Tín dụng ngân hàng thương mại đối với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng

ThS. ĐÀO DŨNG TRÍ (Quỹ Đầu tư phát triển Lâm Đồng)

 

TÓM TẮT:

Bài báo sử dụng phương pháp nghiên cứu kết hợp giữa định tính và định lượng nhằm phân tích thực trạng cấp vốn tín dụng ngân hàng thương mại dành cho các khách hàng vay vốn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng. Kết quả phân tích đã làm sáng tỏ những khó khăn và điểm nghẽn xoay quanh các cơ chế định giá tài sản, thời gian giải ngân, quy trình thẩm định, cấp vốn. Từ đó, bài báo đề xuất một số hàm ý quản trị cho nhà lãnh đạo các ngân hàng thương mại nhằm cải thiện hiệu quả cấp vốn.

 

Từ khóa: Tín dụng ngân hàng thương mại, nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Lâm Đồng.

1. Đặt vấn đề

Tỉnh Lâm Đồng được nhiều ưu đãi thuận lợi của thiên nhiên về cả khí hậu lẫn nguồn đất đai màu mỡ để phát triển các loại nông sản cao cấp có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới.  Theo hội thảo về công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) được tổ chức tại thành phố Đà Lạt vào tháng 4/2019 đã định hướng phát triển NNCNC là hướng đi tất yếu, giúp thúc đẩy ngành Nông nghiệp của toàn Tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế.

Với thực trạng đất sản xuất ngày càng thu hẹp, sự biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ nét hơn và sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, NNCNC được xem là một giải pháp cấp thiết nhất mà nền nông nghiệp cả nước cần hướng đến nhằm phát triển bền vững. Điểm khác biệt quan trọng giữa NNCNC so với ngành Nông nghiệp truyền thống ở chỗ: NNCNC đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn để trang bị hệ thống nhà kính, trang thiết bị, công nghệ một cách đồng bộ. Việc phát triển NNCNC hiện đang gặp phải nhiều rào cản về cơ chế chính sách, công nghệ, nguồn lực và đặc biệt nhất là công tác huy động vốn dùng cho sản xuất và đầu tư. Mục đích của nghiên cứu này là tìm ra những khó khăn của các nông hộ và doanh nghiệp trong quá trình huy động vốn vay từ các ngân hàng thương mại (NHTM) để dùng cho sản xuất NNCNC. Đối tượng nghiên cứu là thực trạng việc tiếp cận vốn tín dụng NHTM và những điểm nghẽn đang gặp phải trong quá trình cấp vốn dành cho sản xuất NNCNC.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp kết hợp giữa nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu định tính được tiến hành với công cụ phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm với 6 chuyên gia trong ngành ngân hàng và nhà nghiên cứu khoa học, để xây dựng bảng câu hỏi có cấu trúc nhằm tìm hiểu thực trạng của quá trình cấp vốn tín dụng NHTM dành cho sản xuất NNCNC. Sau nghiên cứu định tính, bảng câu hỏi có cấu trúc được hình thành, bao gồm các câu hỏi chọn lựa nhằm điều tra về thực trạng vay vốn, mục đích sử dụng vốn vay, những khó khăn mà khách hàng đang mắc phải… (tham khảo từ nghiên cứu trước của Akram & Hussain, 2008). Thang đo khoảng Likert 5 mức độ được sử dụng để đo lường các tiêu chí về chất lượng dịch vụ tín dụng và tầm quan trọng được tham khảo từ nghiên cứu của Chu và Choi (2000).

Nghiên cứu định lượng sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện (phi xác suất), đây là cách chọn mẫu khá phổ biến trong các nghiên cứu định lượng, khi việc lấy mẫu trên tổng thể hoặc lấy mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên là quá khó khăn và tốn kém nguồn tài lực, nhân lực (Nguyễn Đình Thọ, 2011). Nghiên cứu định lượng được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn các đối tượng khảo sát là chủ nông hộ và chủ doanh nghiệp đang sản xuất NNCNC trên địa bàn nghiên cứu thông qua bảng câu hỏi có cấu trúc.

Phạm vi nghiên cứu là thành phố Đà Lạt và 5 huyện lân cận, là vùng tập trung hơn 90% diện tích canh tác rau và hoa màu của toàn tỉnh Lâm Đồng. Trong 4 tháng thu thập (từ tháng 4 đến tháng 7/2019), tổng cộng thu về được 161 phiếu khảo sát, bao gồm 2 đối tượng chính là: những khách hàng cá nhân và doanh nghiệp chưa từng vay vốn tín dụng của các NHTM (chiếm 53,4%), trái ngược với khách hàng đã từng vay vốn (chiếm 46,6%). Số khách hàng là chủ nông hộ chiếm 73,9% so với khách hàng là chủ doanh nghiệp (chiếm 26,1%). Dữ liệu thu về được tiến hành phân tích, thống kê thông qua phần mềm Excel và SPSS 16.

