Một số vấn đề về phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho thị trường nội thành Hà Nội

PGS. TS. TRƯƠNG ĐÌNH CHIẾN (Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (SPNNHC) đang là xu hướng của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Lợi ích của sản xuất và tiêu dùng SPNNHC không chỉ đảm bảo sức khỏe cho con người, bảo vệ môi trường, mà còn đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện các đại dịch như đại dịch Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, cho đến nay, quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nước ta vẫn còn vô cùng nhỏ bé và phát triển rất khó khăn. Một trong những giải pháp then chốt để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phát triển được các chuỗi cung ứng SPNNHC đảm bảo gắn kết giữa sản xuất với tiêu dùng. Bài viết này dựa trên nghiên cứu các chuỗi cung ứng SPNNHC với các tổ chức và tác nhân tham gia trên thị trường Hà Nội nhằm: (1) Đánh giá thực trạng các mô hình chuỗi cung ứng; (2) Phân tích các tác nhân ảnh hưởng đến quản trị của các chuỗi cung ứng; (3) Đề xuất các giải pháp để xây dựng được các mô hình quản trị chuỗi cung ứng SPNNHC phù hợp cho thị trường nội thành Hà Nội.

Từ khóa: Chuỗi cung ứng, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, quản trị chuỗi cung ứng, tác nhân của chuỗi.

1. Phát triển các chuỗi cung ứng - Giải pháp then chốt để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã và đang được các quốc gia quan tâm phát triển trong vài thập kỷ gần đây. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ không chỉ đáp ứng nhu cầu là thực phẩm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người tiêu dùng mà còn bảo vệ môi trường sống bền vững cho con người. Vì vậy, ở một số quốc gia, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm hữu cơ (organic food) đã, đang tăng trưởng mạnh mẽ. Nhận thức được lợi ích của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong những năm gần đây, Việt Nam cũng quan tâm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, quy mô sản xuất và tiêu thụ SPNNHC ở nước ta còn vô cùng nhỏ bé và phát triển với tốc độ rất chậm. Điều này đòi hỏi cần có những nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân và giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ SPNNHC.

Hiện nay, Thủ đô Hà Nội với hơn 8 triệu dân (khoảng 3 triệu dân nội thành) đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ là một thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn, có tốc độ tăng trưởng cao. Với thu nhập bình quân đầu người tương đối cao (khoảng 136 triệu đồng năm 2020), dẫn đến nhu cầu tiêu dùng các SPNNHC trong khu vực nội thành ngày càng tăng. Số đông dân cư nội thành mong muốn được tiêu dùng các SPNNHC an toàn ngay cả với mức giá cao hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng SPNNHC tiêu thụ trên thị trường còn rất hạn chế. Vấn đề then chốt là người tiêu dùng chưa tin tưởng vào nguồn gốc và chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp gắn mác hữu cơ. Với hệ thống cung ứng nông sản theo kiểu quan hệ thị trường tự do, với vô số điểm bán lẻ nhỏ, thiếu kiểm soát VSATTP như hiện tại sẽ không tạo được lòng tin của người tiêu dùng vào các SPNNHC bán trên thị trường. Vì vậy, yếu tố then chốt quyết định đến sự phát triển của sản xuất SPNNHC là phải xây dựng và phát triển được các chuỗi cung ứng SPNNHC được tổ chức và quản trị tốt, đảm bảo cam kết về chất lượng sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng.

Chuỗi cung ứng SPNNHC bao gồm toàn bộ các công đoạn để đưa SPNNHC từ người nông dân tới bàn ăn của người tiêu dùng: sản xuất nông nghiệp, thu gom, chế biến, đóng gói, lưu kho, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ. Những công đoạn này được hỗ trợ bởi hoạt động marketing, logistic, tài chính, các dịch vụ hỗ trợ khác. Tham gia vào chuỗi cung ứng SPNNHC có các doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp, người nông dân, cơ sở chế biến, thương lái, người bán buôn và người bán lẻ. Mỗi loại thành viên này lại có nhiều hình thức tổ chức kinh doanh và nhiều quy mô kinh doanh khác nhau.  

