TÓM TẮT:
Những năm gần đây, mua sắm trực tuyến không còn là khái niệm xa lạ với người tiêu dùng trong nước. Song song với cách mua sắm truyền thống thì người tiêu dùng hiện nay có xu hướng trải nghiệm mua sắm trên những nền tảng trực tuyến ngày một nhiều hơn. Thói quen của người tiêu dùng đang thay đổi đã góp phần mở ra những cơ hội mới về việc chiếm lĩnh thị phần đối với các doanh nghiệp (DN). Bài viết trao đổi về thực trạng và xu hướng phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam hiện nay, cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV), đồng thời đưa ra kiến nghị một số giải pháp tăng cường phát triển TMĐT cho khu vực doanh nghiệp này.
Từ khóa: thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
1. Đặt vấn đề
Theo định nghĩa của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), “TMĐT bao gồm việc sản xuất, phân phối, tiếp thị, bán hoặc giao hàng hóa và dịch vụ bằng phương tiện điện tử”. Còn tại Việt Nam, theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 16/5/2013 về TMĐT: “Hoạt động TMĐT là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”.
TMĐT là xu hướng của thời đại toàn cầu hóa, đây là lĩnh vực tiềm năng để các DNNVV sinh lợi và phát triển, cơ hội cho những ai muốn khởi nghiệp kinh doanh theo mô hình mới. Mô hình kinh doanh TMĐT được xem như một trong những giải pháp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
2. Thực trạng phát triển TMĐT tại Việt Nam hiện nay
Việt Nam là một trong những quốc gia đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển TMĐT. Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT năm 2019 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), năm 2019, Việt Nam có trên 64 triệu người dùng internet (chiếm 66% dân số), 62 triệu người dùng mạng xã hội (64% dân số), số thuê bao di động đạt 143 triệu trong đó 72% dân số sử dụng smartphone.
Cũng theo Bộ Công Thương, doanh số TMĐT bán lẻ B2C (Business to Customer - từ doanh nghiệp tới khách hàng) năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ lệ người tham gia mua sắm trực tuyến so sánh trên dân số đạt 42%. Với mức tăng trưởng ổn định được duy trì qua các năm, doanh thu bán lẻ trực tuyến năm 2020 dự tính sẽ đạt mốc 13,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới dự tính. Năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Các hoạt động sản xuất, cung ứng, thông thương,… đều bị đình trệ, gián đoạn và không ít DN đã phải tạm ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản hoặc thu hẹp quymô sản xuất. Trước bối cảnh của dịch Covid-19, nhiều DN Việt Nam đã tìm ra hướng đi, nhanh chóng triển khai những giải pháp để duy trì hoạt động, như: đẩy mạnh hoạt động trên thị trường TMĐT, cải thiện sản phẩm, chuyển đổi dịch vụ để phù hợp với thị trường, tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra.
Một thực tế rằng, khi xảy ra đại dịch, hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã thực hiện giãn cách xã hội. Điều này đã khiến nhiều người tiêu dùng thay đổi thói quen mua hàng, từ thương mại truyền thống sang mua bán trực tuyến, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, logistics thực hiện chuyển đổi số nhằm hỗ trợ giao hàng đến tận nhà, cải thiện chất lượng dịch vụ và nắm bắt cơ hội để TMĐT ngày càng phát triển. Các nhà bán lẻ uy tín nhất Việt Nam hiện nay có thể kể tên như VinMart, BigC, Saigon Co.op, AEON,... Đáng chú ý, các doanh nghiệp đều đang sử dụng song song cả 2 kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại, trong đó, hai năm gần đây, họ đặc biệt đầu tư kênh TMĐT, mua hàng tích điểm, tặng quà khi mua hàng và thanh toán online.
Hiện nay, TMĐT Việt Nam đang chứng kiến sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia châu Á khác, bằng cách đầu tư hàng chục triệu đô la Mỹ vào các sàn TMĐT Việt. Hai năm trở lại đây, thị trường đang chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ của các kênh bán lẻ online của Shopee, Tiki, Lazada, Sendo. Theo Bảng xếp hạng các DN TMĐT hàng đầu tại Việt Nam do iPrice insights cập nhật vào ngày 03/3/2020 cho thấy, Shopee Việt Nam tiếp tục dẫn đầu trong cả năm 2019 về lượng truy cập website (đạt trung bình 38 triệu lượt/tháng). Theo sau lần lượt là Sendo với 27,2 triệu lượt/tháng, Lazada với 27 triệu lượt/tháng và Tiki với 24,5 triệu lượt/tháng. Sự xuất hiện của các thương hiệu bán lẻ quốc tế khiến cho mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.
3. Cơ hội phát triển thương mại điện tử đối với các DNNVV Việt Nam
Với những dự báo về tiềm năng và sự hấp dẫn của thị trường TMĐT Việt Nam, cơ hội đối với các DNNVV tham gia bán lẻ trực tuyến là rất lớn, cụ thể:
Một là, tiềm năng thị trường bán lẻ trực tuyến rất lớn. Việt Nam hiện đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến, chi tiêu của nhóm này đang chiếm 1/3 chi tiêu TMĐT của người tiêu dùng. Tại các đô thị lớn, tỷ lệ người dân có sử dụng điện thoại lên đến 95%, trong đó 78% sử dụng smartphone, 30% dân số có xu hướng mua sắm trực tuyến, đạt mốc 350 USD/người/năm,… Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các DN, đặc biệt là DNNVV lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.
