhiều nguyên liệu đang bị cấm vận hoặc chiến tranh, tất cả những điều này đã đẩy giá của hầu hết các loại nguyên liệu tăng lên.

Mặc dù giá nguyên liệu tăng lên nhưng cơ bản những ảnh hưởng của các sản phẩm công nghệ kỹ thuật không gây ra nhiều hậu quả xấu, xã hội và người tiêu dùng vẫn có thể vượt được qua bằng những lựa chọn thay thế tiết kiệm hơn. Nhưng khi lương thực khan hiếm và đắt đỏ do giá phân bón, xăng dầu và nhiều yếu tố khác trong hệ thống phụ trợ sản xuất lương thực thực phẩm tăng, sẽ ảnh hưởng xấu tới đời sống xã hội của nhiều quốc gia, do đây là nhóm sản phẩm không thể thay thế. Đây mới thực sự là mối nguy lớn nhất đối với kinh tế - xã hội.

2. Thực trạng phát triển kinh tế nông nghiệp 

Bảng. Sản lượng lương thực và GDP thế giới giai đoạn 2016 - 2021

san-luong-luong-thuc-va-gdp-the-gioi-giai-doan-2016---2021 Nguồn: FAO và WorldBank tháng 4/2022, tác giả xử lý số liệu

Trên cơ sở dữ liệu được cập nhật từ Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, giai đoạn 2016 - 2021, sản lượng lương thực của thế giới có giá trị tuyệt đối từ hơn 3.579 tỷ USD năm 2016 tăng lên hơn 4.145 tỷ USD năm 2020, tương đương 15,82%, sau đó giảm khoảng 1% vào năm 2021 so với năm 2020. Việc giảm nhẹ sản lượng lương thực năm 2021 do ảnh hưởng xấu của dịch Covid-19 đã tác động tới toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên khi so sánh giá trị sản xuất lương thực thực phẩm toàn cầu với giá trị sản xuất toàn cầu (GDP toàn cầu), có thể thấy, giá trị sản xuất lương thực toàn cầu chỉ chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trên tổng GDP toàn cầu. Đồng thời, giá trị GDP toàn cầu năm 2020 giảm mạnh hơn 2.787 tỷ USD tương đương 3,29%. Như vậy, trong bối cảnh phức tạp của thế giới giai đoạn 2016 - 2021, kinh tế thế giới đã xuất hiện những suy thoái đáng kể nhưng giá trị sản xuất lương thực vẫn tương đối ổn định. Điều này là một minh chứng cho tính ổn định của lĩnh vực lương thực, thực phẩm cao hơn nhiều so với các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ trước những biến động xấu có tính toàn cầu.

Mặc dù lĩnh vực lương thực, thực phẩm có tính ổn định cao, nhưng thực tế cho thấy, ưu tiên của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển kinh tế lại chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Điều này làm cho sản lượng lương thực thực phẩm trên thế giới nói chung không tăng nhiều, mặc dù Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) thường xuyên cảnh báo về nguy cơ mất an ninh lương thực [4, tr85] và đề xuất các chính sách hỗ trợ. Có 2 nguyên nhân chính dẫn tới việc lựa chọn phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy hải sản và công nghiệp chế biến còn hạn chế là:

Thứ nhất: nhiều quốc gia không đủ điều kiện để phát triển nông, lâm nghiệp, thủy hải sản do khí hậu, thiếu tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên nhân lực…

Thứ hai: phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy hải sản và công nghiệp chế biến đem lại hiệu quả thấp hơn nhiều so với phát triển công nghiệp, dịch vụ.

Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới sẵn sàng chấp nhận nhập khẩu một phần lớn sản phẩm lương thực thực phẩm phục vụ nhu cầu nội địa của mình, qua đó sản lượng lương thực thực phẩm tập trung vào một số quốc gia chính như Mỹ với 30% sản lượng ngô, 28% sản lượng dầu đậu nành, 17% thịt gà, 12% thịt lợn, 18% thịt gia súc của thế giới. Trung Quốc sản xuất 17% sản lượng lúa mạch, 28% sản lượng gạo, 25% sản lượng khoai tây, 22% sản lượng ngô, 29% sản lượng dầu đậu nành, 14% dầu cải, 11% sản lượng thịt gà, 39% sản lượng thịt lợn, 8% thị gia súc của thế giới. Ngoài ra còn các quốc gia như Indonesia, Ấn Độ, Nga, Ucraina… cũng chiếm một tỷ trọng lớn trong sản xuất lương thực, thực phẩm của thế giới [4,Tr. 12 - 25]. Những đặc điểm dễ nhận thấy của các quốc gia này trong phát triển sản xuất lương thực thực phẩm là:

  • Đất đai rộng lớn.
  • Dân số đông.
  • Khoa học kỹ thuật phát triển.