Quản trị chuỗi cung ứng SPNNHC tập trung vào việc làm thế nào để có thể quản lý và điều khiển được các tiêu chuẩn hoạt động của các tổ chức và tác nhân khác nhau trong chuỗi.    

Chuỗi cung ứng SPNNHC có mục tiêu là đảm bảo chất lượng sản phẩm đúng như tiêu chuẩn đã đăng ký đến bàn ăn của người tiêu dùng. Để có SPNNHC tại bàn ăn của người tiêu dùng đòi hỏi tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng phải đảm bảo hoạt động đúng cam kết. Vì vậy, phát triển các chuỗi cung ứng SPNNHC bao gồm xây dựng các chuỗi cung ứng mới đảm bảo kiểm soát được tiêu chuẩn sản phẩm trong toàn chuỗi, đáp ứng yêu cầu kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Vai trò trực tiếp trong phát triển các chuỗi cung ứng SPNNHC chính là các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ SPNNHC.

2. Thực trạng các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho nội thành Hà Nội

2.1. Thực trạng các chuỗi cung ứng nông sản truyền thống cho thị trường Hà Nội

Qua khảo sát thị trường nông sản Hà Nội cho thấy, hàng nông sản cung ứng cho thị trường Hà Nội chủ yếu là theo các chuỗi cung ứng hình thành quan hệ thị trường tự do thuần túy. Dựa trên tín hiệu giá cả thị trường, các thành viên kinh doanh tham gia vào các khâu trong chuỗi. Các chuỗi cung ứng nông sản cho nội thành Hà Nội được hình thành theo kiểu quan hệ thị trường thuần túy tạo thành mạng lưới cung ứng phức tạp với rất nhiều tổ chức/doanh nghiệp và cá nhân tham gia. Để kết nối giữa nguồn cung nông sản từ các khu vực ngoại thành với nhu cầu tiêu dùng của dân cư nội thành Hà Nội là mạng lưới cung ứng nông sản với sự tham gia của vô số thương lái, người bán buôn, bán lẻ kinh doanh dưới nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Chuỗi cung ứng nông sản cho Hà Nội thường qua nhiều khâu trung gian, dẫn tới chi phí lưu thông tăng, chất lượng sản phẩm không được kiểm soát, giá bán cao. Hơn nữa, do qua nhiều khâu trung gian và có nhiều thành viên tham gia vào mỗi khâu trong các chuỗi cung ứng, nên rất khó truy xuất được nguồn gốc nông sản và khó kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm.

Qua khảo sát, các hộ nông dân đều phản ánh thực trạng tiêu thụ sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc thương lái. Các thương lái mua theo khả năng tiêu thụ của họ và giá cả thị trường tại thời điểm, không có cam kết dài hạn. Mối quan hệ ràng buộc giữa thương lái với các nhà bán buôn cũng lỏng lẻo dựa trên cam kết theo từng thương vụ. Trong các chuỗi cung ứng truyền thống chưa có sự liên kết giữa người nông dân, thương lái, người bán buôn và người bán lẻ.

Từ những phân tích trên cho thấy, các SPNNHC không thể cung ứng ra thị trường qua hệ thống cung ứng theo cơ chế thị trường tự do như hiện tại được. Các SPNNHC phải được cung ứng tới khách hàng theo các chuỗi cung ứng được tổ chức và quản lý chủ động có sự liên kết từ người nông dân đến người bán lẻ.

2.2. Thực trạng các chuỗi cung ứng SPNNHC trên thị trường Hà Nội

Trong những năm qua, Hà Nội đã có chủ trương phát triển sản xuất và tiêu thụ SPNNHC. Mặc dù vậy, số lượng trang trại, hộ nông dân và diện tích sản xuất SPNNHC ở ngoại thành Hà Nội còn quá ít. Điển hình mới có vùng trồng rau hữu cơ Thanh Xuân, Sóc Sơn; trang trại Hoa Viên, Thạch Thất với số lượng hộ nông dân và diện tích canh tác hạn chế. Do đó, các chuỗi cung ứng SPNNHC cho thị trường Hà Nội vừa ít về số lượng, vừa nhỏ về quy mô và kiểu quản trị chuỗi còn sơ khai. Tuy nhiên, thị trường Hà Nội cũng đã xuất hiện một số mô hình tổ chức chuỗi cung ứng SPNNHC.

