Phóng viên TTXVN tại Trung Đông đưa tin, Saudi Arabia ngày 14/9 thông báo tạm ngừng sản xuất tại 2 cơ sở dầu mỏ của Aramco bị lực lượng Houthi tấn công. Việc gián đoạn sản xuất khiến sản lượng khai thác dầu mỏ của Aramco giảm khoảng một nửa.
Hãng thông tấn SPA dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết các cuộc tấn công đã khiến việc sản xuất tại 2 nhà máy Abqaia và Khurais phải tạm ngừng, khiến sản lượng dầu mỏ của Aramco giảm 50%.
Thông báo sau đó của Aramco xác nhận sản lượng dầu thô của công ty giảm 5,7 triệu thùng/ngày.
Giám đốc điều hành Aramco Amin Nasser cho biết công ty đang tiến hành khôi phục sản xuất và những tiến triển sẽ được “cập nhật” trong 2 ngày tới.
Trước đó cùng ngày, lực lượng Houthi tại Yemen thừa nhận thực hiện vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào 2 nhà máy của Aramco ở thành phố Abqaia và Khurais của Saudi Arabia.
Theo kênh truyền hình vệ tinh Al-Masirah của Houthi, lực lượng này đã mở một chiến dịch quy mô lớn gồm 10 máy bay không người lái nhằm vào 2 cơ sở dầu mỏ này.
Đại diện Houthi cảnh báo các cuộc tấn công sẽ khiến tình hình tại Saudi Arabia tồi tệ hơn và Riyadh phải chấm dứt tấn công nhằm vào Houthi tại Yemen.
Hình ảnh và các đoạn video trên mạng xã hội cho thấy các đám cháy lớn diễn ra tại Khurais, cách biên giới với Yemen hơn 500 km. Bộ Nội vụ Saudi Arabia cho biết các đám cháy tại cơ sở trên đã được khống chế.
Mặc dù Bộ Nội vụ Saudi Arabia cho biết nước này sẽ sớm khắc phục thiệt hại và nối lại hoạt động sản xuất dầu mỏ, nhưng giới chuyên gia đánh giá vụ tấn công có thể gây ra một cú sốc đối với thị trường năng lượng thế giới.
Những vụ tấn công như trên cũng dẫn đến những quan ngại về việc các cơ sở hạ tầng năng lượng của Saudi Arabia có thể tiếp tục bị tấn công trong tương lai.
Hồi tháng trước, Houthi thừa nhận thực hiện một vụ tấn công nhằm vào cơ sở hóa dầu của Aramco tại Shaybah, gần biên giới với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nhưng không gây thương vong.
Nhóm này cũng đã tấn công 2 trạm bơm dầu của đường ống dẫn dầu quan trọng tại Saudi Arabia, khiến 2 trạm này phải dừng hoạt động trong nhiều ngày.
Kể từ năm 2014, theo đề nghị của chính quyền Yemen, Saudi Arabia đã thành lập và lãnh đạo liên minh quân sự Arab để chống lại lực lượng Houthi, hỗ trợ chính phủ lưu vong được cộng đồng quốc tế công nhận của Tổng thống Yemen Mansour Hadi.
Cuộc chiến ở Yemen đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, đẩy đất nước này rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới, với 24,1 triệu người - hơn 2/3 dân số nước này - đang cần được viện trợ khẩn cấp./.