TÓM TẮT:
Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) có vai trò giảm nhẹ biến đổi khí hậu bởi các yêu cầu trong quy trình canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng thì đều nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật. Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp của Hà Nam đã có các chủ trương, chính sách chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao vào sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, song việc triển khai tới các hộ dân, doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Vì vậy, nghiên cứu này đề cập đến thực trạng nông nghiệp hữu cơ, tập trung vào lĩnh vực trồng trọt của tỉnh Hà Nam, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm phát triển nông nghiệp của Tỉnh.
Từ khóa: nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Hà Nam.
1. Đặt vấn đề
Trước những vấn đề ô nhiễm môi trường và sự an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người, nông nghiệp hữu cơ trở thành cuộc cách mạng nông nghiệp được nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới. Ở Việt Nam, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Một số chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nhiều loại sản phẩm cây trồng hữu cơ đã chính thức đến được nhiều thị trường thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc,…
Hà Nam là tỉnh nằm trong vùng trũng thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, được phù sa bồi đắp từ các dòng sông lớn như sông Đáy, sông Châu, sông Hồng nên đất đai màu mỡ, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp. Năm 2019, toàn Tỉnh đã tích tụ tập trung đất đai được trên 1.841 ha với 5.618 hộ và 161 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả, hoa, dược liệu, cây ăn quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ (Thảo Vũ, 2019). Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ đã được UBND Tỉnh chú trọng đầu tư, ban hành cơ chế chính sách đồng bộ về tích tụ ruộng đất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, khi triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Hà Nam còn gặp nhiều khó khăn như quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhỏ, lẻ và tự phát là chủ yếu. Vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch hại cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp làm tác động trực tiếp đến sản xuất nông sản của Tỉnh.
2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng chủ yếu trong nghiên cứu là phương pháp thu thập thông tin sơ cấp, thứ cấp. Phương pháp thu thập thông tin thứ cấp dựa trên nguồn thông tin thu thập được từ những báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam và tài liệu nghiên cứu trước liên quan đến phát triển nông nghiệp hữu cơ. Các tài liệu thứ cấp bao gồm: 1) số liệu thống kê tại Niên giám thống kê của tỉnh Hà Nam; 2) Các báo cáo tổng kết hợp triển khai chính sách về phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hà Nam; 3) Các công trình nghiên cứu, báo cáo khoa học, các bài báo đã được xuất bản hoặc công bố trên các tạp chí tin bài đăng trên các trang điện tử.
Bên cạnh đó, phương pháp thu thập thông tin sơ cấp được sử dụng trong nghiên cứu, như phỏng vấn sâu các hợp tác xã và chủ nông trại sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Tình hình sản NNHC của tỉnh Hà Nam
Trong cơ cấu nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan chiếm tỷ lệ cao nhất qua các năm, chiếm trên 90% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp. Trong đó, lúa, rau màu là các cây trồng chính và là sản phẩm chủ lực của ngành Trồng trọt; không có cây công nghiệp lâu năm. Chăn nuôi chủ yếu vẫn là lợn, gà,... Nuôi trồng thủy sản tập trung cá trắm, cá chép, cá lăng,... là những loài cá nước ngọt do Tỉnh không có diện tích đất mặt nước ven biển (Biểu đồ 1).
Trong thời gian qua, nông nghiệp của Tỉnh đã ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao vào sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết quả tích tụ ruộng đất và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến nay đã quy hoạch 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 656,22 ha. Các hộ dân trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn toàn Tỉnh đã ký hợp đồng cho thuê đất là 375,68 ha. Toàn Tỉnh có 68/83 xã đã tổ chức tích tụ, tập trung đất đai được 1.857 ha. Tỉnh đã xây dựng được 161 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch. Trong đó: rau, củ quả, hoa và cây dược liệu là 168,9 ha với 53 mô hình. Cây ăn quả là 87,1 ha với 13 mô hình; lúa hàng hóa chất lượng cao là 1.585,9 ha với 95 mô hình.