Hiện tại, trên thị trường nội thành có hơn 10 chuỗi cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ (mỗi chuỗi có từ vài đến vài chục cửa hàng). Mô hình chuỗi cung ứng SPNNHC cho thị trường Hà Nội tương đối điển hình là mô hình Quản trị chuỗi cung ứng kiểu khống chế. Quản trị chuỗi cung ứng kiểu khống chế xuất hiện khi các hộ nông dân sản xuất nhỏ bị chi phối bởi nhà phân phối/thu mua lớn có sức mạnh điều khiển toàn bộ các khâu trong chuỗi cung ứng. Tổ chức và vận hành các chuỗi này là nhà bán lẻ lớn có chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ chủ động đặt hàng, cam kết thu mua và tiêu thụ nông sản hữu cơ cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ ở các vùng sản xuất hữu cơ. Ví dụ, Công ty TNHHNN Hòn Đất với chuỗi 22 cửa hàng thực phẩm mang thương hiệu “Bác Tôm” trong nội thành Hà Nội đã thiết lập nguồn cung ứng hàng nông sản từ hàng trăm hộ nông dân nhỏ ở các vùng sản xuất hữu cơ với những cam kết nhất định. Công ty có cán bộ giám sát khâu sản xuất nông nghiệp của người nông dân để đảm bảo đúng quy trình sản xuất hữu cơ và nông sản đáp ứng những tiêu chuẩn do công ty quy định.

Một số doanh nghiệp bán lẻ lớn đã và đang triển khai chuỗi cung ứng được quản trị theo kiểu doanh nghiệp ký hợp đồng đảm bảo cung cấp giống và vật tư nông nghiệp cho người nông dân, đồng thời bao tiêu toàn bộ nông sản hữu cơ. Ví dụ, Công ty CP Việt Nam đã đầu tư khá thành công với mô hình kinh doanh 3F từ sản xuất thức ăn đến trang trại chăn nuôi và cửa hàng bán lẻ. Một vài chuỗi cung ứng khác do các siêu thị lớn như Vinmart, Big C tổ chức nhập SPNNHC thường xuyên từ một số đầu mối thu mua lớn có ký hợp đồng.

Tuy nhiên, thực trạng là nhiều chuỗi cung ứng SPNNHC hoạt động chưa hiệu quả, một số chuỗi thất bại. Mối quan hệ giữa người nông dân sản xuất nông nghiệp với doanh nghiệp tiêu thụ còn lỏng lẻo. Thực tế là công ty bán lẻ tổ chức chuỗi cũng chưa quản trị được toàn bộ hoạt động của chuỗi, dẫn đến chưa đảm bảo được tiêu chuẩn chất lượng SPNNHC và chưa tạo được lòng tin của khách hàng. Nhiều chuỗi chưa thực hiện được việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa công ty bán lẻ với người nông dân, nếu có hợp đồng thì thực thi hợp đồng cũng chưa nghiêm túc. Một số hợp đồng giữa các đầu mối thu mua với các siêu thị không được giám sát đảm bảo đúng cam kết tiêu chuẩn chất lượng SPNNHC. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hoạt động của các chuỗi chưa thật hiệu quả, trong đó có nguyên nhân thuộc về hành vi cố hữu của các tác nhân tham gia chuỗi, đã dẫn đến khó quản trị các chuỗi cung ứng SPNNHC trên thị trường Hà Nội. 

3. Hành vi của các tác nhân chi phối đến quản trị các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho thị trường nội thành Hà Nội

Hành vi của các tác nhân tham gia chuỗi cung ứng có tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng SPNNHC. Dưới đây, chúng ta xem xét một số đặc điểm hành vi chủ yếu của các tác nhân chính.

