Một số giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp Việt Nam

NGUYỄN THỊ HUYỀN (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

 TÓM TẮT:

Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những bước phát triển quan trọng, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cao hơn trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam cần phát huy những thế mạnh hiện có, đồng thời khắc phục những hạn chế cơ bản hiện nay. Trong bài viết, tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế cơ bản của ngành Nông nghiệp Việt Nam để đạt được những mục tiêu đã đặt ra.

Từ khóa: Nông nghiệp Việt Nam, phát triển nông nghiệp, hạn chế, giải pháp.

1. Mục tiêu chủa ngành Nông nghiệp Việt Nam

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngành Nông nghiệp cần phấn đấu 10 năm nữa để Việt Nam phải lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới; riêng lĩnh vực chế biến nông sản phải nằm ở nhóm 10 nước phát triển của thế giới. Việt Nam phấn đấu là trung tâm chế biến xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu thế giới, nơi sản xuất tôm lớn của thế giới,... Mục tiêu trước mắt là năm 2019 phải đạt tỷ trọng xuất khẩu từ 42- 43 tỷ USD. Lý do mà chúng ta đặt ra mục tiêu như vậy là vì, năm 2018 ngành Nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản đạt kỷ lục trên 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đã thể hiện là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, trở thành một động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam. Năm 2018, nông nghiệp Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ với con số 3,76%, được xem là cao nhất trong 7 năm trở lại đây [5]. Có thể nói, đó là những thành tựu đáng ghi nhận của ngành Nông nghiệp Việt Nam trong năm 2018, tuy nhiên để đạt được mục tiêu cao hơn sau 10 năm nữa, Nông nghiệp Việt Nam cần phải có những giải pháp để phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế cơ bản hiện nay.

2. Tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp có tính đặc trưng, đặc sản vùng miền

Sự đa dạng về khí hậu, đất đai, vị trí địa lý là điều kiện để mỗi địa phương, mỗi vùng, miền ở Việt Nam có được nhiều loại nông sản, đặc sản đa dạng, phong phú. Những loại nông sản, đặc sản của Việt Nam không chỉ nhân dân trong nước yêu thích, mà còn được rất nhiều nước trên thế giới đón nhận. Các sản phẩm có tính đặc trưng, đặc sản, như: nhãn lồng Hưng Yên, vải Lục Ngạn - Bắc Giang, thanh long Châu Thành - Long An, xoài Cát Chu, cam Bố Hạ, nho Ninh Thuận, gà Đông Cảo… Năm 2017, vải thiều Bắc Giang đã được tiêu thụ tại hơn 30 quốc gia trên thế giới. Vụ vải thiều Bắc Giang 2017 được đánh giá là vụ thành công nhất trong 60 năm qua, với giá trị thu được từ tiêu thụ vải thiều và các hoạt động phụ trợ đạt hơn 5.300 tỉ đồng [7]. Còn đối với sản phẩm Thanh Long cũng đã được một số thị trường khó tính đón nhận. Theo báo cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Phát Fruit, hằng năm, Công ty đã xuất khẩu trên 7.000 tấn Thanh Long ruột trắng, và trên 3.000 tấn đối với Thanh long ruột đỏ, xoài… Công ty đã xuất khẩu Thanh Long sang cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Autralia, Đài Loan, Hàn Quốc…[8]. Như vậy, đối với một số mặt hàng nông sản, đặc sản, chúng ta đã xuất khẩu thành công và đạt được mức doanh thu tương đối tốt. Tuy nhiên, để nông nghiệp Việt Nam phát triển, các địa phương cần mở rộng quy mô sản xuất, ưu tiên phát triển các vùng, miền có sản phẩm đặc trưng, đặc sản nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu ra nước ngoài. Mỗi địa phương phải có chiến lược phát triển nông sản, đặc trưng, đặc sản cho địa phương mình, cần có quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, xúc tiến thương mại, hợp tác làm ăn để sản phẩm đặc trưng, đặc sản có thương hiệu trong nước cũng như trên thế giới. Để làm được điều đó, cần phải đầu tư cho việc quảng bá sản phẩm, mang sản phẩm đi triển lãm, quảng cáo và hình thành các vùng du lịch kết hợp giữa tham quan, mua sắm và quảng bá sản phẩm đặc trưng vùng miền. Hỗ trợ về vốn, về quyền sử dụng đất cho từng loại nông sản có thế mạnh về xuất khẩu, chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, bưu điện, truyền thông. Hình thành những vùng có quy mô sản xuất lớn đáp ứng được nhu cầu chế biến và xuất khẩu. Kiên quyết không để các hiện tượng phát triển tự phát, ngoài quy hoạch. Đặc biệt là phải làm chủ được thị trường, ổn định được sản lượng hằng năm để tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.

3. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay. Để thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, cần có sự liên kết giữa nhà nông và nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho các nhà khoa học nghiên cứu ra các sản phẩm mới phục vụ cho việc tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm... Mặt khác, mỗi địa phương nên có chiến lược đào tạo, nâng cao trình độ và phân bổ biên chế hợp lý cho cán bộ khuyến nông ở các địa phương, nhất là mạng lưới cán bộ khuyến nông ở các xã, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đối với lĩnh vực trồng trọt, cần ứng dụng rộng rãi các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu sâu bệnh, chống chọi được điều kiện thời tiết khắc nghiệt; từng bước sử dụng cây trồng biến đổi gen như ngô, bông, đậu tương…; mở rộng nhanh cơ giới hóa các khâu sản xuất. Trong lĩnh vực chăn nuôi, cần ứng dụng công nghệ di truyền để chọn lọc giống, tạo giống chất lượng tốt và bảo tồn nguồn gen, sản xuất giống mới có năng suất chất lượng cao. Ví dụ: Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa được Vinamilk quy hoạch là tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao áp dụng các qui trình và công nghệ hiện đại nhất của thế giới và chăn nuôi bò sữa công nghiệp đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sữa bò tươi cho sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Vinamilk hiện có hệ thống 10 trang trại trải dài khắp Việt Nam đạt tiêu chuẩn Global GAP với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, Mỹ và New Zealand. Tổng đàn bò cung cấp sữa cho Công ty (bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết) lên tới hơn 120.000 con, với sản lượng khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Dự kiến, tổng đàn bò sẽ được nâng lên khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi. [6]. Ngoài ra, cần đẩy mạnh sản xuất nông sản an toàn, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tập trung cải tạo cây trồng, vật nuôi, tạo và nhân nhanh các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao bằng tăng cường hơn nữa năng lực nghiên cứu trong nước, kết hợp với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để chọn được những giống có hiệu quả cao nhất. Đưa nhanh công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng thí điểm một số khu công nghệ cao dựa vào công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Đây là nơi tập trung những tiến bộ khoa học - công nghệ mới, những sáng tạo mới, với cách thức tổ chức quản lý hiện đại dựa vào tri thức mới. Sau đó, nhân rộng để tạo bước chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tri thức.

4. Xóa bỏ mặt tiêu cực của tâm lý tiểu nông

Việt Nam là một quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp lâu đời, phương thức canh tác nhỏ lẻ, manh mún và truyền thống định cư theo kiểu làng, xã đã hình thành tâm lý tiểu nông của người Việt Nam. Tâm lý tiểu nông là các hiện tượng ý thức như tình cảm, mong muốn, ý chí, thói quen, tâm trạng... Tâm lý tiểu nông có những mặt tích cực như yêu nước, gắn bó với làng, xã, quê hương, tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng. Nhưng tâm lý tiểu nông cũng có những biểu hiện tiêu cực, đó là: nghĩ và làm theo kinh nghiệm, bảo thủ, ngại thay đổi, có tầm nhìn thiển cận; coi trọng kinh nghiệm cũ, thói quen, cách làm cũ, bảo thủ, ngại thay đổi, nhất là những thay đổi đột ngột, không dám mạo hiểm thử nghiệm và sáng tạo cái mới,…

Tâm lý tiểu nông được hình thành và tồn tại dưới tác động của một loạt các nhân tố (kinh tế, xã hội, lịch sử và văn hóa…) gắn kết với nhau qua hàng ngàn năm lịch sử, do đó nó có tính kế thừa, trở thành tập quán, thói quen; vì vậy, nó có sức mạnh cũng như có tính bảo thủ và sức ỳ rất lớn. Việc xóa bỏ mặt tiêu cực này là vấn đề không hề đơn giản, nhưng dù khó vẫn cần phải thay đổi . Trong xu thế hội nhập, để nông nghiệp Việt Nam phát triển, cần phải xóa bỏ những mặt tiêu cực nêu trên thì mới xóa bỏ được tình trạng phá vỡ các hợp đồng kinh tế, tùy tiện hạ giá sản phẩm nông sản trên thị trường, không quan tâm đến lợi ích chung, không thích làm ăn lớn, duy trì lối sản xuất theo kinh nghiệm, không có đổi mới sáng tạo trong sản xuất dẫn đến năng suất, chất lượng, hiệu quả trong nông nghiệp còn rất thấp.

Để xóa bỏ được mặt tiêu cực của tâm lý tiểu nông cần có sự tuyên truyền vận động tích cực của các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương; cần mở thường xuyên các lớp tập huấn cho nông dân tại các địa phương, làm cho nông dân thay đổi nhận thức và bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông. Giáo dục ý thức chấp hành luật pháp cho nông dân, để xóa bỏ tư tưởng “phép vua thua lệ làng”, trọng tình hơn lý, xóa bỏ tâm lý trọng họ hàng, cục bộ, dẫn tới tư tưởng coi thường pháp luật. Chính quyền địa phương cần mở các lớp tham quan học tập kinh nghiệm cho nông dân, làm cho nông dân mở mang tầm nhìn, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm lớn để thay đổi tư duy manh mún nhỏ lẻ. Lúc đầu có thể chỉ tổ chức lớp học cho một số nông dân tiêu biểu, sau đó nhân rộng ra, nếu thấy việc học tập đó mang lại hiệu quả tốt. Thêm nữa, phải hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng kinh tế thị trường, tức là sản xuất “cái thị trường cần” chứ không sản xuất “cái mình muốn có”, như vậy sản phẩm của người nông dân làm ra mới bán được và thu được lợi nhuận.