- Về sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Trong trồng trọt hữu cơ, những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng phát triển có thể mở rộng quy mô, hướng tới xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Sau hơn 6 năm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở Hà Nam đang được đầu tư phát triển là gạo, củ, quả. Các quy trình kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa và biện pháp thâm canh bền vững được đưa vào sản xuất.
Diện tích gieo trồng hữu cơ trong 3 năm qua có xu hướng giảm ở năm 2020 do diện tích trồng dược liệu giảm, còn diện tích các loại khác thì vẫn giữ nguyên. Trong đó, rau hữu cơ hiện đang chiếm tỷ lệ 0,21% diện tích rau toàn toàn Tỉnh. Năng suất rau trồng hữu cơ bình quân đạt 20 tạ/sào, chỉ bằng 89% năng suất rau trồng thông thường. Các giống rau hữu cơ được gieo trồng thường là rau xanh ăn lá (rau cải, rau muống, rau mùng tơi, rau bầu,...), rau lấy củ quả (dưa chuột, mướp, bí đỏ, bí xanh, bầu,...). Diện tích này tập trung chủ yếu ở thị xã Duy Tiên, huyện Thanh Liêm và huyện Bình Lục. Dược liệu hữu cơ ở Hà Nam được các hộ dân trồng chủ yếu là cây dược liệu đặc hữu có giá trị kinh tế cao với 5,5ha (năm 2019), ở Nông trại hữu cơ Happy Farm (xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên) và huyện Thanh Liêm, gồm các dược liệu như ích mẫu, ý dĩ, tục đoạn, hoắc hương, khổ sâm, bạc hà, hoài sơn, kim ngân, cà gai leo, trinh nữ hoàng cung,... Năm 2021, lúa hữu cơ được triển khai sản xuất tại huyện Bình Lục theo dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm” với diện tích 20 ha, mang lại hiệu quả kinh tế tăng khoảng 13% so với lúa thông thường (Biểu đồ 2).
Chi phí sản xuất rau hữu cơ cao hơn so với canh tác thông thường khoảng 1,3 lần do chi phí cho công lao động chăm sóc cao hơn, chi phí khác (bao gồm cả chi phí đăng ký chứng nhận hữu cơ cao). Chi phí trồng 1 ha rau hữu cơ khoảng 90 triệu đồng, trong khi đó, trồng các loại rau thường khoảng 71 triệu đồng/1ha.
- Về chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ
Khâu chế biến sau thu hoạch vô cùng quan trọng song ở Hà Nam phần lớn rau, củ, quả tiêu thụ tươi và ở dạng sơ chế là chủ yếu. Một số sản phẩm được chế biến như dược liệu, sử dụng công nghệ sấy lạnh tuần hoàn khép kín trong vòng 24 giờ kể từ khi thu hái, đảm bảo giữ nguyên màu, nguyên mùi, nguyên vị, nguyên hoạt chất, không thải mùi, khí ra môi trường.
Rau hữu cơ được tiêu thụ chủ yếu qua các kênh siêu thị, chuỗi thực phẩm, bếp ăn tập thể,... Đối với rau chứng nhận PGS, được tiêu thụ qua kênh chuỗi thực phẩm như cửa hàng Bác Tôm, cửa hàng thực phẩm sạch. Đối với rau hữu cơ chứng nhận TCVN 2017 tiêu thụ qua Công ty cổ phần Thực phẩm HomeFood và qua bếp ăn của các trường học quốc tế trên địa bàn Tỉnh.
- Về chứng nhận sản xuất NNHC Hà Nam
Chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Hà Nam được thực hiện theo hình thức của chương trình Hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS của IFOAM; tiêu chuẩn quốc gia TCVN11041-1:2017 và TCVN 11041-5:2018 nông nghiệp hữu cơ do đặt hàng từ các doanh nghiệp có uy tín thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Những hộ nông dân tham gia dự án được hỗ trợ 50% kinh phí về giống, 50% kinh phí về các vật tư thiết yếu (phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học) và tiền hỗ trợ.