- Hành vi người tiêu dùng nông sản

Người tiêu dùng nội thành Hà Nội rất quan tâm đến thực phẩm an toàn, nhưng qua khảo sát vẫn có đến 25% người tiêu dùng không quan tâm đến nguồn gốc nông sản họ mua. Mặt khác, giá bán nông sản vẫn là tiêu chuẩn lựa chọn của phần đông người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp. Vì vậy, họ chưa sẵn sàng chấp nhận mua SPNNHC có giá bán cao hơn. Hành vi tiêu dùng nông sản kiểu mua tiện lợi ở chợ truyền thống hay từ người bán lẻ nhỏ gần nhà, như một thói quen cố hữu, là một rào cản lớn đối với các hình thức bán lẻ SPNNHC và các chuỗi có kiểm soát chặt chẽ.

- Hành vi của người nông dân

Các hộ nông dân sản xuất nhỏ chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Diện tích canh tác manh mún, tâm lý sản xuất nhỏ, thiếu kỹ năng quản lý, thiếu vốn, không chủ động được vật tư hữu cơ và giống,… là những hạn chế của các hộ nông dân. Các hộ nông dân nhỏ lẻ thường chỉ quan tâm đến sản lượng, giá thành sản xuất và giá bán sản phẩm, ít quan tâm đến VSATTP và bảo vệ môi trường. Thậm chí, một số hộ nông dân đã đăng ký sản xuất hữu cơ, nhưng vẫn vi phạm các quy định trong quy trình sản xuất như sử dụng các chất cấm,… nhằm có lãi nhiều hơn. Vì vậy, trong quản trị chuỗi cung ứng SPNNHC, cần kiểm soát và thay đổi được hành vi sản xuất của người nông dân và quản lý được chất lượng SPNNHC từ khâu sản xuất.

- Hành vi của thương lái, đầu mối thu mua nông sản

Thương lái thu mua nông sản thường thông thạo địa bàn, nắm vững thông tin thị trường, ý kiến của họ có ảnh hưởng lớn đến người nông dân cả về loại sản phẩm, thời gian giao hàng, giá cả. Họ có mối liên kết nhất định với các nhà bán lẻ lớn như các siêu thị. Vai trò của các thương lái thu gom khá quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản.

- Công ty bán lẻ kinh doanh chuỗi cửa hàng và siêu thị

Trên thị trường nội thành Hà Nội, chỉ những công ty bán lẻ có tiềm lực về vốn, có năng lực quản trị mới có khả năng kinh doanh SPNNHC, do yêu cầu cao về kiểm soát chất lượng và xây dựng thương hiệu. Thực tế là một số công ty quản trị chuỗi thiếu các cán bộ giám sát có kiến thức, kỹ năng và tâm huyết để kiểm soát được tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng SPNNHC. 

- Các tác nhân thể chế

Kiểm soát VSATTP của chuỗi cung ứng nông sản kiểu truyền thống có trách nhiệm của các tác nhân thể chế, như: cơ quan quản lý thị trường, chi cục bảo vệ thực vật, chi cục thú y, các cơ quan chức năng kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, chính quyền địa phương,... Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng chỉ mới thực hiện kiểm soát được một vài mắt xích trong chuỗi cung ứng thực phẩm như đóng dấu kiểm dịch tại cơ sở giết mổ, kiểm tra thực phẩm tại các chợ. Hoạt động kiểm soát SPNNHC hiện nay của các cơ quan chức năng mới chủ yếu dựa trên các giấy tờ xác nhận như giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đáp ứng đủ điều kiện SPNNHC.

Ngoài ra, các chính sách đất đai, tín dụng ưu đãi, trợ cấp trực tiếp cho người sản xuất - kinh doanh SPNNHC đều tác động mạnh đến hoạt động của các khâu từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ trong chuỗi cung ứng. Các chính sách này đều đang được đánh giá là chưa tạo được điều kiện thực sự thuận lợi cho sự phát triển các chuỗi cung ứng SPNNHC cho Hà Nội.