Hai là, điều kiện cho kênh bán lẻ trực tuyến phát triển ngày càng được quan tâm. Hiện nay, Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi để TMĐT phát triển. Một số vấn đề khác như chi phí logistics trong TMĐT tương đối cao, nhưng đang được cải thiện. Các đơn vị làm logistics hiện đang có những thay đổi lớn về mặt công nghệ để giảm giá thành.
Ba là, giảm chi phí cho DNNVV. Việc tiếp tục duy trì và mở thêm đại lý bán hàng truyền thống sẽ chỉ làm tăng chi phí vận hành cho DN. Trong khi đó, TMĐT có những lợi thế đặc biệt giành cho DNNVV, với chi phí thấp. Ví dụ, DN sử dụng TMĐT để kinh doanh có thể sử dụng bán hàng đa kênh, thuê các dịch vụ để quản lý hàng tồn kho, quản lý đơn hàng. Hiện nay, các mô hình bán hàng đa kênh như vậy cho phép kết nối các đơn vị vận chuyển, DN có thể sử dụng trọn gói quy trình xử lý đơn hàng của mình trên hệ thống và có thể giảm một nửa nhân sự.
Với DNNVV, do ít vốn, ít nhân lực, thậm chí là chưa có kinh nghiệm, cần sử dụng các loại công nghệ được thiết kế dành riêng cho những DN quy mô nhỏ để giảm chi phí, rút ngắn khả năng ứng dụng công nghệ, cũng như tăng khả năng cạnh tranh. Theo VECOM, DNNVV sẽ có chi phí giảm và khách hàng tăng lên. Khi đó, DN có cơ hội tăng lượng khách hàng và tăng doanh thu của chính mình.
Bốn là, các hình thức thanh toán trực tuyến thông qua thẻ ngân hàng, tài khoản thanh toán trực tuyến dạng như Paypal, Payoneer,… trở nên phổ biến rộng rãi hơn, các hình thức thanh toán trung gian thường gặp như Ngân Lượng, Bảo Kim, Momo, ZaloPay,… giúp cho người dùng thuận tiện hơn trong việc mua và bán, đồng thời tăng sức mua hàng và đơn hàng cho các shop bán hàng. Xu hướng thanh toán trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ khi có đến 21% các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ được thực hiện onine. Năm 2020 vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường cũng tạo cơ hội cho việc thanh toán trực tuyến bùng nổ khi việc thanh toán bằng tiền mặt có nhiều rủi ro lây lan virus.
4. Những khó khăn, thách thức khi phát triển TMĐT đối với DNNVV Việt Nam
Một là, mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt: Trong vài năm trở lại đây, với sự lên ngôi của TMĐT, thị trường bán lẻ tiêu dùng đã chứng kiến cuộc đua giữa các DN trong việc đầu tư vào công nghệ và phát triển kênh bán hàng online. Đặc biệt, sự xuất hiện của các thương hiệu bán lẻ quốc tế khiến mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong thời gian tới, cùng với sự gia tăng về quy mô, độ phức tạp của thị trường và chất lượng của các nhà cung cấp trên thị trường bán lẻ Việt Nam cũng sẽ tăng lên dưới sức ép của sự cạnh tranh gay gắt và sự hội nhập quốc tế ngày càng cao, đặc biệt sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.
Hai là, TMĐT không phải cuộc chơi ngắn hạn: Theo các chuyên gia kinh tế, TMĐT nói chung và bán lẻ trực tuyến nói riêng không thể kỳ vọng có lợi nhuận trong một vài tháng. DN phải xác định đó là cuộc chơi dài hạn, ít nhất phải 2 đến 3 năm. Cơ hội thành công chỉ đến khi DN đã xác định đây là cuộc chơi dài hạn để nghiêm túc đầu tư, ứng dụng công nghệ và hướng tới người tiêu dùng. Do vậy, khi chuyển sang kinh doanh trực tuyến thì các DN sẽ phải đầu tư thêm cho chi phí thiết kế, vận hành, duy trì website và các kênh bán hàng online.
Ba là, chi phí tham gia có xu hướng tăng: Chi phí bán hàng trên các sàn TMĐT có xu hướng tăng, phí chiết khấu tùy mặt hàng và mô hình, chưa bao gồm phí cố định cho từng sản phẩm. Mức phí cho các mô hình gian hàng chính hãng dành cho mô hình hộ kinh doanh hoặc công ty (LazMall, Shopee Mall, SenMall) cao hơn.
Bốn là, lòng tin người tiêu dùng: Các DN chưa thực sự tạo dựng được mức độ uy tín cần thiết để làm thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng. Vì phần lớn tâm lý người Việt vẫn có suy nghĩ phải được xem hàng hóa cụ thể, rồi mới quyết định tới việc trả tiền mua sắm.