Dược liệu hữu cơ đạt chứng nhận hữu cơ do tổ chức NHO-QSCERT cấp theo tiêu chuẩn cơ sở của liên đoàn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ.
- Liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ NNHC
Xu hướng hiện nay đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất hữu cơ nói riêng là theo chuỗi liên kết khép kín để đảm bảo chia sẻ trách nhiệm 5 lợi ích giữa các bên, tránh rủi ro, giúp truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và cân đối cung cầu các sản phẩm hữu cơ. Trong mô hình này, các đơn vị kinh doanh đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất bao gồm cả đầu vào, đầu ra cho các hộ xã viên (vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi), đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa thành viên hợp tác xã với các doanh nghiệp.
Ngoài ra còn có hình thức liên kết các hộ sản xuất và đơn vị kinh doanh (các hợp tác xã và tổ hợp tác,…) liên kết nhằm giúp đỡ nhau, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ gia đình xã viên phát triển.
3.2. Những thuận lợi và khó khăn, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh Hà Nam
* Thuận lợi
- Về điều kiện tự nhiên: nhóm đất phù sa có quy mô diện tích lớn nhất, phân bố ở địa hình bằng phẳng, độ phì nhiêu tự nhiên tương đối cao, ít có hạn chế đối với sản xuất nông nghiệp, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Những cây trồng chủ lực của địa phương đã được đưa vào danh mục quy hoạch.
- Về lao động: lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 74% trong tổng số lực lượng lao động của cả tỉnh. Đây là nguồn lao động dồi dào cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
- Nhận thức về NNHC của người dân trong sản xuất cũng như tiêu dùng ngày càng nâng cao nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm NNHC trong nước ngày càng lớn. Đặc biệt, mức tăng trưởng về tiêu thụ sản phẩm hữu cơ ở các thành phố lớn còn nhiều tiềm năng.
- Thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, đặc biệt thị trường tiêu thụ ở Hà Nội lớn, lại liền kề với Tỉnh. Theo "Báo cáo 2035" (2016) của Ngân hàng thế giới, hiện có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, dự kiến đến năm 2035 sẽ có 50% dân số gia nhập tầng lớp trung lưu. Điều này làm gia tăng nhu cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm NNHC.
- Cơ chế, chính sách hỗ trợ NNHC bước đầu thu hút được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, thị xã và các huyện. Nguồn vốn đầu tư cho NNHC từ nguồn ngân sách nhà nước đã được tỉnh quan tâm.
- Sản lượng NNHC tiêu thụ dễ dàng, được các công ty thu mua hết. Mức giá được thống nhất và ổn định, một năm điều chỉnh giá sản phẩm một lần cho tất cả các chủng loại sản phẩm.
* Khó khăn, hạn chế
- Trình độ, kỹ thuật của người lao động tại địa phương chưa đủ kiến thức để tự sản sản xuất NNHC, vẫn cần chuyên gia tư vấn. Người sản xuất thuần nông không có thói quen ghi chép. Nhân lực cho sản xuất hữu cơ chưa được quan tâm đào tạo, số lượng chuyên gia chuyên sâu về NNHC rất thiếu. Chưa có cơ sở đào tạo về NNHC được cơ quan quản lý nhà nước chỉ định.
- Việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Hà Nam chưa được xây dựng, chính sách hỗ trợ cho NNHC chưa cụ thể, khó khăn về nguồn kinh phí hỗ trợ còn rất khiêm tốn.
- Quy mô và hiệu quả sản xuất NNHC còn nhỏ lẻ, tự phát, các doanh nghiệp và hộ sản xuất NNHC chủ yếu dựa vào các dự án hỗ trợ. Nhiều nông hộ sản xuất theo phương thức truyền thống, ngại đổi mới sợ phức tạp hơn khi áp dụng kỹ thuật tiến bộ.