Để xác định các điểm nghẽn trong quá trình cấp vốn tín dụng NHTM cho sản xuất NNCNC, nghiên cứu sử dụng phương pháp lưới phân tích tầm quan trọng - thực trạng IPA (Importance Performance Analysis) tương tự nghiên cứu của Chu và Choi (2000). Lưới phân tích IPA là một mô hình phân tích đa tính chất (multi-attribute model) được đề xuất bởi Martilla và James (1977). Kỹ thuật phân tích này được áp dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực như các ứng dụng chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Hawes & Rao, 1985), ngành dịch vụ bán lẻ (Chapman 1993), hoặc ngành du lịch - khách sạn (Chu & Choi, 2000). Trong dịch vụ tín dụng NHTM, sẽ có những tính năng (attributes) hay gọi là các tiêu chí để các khách hàng đánh giá về dịch vụ cấp vốn của ngân hàng.

Các tiêu chí này được đánh giá dựa trên hai khía cạnh, thứ nhất là tầm quan trọng và thứ hai là kết quả của sự phục vụ, hay còn gọi là chất lượng dịch vụ. Tầm quan trọng thể hiện mức độ mà các tiêu chí này ảnh hưởng đến thái độ, sự hài lòng của khách hàng và quyết định tiếp tục sử dụng dịch vụ của họ. Khi một tiêu chí có tầm quan trọng cao, chứng tỏ rằng khách hàng dành nhiều sự quan tâm về nó và nó là những tính năng dịch vụ cốt lõi nhất, góp phần mang lại sự hài lòng cho khách hàng. Chất lượng dịch vụ của mỗi tiêu chí cụ thể thể hiện cho cảm nhận và đánh giá của khách hàng về thực trạng của việc phục vụ, đáp ứng của ngân hàng đối với các tiêu chí đó.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng về nhu cầu vốn

Khi hỏi về nguồn vốn tín dụng từ các NHTM đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu vốn của các đối tượng, kết quả cho thấy mức đáp ứng trung bình đạt 51,16%. Như vậy, tín dụng NHTM hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng một nửa nhu cầu vốn của các đối tượng nông hộ và doanh nghiệp, với mức lãi suất trung bình là 8,85%. Tuy nhu cầu vốn chỉ mới được đáp ứng một nửa, nhưng các đối tượng lại rất nhạy cảm về mức lãi suất. Khi được hỏi, nếu lãi suất của ngân hàng tăng lên, có đến 93% đối tượng lựa chọn sẽ không tiếp tục vay vốn từ NHTM. Trong khi đó, nếu các NHTM giữ nguyên lãi suất và mở rộng hạn mức cho vay, có đến 90% các đối tượng lựa chọn sẽ đồng ý vay thêm. Như vậy, các khách hàng NNCNC hiện nay rất nhạy cảm về vấn đề lãi suất và nhu cầu vốn của họ vẫn còn rất lớn. Nếu mức lãi suất tăng thêm, họ sẽ sẵn sàng tìm kiếm những nguồn vốn khác thay thế. Vì vậy, sự cạnh tranh của các NHTM có thể nằm ở mức lãi suất và hạn mức cho vay. Nếu các NHTM khai thác tốt, sẽ mở rộng hạn mức vay vốn cho đối tượng trên, giúp tăng cường doanh thu tín dụng cho các ngân hàng lẫn đáp ứng thêm nhu cầu vốn sản xuất nông nghiệp cho các nông hộ và doanh nghiệp.

3.2. Những khó khăn khi vay vốn

Khi các khách hàng đã từng vay vốn tín dụng từ các NHTM được hỏi về những khó khăn trong quá trình vay vốn, có 2 khó khăn lớn nhất được chỉ ra, đó là: việc định giá tài sản đảm bảo còn thấp và thời hạn vay còn quá ngắn. Như vậy, việc nhu cầu vốn của các đối tượng vẫn chưa được thỏa mãn cả về mức vốn cần vay và thời hạn vay. Các đối tượng vay vẫn chưa hài lòng về việc tài sản thế chấp của mình còn bị định giá thấp, không giải quyết được hết nhu cầu vay vốn của mình.

Bảng 1. Những khó khăn khi vay vốn tín dụng từ NHTM

Khó khăn khi vay vốn tín dụngLưới phân tích tầm quan trọng - Chất lượng dịch vụ tín dụng

Để hiểu rõ về các điểm nghẽn trong quá trình cấp vốn tín dụng của các NHTM, nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích (IPA). Các đối tượng sẽ cho ý kiến về 12 tiêu chí đưa ra, để đánh giá về 2 khía cạnh là tầm quan trọng và mức độ chất lượng của các tiêu chí, gọi chung là chất lượng dịch vụ tín dụng, với thang khoảng (likert) từ 1 đến 5. Đối với việc đánh giá tầm quan trọng, mức độ 1 tương ứng với hoàn toàn không quan trọng và mức độ 5 tương ứng với rất quan trọng. Đối với việc đánh giá chất lượng dịch vụ tín dụng, mức độ 1 cho thấy các tiêu chí đang ở mức chất lượng rất thấp, và mức độ 5 tương ứng với mức cao nhất về chất lượng dịch vụ, khiến cho các đối tượng cảm thấy hài lòng.

Bảng 2. Đánh giá tầm quan trọng và chất lượng dịch vụ tín dụng

Đánh giá chất lượng dịch vụ vay tín dụng

Theo kết quả ở Bảng 2, cả 12 tiêu chí đánh giá về chất lượng dịch vụ tín dụng của các NHTM đều được các đối tượng nhận xét ở mức độ tầm quan trọng cao. Tầm quan trọng được đánh giá càng cao cho thấy những tiêu chí trên có sự ảnh hưởng càng lớn đến sự hài lòng và ý định chấp nhận vay vốn của đối tượng. Ngược lại, về chất lượng dịch vụ tín dụng của 12 tiêu chí chỉ ở mức trung bình 3,05 so với mức tối đa là 5, cho thấy các đối tượng vẫn còn đánh giá mức độ chất chất lượng chưa cao. Thấp nhất là tiêu chí thứ 11 và thứ 7, cho thấy các đối tượng phải tốn thêm các khoản chi phí ngầm khác khi vay vốn tín dụng từ các NHTM và còn chưa hài lòng khi các ngân hàng có quá ít hình thức thế chấp tài sản.

Để có sự đánh giá tổng quan giữa tầm quan trọng và chất lượng dịch vụ tín dụng, 12 tiêu chí trên được thể hiện trên lưới phân tích ở Hình 1 bên dưới. Trong lưới phân tích IPA, trục ngang thể hiện mức độ tầm quan trọng và trục thẳng đứng thể hiện mức độ chất lượng dịch vụ tín dụng. Hai đường màu đỏ là giá trị trung bình của tầm quan trọng và mức độ chất lượng dịch vụ chia mặt phẳng lưới đánh giá thành 4 khu vực được ký hiệu bằng số La Mã (I), (II), (III) và (IV).

Ở khu vực (I) là các tiêu chí có tầm quan trọng thấp và chất lượng dịch vụ tín dụng cao. Vì các tiêu chí này ít góp phần quan trọng đến sự hài lòng hoặc quyết định vay vốn, các NHTM không cần dành nhiều sự quan tâm hoặc thay đổi chúng, bao gồm: lãi suất, thủ tục pháp lý và vị trí. Ba yếu tố trên có tính chất nhất quán giữa các NHTM, các thủ tục pháp lý và lãi suất gần như tương đồng, và khách hàng cũng tương đối dễ dàng trong việc đi đến ngân hàng. 

Các yếu tố ở khu vực (II) vừa có tầm quan trọng và chất lượng dịch vụ tín dụng ở mức trên trung bình. Các tiêu chí này góp phần quan trọng đến sự hài lòng của khách hàng và đang ở hiện trạng chất lượng cao. Vì vậy, các NHTM cần tiếp tục duy trì chúng, cụ thể là: sự thân thiện của nhân viên tín dụng và hạn mức cho vay của ngân hàng. Yếu tố thái độ phục vụ của các nhân viên tín dụng đang được đánh giá ở mức chất lượng cao nên NHTM cần tiếp tục duy trì. Ngược lại, yếu tố hạn mức cho vay được đánh giá có tầm quan trọng cao, nhưng chất lượng vẫn còn xấp xỉ ở đường trung bình, như vậy NHTM cần tìm cách mở rộng hạn mức cho vay để đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu vốn của khách hàng.

