Quốc tế nổi bật: Châu Âu sẽ thành hợp chủng quốc?

Việc liên bang hóa khối EU sẽ khiến châu Âu trở nên giống như Mỹ với một chính phủ tập trung duy nhất, chính phủ này sẽ nắm quyền tối cao đối với các quốc gia thành viên.

Châu Âu sẽ thành hợp chủng quốc?

châu Âu
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Cộng hòa Czech Martin Dvorak

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Cộng hòa Czech Martin Dvorak vừa lên tiếng cho biết cấu trúc hiện tại của Liên minh châu Âu (EU) không mạnh nếu xét về dân số và tiềm lực kinh tế của mình. Ông Martin Dvorak đã đưa ra đề xuất, EU nên trở thành “Liên bang châu Âu hoặc Hợp chủng quốc châu Âu”, nhằm mục đích để EU có thể là “một đối tác thực sự bình đẳng trong cuộc chơi với Trung Quốc, Mỹ hoặc Nga và Ấn Độ”. Việc liên bang hóa khối EU sẽ khiến châu Âu trở nên giống như Mỹ với một chính phủ tập trung duy nhất, chính phủ này sẽ nắm quyền tối cao đối với các quốc gia thành viên.

Nga trả đũa Anh

Bộ Ngoại giao Nga
Bộ Ngoại giao Nga

Ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nước này áp đặt hạn chế đối với các nhà ngoại giao Anh, yêu cầu họ phải thông báo trước cho chính quyền Nga về bất kỳ kế hoạch nào bên ngoài bán kính 120km. Trước đó, Chính phủ Anh ngày 17/7 cho biết nước này đã bổ sung 14 cá nhân vào danh sách trừng phạt Nga, trong đó có Bộ trưởng Văn hóa Nga Olga Lyubimova và Bộ trưởng Giáo dục Nga Sergey Kravtsov.

Nga tố các cường quốc hạt nhân

Konstantin Gavrilov
Ông Konstantin Gavrilov

Ông Konstantin Gavrilov, người dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự cuộc đàm phán Vienna về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí cho biết Nga sẽ coi việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 có khả năng mang vũ khí hạt nhân cho Ukraine là mối đe dọa hạt nhân từ phương Tây. Theo ông Gavrilov, Nga đã thông báo cho các cường quốc hạt nhân, cụ thể là Mỹ, Anh và Pháp, rằng họ không thể bỏ qua sự thật rằng các máy bay chiến đấu F-16 có thể giúp cho Ukraine có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Iraq cắt đứt tạm thời quan hệ ngoại giao với Thuỵ Điển

Mohammed Shia al-Sudani
Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani vừa ra lệnh trục xuất đại sứ Thụy Điển, đồng thời quyết định rút Đại biện lâm thời nước này khỏi quốc gia Bắc Âu sau khi xảy ra vụ một người đàn ông Thuỵ Điển xúc phạm một bản sao Kinh Qur'an ở Stockholm. Thủ tướng Shia al-Sudani đã đưa ra thông báo cho người đồng cấp bên phía Thụy Điển rằng Iraq sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao nếu việc đốt Kinh Qur'an tiếp tục.

Thủ tướng Thái Lan kêu gọi người dân giữ thái độ bình tĩnh

Prayuth Chan-o-cha
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha

Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Thái Lan là ông Prayuth Chan-o-cha vừa đưa ra lời kêu gọi người dân giữ thái độ bình tĩnh và ôn hòa trong bối cảnh khá đông những người ủng hộ Chủ tịch Đảng Move Forward Pita Limjareonrat đã tập trung tại một số địa điểm ở thủ đô Bangkok để biểu tình phản đối quyết định của Quốc hội Thái Lan không cho phép ông Pita Limjareonrat được tái ứng cử. Trước đó, ngày 19/7, Quốc hội Thái Lan đã thảo luận và bỏ phiếu với tỷ lệ đa số không đồng ý để Chủ tịch Đảng Move Forward Pita Limjaroenrat được tái ứng cử trong cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng lần thứ 2. Quốc hội Thái Lan sẽ tiếp tục họp phiên toàn thể để bầu Thủ tướng mới vào ngày 27/7 tới.

Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp ông Kissinger

Henry Kissinger
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có cuộc tiếp đón cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Nhà khách Điếu Ngư Đài tại thủ đô Bắc Kinh. Từ năm 1971, ông Kissinger đã tới thăm Trung Quốc hơn 100 lần và chuyến thăm lần này cũng là chuyến đi đầu tiên của ông tới Trung Quốc kể từ sinh nhật 100 tuổi vào ngày 27/5. Trước khi gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Henry Kissinger đã có các cuộc gặp với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc là ông Vương Nghị và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc khi ở Bắc Kinh.

Mỹ bán tên lửa cho Đức

tên lửa không đối không
Tên lửa không đối không

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê duyệt thương vụ bán 969 tên lửa không đối không cho Đức với thỏa thuận trị giá 2,9 tỷ USD. Mục đích của thương vụ này cũng sẽ giúp nâng cao khả năng tương tác của không quân Đức với các lực lượng chung của Mỹ và các lực lượng khác trong khu vực và NATO. Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận, thương vụ được thông báo cho quốc hội Mỹ. Cơ quan này sẽ có 30 ngày để quyết định có chặn hợp đồng hay không.

Linh Đan