Cùng với sản lượng lương thực, thực phẩm lớn, những quốc gia chủ đạo trong xuất khẩu sản phẩm ngũ cốc bao gồm: sản phẩm ngô có Brazil, Mỹ, Argentina, sản phẩm lúa mì có Nga, Mỹ, Canada, sản phẩm gạo có Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy hải sản và công nghiệp chế biến như khí hậu, đất đai và con người. Trong những thập niên vừa qua, kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng chủ yếu nhờ vào phát triển công nghiệp, dịch vụ. Mặc dù vậy, giá trị sản xuất lương thực, thực phẩm của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP Việt Nam với khoảng 18,05% năm 2021. Trong khi đó, đối với một số quốc gia khác như Mỹ, giá trị sản xuất lượng thực, thực phẩm chỉ chiếm khoảng 0,0016% GDP, Nga: 0,01% GDP, Trung Quốc: 0,01% GDP, Indonesia: 0,01% GDP, Brazil: 0,007% GDP. Như vậy, khi so sánh với một số nước trên thế giới, tỷ trọng giá trị sản xuất lương thực, thực phẩm của Việt Nam là rất cao.  Chỉ số này phản ánh tiềm năng lớn của ngành sản xuất lương thực, thực phẩm của Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình sản xuất lương thực thực phẩm của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng như vậy, kết quả của hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản và chế biến còn tương đối nhỏ trong bối cảnh gia tăng không ngừng của dân số và kinh tế thế giới. Việc phát triển nông nghiệp trở thành mũi nhọn kinh tế quốc gia, đưa quốc gia trở thành nôi lương thực của thế giới là điều khả thi. Mặc dù nếu áp dụng, tốc độ tăng trường kinh tế quốc gia sẽ chậm lại, nhưng đây là sự tăng trưởng chắc chắn và lâu dài.

3. Giải quyết vấn đề

Với một đất nước có nhiều đặc điểm thuận lợi cho phát triển nông nghiệp như Việt Nam, đầu tư và phát triển nông nghiệp xanh, hiện đại là điều khả thi. Những vấn đề bất cập trong sản xuất nông nghiệp hiện nay của Việt Nam còn rất nhiều trong đó quy mô sản xuất, mức độ hiện đại và đảm bảo chất lượng là những vấn đề cơ bản nhất.

Hiện trạng sản xuất lương thực, thực phẩm thô, tức là nuôi trồng chưa qua chế biến tại Việt Nam còn manh mún, thiếu quy mô, từ đó dẫn tới việc hiện đại hóa và đảm bảo chất lượng khó khăn; Giám sát ảnh hưởng của hoạt động sản xuất này đối với môi trường cũng chưa đảm bảo dẫn tới sản lượng chưa cao, chất lượng thiếu đồng bộ; Thu nhập người lao động còn thấp, ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái, tác động xấu đến sức khỏe người lao động. Vì vậy, cần tiến hành cơ cấu lại vùng sản xuất sao cho hợp lý. Mặc dù chính sách dồn điền đổi thửa, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại ra đời từ năm 2013, nhưng thực tế còn gặp nhiều khó khăn do những đặc điểm dân số xã hội Việt Nam và những bất cập trong thủ tục, giấy tờ vì vậy lượng các nhà đầu tư có quy mô lớn còn khiêm tốn.

Cùng với đó, hiệu suất đầu tư trong lĩnh vực này chưa cao, chưa thu hút được sự quan tâm đúng mức của các nhà đầu tư. Bởi vậy, để nâng cao sản lượng sản xuất và chất lượng lương thực, thực phẩm thô, đồng thời dễ dàng giám sát quản lý môi trường, phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản xanh cần tăng cường áp dụng chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ tư vấn cho chính người dân tại địa phương phát triển các trang trại hỗn hợp có quy mô lớn. Qua đó, dễ dàng ứng dụng máy móc hiện đại phục vụ sản xuất nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập cho người lao động trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản.

Khuyến khích phát triển mối quan hệ ràng buộc giữa chủ đầu tư và các hộ sản xuất nông nghiệp thông qua việc hộ sản xuất nông nghiệp bán đất canh tác cho chủ đầu tư, chủ đầu tư cam kết đào tạo và sử dụng lao động của các hộ sản xuất nông nghiệp. Việc đầu tư phát triển các mô hình trang trại hỗn hợp cần có sự hỗ trợ của nhiều máy móc hiện đại, việc này đảm bảo sự vận hành thống nhất của hệ thống sản xuất trang trại, đạt các tiêu chuẩn đầu ra ổn định hơn, giảm chi phí và kiểm soát được môi trường. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều hộ nông dân tuy thất nghiệp nhưng khó được nhận vào trang trại làm việc do khả năng vận hành trang thiết bị. Vì vậy, chủ đầu tư cần hỗ trợ đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng công việc sau này của người nông dân tại các trang trại.