- Ứng dụng khoa học công nghệ cao trong bảo quản nông sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ sau thu hoạch còn yếu, nhất là ở các khâu đóng gói, vận chuyển và bảo quản không đúng cách, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch vẫn ở mức cao.
4. Một số giải pháp thúc đẩy phát triển NNHC tỉnh Hà Nam
4.1. Giải pháp về đất đai
Hiện nay, sản xuất NNHC tỉnh Hà Nam chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ, manh mún, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến rất khó khăn. Chính vì vậy, các giải pháp về đất đai cần tập trung vào: Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch ngành trồng trọt của Tỉnh phát triển NNHC thành sản phẩm hàng hóa chủ lực gắn với lợi thế từng địa phương trong tỉnh dựa trên các nghiên cứu chuyên sâu về thế mạnh sản xuất NNRHC, thị trường, mối liên kết vùng và kết quả thử nghiệm thành công của các mô hình liên kết sản xuất NNHC trên địa bàn tỉnh; Xác định vùng chuyên canh NNHC, đảm bảo quỹ đất ổn định để thu hút đầu tư vào các phát triển vùng NNHC.
4.2. Giải pháp về khoa học công nghệ
Tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất NNHC, cụ thể: (1) Tăng cường chính sách thu hút đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng chuyển giao KHCN trong nông nghiệp, ưu tiên cho các lĩnh vực quan trọng như sản xuất phát triển giống NNHC; cơ khí nông nghiệp; công nghiệp phụ trợ sau thu hoạch; công nghệ tự động hóa trong nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản và phát triển thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học,...; (2) Triển khai chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất NNHC theo hướng xây dựng mỗi làng một sản phẩm (OCOP) với mô hình công nghệ cao đối với sản phẩm NNHC; Khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt đối với các sản phẩm RHC xuất khẩu; Tăng cường khả năng tiếp nhận và ứng dụng công nghệ cho nông dân thông qua xây dựng chương trình học tập thiết thực cho nông dân; (3) Khuyến khích người sản xuất áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất NNHC theo tiêu chuân VietGAP, GlobalGAP,… để tạo ra sản phẩm chất lượng đảm bảo NNHC vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tiếp tục xã hội hóa công tác chứng nhận sản phẩm NNHC, gắn với truy suất nguồn gốc sản phẩm; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cấp chứng nhận sản phẩm NNHC. Khuyến khích doanh nghiệp/Hợp tác xã liên kết với nông dân xuất theo chuỗi giá trị từ khâu trồng trọt đến sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm NNHC.
4.3. Giải pháp về vốn đầu tư
Tăng cường chính sách miễn, giảm thuế có thời hạn đối với các doanh nghiệp; Hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm NNHC. Cụ thể hóa các chính sách tín dụng trong sản xuất các sản phẩm hữu cơ, như: Được vay không thế chấp dưới 80% giá trị Dự án đối với doanh nghiệp, HTX, Liên hiệp HTX làm đầu mối liên kết với cá nhân tổ chức sản xuất; Chính sách hỗ trợ hợp tác xã, dược liệu, gói 100 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp sạch, chứng chỉ thân thiện với môi trường,… theo Nghị định số 109/2018/NĐ-CP đã ban hành các chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm NNHC.
Ưu đãi về vốn vay cho mọi tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh NNHC. Ưu tiên sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ cho NNHC như kinh phí sự nghiệp khoa học, kinh phí khuyến nông. Lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.
4.4. Giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn lao động NNHC
Để thúc đẩy việc phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao nói chung vào phát triển NNHC nói riêng, bên cạnh các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh Hà Nam cần có kế hoạch, chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng riêng cho sản xuất NNHC: trong đó, tập trùng vào cách thức đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và kinh doanh NNHC. Các định hướng, chính sách về đào tạo lao động nông nghiệp NNHC cần gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với các hoạt động sản xuất kinh doanh NNHC.