5. Hình thành những tập đoàn nông sản mạnh

Việc hình thành các tập đoàn nông sản mạnh là rất cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế như hiện nay. Hình thành các tập đoàn nông sản mạnh giúp cho nông sản Việt Nam có thể ổn định và phát triển được thị trường trong nước cũng như đủ sức cạnh tranh với nông sản quốc tế. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, rất nhiều loại nông sản của các nước vào thị trường Việt Nam và cạnh tranh rất mạnh mẽ với nông sản của Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp như Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/1013, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Trên thực tế đã có một số doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, như: Công ty VinEco đã đầu tư 2.000 tỷ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp tại nhiều địa phương, trong đó bước đầu tập trung vào lĩnh vực trồng trọt, áp dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến hàng đầu trên thế giới để cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. VinEco đã sản xuất các sản phẩm rau quả hữu cơ, đáp ứng các nhu cầu chuyên biệt; đồng thời đi sâu nghiên cứu và sản xuất một số loại nông sản thế mạnh của Việt Nam, hướng tới việc cạnh tranh và xuất khẩu ra thị trường quốc tế [9]. Ngoài VinEco, còn có một số công ty tư nhân tích cực đầu tư cho nông nghiệp, như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Phát Fruit... Tuy vậy, tính đến nay, mới có khoảng 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, từng bước hình thành các tập đoàn nông sản mạnh, giúp tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam; Cần thu hút vốn, khả năng quản lý, khả năng sáng tạo và thúc đẩy sự liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư để mở rộng sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, huy động được nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp phần nào sẽ khắc phục được sự manh mún nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, tăng quy mô và tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; Thúc đẩy việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản quy mô lớn, nông dân liên kết để tham gia sản xuất tập trung, áp dụng quy trình sản xuất khép kín, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình kinh tế tập thể hợp tác sản xuất, trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao.

6. Kết luận

Trước xu hướng toàn cầu hóa về kinh tế như hiện nay, sự cạnh tranh trên các lĩnh vực ngày càng trở nên khốc liệt hơn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam là một nước nông nghiệp, trình độ sản xuất còn chưa cao, nên càng phải đối diện với những nguy cơ mất thị trường ngay trên sân nhà. Để nắm được cơ hội và vượt qua những thách thức, cần phải có một số giải pháp hiệu quả để giúp nền nông nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức mới có thể phát triển nhanh và bền vững.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Đình Luận, (7/2013), "Xuất khẩu gạo Việt Nam: Thực trạng và giải pháp", Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 193, trang 9 - 14.
  2. Nguyễn Thị Huyền (2019), Một số giải pháp phát triển sản xuất nông sản đặc sản ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Công Thương, số 8, tháng 5 năm 2019.
  3. Nguyễn Tiến Thư, Hà Thị Thùy Dương (2019), “Mối quan hệ giữa tâm lý tiểu nông và kinh tế thị trường ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 1-2019.
  4. Tổng cục Hải quan Việt Nam, (2011, 2012, 2013, 2014, 2015),“Niên giám thống kê Hải quan về hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam”, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.
  5. https://dantri.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-viet-nam-phan-dau-lot-top-15-nuoc-co-nen-nong-nghiep-phat-trien-nhat-the-gioi-2019010313353543.htm
  6. https://www.vinamilk.com.vn/vi/tin-tuc-su-kien/1699/to-hop-trang-trai-bo-sua-cong-nghe-cao-vinamilk-tai-thanh-hoa-mo-ra-buoc-phat-trien-moi-cho-nganh-nong-nghiep-chan-nuoi-bo-sua-tai-viet-nam
  7. https://vaithieu.net/nam-2018-bac-giang-phan-dau-65-vai-thieu-tieu-thu-thi-truong-noi-dia/
  8. http://hoangphatfruit.com/gioi-thieu-tong-quan-ve-cong-ty
  9. https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/vingroup-dau-tu-2000-ti-dong-vao-nong-nghiep-544001.html.

 

SOME SOLUTIONS TO PROMOTE THE GROWTH OF VIETNAM’S AGRICULTURAL FIELD

NGUYEN THI HUYEN

Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

The agricultural sector has significantly contributed to the economic development of Vietnam. However, it is necessary for Vietnam’s agricultural field to exploit its strengths as well as tackle its current limitations in order to gain more great achievements. This article is to propose a number of solutions to overcome limitations of Vietnam’s agricultural sector in odder to achieve set goals.

Keywords: Agricultural field of Vietnam, agricultural development, limitation, solution.