4. Các giải pháp phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho nội thành Hà Nội

4.1. Lựa chọn các mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp

Định hướng chiến lược phát triển sản xuất và tiêu thụ SPNNHC cho thị trường Hà Nội là  phát triển các mô hình chuỗi cung ứng SPNNHC có lãnh đạo và kiểm soát, dựa trên sự liên kết chặt chẽ. Dưới đây là các mô hình chuỗi cung ứng SPNNHC cần phát triển cho thị trường Hà Nội.

- Xây dựng mô hình chuỗi 3F (Feed, Farm, Food). Mô hình nàyđang được coi là mô hình chuẩn cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, phù hợp với các doanh nghiệp có tiềm lực vốn và nhân lực lớn. 3F là chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Doanh nghiệp kinh doanh có quy mô lớn, có nguồn lực có thể đầu tư kinh doanh từ xây dựng nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp đến xây dựng trang trại sản xuất nông nghiệp, nhà máy chế biến và sở hữu chuỗi cửa hàng tiêu thụ SPNNHC. Sự phát triển mô hình chuỗi cung ứng SPNNHC khép kín này có thể bắt đầu từ một khâu trong chuỗi cung ứng, sau đó mới phát triển xuôi hoặc ngược

- Xây dựng mô hình chuỗi cung ứng SPNNHC do các nhà bán lẻ lớn lãnh đạo dựa trên các hợp đồng đặt hàng từ các trang trại, các hộ nông dân hoặc hợp tác xã sản xuất nông sản hữu cơ. Doanh nghiệp bán lẻ liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông trại theo phương thức đầu tư ứng vốn, đặt hàng theo yêu cầu và cam kết bao tiêu hết sản phẩm; hoặc tùy đặc thù và mô hình sản xuất của nhà cung cấp, có hình thức đầu tư hỗ trợ phù hợp cho các hộ nông dân. Chuỗi bán lẻ lớn có hệ thống kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng hoàn toàn có thể giám sát được tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hữu cơ.

- Xây dựng chuỗi cung ứng SPNNHC do tổ chức hợp tác các trang trại và vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu tập thể mạnh lãnh đạo. Ví dụ, tổ chức hợp tác các hộ trồng rau hữu cơ tập hợp các hộ nông dân trong vùng để xây dựng thương hiệu tập thể. Tổ chức này xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng SPNNHC đứng ra đàm phán với các nhà cung cấp giống và vật tư nông nghiệp, hỗ trợ các hộ nông dân về kỹ thuật canh tác, giám sát quá trình sản xuất để đảm bảo đúng quy trình, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu tập thể, đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị và các chuỗi cửa hàng bán lẻ SPNNHC lớn.

4.2. Giải pháp đổi mới hoạt động của chuỗi cung ứng     

Thứ nhất là Đổi mới hoạt động của các thành viên trong chuỗi cung ứng

- Công ty quản trị chuỗi cần xây dựng cơ chế kiểm soát hoạt động của các thành viên chuỗi khác bao gồm từ khâu sản xuất nông nghiệp của người nông dân đến các cơ sở thu mua,... Phát huy nguồn lực về vốn, kỹ thuật để hỗ trợ người nông dân, ký hợp đồng cung ứng vật tư, góp vốn và bao tiêu sản phẩm. Cần xây dựng bộ máy quản trị chuỗi hiệu quả, đặc biệt tăng cường đội ngũ cán bộ giám sát khâu sản xuất của người nông dân trong chuỗi cung ứng SPNNHC.

- Có các giải pháp thay đổi hành vi của người nông dân. Tuyên truyền, vận động các hộ nông dân tham gia sản xuất hữu cơ liên kết tổ nhóm, liên kết vùng, xây dựng thương hiệu tập thể. Cần tuyên truyền thay đổi nhận thức của người nông dân về quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ; về lợi ích lâu dài của sản xuất hữu cơ. Cần xây dựng các mô hình sản xuất điển hình để thu hút người nông dân học tập, từ đó thay đổi tâm lý tiểu nông của họ, thúc đẩy tinh thần đổi mới của họ.

Thứ hai là Đổi mới hoạt động của các tác nhân thể chế 

- Cần có chính sách và cơ chế thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất để tạo điều kiện cho những người nông dân đổi mới có thể hình thành các trang trại sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông sản hữu cơ. Ngành Nông nghiệp Thành phố cần quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho cây trồng, vật nuôi cụ thể trên các khu vực ngoại thành.

- Các cán bộ nông nghiệp như khuyến nông, thú y, cần thực hiện hiệu quả chức năng thông tin tư vấn cho người nông dân, hỗ trợ và đào tạo kiến thức sản xuất hữu cơ cho người nông dân.

- Rà soát lại hệ thống luật pháp và cơ quan quản lý vệ sinh ATTP để bổ sung các điều luật và cơ chế quản lý nhằm thay đổi hành vi của các thành viên trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Đặc biệt cần tăng chế tài và mức sử phạt các hành vi vi phạm VSATTP. Đảm bảo người kinh doanh tuân thủ quy định truy xuất được nguồn gốc nông sản, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng SPNNHC.

- Nhà nước cần đầy mạnh truyền thông về tiêu dùng SPNNHC, có hệ thống giám sát, hướng dẫn người dân các kiến thức và hiểu biết về tiêu chuẩn SPNNHC. 

Tóm lại, để phát triển thành công các chuỗi cung ứng SPNNHC cho thị trường Hà Nội, cần có các chính sách và giải pháp để đẩy nhanh xây dựng các mô hình chuỗi cung ứng dựa trên liên kết, có tổ chức có sự lãnh đạo của một thành viên có quy mô lớn và sức mạnh, điển hình là doanh nghiệp bán lẻ lớn. Các cơ quản quản lý nhà nước cần đổi mới hoạt động nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy hiệu quả quá trình phát triển các chuỗi cung ứng bền vững trên thị trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chopra và Meindl (2015), Supply chain management: strategy, planning, and operation, Pearson
  2. John T. Mentzer, William DeWitt, James S. Keebler (2001), Defining supply chain management, Jounal of business logistics, Vol.22, No. 2,.
  3. Christopher (2005), Logistics and supply chain management, Financial Times Prentice Hall.
  4. Gereffi, G., J. Humphrey, and T. Sturgeon (2005), “The Governance of Global Value Chain”, Review of International Political Economy, 12:1, February 2005: 78-104.
  5. Harkin, T. (2004), Economic Concentration and Structural Change in the Food and Agriculture Sector: Trends, Consequences and Policy Options. Committee on Agriculture, Nutrition, and Forestry United States Senate.
  6. Pacific Food System Outlook 2005-06, A Revolution in Food Retailing, Pacific Economic Cooperation Council, November 2005.
  7. Reardon, T., J.M. Codron, L. Busch, J. Bingen and C. Harris (2001), “Global Change in Agrifood Grades and Standards: Agribusiness Strategic Responses in Developing Countries”, International Food and Agribusiness Management Review, Vol. 2, Number 3.
  8. Trương Đình Chiến (2010), Quản trị kênh phân phối, Nhà xuất bản Kinh tế quốc dân,Hà Nội.

Some issues about developing the organic agritcultural products supply chain for Hanoi’s urban market

 Assoc.Prof. Ph.D Truong Dinh Chien

National Economics University

TÓM TẮT:

The production and consumption of organic agricultural products are a trend in the world in general and in Vietnam in particular. The production and consumption of organic agricultural products not only improve human health and protect the environment but also ensure a sustainable agricultural production, especially in the context of pandemics such as the current Covid-19 pandemic. However, the organic agricultural production in Vietnam is still extremely small and is facing many difficulties. One of the key solutions to promoting the growth of the organic agricultural production in Vietnam is to ensure the link between production and consumption of the organic agricultural production supply chain. This study is to analyze the organic agricultural production supply chain in Vietnam and its factors, and also parties impacting on the chain in Hanoi’s market in order to (1) assess the status of supply chain models, (2) analyze factors affecting the management of supply chains and (3) proposes solutions to build a suitable organic agricultural production supply chain for Hanoi’s urban market.

Keywords: Supply chain, organic agricultural products, supply chain of organic agricultural products, supply chain management, factors of the supply chain.