Việc phát triển ngành sản xuất lương thực, thực phẩm xanh còn giúp  Việt Nam đảm bảo được chất lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm, qua đó có thể phát triển những thương hiệu trong lĩnh vực này, hướng tới những thị trường khó tính với sản phẩm dưới dạng thương phẩm thay cho nguyên liệu thô, đảm bảo doanh thu cao và ổn định. Hiện trạng thực tế kết quả của sản xuất nông nghiệp Việt Nam cho thấy, đại bộ phận sản phẩm trong ngành nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu ở dạng thô và vào một số thị trường dễ tính. Các thương hiệu trong lĩnh vực này còn ít và mức độ bảo vệ thương hiệu chưa cao, điển hình như thương hiệu gạo ST25 gần đây bị một số tổ chức tại Mỹ đăng ký trước. Vấn đề này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam hoặc chưa quan tâm đúng mức tới việc bảo vệ thương hiệu, hoặc thiếu hiểu biết về thương hiệu và bảo vệ thương hiệu. Vì vậy, nhất thiết phải tăng cường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đồng thời xây dựng các kịch bản hỗ trợ đăng ký bảo vệ thương hiệu đối với các doanh nghiệp, các chủ thương hiệu.

Ngoài tăng cường tuyên truyền xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu, bản thân các cấp quản lý cũng cần xem xét nâng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông hải sản lên tiệm cận tiêu chuẩn của các thị trường có tiêu chuẩn cao trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, EU,… để từ đó giải quyết đồng thời 2 mục tiêu: chất lượng lương thực thực phẩm cho thị trường nội địa được nâng cao và dễ dàng đưa sản phẩm tới các thị trường có giá trị cao, tạo giá trị thương hiệu lương thực thực phẩm lâu dài.

Bên cạnh đó, phát triển ngành sản xuất lương thực, thực phẩm xanh còn đảm bảo môi trường sinh thái, là một trong những tiền đề phát triển du lịch dịch vụ, giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều cảnh đẹp trên thế giới, tuy nhiên khi chú trọng nhiều hơn tới phát triển công nghiệp, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, từ đó ảnh hưởng đến ngành Du lịch, một trong những lĩnh vực có thể đóng góp ngân sách rất lớn cho quốc gia. Cần xem xét kỹ các quy hoạch để phát triển công nghiệp hợp lý hơn, đồng thời tăng cường phát triển kinh tế nông nghiệp xanh qua đó đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thu hút và phát triển ngành Du lịch.

4. Kết luận

 Phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp kỹ thuật cao có thể mang lại lợi thế tăng trưởng kinh tế quốc gia một cách nhanh chóng, nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường tự nhiên. Việc chủ động phát triển công nghiệp kỹ thuật cao đối với Việt Nam tại thời điểm này còn nhiều hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài. Khi xảy ra những khủng hoảng có tính toàn cầu, ngành bị ảnh hưởng đầu tiên là các ngành công nghiệp, trong khi đó ngành nông nghiệp về cơ bản ít bị ảnh hưởng hơn. Nếu chọn phát triển kinh tế quốc gia theo hướng nông nghiệp cũng cần phải xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm hơn do giá trị sản phẩm lương thực, thực phẩm thấp hơn giá trị của các sản phẩm công nghiệp và thời gian tạo ra sản phẩm lâu hơn, hiệu quả kinh tế tất nhiên sẽ thấp hơn. Nhưng theo đuổi phát triển nông nghiệp xanh, nuôi trồng thủy hải sản xanh sẽ giúp cho giá trị sản phẩm xuất khẩu cao hơn, kinh tế phát triển chắc chắn hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. IEA. (2022). Energy Prices: Overview. Retrieved from: https://www.iea.org/reports/energy-prices-overview.
  2. FRED. (2022). Global price of Agriculture Raw Material Index. Retrieved from: https://fred.stlouisfed.org/series/PRAWMINDEXM.
  3. World Bank. (2013). Retrieved from: https://www.worldbank.org/content/dam/Worldbank/document/China-2030-complete.pdf.
  4. FAO. (2021). World Food and Agriculture - Statistical Yearbook 2021. Rome, Italy: FAO.
  5. Số liệu thống kê từ FAO, WorldBank, tháng 2/2022.

 

DEVELOPING AGRICULTURAL ECONOMY -

A SLOW BUT SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT APPROACH

Master. NGUYEN TRI LONG

Hai Phong University

ABSTRACT:

In the global economic development, most countries choose to develop industries and services as these sectors greatly contribute to the national GDP growth. It is clear that the development of industries and services can help a country quickly escape poverty but it is more vulnerable to crises. In contrast with this approach, the development of food production and services will stabilize the national economy in crises. However, this approach brings a lower GDP growth. This paper presents the green agricultural development with high added value agricultural products for exports. This development approach is expected to help the economy grow more sustainably.

Keywords: agricultural economy, green agriculture development, green agriculture, food.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 11, tháng 5 năm 2022]