Phó Thủ tướng chỉ đạo trước 15/6 trình Chính phủ phương án giảm lệ phí trước bạ ô tô

Mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm 50%, áp dụng từ 1/7 đến hết năm nay.

Giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết năm 2023

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 4174/VPCP-KTTH ngày 7/6/2023 về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Cụ thể, xét đề nghị của Bộ Tài chính về đề xuất mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, tiếp theo Công văn số 4019/VPCP-KTTH ngày 1/6/2023, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (Nghị định) như hai lần trước đây (theo hướng giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước) và áp dụng kể từ ngày 1/7/2023 đến hết năm 2023; trình Chính phủ trước ngày 15/6/2023.

Việc giảm mức thu lệ phí trước bạ đang được các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước và cả thị trường ô tô đón chờ
Việc giảm mức thu lệ phí trước bạ đang được các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước và cả thị trường ô tô đón chờ

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tư pháp thẩm định kịp thời dự thảo Nghị định trên ngay sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ của Bộ Tài chính, đảm bảo thời hạn trình Chính phủ.

Các Bộ: Tài chính, Tư pháp chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng quy định pháp luật, khả thi hiệu quả và đúng thời hạn yêu cầu, không được để chậm trễ.

Trước đó, ngày 25/4, Bộ Công Thương đã có Công văn gửi Bộ Tài chính về chính sách điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Tại Công văn, Bộ Công Thương khẳng định, hai lần giảm thuế trước bạ trước vào năm 2020 và 2022, chính sách được ban hành kịp thời đã mang lại hiệu quả tích cực.

Năm 2023, "trước thực tế thị trường ô tô giảm sút mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm ô tô. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp thì sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường ô tô tăng trưởng trở lại một cách ổn định và bền vững”, Bộ Công Thương nhận định.

Do đó, việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp với tinh thần chung, góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho do tình hình kinh tế khó khăn, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, góp phần giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sớm vượt qua khủng hoảng và phát triển.

Hơn nữa, Bộ Công Thương cho rằng có thể cân nhắc thời gian áp dụng chính sách này đến hết năm 2023 - thời điểm kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ có những tín hiệu khởi sắc.

"Nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp thì sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường ô tô tăng trưởng trở lại một cách ổn định và bền vững”, Bộ Công Thương bày tỏ ủng hộ với đề xuất giảm lệ phí trước bạ
"Nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp thì sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường ô tô tăng trưởng trở lại một cách ổn định và bền vững”, Bộ Công Thương bày tỏ ủng hộ với đề xuất giảm lệ phí trước bạ

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng bày tỏ ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính  về việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, song đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung phương án gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tháng 10/2023 (thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10/2023 chậm nhất là ngày 20/12/2023) để hỗ trợ doanh nghiệp, thay vì phương án chỉ gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt cho các tháng 6, 7, 8, 9 của năm 2023 như hiện tại.

Ô tô nằm ngoài phạm vi giảm 2% thuế VAT

Tại phiên họp chiều 1/6 kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV liên quan đến việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), các đại biểu Quốc hội cho rằng đề xuất giảm thuế VAT từ 1/7/2023 đến hết năm 2023 là quá ngắn, đề nghị kéo dài thời gian giảm đến hết 2024 hoặc 2025.

Các đại biểu cũng đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế, trong đó có đề nghị mở rộng các lĩnh vực được giảm thuế VAT, áp dụng thuế suất 8% với ô tô (bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ ngồi), qua đó “góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, phát triển ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt sẽ kích cầu thị trường để giải quyết các khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt”.

Tuy nhiên, giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết phương án trình đã được Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thẩm tra và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp này. Phương án trình phù hợp với cân đối ngân sách và mục tiêu chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn một cách tức thời, tức là trong giai đoạn hiện nay.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng khẳng định ô tô là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của chính sách giảm thuế VAT được đề xuất do chính sách này chỉ dành cho các mặt hàng thiết yếu.

Thy Thảo