4.5. Giải pháp thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ
- Người sản xuất phải định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Mỗi thị trường có yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ riêng, vì vậy để đáp ứng các yêu cầu đó, sản xuất phải đảm bảo tìm hiểu thị trường, tiêu chuẩn và các quy định an toàn thực phẩm theo luật.
- Hỗ trợ xây dựng hàng hóa nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu, mang tính tập thể và được chứng nhận địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản xuất an toàn, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của đơn vị tiêu thụ sản phẩm và định hướng xuất khẩu.
- Hỗ trợ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường đối với sản phẩm hữu cơ ở các thành phố lớn.
- Đẩy mạnh các mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa các tổ nhóm, HTX sản xuất để chuyển đổi hình thức sản xuất tiêu thụ thụ động sang sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng.
- Cập nhật thông tin thị trường trong và ngoài nước để có định hướng mở rộng sản xuất và liên kết tiêu thụ.
5. Kết luận
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, sản xuất NNHC tại tỉnh Hà Nam đã và đang ngày càng phát triển cả về số lượng, chủng loại và chất lượng, cùng với đó là sự gia tăng về các mô hình sản xuất và phân phối các sản phẩm NNHC trên địa bản tỉnh. Về cơ bản, sản xuất NNHC tại tỉnh Hà Nam đạt tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với sản xuất thông thường do giá thành cao và giá bán ổn định, đặc biệt là mặt hàng rau và lúa. Tuy nhiên, phát triển sản xuất NNHC của tỉnh Hà Nam còn một số hạn chế, như: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, kỹ thuật sản xuất NNHC của người lao động tại địa phương còn thiếu, ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo quản nông sản hưu cơ còn yếu. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số giải pháp về đất đai; về khoa học công nghệ; về vốn đầu tư sản xuất; về nâng cao nguồn chất lượng lao động; về thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Kết quả nghiên cứu là sản phẩm của Đề tài cấp cơ sở năm 2021: “Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh Hà Nam: Thực trạng và giải pháp”, do ThS. Trần Thị Thu Huyền làm chủ nhiệm đề tài.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bích Huệ (2020), Hà Nam lựa chọn và phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, truy cập tại https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), Báo cáo Việt Nam 2035.
- Cục Thống kê Hà Nam (2018-2020), Niên giám thống kê tỉnh Hà Nam các năm 2018-2020, Nhà xuất bản Thống kê.
- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam (2018 - 2020). Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác các năm 2018, 2019, 2020.
- Thảo Vũ (2019), Hà Nam: Phấn đấu năm 2020 giá trị sản xuất nông nghiệp tăng ít nhất 2,3% so với năm 2019, truy cập tại http://hanamtv.vn/ha-nam-phan-dau-nam-2020-gia-tri-san-xuat-nong-nghiep-tang-it-nhat-2-3-so-voi-nam-2019.
Organic agriculture development in Ha Nam Province: Current situation and solutions
Master. Tran Thi Thu Huyen 1
Master. Truong Quoc Hung 2
1 Institute of Regional Sustainable Development , Vietnam Academy of Social Sciences
2 Ha Nam Province Department of Agriculture and Rural Development
ABSTRACT:
Organic agriculture helps to mitigate climate change as the cultivation, processing, distribution and consumption of organic agriculture all aim at maintaining the health of ecosystems and living organisms. In recent years, Ha Nam Province has adopted some policies and carried out guidelines on applying scientific and technological advances, and using high-yield and high-quality seeds in agricultural production to adapt to climate change. However, the implementation of these policies and guidelines still faces difficulties. This paper presents the current development of organic agriculture in Ha Nam Province. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to help the province improve its agricultural sector.
Keywords: organic agriculture, Ha Nam Province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]