Quảng Bình: Đảm bảo đủ hàng hoá cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Ngay từ tháng 12/2022, tỉnh Quảng Bình đã triển khai công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu để phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023.

Bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường 

Nhằm góp phần bình ổn giá cả, thị trường, chuẩn bị phục vụ tốt Nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã quan tâm theo dõi sát sao sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán;

Tổ chức hoạt động kết nối tiêu thụ giữa cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến đóng gói thực phẩm đã được chứng nhận chất lượng nông sản, áp dụng thực hành sản xuất an toàn, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với các cơ sở kinh doanh phân phối thực phẩm sạch để giới thiệu đến người dân những nguồn thực phẩm an toàn.

Theo diễn biến của thị trường hàng năm, sức mua của người dân sẽ tăng dần vào các tháng cuối năm âm lịch, đặc biệt Tết Nguyên đán năm nay vào thời điểm tháng 01/2023, gần với thời điểm Tết Dương lịch, dự báo sức mua hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng khoảng 07 - 10% so với Tết Nhâm Dần 2022. Hoạt động thương mại phục vụ mua sắm Tết Nguyên đán sẽ tập trung vào các tuần đầu tháng 1/2023, cao điểm là từ ngày 07 - 20/01/2023 (nhằm ngày 16 - 29 tháng Chạp, Nhâm Dần).

Quảng Bình đảm bảo đủ hàng hoá cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 dự báo sẽ tăng khoảng 07 - 10% so với Tết Nhâm Dần 2022

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TU ngày 07/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình về tổ chức Tết nguyên đán Quý Mão 2023, theo hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 08/12/2022 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Sở Công Thương Quảng Bình xây dựng kế hoạch Kế hoạch số 2384/KH-SCT về việc đảm bảo các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để chủ động trong công tác bình ổn thị trường giá cả, cung ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Với tập quán tiêu dùng truyền thống của dân tộc, trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu của nhân dân tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: Lương thực, thực phẩm tươi sống (gạo tẻ ngon, gạo nếp, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá tươi, tôm tươi...); thực phẩm chế biến (giò, chả, nem...); thực phẩm công nghệ (bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước ngọt, dầu ăn…); hàng may mặc, giầy dép, nhiên liệu (xăng, dầu, chất đốt…), hàng điện tử, đồ dùng gia đình và một số mặt hàng nông sản như rau, củ, quả các loại…

Dự kiến khoảng thời gian 02 tháng trước trong và sau Tết Quý Mão 2023, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, cần khoảng 25.600 tấn gạo tẻ và 8.500 tấn gạo nếp, mặt hàng này đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại chợ và do người dân ở khu vực nông thôn tự cung tự cấp; khoảng 2.400 tấn thịt lợn, 800 tấn thịt trâu bò, 2.400 tấn thịt gia cầm và 2.500 tấn thủy hải sản từ các nguồn hàng trong tỉnh và các tỉnh lân cận phục vụ cho toàn tỉnh. Nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ cho nhu cầu Tết trên địa bàn tỉnh có sự tham gia điều tiết của siêu thị Co.opmart Quảng Bình thuộc Saigon Co.op và siêu thị Winmart Quảng Bình, chuỗi hệ thống Winmart+, các điểm bán hàng Việt Nam, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, các nhà phân phối và hệ thống chợ trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh dự kiến cung ứng khoảng 1.500 tấn bánh, mứt kẹo từ các tỉnh, thành phố lớn trong nước và hàng nhập khẩu; khoảng 1,5 triệu chai rượu và 900 nghìn thùng bia chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng cao; 150 tấn trà các loại và các loại thực phẩm khác gồm: dầu ăn, nước mắm, đường trắng và các gia vị khác ước khoảng 100 tỷ đồng để phục vụ Tết Nguyên Đán. Đối với rau, củ, quả, dự kiến đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khoảng 15.000 tấn từ nguồn cung tại các tỉnh phía bắc, phía nam và hàng nhập khẩu.

Mặt hàng rau, củ, quả, dự kiến đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khoảng 15.000 cho người dân Quảng Bình vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Năm 2022, tình hình dịch Covid 19 cơ bản đã được kiểm soát, dự báo nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, vì vậy lượng xăng, dầu tiêu thụ trong dịp Tết (15-20 ngày) dự báo khoảng 15.000 – 20.000m3; đơn vị cung cấp chủ yếu là Công ty Xăng dầu Quảng Bình, các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Tỉnh. Ngoài ra, cung ứng các nhóm hàng khác phục vụ trong dịp Tết như: hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị sinh hoạt gia đình, các loại hương, hoa dùng trong ngày Tết dự ước khoảng 1.200 tỷ đồng.

Để góp phần bình ổn giá cả, thị trường, chuẩn bị phục vụ tốt nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Sở Công Thương đề nghị các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp thương mại phối hợp thực hiện một số nội dung.

Theo đó, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và nhóm các mặt hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Chủ động có phương án hoặc đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến đóng gói thực phẩm đã được chứng nhận chất lượng nông sản, áp dụng thực hành sản xuất an toàn, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với các cơ sở kinh doanh phân phối thực phẩm sạch để giới thiệu đến người dân những nguồn thực phẩm an toàn.

Đối với các Thương nhân kinh doanh xăng dầu, Sở yêu cầu chủ động đảm bảo nguồn cung xăng dầu và công khai thông tin nguồn cung cho thị trường; có phương án chia sẻ nguồn cung, điều chỉnh chiết khấu một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh của đơn vị; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp, đặc biệt là vào các dịp nghỉ lễ, tết như: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, đảm bảo việc bán hàng không bị gián đoạn.

Đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm

Bên cạnh kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, ổn định giá cả hàng hóa, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng sẽ được các lực lượng chức năng tăng cường. Sở Công Thương phối hợp với Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục Quản lý thị trường thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thuộc ngành Công Thương quản lý để kịp thời thanh tra, kiểm tra khi phát hiện có hành vi vi phạm, nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra về chất lượng hàng hóa, kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức việc niêm yết giá hàng hóa và bán theo giá niêm yết, các quy định về sở hữu trí tuệ của hàng hóa, bảo đảm ổn định thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết cho người dân.

[Quảng cáo]

Cảnh Hưng