Đi vào hoạt động từ tháng 6/2013, đến nay Sàn TMĐT Quảng Bình (website:quangbinhtrade.vn) đã thu hút hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của tỉnh đăng ký thành viên tham gia với hàng trăm sản phẩm được đăng tải, quảng bá. Qua đó, Sàn TMĐT Quảng Bình đã phát huy vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với người tiêu dùng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trao đổi thông tin, quảng bá thương hiệu, ản phẩm hàng hóa, dịch vụ; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thông qua việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên Sàn TMĐT Quảng Bình.
Khi tham gia Sàn TMĐT Quảng Bình, các doanh nghiệp được hỗ trợ đăng ký thành viên miễn phí trên Sàn, cập nhật thông tin về sản phẩm; hướng dẫn, tư vấn về kỹ thuật xử lý hình ảnh, đăng tải thông tin, hình ảnh, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của đơn vị... Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo về TMĐT; những doanh nghiệp chưa có website sẽ được xem xét hỗ trợ xây dựng website…
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, thông qua tương tác, hỗ trợ, giới thiệu và quảng bá sản phẩm trên các trang thông tin điện tử. Sàn TMĐT Quảng Bình cũng phát huy được vai trò quảng bá, kết nối với sự đa dạng, phong phú sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… của tỉnh Quảng Bình. Thêm vào đó, thông tin, hình ảnh sản phẩm được cập nhật chi tiết, giao diện thân thiện, dễ tiếp cận khách hàng.
Nhiều thương hiệu đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách, như: Nấm sạch Tuấn Linh; Tỏi đen; Đũa gỗ Quảng Thủy; Dầu lạc nguyên chất Trường Thủy; Bánh mè xát Tân An; Mật ong Tuyên Hóa; Đồ thủ công mỹ nghệ Vân Sơn; Thịt thỏ Ruby; Cá bờm trắng và Tôm khô Vương Đoàn; Khoai deo Như Mận; Nước mắm Xuân Hồng; Cao cà gai leo; Miến dong Sông Son... đưa thương hiệu nông sản Quảng Bình tới nhiều thị trường lớn, tiềm năng như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...
Nhất là trong Thời gian diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sàn TMĐT Quảng Bình đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến bán hàng, tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng như trong cả nước.
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Quảng Bình đã có những hoạt động thiết thực và hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành Sàn TMĐT.
Theo đó, năm 2021 Trung tâm đã: Thực hiện 01 phóng sự trên đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình nhằm tăng cường nâng cao khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong thương mại điện tử; Tổ chức 01 Hội thảo về đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho 50 đại biểu là cán bộ các Sở, ban, ngành liên quan và doanh nghiệp; Hỗ trợ xây dựng 05 Website bán hàng cho các doanh nghiệp thành viên Sàn TMĐT; Hỗ trợ 14 doanh nghiệp thành viên Sàn TMĐT áp dụng các giải pháp công nghệ số (mã QR code) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; Thực hiện nâng cấp cơ sở dữ liệu và các tính năng của Sàn TMĐT: Nâng cấp Sàn TMĐT Quảng Bình tương thích trên nền thiết bị di động, Nâng cấp giao diện và sửa lỗi cơ sở dữ liệu Sàn TMĐT tỉnh Quảng Bình; Phát triển doanh nghiệp tham gia Sàn TMĐT và cập nhật sản phẩm cho các doanh nghiệp...
Đến thời điểm này năm 2022 Trung tâm đã cử các cán bộ Ban quản lý Sàn TMĐT tham gia lớp tập huấn về kiến thức và kỹ năng TMĐT do Bộ Công Thương tổ chức; Đã hỗ trợ 08 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR code) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; Đã triển khai hoàn thành Đề án “Nâng cấp tính năng Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Bình” và đưa vào vận hành sử dụng với nhiều tính năng mới, trong đó có tính năng mua hàng trực tuyến.
Thời gian tới sẽ Tổ chức lớp tập huấn cho doanh nghiệp thành viên Sàn TMĐT tỉnh về nghiệp vụ, kỹ năng thao tác ứng dụng trong mua bán trực tuyến và chăm sóc khách hàng trên Sàn; Ban quản lý Sàn GDTMĐT tỉnh đang triển khai các thủ tục hỗ trợ xây dựng 05 “Gian hàng Việt trực tuyến” gồm các sản phẩm chủ lực, sản phẩm CNNT tiêu biểu, OCOP của 05 Doanh nghiệp trên Sàn TMĐT Shopee và Hỗ trợ doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh phát triển thương hiệu trên môi trường internet thông qua kênh truyền thông marketing trên nền tảng số…
Qua đó, Sàn TMĐT Quảng Bình đã thu hút trên 120 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trên Sàn. Công tác xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử thông qua tuyên truyền trên Đài phát thanh Truyền hình được quan tâm, chú trọng. Nhận thức của cán bộ làm công tác quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp về thương mại điện tử đã được nâng cao rõ rệt.
Việc ứng dụng thương mại điện tử tại các doanh nghiệp ngày càng được quan tâm. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website bán hàng; áp dụng các giải pháp công nghệ số (mã QR code) đã góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Các nội dung về quản lý, vận hành và phát triển Sàn TMĐT thường xuyên được chú trọng và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Nhằm tạo đòn bẩy để doanh nghiệp tham gia tích cực, có hiệu quả trong việc ứng dụng TMĐT, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4733/QĐ-UBND, ngày 15-12-2020 về việc phê duyệt kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch nhằm mục tiêu triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; tăng cường, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về TMĐT; đồng thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi ứng dụng TMĐT, xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Bình phấn đấu 80% website TMĐT của doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn có tích hợp bán hàng trực tuyến; 60% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT, tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%...
Kế hoạch cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của TMĐT, như: tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh không lành mạnh thông qua TMĐT; xây dựng thị trường, nâng cao lòng tin đối với người tiêu dùng trong TMĐT; đẩy mạnh TMĐT hỗ trợ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực; tuyên truyền, quảng bá nhận thức, hỗ trợ đào tạo về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT…