Quy mô thương mại điện tử tăng nhanh
Trong khuôn khổ sự kiện Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam được tổ chức sáng 20/4, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2021.
Báo cáo của VECOM cho biết, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có những bước tăng trưởng ấn tượng. Ước tính chung năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 hoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019. Báo cáo dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và đạt quy mô 15 tỷ USD.
Dẫn báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, VECOM nhấn mạnh, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD.
Liên quan tới bán lẻ hàng hóa trực tuyến, theo khảo sát của VECOM, sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 tăng 47%. Những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30% tới 60%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát thấp hơn so với tốc độ tăng sản lượng.
Năm 2020 dịch vụ tiếp thị số tăng trưởng chững lại một chút nhưng vẫn ở mức cao. Doanh số của lĩnh vực này năm 2010 khoảng 26 triệu USD, năm 2015 tăng lên 329 triệu USD. Theo báo cáo xu hướng tiếp thị số Việt Nam 2021, doanh số tiếp thị số năm 2019 là 716 triệu USD và dù gặp đại dịch Covid-19 nhưng con số này năm 2020 vẫn đạt 820 triệu USD và dự đoán năm 2021 sẽ tiến tới con số 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành VECOM đánh giá, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nay vẫn đang tập trung ở hai trung tâm kinh tế lớn nhất là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Xu hướng hiện nay và nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và được coi là lĩnh vực sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam.
"Người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn vào hàng hiệu, hàng giá trị cao hay tiết kiệm để mua sắm thiết yếu hơn đều là cơ hội cho nhà bán lẻ", lãnh đạo VECOM nhìn nhận về thị trường thương mại điện tử sắp tới.
Đồng quan điểm, ở góc độ đội ngũ vận hành một trang thương mại điện tử quy mô lớn trên thế giới, ông Trịnh Khắc Toàn, đại diện Amazon Global Selling Việt Nam cũng cho biết, tỷ trọng thương mại điện tử đang tăng mạnh.
“5 năm qua tăng trưởng của doanh số bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử thế giới tăng lên 22%, dự báo năm 2021 mức độ tăng trưởng hơn 20%", ông cho biết.
Thực tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử Amazon để kết nối với các nhà phân phối và tiếp cận 300 triệu người tiêu dùng khắp thế giới.
“Khi bán hàng trên Amazon, người bán hàng Việt cần tận dụng tối đa năng lực hoàn thiện đơn hàng đồng thời chú ý xây dựng thương hiệu ngay từ ngày đầu tiên khởi tạo bán hàng trên Amazon như thương hiệu gạo Ecoba, Trung Nguyên Legend...", ông Toàn nhấn mạnh.
Thúc đẩy giao dịch thương mại điện tử ở các địa phương
Về xếp hạng chỉ số thương mại điện tử giữa các địa phương, VECOM cho biết từ năm 2020, Chính phủ điện tử đã phát triển mạnh mẽ tại các địa phương, nhiều dịch vụ công trực tuyến liên quan đến thương mại điện tử do các bộ, ngành cung cấp. Khoảng cách Chính phủ điện tử giữa các tỉnh thành ngày càng được thu hẹp, do đó Hiệp hội sẽ ngừng sử dụng trụ cột về Giao dịch giữa Chính phủ với doanh nghiệp (G2B) khi tính Chỉ số thương mại điện tử.
Năm 2021, Chỉ số thương mại điện tử (EBI) sẽ được tổng hợp từ 3 tiêu chí gồm: nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông, giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp.
Báo cáo cho thấy điểm trung bình Chỉ số EBI 2021 của các địa phương là 8,5 điểm. Chỉ số này phản ánh rõ khoảng cách giữa các địa phương khi điểm trung bình của Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cách xa với các tỉnh, thành còn lại.
Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục đứng đầu về xếp hạng chỉ số thương mại điện tử với 67,6 điểm; Hà Nội xếp vị trí thứ 2 với 55,7 điểm. Đà Nẵng xếp vị trí thứ 3 với 19 điểm, cách một khoảng rất xa so với hai thành phố đứng đầu.
Top 5 các địa phương đứng đầu cũng có thay đổi so với năm trước khi Đồng Nai đã vươn lên vị trí thứ 5 ngay sau Bình Dương, với 11,14 điểm (năm ngoái đứng thứ 7). Hải Phòng từ xếp hạng thứ 3 xuống vị trí thứ 6.
Các địa phương thuộc khu vực phía Bắc và Tây Nam Bộ có mức độ phát triển thương mại điện tử thấp nhất khi đứng ở cuối bảng xếp hạng.
Chỉ số EBI trong những năm qua cho thấy mức độ chênh lệch về chỉ số thương mại điện tử giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chưa có nhiều dấu hiệu thay đổi.
“Điểm số trung bình của các địa phương còn lại rất thấp và không có sự chênh lệch đáng kể. Điều này cho thấy thứ hạng của nhóm thứ ba có ý nghĩa tương đối và có thể nhanh chóng thay đổi qua từng năm nếu các địa phương nỗ lực triển khai hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp triển khai thương mại điện tử”, VECOM bình luận.
Theo dự đoán của VECOM, 2021- 2025 sẽ là giai đoạn phát triển nhanh. Để đạt được mục tiêu các địa phương ngoài Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chiếm 50% giá trị giao dịch thương mại điện tử của toàn quốc thì cần có sự phối hợp chặt chẽ, hành động quyết liệt của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Online VOBF 2021) là sự kiện thường niên do Hiệp hội VECOM tổ chức. Với chủ đề "Chuyển đổi từ hôm nay", VOBF 2021 mang đến bức tranh toàn cảnh và những thông tin dự báo cho các doanh nghiệp thương mại điện tử có những chiến lược thay đổi để thích ứng, sinh tồn và phát triển.