Cùng với chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP) được xem là một trong những trụ cột quan trọng mà Bộ Công Thương đang triển khai nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zezo vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Ngày 24/6/2020, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 thay thế Quyết định 76/QĐ-TTg với mục tiêu “Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, 24 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hoạt động Chương trình SCP. Quảng Bình là địa phương có nhiều thành công trong việc triển khai Chương trình SCP và xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Ngày 19/5/2021, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch số 800/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn. Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch nhằm thúc đẩy quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng, tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành, phát triển các mô hình sản xuất, tiêu dùng bền vững; đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng nội địa, tạo việc làm ổn định, việc làm xanh; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Quảng Bình (Trung tâm) đã xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Đến nay, Trung tâm đã phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan triển khai tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong tỉnh thông qua các hình thức tổ chức tập huấn; thiết kế, in ấn, cấp phát cẩm nang, tờ gấp tuyên truyền; xây dựng phóng sự phát sóng trên truyền hình.
Cụ thể, Trung tâm đã triển khai tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2021 cho hơn 80 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện lãnh đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua buổi tập huấn, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, giải đắp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cũng như nắm vững những chính sách, thông tin liên quan về sản xuất và tiêu dùng bền vững để áp dụng thực tiễn tại đơn vị mình, chú trọng việc sửa chữa, bảo dưỡng và bảo trì, tái sử dụng và tái chế trong các công đoạn của vòng đời sản phẩm.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã thực hiện thiết kế, in ấn 2.700 cuốn cẩm nang tuyên truyền về sản xuất và tiêu dùng bền vững, cùng 6.000 tờ gấp tuyên truyền về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Hiện nay đã tiến hành cấp phát miễn phí những ấn phẩm này tới các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động, các trung tâm dịch vụ, thương mại, các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cá thể và các hiệp hội đoàn thể trên địa bàn tỉnh.
Ông Dương Văn Minh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương Mại Quảng Bình chia sẻ: Sau thời gian triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã mang lại hiệu quả. Thông qua các hoạt động tuyên truyền như tập huấn, cấp phát tờ rơi, cẩm nang, băng rôn, khẩu hiệu và tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông báo, đài phát thanh, truyền hình … các cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tình đã nắm rõ được mục tiêu chính của Chương trình, nhiều cơ sở đã mạnh dạn áp dụng sản xuất sạch hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 60% cơ sở sản xuất nhận thức được lợi ích của việc sản xuất sạch hơn; 50% cơ sở sản xuất đã áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn tùy theo điều kiện; 12% cơ sở sản xuất đạt mức tiết kiệm 8% nguyên, nhiên liệu trên một sản phẩm. Có thể kể đến các đơn vị như: Công ty TNHH Dịch vụ tổng hợp Quang Hùng Phát (sản xuất kính cường lực trên dây chuyền hiện đại, khép kín); Công ty Cổ phần Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình (sản xuất cung ứng lúa giống); Công ty TNHH MVT An Nông (sản xuất, kinh doanh rau, của, quả sạch); Coop Mart Quảng Bình…
Bằng các Chương trình, hoạt động thiết thực và hiệu quả Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Quảng Bình đã góp phần nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch số 800/KH-UBND ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh.