1/ Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng của Mỹ là Mike Pompeo sẽ gặp người đồng cấp bên phía Triều Tiên là Kim Yong-chol tại Washington (Mỹ) vào ngày 18/1. Nhưng trong khi đó bà Diana Kudhaib - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết các đặc phái viên của Mỹ và Triều Tiên đã tham dự một cuộc gặp cấp cao không được thông báo trước tại Stockholm, Thụy Điển.
2/ Ngày 18/1 tại miền Nam Thái Lan đã có 5 nhân viên kiểm soát quân sự và 2 cảnh sát đã bị thương nặng trong các vụ nổ bom xảy ra. Tình hình an ninh tại một số tỉnh miền Nam Thái Lan diễn biến phức tạp kể từ năm 2004 khi các phiến quân Hồi giáo thực hiện các cuộc tấn công nhằm lực lượng an ninh và dân thường. Cho tới nay, các cuộc tấn công do phiến quân thực hiện đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
3/ Hai tiêm kích Su-34 va chạm trên không khi bay trên Biển Nhật Bản. Phi công trên một máy bay đã phóng ghế thoát hiểm, nhưng số phận của cả hai kíp bay đều chưa được xác định. Quân đội Nga cho biết hai chiếc tiêm kích này gặp nạn sau khi quệt cánh vào nhau, nhưng không nêu nguyên nhân dẫn tới sự cố. Hai phi cơ này đang thực hiện chuyến bay huấn luyện trên biển và không mang theo bất cứ loại vũ khí nào.
4/ Ngày 18/1, cảnh sát Sudan đã bắn đạn thật vào đoàn người đưa tang bên ngoài ngôi nhà ông Moawia Othman - một người biểu tình 60 tuổi, người đã chết trước đó cùng ngày sau khi bị bắn từ đêm 17/1. Ủy ban Bác sỹ Sudan, một nhóm có liên kết với phe đối lập, cho biết có khoảng 2.000 người đã tụ tập xung quanh vùng Burri sau khi ông Moawia Othman đã bị bắn. Một trẻ em và một bác sỹ cũng đã bị bắn chết tại Burri trong cùng ngày.
5/ Trong cuộc họp của đảng trung hữu Tiến lên Italy (Forza Italia) tại Sardinia, ông Silvio Berlusconi (Cựu Thủ tướng Italy), 82 tuổi, nhấn mạnh mong muốn "mang tiếng nói của mình tới một châu Âu cần thay đổi, một châu Âu đã đánh mất tư duy sâu sắc về thế giới". Đề cập tới khía cạnh tuổi tác cao trong chiến dịch tranh cử vào EP sắp tới, ông Silvio Berlusconi coi đây như lợi thế của một chính khách lớn tuổi muốn nỗ lực bảo vệ các giá trị của châu Âu chống lại các cường quốc thế giới. Ông nêu rõ "với ý thức trách nhiệm, tôi quyết định (ứng cử vào Nghị viện) châu Âu, nơi tư duy sâu sắc về tương lai thế giới đang mất đi".
6/ Hàng trăm người di cư Honduras đã đến Guatemala, ngay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đang nỗ lực kêu gọi thúc đẩy xây dựng bức tường giữa biên giới Mỹ - Mexico. Đoàn người di cư khoảng 360 người, bao gồm các gia đình và nam giới cùng nhiều trẻ nhỏ đã vượt qua khu vực Agua Caliente, giáp biên giới Guatemala. Nhóm khác gồm 350 người Honduras di chuyển tới lãnh thổ Guatemala, nhưng bị buộc quay trở lại do giấy tờ không hợp pháp. Khoảng 300 di dân khác đi dọc theo đường cao tốc, trong khi khoảng 50 người tập trung tại quảng trường ở thủ đô của El Salvador với ý định tham gia cùng đoàn di cư. Thứ trưởng Ngoại giao của Honduras, Nelly Jerez, cho biết số người di cư khoảng từ 800 đến 1.000 người.
7/ Ngày 18/1, Quốc hội Thụy Điển đã phê chuẩn Thủ tướng Stefan Lofven, Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội, tiếp tục giữ cương vị lãnh đạo chính phủ trong nhiệm kỳ thứ 2, qua đó chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài hơn 4 tháng qua kể từ sau cuộc bầu cử hồi năm ngoái khi không đảng nào giành quá bán để tự thành lập chính phủ. Theo kết quả cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Lofven nhận được 115 phiếu ủng hộ, 153 phiếu chống và 77 phiếu trắng. Hiến pháp Thụy Điển quy định một ứng cử viên có thể đắc cử Thủ tướng nếu không vấp phải sự phản đối của đa số các nghị sĩ Quốc hội.
8/ Bà Mạnh Vãn Châu ra khỏi biệt thự trị giá 4,2 triệu USD, cổ chân đeo chiếc vòng định vị GPS, bước lên chiếc xe SUV màu đen bóng và phóng vút đi. Bà Mạnh Vãn Châu được phép đi đến bất cứ nơi đâu trong thành phố Vancouver, nhưng phải về nhà trước 23h đêm. Đó là cuộc sống của bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính Huawei Technologies, con gái của tỷ phú sáng lập tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc trong thời gian bị quản thúc tại Canada. Người phụ nữ này đang tận hưởng những ngày tháng giam lỏng trước khi bị dẫn độ sang Mỹ xét xử.
9/ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp vẫn sẽ duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria và Iraq bất chấp việc Mỹ có rút quân hay không tại những quốc gia này. "Pháp sẽ tiếp tục tham gia và các hoạt động quân sự ở đây cùng với liên quân chống khủng bố quốc tế trong thời gian tới, ít nhất trong năm 2019. Pháp muốn xác nhận rõ ràng rằng IS sẽ không còn là mối nguy hiểm, và không một người dân nào chịu tổn thất từ chúng thêm nữa" - ông Macron khẳng định.
10/ Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến cho Viện Gallup Korea công bố ngày 18/1, 47% trong số 1.002 người trưởng thành được hỏi cho biết họ ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in. Tỷ lệ này giảm 1% so với một tuần trước đó. Sự sụt giảm tỷ lệ ủng hộ đối với nhà lãnh đạo Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh người dân lo ngại sự phát triển kinh tế của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á có thể bị chậm lại do mức tăng lương tối thiểu quá cao của chính phủ, tăng 10,9% lên mức 8,350 won/giờ (7,50 USD) vào đầu năm 2019.