Năm là, quản lý chất lượng sản phẩm trên sàn TMĐT: Thời gian qua, các sàn TMĐT đã quản lý sản phẩm đăng bán chặt hơn, yêu cầu giấy chứng nhận về sản phẩm, hình ảnh sản phẩm cụ thể và chi tiết hơn, việc rà soát sản phẩm đăng ký kèm với các chế tài xử phạt đã làm giảm đáng kể các sản phẩm kém chất lượng. Dựa trên các phản hồi của khách hàng, các quá trình xử lý đơn hàng của gian hàng đều có thể lọc ra các sản phẩm, gian hàng kém chất lượng. Trong khi đó, về phía DN, để được bán hàng và phát triển bán hàng lâu dài trên các sàn TMĐT cần có các nguồn hàng ổn định và đảm bảo chất lượng như đăng ký trên sàn TMĐT. Việc không chủ động sản phẩm và không đảm bảo chất lượng sản phẩm như mô tả sẽkhông những làm mất lòng tin của khách hàng với DN, mà còn ảnh hưởng tới uy tín các sàn TMĐT.
5. Một số khuyến nghị
Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức hiện tại, trong thời gian tới, các DNNVV cần chú trọng một số vấn đề sau:
Một là, lựa chọn các mô hình bán lẻ trực tuyến phù hợp theo nguồn lực và khả năng của mình. Tới đây, cần xây dựng và lựa chọn các kênh bán lẻ trực tuyến, như: Bán hàng trên website, bán hàng qua trang mạng xã hội,... Ngoài ra, DN cũng có thể lựa chọn kênh bán hàng qua hệ thống sàn TMĐT.
Hai là, sử dụng các ứng dụng bán hàng đa kênh từ các DN công nghệ thông tin để hỗ trợ việc quản lý đơn hàng và quản lý kho. Đối với TMĐT, nếu không tận dụng được sức mạnh công nghệ thì chi phí vận hành, quản lý rất cao và nhân tố tiện lợi không được đảm bảo, trong khi đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy người tiêu dùng mua trực tuyến.
Ba là, nâng cao kỹ năng quản trị của chủ DNNVV. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của hoạt động TMĐT nói chung và bán lẻ trực tuyến đối với các DN. Các chủ DN có thể tham gia các lớp học đào tạo về các quản trị, như: kỹ năng điều hành, kỹ năng quản trị tài chính, kỹ năng định hướng, lập kế hoạch,...
Bốn là, đào tạo các kỹ năng về TMĐT cho đội ngũ tham gia bán lẻ trực tuyến nhằm hướng đến sự phát triển bền vững, dài hơi. Hoạt động thương mại điện tử nói chung và bán lẻ trực tuyến nói riêng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, như: kỹ năng bán hàng, kỹ năng viết quảng cáo, kỹ năng quản trị, kỹ năng ngoại ngữ, nắm bắt công nghệ,… Do vậy, các DNNVV cần nhận thức và quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, trước mắt cần đào tạo những kỹ năng cơ bản nhất để có thể phục vụ tốt mục tiêu kinh doanh.
Năm là, xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với DN trên sàn TMĐT: Cần xây dựng chi tiết, mô tả cụ thể thông tin về sản phẩm, ngoài việc đăng ảnh, còn cần phảisử dụng các video/clip về sử dụng sản phẩm, tạo dựng uy tín dựa trên các phản hồi từ khách hàng đã mua hàng, đã trải nghiệm sản phẩm…; Cung cấp đầy đủ minh chứng về hàng hóa; Chủ động cho phép khách hàng lựa chọn nhiều đối tác giao hàng, thời gian giao hàng cũng như phương thức thanh toán;...
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2019), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2019.
- Chính phủ (2013), Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, ban hành ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử.
- Nguyễn Minh (2018), Bán lẻ online: Xu hướng thời công nghệ, Thời báo Ngân hàng, https://thoibaonganhang.vn/ban-le-online-xu-huong-thoi-cong-nghe-71844.html, cập nhật ngày 10/01/2018.
- Nguyễn Thu Hồng (2020), Xu thế kinh doanh bán hàng trực tuyến và những giải pháp phát triển trong tương lai, Tạp chí Công Thương http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/xu-the-kinh-doanh-ban-hang-truc-tuyen-va-nhung-giai-phap-phat-trien-trong-tuong-lai-72190.htm. cập nhật ngày 12/06/2020,
Developing the e-commerce market to help Vietnamese small and medium-sized enterprises ehance their competitiveness
Ph.D Dang Thi Bich Ngoc
Banking Academy
ABSTRACT:
Online shopping has become more popular these days. Besides traditional shopping, consumers tend to engage more in online purchases. The change in shopping behaviour creates new opportunities for enterprises to gain market share. This paper presents an overview on the e-commerce market in Vietnam, e-commerce development trends, and opportunities and challenges for small and medium-sized enterprises (SMEs). Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to support SMEs take advantage of the e-commerce market.
Keywords: e-commerce, competition, small and medium-sized enterprises.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 2 năm 2021]