Các yếu tố ở khu vực (III) là những yếu tố có tầm quan trọng cao, nhưng thực trạng chất lượng vẫn còn thấp, đó là những điểm nghẽn mà các NHTM cần phải chú ý. Có 5 yếu tố nằm trong khu vực này, sắp xếp theo mức độ tầm quan trọng giảm dần, là: việc định giá tài sản thế chấp, quy trình hồ sơ đơn giản, mở rộng chấp nhận các hình thức thế chấp, thời gian giải ngân phù hợp và việc tốn thêm các khoản phí khác. Đây chính là 5 điểm nghẽn cần được các NHTM tập trung chú ý để cải thiện, tăng cường sự hài lòng và tăng doanh thu tín dụng.

Ngoài ra, không có yếu tố nào nằm trong khu vực (IV) là khu vực có tầm quan trọng thấp lẫn chất lượng thực trạng thấp.

Hình1: Lưới phân tích tầm quan trọng - Chất lượng dịch vụ tín dụng

Chất lượng dịch vụ tín dụng

4. Kết luận

Bằng phương pháp nghiên cứu kết hợp giữa định tính và định lượng, nghiên cứu đã tổng hợp, phân tích để trình bày rõ thực trạng cấp vốn tín dụng NHTM cho sản xuất NNCNC. Kết quả cho thấy, tín dụng dành cho NNCNC có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng lại đang gặp phải một số khó khăn và điểm nghẽn, như: việc định giá tài sản thế chấp còn thấp, quy trình hồ sơ còn phức tạp, chưa có nhiều hình thức thế chấp tài sản, hạn mức cho vay chưa đáp ứng nhu cầu, thời hạn giải ngân còn chậm và việc tốn thêm các khoản phí khác.

Từ đây, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý quản trị cho các nhà lãnh đạo NHTM và các khuyến nghị cho các cơ quan chuyên ngành như sau: Một là xem xét bổ sung thêm các hình thức thế chấp, bảo lãnh tín dụng để khách hàng có thể tiếp cận được hạn mức tín dụng phù hợp với nhu cầu. Hai là cần xây dựng quy trình riêng có tính thống nhất và tinh gọn để phục vụ cho đối tượng khách hàng vay vốn sản xuất NNCNC, nhằm đơn giản hóa, rút gọn thời gian thẩm định, kiểm duyệt và giải ngân. Ba là có cơ chế định giá đất nông nghiệp phù hợp hơn, gắn liền đất nông nghiệp và các tài sản đầu tư trên đất như nhà kính, nhà lồng, dây chuyền công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp để có kết quả định giá chính xác hơn. Bốn là ban hành quy trình tín dụng, thủ tục, hồ sơ cho NNCNC, công khai trên các trang điện tử của ngân hàng để khách hàng nắm được, xây dựng bộ tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp, đồng thời có cơ chế giám sát, lấy ý kiến về sự hài lòng của khách hàng trong quá trình giải quyết hồ sơ của nhân viên tín dụng. Các đề xuất trên sẽ giúp các NHTM khai thông những điểm nghẽn, cải thiện hiệu suất trong quá trình cấp vốn tín dụng đến người vay, góp phần làm tiền đề để phát triển ngành Nông nghiệp theo định hướng ứng dụng công nghệ cao mà Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo hướng đến.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Đình Thọ (2011), Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, NXB Lao động Xã hội, Hà Nội.
  2. Akram, W., & Hussain, Z. (2008). Agricultural credit constraints and borrowing behavior of farmers in rural Punjab.
  3. Chapman, R. G. (1993). Brand performance comparatives. Journal of Product & Brand Management, 2(1), 42-50.
  4. Chu, R. K., & Choi, T. (2000). An importance-performance analysis of hotel selection factors in the Hong Kong hotel industry: A comparison of business and leisure travellers. Tourism management, 21(4), 363-377.
  5. Hawes, J. M., & Rao, C. P. (1985). USING IMPORTANCE-PERFORMANCE ANALYSIS TO DEVELOP HEALTH CARE MARKETING STRATEGIES. Journal of Health Care Marketing, 5(4).
  6. Martilla, J. A., & James, J. C. (1977). Importance-performance analysis. Journal of marketing, 41(1), 77-79.

COMMERCIAL BANK CREDIT FOR HIGH-TECH AGRICULTURE PRODUCTION IN LAM DONG PROVINCE

 DAO DUNG TRI

Lam Dong Development and Investment Fund

ABSTRACT:

The paper uses a combination of qualitative and quantitative research methods to analyze the current situation of providing commercial bank credit to customers who borrow capitals for hi-tech agricultural production in Lam Dong Province. The results have shown difficulties and bottlenecks revolving around assets valuation mechanisms, disbursement times, evaluation and funding processes. The paper proposes some administrative implications for leaders of commercial banks to improve funding efficiency.

Keywords: Comercial bank credit, high-tech agriculture, Lam Dong province.